Một niềm kính yêu xin gởi đến chú Nguyễn Ngọc Tô và cô Nguyễn Tường Vân.
Vào mạng nghe lại tuồng cải lương xưa “ Đoạn Tuyệt”, tiểu thuyết Nhất Linh, còn soạn giả nào chuyển thể thì lâu quá tôi không nhớ. Tưởng không cần lược truyện. Vụ án giết chồng : Cô Loan là vợ của anh Thân, tay cầm dao rọc giấy đâm chết chồng, nhân chứng, vật chứng đều có đủ……. Thời năm 1965 – 1970 ở miền Nam tivi rất hiếm, khi đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga chiều thứ bảy hát lại tuồng nầy thì các nhà trong xóm có truyền hình chật nức người…. Để xem nữ nghệ sĩ Phùng Há đóng vai luật sư bào chữa cho cô Loan, một nạn nhân của xã hội thời ấy…. nữ nghệ sĩ cô Năm Sa Đéc (phu nhân của Vương Hồng Sển, cựu Giám đốc Bảo Tàng Sài Gòn) đóng vai bà Phán….. từ dáng điệu, gương mặt, lời bào chữa hùng hồn của cô Phùng Há, tôi lúc ấy 12,13 tuổi nín thở, há hốc mồm ra nghe…. Hay quá. Sau cùng cô Loan trắng án…… Chuyện ấy xảy ra thời Pháp thuộc, dân trí của nước ta rất kém, học hành không được mấy người…. cô Loan lại là trong số ít, nhà nghèo lại được học, nên không chịu được cảnh phụ nữ bị áp bức, chính vì thế mới bị nhà chồng ghét bỏ, thù hiềm..…….
Khi học trung học, được thầy cô giáo tổ chức các buổi thảo luận về các tiểu thuyết : Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng Xuân, Hồn Bướm Mơ Tiên …… thấy đươc thêm ít điều. Lúc ấy đất nước chiến tranh, ngoài cái ăn, cái mặc là phải học, cố gắng học, chỉ có học được lên lớp hàng năm, thi là là phải đậu. Rớt là đi lính ngay. Rớt Tú Tài 1 là đi Đồng Đế (Nha Trang), rớt Tú Tài 2 là đi Thủ Đức…… Rồi những bất công của xã hội liên tiếp xảy ra , chiến tranh loạn lạc, tệ nạn tham nhũng tràn lan ………
May quá, đến ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, các bất công nghĩ rằng sẽ tan biến đi…. Nào ngờ :
Nhân ngày thương binh – liệt sĩ 27-7.
CON CỦA MỘT NGƯỜI ANH HÙNG
MƯỜI NĂM ĐI TÌM CÔNG LÝ
Hơn 40 năm trước, khi Pháp đưa tàu chiến đổ bộ vào Sầm Sơn , Thanh Hoá, chị Nguyễn Thị Lợi (bí danh A.15) tình nguyện ôm bom đánh đấm tàu giặc. Chị đã gởi lại cho đồng đội đứa con gái duy nhất của mình là Nguyễn Tường Vân, bốn tuổi trước khi ra đi. Rạng sáng ngày 30-7-1950, chiến hạm Amyot- D’ Inville của hải quân Pháp đã nổ tung, chìm xuống đáy biển mang theo 200 lính viễn chinh Pháp và cả người lính trẻ của Biệt đội cảm tử Công an bắc bộ. Đảng và nhà nước đã truy thăng cho chị Nguyễn Thị Lợi là Anh hùng liệt sĩ dũng cảm của lực lượng công an vũ trang.
Câu chuyện về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi là một trang sử vẽ vang của ngành công an vũ trang đã có khá nhiều sách, báo và phim về chiến công đánh đắm tàu giặc nầy… Nhưng còn Nguyễn Tường Vân con của người nữ anh hùng ấy hiện giờ làm gì ? Ở đâu ?
Năm 1978, gia đình chị Nguyễn Tường Vân chuyển vào Sài Gòn sinh sống, chồng chị anh Nguyễn Ngọc Tô nguyên là cán bộ giảng dạy trường Đại học nông nghiệp trung ương, được một người bạn cũ cho một căn nhà số 44/9 Ngô Tùng Châu, phường 6 quận Bình Thạnh để ở, vì nhà quá rộng mà gia đình chỉ có 5 người nên anh chị Tô – Vân đã đề nghị Quận cho đổi căn nhà trên để lấy nhà số 243 Lê Quang Định, phường 7- Bình Thạnh. Với số vốn nhỏ chắt chiu gần 20 năm công tác, anh chị Tô – Vân đã mở cơ sở sản xuất, gia công túi ny lông cho quân đội. Cuộc sống tưởng như ổn định của một gia đình nhỏ chỉ biết tảo tần làm ăn, nhưng rồi … năm 1982, ông Nguyễn Xuân Cát được điều về làm bí thư phường 7, ông có ý định kiếm 1 căn nhà mặt tiền và ông đã chọn ngay căn nhà 243 Lê Quang Định, ông Cát nhờ Trần Tuấn Kiệt, nhân viên phòng nhà đất quận đến mượn toàn bộ hồ sơ nhà của gia đình chị Vân và giử luôn. Khi chị Vân hỏi để lấy lại hồ sơ nhà thì ông Cát tuyên bố :”Căn nhà 243 là của nhà nước, gia đình chị Vân phải dọn đi vì đã chiếm dụng bất hợp pháp ! Tháng 5 -1982, anh Tô bị bắt đi dù không hế có lệnh bắt. Mặc cho chị Vân kêu la, van nài, chồng chị vẫn bị tống vào trại giam Băng Ky sau đó được chuyển đi cải tạo ở Sông Bé. Với 255 ngày tù tội mà không biết mình bị tội gì, mãi đến trước ngày được trả tự do anh mới nghe người ta nói tội danh của anh là :”Chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và chống người thi hành công vụ”. Ra tù, nhà mất, tư liệu sản xuất mất, danh dự cũng mất, gia đình Tô – Vân đội đơn đi khắp nơi, từ trung ương đến thành phố xin được xét xử đúng. Rồi anh Tô cũng được xử sơ thẩm cấp quận với lời tuyên án 8 tháng tù giam về tội chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và chống người thi hành công vụ. Anh Tô chống án, toà phúc thẩm vẫn y án ! Anh vẫn tiếp tục gồng gánh gia đình đi kêu oan. Mãi đến tháng 4 – 1987 Toà án nhân dân tối cao mới ra bản án giám đốc thẩm số 39 ký ngày 29/4/1987 huỷ bỏ bản án sơ phúc thẩm và tuyên bố công dân Nguyễn Ngọc Tô không có tội.
Đến thăm gia đình chị Nguyễn Tường Vân tại một căn nhà nhỏ rách nát, chiều ngang chưa đầy ba thước, do quận đền bù sau khi Toà xử trắng án, chúng tôi thấy cả gia đình quây quần dán cặp cho một cơ sở. Chị Vân cho biết dán 200 chiếc thì kiếm được 3000 đồng, làm từ sáng đến tối chỉ được 100 chiếc, đó là nguồn sống duy nhất của gia đình chị. Ngồi trò chuyện với chúng tôi mà anh là người lính mở đường 559B (đường Trường sơn năm xưa) rấm rứt khóc :”Tôi không hiểu mình có tội tình gì mà phải chịu tám tháng tù oan uổng. Hợp đồng thuê nhà và biên lai đóng tiền nhà từ tháng 5 – 1979 đến tháng 6 – 1981 chúng tôi vẫn còn giử đây, sao lại nói chúng tôi chiếm đoạt ? Bây giờ Toà Giám đốc thẩm tuyên tôi trắng án sao không trả lại nhà và đền bù tư liệu sản xuất cho tôi ? Được biết, năm 1981 sau khi trục xuất được gia đình chị Vân và đưa được anh Tô vào tù, ông Cát đã đệ đơn xin ngay căn nhà 243 Lê Quang Định, nhưng quận không đồng ý vì ông Cát đã bộc lộ ý định chiếm nhà quá lộ liễu, nhưng cuối cùng ông Cát cũng được cấp một căn nhà mặt tiền cách đó vài căn.
Trời đã quá trưa, gia đình chị Vân vẫn chưa dùng cơm. Chị Vân ứa nước mắt, từ sáng đến giờ cố làm xong lô hàng giao cho người ta mới lãnh được tiền mua gạo. Lắm lúc chị phải gởi nhờ ba đứa con nhỏ đi ăn cơm hàng xóm, còn anh và chị vì sĩ diện đành ở nhà chịu đói. Với thân hình gầy gò, mười năm đội đơn đi khắp nơi minh oan cho chồng, chị Vân lại mang thêm nhiều thứ bệnh như lao phổi,thận … nhưng chạy chữa thì tiền đâu ? Chúng tôi không cầm được nước mắt. Khi ra đi quyết tử vì tổ quốc, nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đã an tâm gởi lại giọt máu của mình lại cho đồng đội nuôi nấng, đâu ngờ 40 năm sau con chị bị đối xử như thế nầy. Nhớ về những anh hùng liệt sĩ, xin đừng quên những gì họ nâng niu cùng những gì họ gửi lại. Còn bao nhiêu người phải chịu cảnh bất công như gia đình Tô – Vân mà ta chưa biết đến ? Ai sẽ chịu trách nhiệm trước công lý và trách nhiệm giải quyết những bi kịch như bi kịch gia đình nầy ?
BÌNH NGUYÊN Báo Tuổi Trẻ ngày thứ năm ngày 25-7-1991
NGUYỄN THỊ LỢI, nữ anh hùng Công an nhân dân.
……………………………………………………………………………………………..
Trước nhiệm vụ vinh quang, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với đồng chí Hoàng Đạo: “Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi”. Trong thư, bà viết: “Tôi Nguyễn Thị Lợi quê Phú Châu – Châu Đốc. Chiến sĩ tình báo xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà…”. Phần tái bút, bà dành riêng cho Hoàng Đạo: “Cảm ơn anh đã cưu mang em, đưa em từ một người con gái bất hạnh về với cách mạng và vinh dự được đứng trong đội ngũ điệp báo. Có thể cuộc chia tay này là sự ra đi mãi mãi nên em có lời cầu mong anh sau này… hãy tìm lại người con gái đầu tiên của em và thay em nuôi dạy nó nên người ”. Xúc động nghẹn ngào trước tấm lòng và ý chí quyết tâm của người đồng chí, Hoàng Đạo nắm chặt tay Nguyễn Thị Lợi và nói: “Cảm ơn em - nữ đồng chí kiên trung. Ngày mai bắt đầu vào trận đánh, nếu như trận này thắng lợi thì đó là chiến công lịch sử mà em là người quyết định cho thắng lợi này”.
Ghi nhận chiến công của bà, ngày 3-8-1995, Nhà nước ta truy tặng cho nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. Tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Lợi được dựng trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa với niềm tin luôn phù hộ cho cán bộ, chiến sĩ Công an tiếp nối truyền thống, lập nhiều chiến công. Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) có một trường cấp ba và con đường mang tên Nguyễn Thị Lợi.
Quê hương An Giang tự hào sinh ra, nuôi dưỡng và đóng góp cho cách mạng nói chung, lực lượng CAND nói riêng, người nữ anh hùng tiêu biểu. Tên bà đã ghi vào lịch sử, vào truyền thống hào hùng của lực lượng CAND Việt Nam, soi đường cho lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ cả nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ Công an An Giang nói riêng tiếp bước.
Theo Báo An Giang 21/9/2013 Th.S THUẬN THẢO- Th.S PHƯƠNG AN
(Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Bà Nguyễn Thị Lợi là đại anh hùng, là đại liệt sĩ. Chuyện của bà được viết thành sách, dựng phim và cả tượng đài nữa…. Thế mà con gái của bà vẫn bị những người mà cô Tường vân và Nguyễn Ngọc Tô gọi là đồng chí đối xử như thế ấy.
Kế đây, đại án oan mà người gây ra, chức vụ rất cao đến cấp Thứ trưởng :
TRỞ LẠI VỤ ÁN 51,8 TẤN BỘT NGỌT
CHÚNG TÔI CÓ TỘI TÌNH GÌ ?
Lời toà soạn : Ngày 30-3-1991 Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả cuộc thanh tra vụ mất 51,8 tấn bột ngọt ở nhà máy bột ngọt Thiên Hương ;: khi phát hiện hụt số lượng , ông nguyễn Thiện luân khi ấy là Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp kiêm Giám đốc nhà máy bột ngọt Thiên Hương cùng một số người trong Ban giám đốc đã vu khống cho 4 công nhân ăn cắp, do đó họ bị tù nhiều năm. Trong khi ấy đồng chí Nguyễn Thiện Luân được lên chức Thứ trưởng. Đầu tháng 4 năm 1991 các đồng chí có liên quan trong vụ vu khống không nhất trí với kết luận của thanh tra. Từ 17-6 đến 6-8, Tổng thanh tra nhà nước kiểm tra toàn bộ chứng cứ vụ thanh tra và kết luận những sai phạm của các cán bộ liên quan:
1/- Cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế và báo cáo sai sự thật về tình hình sản xuất của nhà máy .
2/- Vu khống một số người trong đó có 4 người bị bắt giam.
3/- Trù dập cán bộ - nhân viên để tìm cách che dấu sự thật về vụ 51,8 tấn bột ngọt.
Tổng thanh tra nhà nước đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét và quyết định về kiến nghị của Thanh tra thành phố ; đề nghị cách chức những cán bộ có liên quan. Thanh tra đã chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các nạn nhân của họ đón tin nầy như thế nào ? Chúng tôi đã đến thăm gia đình hai nạn nhân của vụ vu khống là bà Nguyễn Thị Ao, cựu thủ kho và ông Sú Chí Sấm cựu quản đốc phân xưởng tinh chế ( hai người bị tù oan 31 tháng ) của nhà máy bột ngọt Thiên Hương.
Căn nhà của ông Sú Chí Sấm mang số 15 A đường Lạc Long Quân, quận 11, nằm trong một con hẽm ngoằn ngèo của khu phố nghèo thuộc phường 5. Chúng tôi đến sau một cơn mưa , nước còn nhỏ tí tách từ trên nhà xuống, nền ngập nước lấp xấp. Ông Sấm đi vắng, các con trai ông Sú Hỉ Lương 18 tuổi, Sú Hỉ Đồng 17 tuổi vui mừng hỏi dồn dập :”Ba chúng tôi có được giải oan không ?. Sú Hỉ Lương rơm rớm nước mắt kể lại nỗi tủi nhục của gia đình khi ông Sấm bị bắt, ngày 26-5-1983 : “Lúc ấy tôi 9 tuổi, em tôi 8 tuổi cùng học lớp 4 , bị một số bạn tinh quái hỏi thẳng :”Ba mầy có ăn cắp bột ngọt không ?” Tôi sợ quá, ôm em khóc sướt mướt ở sân trường. Câu hỏi ấy lập đi lập lại nhiều ngày . Chúng tôi buồn quá, bỏ học. Mẹ tôi thức khuya dậy sớm đi bán hàng. Tôi ở nhà nấu cơm, em tôi đi chợ. Mỗi lần chúng tôi bước ra khỏi nhà đều nghe bạn đồng tuổi lối xóm nói :”Ba nó ăn cắp bột ngọt nhiều lắm”. Chúng tôi khổ quá chừng, suốt ngày ru rú trong nhà . Chúng tôi có tội tình gì ! Sú Hỉ Đồng kể tiếp :”Sau tai hoạ ấy, một năm sau hai anh em mới có thể đi học trở lại …”
Ở tù về ông Sấm đi làm thuê cho một người quen sản xuất nước tương. Cách đây mấy tháng ông trở lại làm nghề bột ngọt ở quận 3. Cuộc sống của họ khá hơn, nhưng vết thương trong tâm hồn họ vẫn còn đó .
Còn các con của chị Ao cũng có những vết thương tinh thần như thế, nhưng có lẽ nặng hơn. Nhà của gia đình chị Ao ở xóm 4 ấp 4, xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn, mái lợp ngói thô, hai gian, một chái , ở giữa ngôi vườn lưa thưa cây trái, cách quốc lộ khoảng 1000 mét. Dương Bảo Quốc 18 tuổi con trai của chị Ao cho biết chị bị suy tim, viêm thần kinh trái, một tai bị lãng, đó là hậu quả của những tháng ngày bị tù oan ? Hàng ngày chị Ao đi bộ vài cây số đến nhà một người bạn để phụ bán hàng đấp đổi qua ngày. Tôi hỏi Quốc :”Khi nghe kết luận của Tổng thanh tra nhà nước về vụ án 51,8 tấn bột ngọt, bạn nghĩ thế nào ? Quốc nói bệu bạo trong nước mắt :”Vui, vui lắm. Cám ơn những vị Bao Công thời nay. Nhưng bao giờ nổi oan của chúng tôi được giải ? Mẹ tôi bị bắt được vài ngày, lúc ấy tôi 9 tuổi, theo thói quen ngày 1/6 hàng năm tôi vào nhà máy, bà bảo vệ cổng không cho. Tôi đứng tần ngần nhìn bạn bè mặc quần áo mới vào dự lễ, nước mắt chảy tự bao giờ tôi không biết . Tôi chạy vụt về nhà. Tôi có tội tình gì ? Từ đó nổi đau ấy cứ lởn vởn trong tôi. Năm ngoái tôi học lớp 11, trong 1 giờ đạo đức về bài pháp luật, thầy giảng :”Pháp luật phải nghiêm minh” . Tôi muốn đứng dậy gào to :”Pháp luật đối với mẹ tôi như thế nào ? Tôi dằn kịp, nói để làm gì !
Chúng tôi đang nói chuyện thì chị Ao, anh Dương Thái Công (chồng chị Ao) và con gái út của anh chị : Dương Thị Kim Nga (13 tuổi) cùng về. Nghe anh kể chuyện, bé Kim Nga xen vào :”Dạo ấy …” mới nói 2 tiếng mà bé khóc tấm tức :”Dạo ấy… em 4 tuổi, thấy người ta dẫn mẹ đi cứ ôm chặt riết chân mẹ, không cho mẹ đi. Mẹ em gỡ tay ra nói :”Mẹ đi vài bửa mẹ về “. Em chờ hoài không thấy, hỏi các chị mẹ đi đâu ? Chị trả lời : Mai mẹ về. Em chờ, chờ hoài. Ban đêm các chị em ôm nhau ngủ. Em thức dậy thấy 2 chị ngồi khóc. Em hỏi các chị nói có chuyện buồn. Mãi cho đến năm học lớp 2 em mới biết mẹ ở tù vì bị bắt oan. Em vào thăm mẹ trong tù, nắm tay mẹ biểu mẹ về. Mẹ em khóc oà. Em khóc theo. Năm ngoái có 1 cô dạy em học giảng bài nói về từ vu khống , đưa ra ví dụ gần giống trường hợp mẹ em. Các bạn hỏi cô :”Có phải mẹ bạn Nga không ? Em khóc oà, có 1 số bạn khóc theo.
Nổi đau của gia đình em vẫn còn đó. Ai xoá vết đau thương hằn trong tâm hồn thơ ngây của mấy em ?
Sự thật là 51,8 tấn bột ngọt không mất. Chỉ có lương tâm những con người nào đó mất đi, để lại nổi đau cho nhiều gia đình, bốn người ở tù oan, một số người khác bị mất việc hoặc bị buộc xin nghĩ việc, những con trẻ trong gia đình họ bị tổn thương về tinh thần….
Bao giờ công lý lên tiếng nói cuối cùng minh bạch ? Bao giờ nổi oan và sự thiệt hai vật chất lẫn tinh thần của những nạn nhân đó được đền bù đúng mức ?
HƯƠNG TRÀ Báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật ngày 18/8/1991.
Kể từ ngày 30/4/1975 đến nay đã gần 39 năm, đối với 1 đời người thì đây là khoảng thời gian không ngắn, rất dài nữa là khác, nhưng các oan sai do các nhà cầm cán cân công lý gây ra cho dân không ít …
NINH THUẬN : Bị cáo tự tử ngay tại phiên Toà .
Sáng ngày 11/6/2001, Toà Án Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Thuý Loan sinh 1974 trú tại thôn Tân Sơn, xã Thanh Hải, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm về tội cố ý gây thương tích. Do phạm tội lần đầu, lại có con nhỏ, bị cáo được tại ngoại trong suốt quá trình tố tụng. Phiên toà diễn ra trật tự dù không có lực lượng cảnh sát bảo vệ.
Sau phiên thẩm vấn và tranh luận, trong khi chờ đợi HĐXX nghị án, bị cáo ra ngoài khu vực Toà án. Khi vào nghe đọc bản án, bị cáo đứng không vững và khạc nhổ liên tục tại vành móng ngựa. Đại diện VKS giữ quyền công tố bà Hồ Thị Hoa Viên hỏi :”Bị cáo có mệt quá không ? Nếu đứng không vững, bị cáo có thể ngồi” . Sau đó, thư ký Toà mang tới 1 chiếc ghế cho bị cáo ngồi nghe đọc bản án. Khoảng hơn 10 phút sau, phiên Toà kết thúc gia đình phát hiện bị cáo uống thuốc rầy tự tử và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Ninh Thuận. Tuy nhiên do uống quá nhiều thuốc, bị cáo chết vào sáng hôm sau 12/6/2001.
………………………………………………………………………………………..
Theo Nguyễn Đức Hiển – Tiến Hưng , báo Pháp Luật TP.HCM ngày 19/6/2001.
Báo Tuổi Trẻ ngày thứ sáu 22/6/2001 có bài : Trước cái chết tức tưởi của một bị cáo : Ai buộc thần công lý phải ra đi ? của Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM)
Gần đây là vụ án Đoàn Văn Vươn Tiên Lãng- Hải Phòng (còn gọi là Đầm Vươn). Tưởng không cần nhắc lại…. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận : “Huyện Tiên Lãng cưỡng chế sai . ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND.tỉnh AnGiang) : Chống người thi hành công vụ sai. Anh em nhà họ Đoàn có công chứ không có tội. Rốt cuộc, ra Toà anh em nhà Vươn vẫn thọ án tù, đến nay còn ở trong tù ….
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án tù chung thân về tội giết người ( đúng ra là tử hình, nhờ người cha là liệt sĩ, được giảm án chung thân, không khéo ông Chấn ngủm lâu rồi), ở tù 10 năm, hung thủ ra đầu thú, ông Chấn ra tù, gia đình, con cái te tua… Các cán bộ công an bức cung, ép cung ông khi ấy, nay đều lên chức cả… đến nay chưa thấy động tĩnh gì !
Có một sự kiện khá trùng hợp là phiên tòa xử 5 công an đánh chết nghi can ở Phú Yên và vụ án trộm dê ở Bình Thuận chỉ cách nhau một ngày. Một tòa tuyên án ngày 3.4, tòa còn lại khai mạc phiên phúc thẩm sau đó một ngày.
Cả hai vụ án đều liên quan đến trộm cắp, thân phận con người và day dứt tư pháp
Anh Ngô Thanh Kiều bị còng tay vào ghế. Chân anh bị còng dưới đất. Các cán bộ công an thay nhau đánh đập nghi can này đến chết. Trớ trêu, họ được đề nghị xử án treo, dù trước đó tội danh bị khởi tố của họ đã tạo ra tranh luận pháp lí. Công an giết người hay chỉ là dùng nhục hình khi điều tra?
Nói kiểu nào, thì mạng anh Kiều đã mất.
Chủ tọa Võ Tấn Sinh, chánh án TAND huyện Bắc Bình ngoài việc ngắt lời luật sư, còn tạo ra sự phản cảm đến cùng cực khi cho khiêng bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt đang ngất xỉu ra giữa công đường, nằm ngửa dưới sự uy nghiêm của quốc huy.
Nhiều năm lấy tòa án làm sân chơi, thằng bé con bị cáo Nguyệt vẫn chưa thôi sợ mỗi khi ở tòa. Nó không phải chịu phận mồ côi như con anh Kiều, nhưng phận người sao cứ quay quắt buồn.
………………………………………………………………………………………
Vụ án trộm dê với gần 10 năm xét xử, thân phận bị cáo lửng lơ, gia đình tan nát... Trong khi cơ quan tố tụng vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu đàn dê?
Anh Kiều ở Phú Yên chết đã đành an phận. Bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt lay lắt với số phận tiếng đời trộm cắp tài sản của chính mình.
HAI PHIÊN TOÀ, Phận người và những niềm trắc ẩn . THANH NHÃ Một thế giới (BVBONG ngày 31/3/2014).
Còn đây Lang man những chuyện buồn của ông Nguyễn Minh Đào, nguyên Phó bí thư tỉnh uỷ An Giang, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh An Giang :, xin kể lại 1 chuyện thôi :
……………………………………………………………………………………………………Đang viết bài nầy lòng buồn nặng trĩu, nhận email bạn tôi gởi bài có tựa đề “Giữa người với người” trên báo Thanh niên điện tử trang tin Yahoo đăng lại, của một phóng viên theo chân công an phường X bắt gái mại dâm đứng đường đem về đồn có cả bé gái 16 tuổi, thiếu phụ 45 tuổi và… cụ bà 70 tuổi! Phóng viên viết: “… Các công an lấy cung bắt em gái chụm tay đặt phần ngón lên bàn. Rút thắt lưng, chập đôi lại, vừa hỏi gằn từng câu vừa quật thẳng cánh xuống các đầu móng tay sơn đỏ. Chỉ chốc lát, nước mắt cô gái giàn giụa lem luốc hết khuôn mặt phấn son, tóc rũ ra, người giật lên sau mỗi lần chiếc thắt lưng quật xuống. Còn thiếu phụ nọ không ngồi trên ghế mà ôm đầu ngồi dí xuống sàn. Người hỏi cung rất thành thạo túm từng nhúm tóc bên thái dương chị ta giật mạnh. Không khai. Anh ta thẳng chân đá mạnh vào hạ bộ chị nọ. Hết cú này đến cú khác. Mỗi cú đá, chị ta gập mình lại rên rỉ, nước mắt lấp lánh trên mặt. Tôi run hết cả người, quên hết mình đang ở đâu, quên hết mình đang làm gì. Đang đứng trong một nhóm công an bên ngoài, tôi nhao lên. Thì người đồng nghiệp tôi giữ chặt lại và nói thầm: "Đừng". Tôi cảm thấy ruột gan trào ra ngoài. Tôi cảm thấy muốn nôn ọe. Lát sau, anh đội trưởng mời tôi ra uống trà. Anh xin lỗi tôi, hỏi tôi có làm sao không, rồi giải thích: "Không làm thế, những người này không khai ra bọn tú bà. Họ bị bắt rất nhiều lần rồi, đưa lên trại hết thời hạn lại quay về, ra đường đứng tiếp. Nhiều khi cứ vài tháng lại bắt lên trại một lần. Công an đi bắt quá nhiều lần, quen mặt hết trơn, biết cả gia cảnh. Nhưng nếu không khui ra được đường dây (đường dây tổ chức bán dâm - NV) thì dù biết rõ ràng (họ được chăn dắt) cũng không thể làm gì hơn. Bắt vô trung tâm một tuần, có người lên bảo lãnh là nó được ra. Như con nhỏ này. Đi đứng đường tiếp, có lúc thấy anh em còn cười. Anh em cảm thấy công việc của mình như bắt cóc bỏ dĩa, hết sức mệt mỏi. Nhưng không làm thì không được…"
Đọc xong bài nầy tôi ngồi thẫn thờ! Bài viết phản ánh sự thật đau lòng của những phụ nữ làm nghề “bán trôn nuôi miệng”, mà chẳng lẽ trời sinh họ ra để làm nghề nầy sao?! và bài viết tố cáo sự tàn bạo, vô cảm trước nổi đau đồng loại của một cơ quan công quyền cơ sở. Tệ nạn mại dâm nước ta dù bất hợp pháp nhưng có lẽ đứng vào hàng “số dách” thế giới, chẳng những trong nước, mà còn đi nước ngoài bán cái “vốn tự có” nuôi thân. Tôi không bênh vực phụ nữ làm nghề mại dâm, thiên hạ xem họ là thành phần “cặn bã xã hội”, nhưng tôi thấy họ chỉ “bán cái của họ có” đâu ăn cắp của ai, họ còn tử tế hơn kẻ ăn trên ngồi trốc nhờ ăn cấp của dân, của nước!
Nghĩ mà buồn và thất vọng cho nền tư pháp nước ta. Xin gởi tặng các quan Toà trong các phiên xử án trên và các vị công an :
Chữ Công, chữ Lý không phê đến.
Ông chỉ phê ngay một chữ Tiền. (copy thơ Tú Xương)
CÔNG LÝ KHÔNG CÓ SỨC MẠNH LÀ BẤT LỰC. SỨC MẠNH KHÔNG CÓ CÔNG LÝ LÀ BẠO TÀN . PASCAL (Lời Vàng Danh ngôn – trang 299).
Thông thường bạo tàn thì không thể bền lâu được. Buồn quá đi thôi !
02/4/2014 TRỊNH KIM THUẤN.