Phóng sự.
Tượng đài Tết Mậu Thân 1968 tại giao lộ QL.26 và QL.27 phía đông thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh DakLak >>>
Tết Thanh Minh: Chủ nhật mồng Bảy tháng Ba ÂL năm Giáp Ngọ 2014. Gần như tất thảy người Việt tập trung về nhà thờ dòng họ để cúng bái Tiên Tổ và đi Tảo mộ. Những người đàn ông (là những thân Đinh) không có mộ phần nhân thân nội tộc nào tại các Nghĩa trang nơi sinh sống, thì thường thắp nhang trên bàn thờ Gia Tiên, rồi dóng xe đi theo nỗi tâm linh.
Những người lính đã một thời trận mạc, đã từng lặn lội tìm kiếm hài cốt đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến địa. Có người được toại nguyện, có người lủi thủi, lặng lẽ về không. Thì ngày này và một vài ngày trong năm (27/7; ngày “Nó” hy sinh; Tết Nguyên Đán) chẳng ai bảo ai, thường tới Nghĩa trang Liệt sỹ với tấm lòng thành kính.
Giao lộ –nơi tiếp nối QL.26 và QL.27, trước đây thường được gọi nôm na là ngã 3 cây số 5; ngã 3 Hòa Bình. Thì nay được gọi là ngã 3 Tượng đài Mậu Thân 68. Hôm nay cũng rộn rịp người thăm viếng. Người này ngửa cổ ngước nhìn bức tượng cao sừng sững. Nhóm khác chăm chú quan sát ba lớp phù điêu phía sau. Số không ít người chăm chú đọc, viết lại từng chữ.
Thêm một người Cựu chiến binh nữa đứng lặng hồi lâu trước khuôn viên Tượng đài, rồi chậm rãi bước vào. Bước chân của ông nhẹ nhàng, thận trọng như cố giữ cho không gian trầm mặc của Tượng đài luôn tĩnh lặng.
Hết đi từ trước ra sau, ngó trái, ngắm phải, rồi vòng một lượt quanh quần thể Tượng đài. Trở lại vòng thứ hai, dừng lại trước ba lớp đá hoa cương màu thẫm (biểu trưng của màu máu khô) nổi bật lời khắc cốt ghi tâm: “TỔ QUỐC MÃI MÃI GHI CÔNG…” cùng lời chú giải. Tất cả các chữ đều một màu vàng rực dưới Quốc huy. Người cựu binh hí hoáy ghi những dòng chữ “Vàng” vào cuốn sổ nhỏ. Bất chợt ngoảnh lại thì tình cờ bắt gặp một chiếc áo lính cũ khác đứng sau từ lúc nào.
Hai người chào hỏi xã giao.
Sắc áo lính và âm giọng của vùng quê lưu vực sông Hồng, chẳng mấy chốc giúp họ nhận ra nhau là bạn đồng niên, quê Cha đất Tổ cách nhau một con sông huyền thoại: kẻ Thái Bình, người Nam Định
Và vô tình gặp nhau.
Tuy cùng tuổi, cùng lứa “Xẻ dọc Trường sơn…” nhưng hai người thuộc hai lớp: “Mậu Thân và Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị!”
Hai người kéo nhau ngồi xuống bậc tam cấp dưới bóng nắng đổ dài của bức Tượng đài.
Biết người bạn đồng niên đang mầy mò, vần vò con chữ để viết sách, viết báo, thì người cựu binh lớp trước lên tiếng:
- Trước Tết Mậu Thân, mình đã có mặt ở chiến trường này và “trụ” ở đây miết đến bay giờ. Nhưng hai năm vừa rồi phải chứng kiến hai cảnh trái ngang, ức đến phát khóc lên được mà lực bất tòng tâm quá ông ơi!
- Là chuyện gì mà đến mức vậy, hả anh?
- Chuyện thứ nhất: Sau bao lần phản ánh, báo cáo ở các cuộc họp, tiếp xúc cử tri. Đến giữa năm 2012, người ta mới tổ khai quật hố chôn tập thể từ Tết Mậu Thân. Chỉ ngó nghiêng qua quýt rồi phán một câu xanh rờn: “Toàn là thường dân và số ít là lính Việt Nam Cộng hòa nên mới chôn ở nghĩa địa tôn giáo!” Thế là dấn hết cả mấy chục hài cốt ra nghĩa trang thành phố. Những “thằng” như anh em mình, những người đã từng hoạt động thời đó đều thấy vô cùng ấm ức, không thỏa mãn chút nào. Nhưng biết sao! Lực bất tòng tâm, rầu quá xá! Chuyện thư hai là: Ba Liệt sỹ của Trung đoàn 40 (E40 chiến đấu tại địa bàn DakLak) hy sinh ngày 16, ngày 19 và 20 tháng 11 năm 1969 (trong chiến đấu) được mai táng cùng một địa điểm. Mặc dù đã có đơn của gia đình Liệt sỹ, đơn của người trực tiếp mai táng và có cả “Công văn V/v cung cấp thông tin của cấp Quân đoàn” nói rõ địa danh, tọa độ mai táng của ba Liệt sỹ, cùng lời đề nghị cơ quan Quân sự địa phương “..tiến hành xác minh, tìm kiếm, quy tập…” Thế mà từ đầu mùa khô năm ngoái (tháng 11 năm 2013) rồi hết mùa khô năm 2014, nay đã sắp sang mùa mưa mà “họ” vẫn “Án binh bất động; Biết rồi để đó; Xin chờ; Sẽ tiến hành; …”
Hai người Cựu chiến binh cùng im lặng, cùng buông một tiếng thở dài, cùng dõi mắt đến một chốn xa vời.
Nắng sớm như dát vàng trên khuôn viên Tượng đài. Gió Cao nguyên nhè nhẹ vuốt ve cành lá. Lời của gió, lời hoa lá êm nhẹ như tiếng vọng về từ miền thâm u. Lại như để san sẻ an ủi tấc lòng sâu nặng ngậm ngùi.
Chẳng mấy ai để ý đến hai người Cựu chiến binh ngồi ở bấc tam cấp dưới bóng Tượng đài. đang trĩu nặng nỗi lòng,
Phải chăng cả hai đang nghĩ đến một thực tế chua xót: “Môn Lịch sử là môn tự chọn trong kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Trung học năm 2014 này và đã có trường không có học sinh nào chọn thi – tỷ lệ 0% tròn vành vạnh..
Phía sau bức Tượng đài là mạng dây điện cao thế chạy ngang.
Lịch sử và cuộc sống đương đại.
Các loại xe ôtô, xe máy hối hả xuôi ngược trên QL.26 phía trước và QL.27 phía bên trái Tượng đài. Tiếng động cơ, tiếng còi xe, cùng tiếng nói cười âm vang, dài mãi.
Cuộc sống đang hối hả theo dòng chảy thời gian.
Từ chiếc loa thùng của người đẩy xe bán rong các loại băng đĩa, kính mát và đồ tạp hóa, một giọng ca sâu lắng “..nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ..
Theo bước chân lần hồi của kiếm sống, chiếc xe bán hàng rong đỗ lại bên mấy bàn bán nước giả khát “dã chiến” dưới bóng cây trước cửa khuôn viên Tượng đài.
Tiếng ca từ chiếc lao hết “Có một bài ca không bao giờ quên là lời đất nước không một chút nào yên…
Hai bóng áo lính cũ lặng lẽ đứng dậy, lặng lẽ quay đi, lặng lẽ chấm nước mắt. Cả hai cùng đi về phía có tiếng hát, dừng lại chọn mua mỗi người chục đĩa. Người bán hàng rong với một con mắt bị hỏng và một bên chân cà nhắc khuyến mại cho mỗi người thêm một đĩa. Và cũng rút ba nén hương, thận trọng bước vào khuôn viên Tượng đài.
BMT tháng 4 năm 2014
Thông tin tác giả: Hữu Hằng
Tên thật: Trần Đình Hằng
Đ/c: 35 Đinh Tiên Hoàng BMT DakLak
D/đ: 01278 959 399. Email: nguyetlangthon@yahoo.com.vn