Tôi thấy bố tôi hay hát bài Nông dân là quân chủ lực mỗi khi cụ khoái chí việc gì đấy. Tôi hỏi bố:
- Bố mê bài hát ấy nhỉ. Tại sao nông dân là quân chủ lực, con tưởng là công nhân mới là giai cấp lãnh đạo, quân chủ lực chứ bố ?.
Bố tôi khề khà nói:
- “Đồng chí” con nói rất đúng nhưng đồng chí con không biết thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài hát này ra đời vào thời kì đó. Chúng tôi đi đánh nhau hay hát nên bây giờ thành quen.
- Nhưng mà sao hồi ấy lại gọi nông dân là quân chủ lực.
- Thế này, để tôi giải thích cho anh nghe. Ngày ấy vùng nông thôn rộng lớn là hậu phương của kháng chiến nào bộ đội cũng là con em nông dân, dân công cũng nông dân, lương thảo nông dân cung cấp. doanh trại là nhà nông dân. Nói trắng phớ ra là nếu không có nông dân thì cuộc kháng chiến ấy khó thành công.
- Dân mình bao nhiêu đâu chỉ nông dân hở bố.
- Dạ thưa đồng chí hồi ấy Pháp chiếm đóng hầu hết vùng đồng bằng và thành thị còn trung du miền núi là vùng tự do. Lực lượng công nhân của ta mỏng dính chả ăn thua gì. Nên tất tần tật đều trông vào nông dân.
- Thế còn bây giờ nông dân vẫn là quân chủ lực chứ bố ?
- Anh lại nhầm rồi, bây giờ chả ai là chủ lực, công nhân thì làm cho nước ngoài phải nghe lời ông chủ, nông dân thì chả mấy coi trọng vì không làm ra tiền. Đất đai bờ xôi ruộng mật thì chỗ khu công nghiệp, chỗ sân gôn nên có ruộng đâu mà canh tác. Nông dân bây giờ hóa ra thất nghiệp.
- Thế thì ai là chủ lực ?
- Con buôn là chủ lưc, “phi thương bất phú” mà lị. Nhà nước chỉ quý ai kiếm ra tiền thôi con, họ lấy của nông dân cho ông doanh nghiệp. Nông dân bị ép tới số. Mua của nông dân rẻ như bèo rồi bán lại cát cổ. Đấy con xem mấy chỗ đô thị, sân gôn họ đều làm thế.
- Bố ơi, con học thấy sách nói liên minh công nông thế bây giờ ra sao ?
- Này anh Cù Là Buồn, tất cả xưa rồi.
- Thế sao bố vẫn hát bài ngày xưa đấy thôi ?
- Thì bố nhớ cái thời bố đi đánh Tây, lúc ấy nông dân là quân chủ lực.
- Còn bây giờ ?
Bố tôi im lặng hồi lâu, đôi mắt ông đượm buồn :
- Bây giờ nông dân là quân….bất lực con ạ,,,,