Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lần theo bài "Ngã ba Hạc phú"

Nguyễn Hưng Hải
Chủ nhật ngày 30 tháng 3 năm 2014 6:28 PM

 

Có những quá khứ làm mê ngủ bao đời người. Nhưng cũng lại có những kỷ niệm, dù là kỷ niệm đắng cay, làm người ta tỉnh thức?

            Quốc Tử Giám hôm nay còn lại những văn bia, khi vang vọng những dòng tên đã thuộc về phía khác. Hình như trong giữa hội tao đàn của các bậc đàn anh, Nguyễn Bá Lân đang khiêm tốn ngồi kia cùng nâng chén với Lê Quý Đôn bác học - thông gia.

            Để có cuộc gặp gỡ này, thế kỷ 18 đã phải viết sử bằng máu và nước mắt cùng với bao khôn dại lỡ lầm của cả vua, chúa, quan, quân; hình như có cả tiếng kêu van trời đất của muôn dân và danh nhân nữa.

            Nguyễn Bá Lân đang hãnh diện ngẩng cao đầu ngâm ngợi phú Nôm, phú Hán hay lầm lũi ở con hẻm nào của 36 cái phố phường, từng nhầy nhụa và nhớp nháp trong quá khứ?

            Ngỡ như mâu thuẫn. Ngỡ như chẳng còn gì để nói. May sao còn có chuyến đò qua ngã ba sông, có một khoảnh khắc say giữa dòng đời luôn phải tỉnh. Và Nguyễn Bá Lân đã vật vã để hồi sinh; bỏ tấm mạng che nhiễu điều nhung lụa, chạy vội về phía có những đàn cá anh vũ đang nô đùa nơi xoáy sóng.

            Nội lực bừng lên, bốc hỏa, hóa thân vào “Ngã ba Hạc Phú”, làm bà đỡ cho một Nguyễn Bá Lân - Tiến sĩ sống cùng trời đất đến ngày hôm nay?

            Viên mãn một cuộc đời đã làm rạng danh cho cả dòng họ Nguyễn Bá vốn nhiều “kinh bang tế thế”; trải từ Kinh Bắc xa xôi; qua vùng Cổ Đô (trấn Sơn Tây) đến trung du Phú Thọ bây giờ. Tất cả những gì mà Nguyễn Bá Lân gieo, gặt trong lịch sử đã thực sự trở thành điểm tựa và niềm tin cho những sự an minh, hãnh diện và hình như có cả nỗi kinh hoàng tỏa sáng nữa.

            Được thừa hưởng một truyền thống giáo dục của gia đình có cội rễ sâu xa là văn hóa, lớn lên trong sự dắt dìu nghiêm khắc và dân chủ có định hướng của người cha - người thầy Nguyễn Công Hoàn, với sự khuyến khích liên tục về sự tranh đua, thi thố văn chương, nên Nguyễn Bá Lân sớm có trong tiềm thức khát vọng kiếm tìm và xác lập những chân giá trị. Lịch sử của thời đại ấy lại có nhiều đối chứng cho ông kiểm nghiệm, suy ngẫm nên vào những lúc tưởng đã cạn kiệt niềm hy vọng, ông vẫn nguyên một giá trị đích thực cả về đạo và đời.

            Trớ trêu thay, ông sinh ra không phải chỉ để làm quan; chuyên tâm chăm chú cho mỗi một việc: điều binh khiển tướng. Tài năng đã chắp cánh cho ông. Nhưng hình như đến lúc làm quan trong triều rồi, ông mới chợt vỡ ra rằng: cũng chẳng để làm gì, nếu như không “lập công, lập đức và lập ngôn”. Chính vì vậy mà ngồi trên bạc vàng, gấm vóc, được thừa hưởng nhiều ân huệ của triều đình, ông vẫn luôn hướng về phía nhân dân, vẫn dứng về phe nước mắt. Dường như ông linh cảm được trước mọi biến thiên của lịch sử, kiếp người. Ở ông còn có một sợi dây tình cảm nào đấy, rất mật thiết và cũng có rất nhiều cung bậc rung lên từ phía khốn cùng. Ông nghe được và ông đau khổ. Cũng bởi vậy, suốt cuộc đời làm quan ông đã phải cùng một lúc chịu lực đè từ trên xuống và sự thúc giục từ dưới lên? Trong sự giằng níu không phải lúc nào cũng tự do quẫy đạp được ấy, ông đã biết bỏ qua cái nhỏ để làm nghiệp lớn. Sự lựa chọn bằng tài năng ấy của ông, phần nào đã đắp bù cho những sự thiếu hụt hết sức cơ bản và trầm trọng về văn hóa của cái thời vua Lê - chúa Trịnh đang vào hồi “mạt vận”? Cũng có thể đấy còn là chủ định của ông muốn được tận mắt chứng kiến cái “ngõ sau” của chế độ phong kiến Việt Nam trong cái thế kỷ đầy nhiễu nhương, ung nhọt, hình như đã cả hoại tử nữa?

            Đắp trong chăn ấy, ngoài nỗi ấm lạnh do cảm giác, ông cũng đã biết trước, đã nhận thấy trong thơm tho giả tạo, mùi khê và khét của thể chế bị đốt liên tục bằng ngọn lửa oán hờn của muôn kiếp dân đen, đang ngùn ngụt cháy ở khắp nơi. Và đã nhiều lần, ông vùng dậy, chạy ra ngoài đêm đen trong ớn lạnh, mở to đôi mắt, dõi về vô định, mong gặp, dù chỉ là le lói một vì sao.

            Bất lực trở vào, hình như ông đã lên cơn sốt vì hơi lạnh từ thanh bảo kiếm? Có một thứ “virút” đầy ma lực sinh ra từ thể chế đã nhiễm vào ông chăng? Liệu có cách nào chữa chạy và trừ khử được không? Đó là nỗi dằn vặt không thể tâm sự cùng ai! Nhưng cũng nhờ có niềm trắc ẩn ấy, ông tránh được những cú “ra đòn” của lòng đố kỵ, nhỏ nhen và tăm tối.

            Cũng vì biết sống “kiệm” hơn tài năng thật, ông được dân quý, vua trọng. Cả những kẻ đối nghịch cũng phải kiềng nể. Cốt lõi là đây chăng? Giữa hoàn cảnh éo le, giữa bốn bề xu nịnh, nếu không biết hạn mình, ông giữ sao được bản ngã của một trí thức phong kiến thanh liêm, chính trực.

            Sống trong cái thời đảo điên, tao loạn ấy, tài lắm, họa nhiều. May sao ông đã làm văn chương, ký thác và gửi gắm được về sau tâm trạng mình, thái độ sống của mình qua mong manh chữ nghĩa. Và ông đã tồn tại chính danh một nhà văn hóa, một trong bốn đại tài của nước Nam thuở đó.

            Ông đã đi lại tới mòn chân nơi cửa phủ, thuộc đến từng ngọn cỏ lá cây ven bờ hồ Hoàn Kiếm, hiểu đến tường tận cốt cách người Tràng An và Thăng Long ngàn năm vặn vật. Vậy mà có lúc, hình như do buồn phiền, lơ đễnh không muốn dây vào những điều nên tránh mà ông suýt nữa bị liên lụy, phiền toái.

            Đã làm quan thì phải biết phụng sự lợi ích của triều đình. Nhưng ông ghê sợ cái lợi ích ấy, vì ông không phải là một cuồng tín, ngoan đạo đến mức mù quáng trước ung nhọt của một thể chế quen coi máu và nước mắt của nhân dân là vật tế thần, là đồ trang sức.

            Đôi lần do bắt buộc của lịch sử, ông phải đứng ra bênh vực triều đình - Lương tâm ông đã không thể nào yên ổn - Và như để sửa chữa những sai lầm ấy, ông đã biết vận dụng những cơ may để khoan sức cho dân.

            Vì ông khôn khéo, vì ông thực tài, nên nhiều việc triều đình dù biết mà vẫn không làm gì nổi ông. Trong phủ chúa, thời đó, sau lưng cũng có lắm kẻ gièm pha nhưng đứng trước ông họ vẫn phải thừa nhận: Còn Nguyễn Bá Lân là còn sự chính trực của triều chính và vẻ mẫn tiệp của “trung quân ái quốc”. Đó cũng là lí do để ông không phải uốn ba tấc lưỡi trước khi nói câu gì.

            Ý thức được về mình nên ngay từ trong hoang tàn, trong rệu rã, đểu giả, ông biết nhen nhóm lên đạo lý, dẫn dắt nhiều vùng tư tưởng tối tăm của đám quần thần ra tắm sáng. Và ông đã tự cháy, tự đốt lên năng lượng của thế thái nhân tình cho nhiều bấu víu xung quanh, góp phần củng cố trong vơi vớt về uy tín của một thời ngán ngẩm. Và ông đã đứng vững bằng chính đôi chân tưởng chừng như rất chông chênh của mình.

            Trong tê tái nỗi niềm, dường như có lúc ông đã muốn phó thác cuộc đời cho trò chơi số phận, buông câu ở một góc ao nhiều bọt bèo nào đó. Nhưng vì là trí thức, là chỗ dự cuối cùng của niềm tin nên ông không thể nào trốn chạy.

            Có thể nói, nhắc đến ông là làm thức dậy những tháng năm không bình thường của lịch sử. Trong những sự đảo lộn liên tục các giá trị mà chế độ phong kiến định hình, thì Nguyễn Bá Lân là một trong những bền vững hiếm và quý đến độ có thể coi như một chút vàng ròng của lịch sử.

            Chao ôi! Cái con người sinh ra đã như là một điềm báo về mọi sự tốt lành, vậy mà cũng lận đận, lênh đênh. Cũng chấp chới thấp thỏm suốt cả cuộc đời ăn bổng lộc triều chính. Nghe theo triều chính - Và lựa thời để không bị triều chính coi như một mặt hàng trao đổi.

            Có thể ông cũng đã rơi nước mắt khi được vua Lê Hiển Tông ban yến ở Lễ Bộ Đường. Lúc được Thượng thư Bộ lễ cài trâm, ban mũ áo cân đai, ông đã kịp ngẫm ngợi điều gì về những ngày làm quan trong triều sau đó? Để rồi lại phải nuốt nước mắt đi ngược về phía những mũi tên của nông dân. Để rồi lại phải vờ ốm, cáo lui; vờ nghễnh ngãng mới giữ được mình, mới không vương bẩn sang người khác.

            Sống trong cái thế kỷ thê lương ngập những chuyện đau buồn ấy, đến như Nguyễn Bá Lân cũng còn phải trốn mình vào nghiệp chướng, coi văn chương như một sự giải thoát.

            Và như vậy “Ngã ba Hạc phú” không đơn thuần là “tức cảnh sinh tình” mà ở đây phải hiểu như là giãi bày của tâm trạng được quy nạp gửi gắm qua một tâm sự lớn của một tâm thế lớn. Không phải ngẫu nhiên Tiến sĩ, thượng sư Nguyễn Bá Lân lại viết “xinh thay ngã ba Hạc, lạ thay ngã ba Hạc”, để rồi ngay sau đó lại đẩy tới một đối chứng “dưới hợp một dòng” mà “trên chia ba ngác”. Thiên nhiên khéo vẽ vời, hay “dưới” và “trên” có điều gì khuất tất? Làm quan và làm dân là như thế chăng? Trong linh cảm chia tan “ngóc ngách khôn đo rộng hẹp”, Nguyễn Bá Lân không chỉ thiên về tả đâu, mà dường như bằng cái nhìn của một đạo sĩ, ông đã chỉ ra giữa “lênh lang dễ biết nông sâu” đúng cái chỗ “huyệt kim qui chênh hẻm đá gồng ghềnh”? Để rồi đứng giữa “vũ trụ mơ màng, càn khôn xếch xác” ông lại phải dằn lòng nhớ về Hoài Bão - Tiên Du của phủ Từ Sơn, vùng Kinh Bắc ấy. Tổ tiên ông ở đấy. Ở đấy là hy vọng. Cũng có thể sẽ là thất vọng nếu như ông vướng bụi kinh thành để thanh danh nhiễm bẩn.

            Trong không khí lịch sử của cái thời “móc gieo ngọn cỏ mọc dầy dầy, đá giãi hơi xương vàng xua xúa” hình như chúng ta còn nghe được từ Quốc Tử Giám văn bia tiếng con vàng oanh vọng lại, nhắn nhủ rằng “dải đất Đoài Phương, cõi trời Nam Quốc; trên xô nguồn, nguồn chảy vẩn vơ; dưới ngấm nước, nước xuôi tuồn tuột” cùng những tiếng nấc của thời gian còn kẽo kẹt ở nơi “ba góc bờ tre vắng vắng” ở “một chòm bãi cỏ phơi phơi”.

            Đã vỡ ra trong ông điều gì khi Đà giang, Lô giang và Thao giang nhập vào làm một.

            Đất Cổ Đô phong khí có nét trầm buồn và điềm tĩnh, có gì như không nhất quán với ông chăng?

            Hình như Cổ Đô đã vỡ ra từ ông những mảnh sắc và bỏng trong sự va đập khôn lường của thể chế và cơ chế.

            Vỡ ra từ ông cả sự truyền miệng về một quá khứ xuất thân đầy bất trắc vì mọi sự thiên di; về một cái bướu cứng - rất cứng ở trên đầu.

            Có thể là hào quang đã đắp nên ông. Nhưng chắc chắn không có sự vay mượn nào. Cũng còn có thể là do tư chất và bản ngã của một dòng tộc lớn thích thi thố và chịu chơi đã làm nên ông và văn chương của ông.

            Phải chăng, Thượng thư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân chính là câu trả lời của dòng họ Nguyễn Bá trước mọi triều chính, ở giữa nơi trời đất. Hình như trong thăm thẳm nỗi niềm Nguyễn Bá Lân còn là nơi triều đình luôn kính nể, hãnh diện và cũng đầy ngờ vực.

            Như thế càng thêm chứng tỏ một nhân cách lớn của một tài năng lớn từng chói sáng trong lịch sử, từng có ở đương thời một lần kêu oan cho Lê Quý Đôn bác học; một lần không bị bạc vàng mua chuộc lúc Đặng Thị Huệ muốn chối bỏ Trịnh Khải để lập Trịnh Cán lên ngôi chúa. Tấm lòng trong sáng ấy của Nguyễn Bá Lân cũng là sự minh triết trước lịch sử. Tiếc rằng, tất cả những gì chúng ta được biết đến ngày hôm nay còn quá ít. Ngay cuốn “Cổ Đô gia phả” của dòng họ Nguyễn Bá cũng còn phải thừa nhận sự ghi chép quá sơ sài về một “thời kỳ cả mấy trăm năm, thái bình thì ít, rối ren thì nhiều”. Và khi xem vào gia phả, chúng ta lại như “lần mò trong đêm tối, cầu mong một đốm lửa nhỏ để soi đường, cho dù đó chỉ là một con đom đóm”.

            Nguyễn Bá Lân - con người đầy khát vọng chấp chính và khả năng chấp chính - ông Tổ của dòng họ Nguyễn Bá, miền Cổ Đô, Tiên Sơn (thuộc trấn Sơn Tây và vùng Kinh Bắc) có lẽ đang ngước mắt lên nhìn chúng ta mỉm cười. Rằng, rất có thể con cháu hôm nay chưa hiểu gì về ông cả. Vâng, xin kính cẩn thưa với Tiến sĩ, Thượng thư: Bây giờ đã là thập niên thứ 2 của thế kỷ 21. Biết đâu chẳng có sự trùng lặp nào của lịch sử? Và vua chúa nào rồi cũng đều băng hà cả. Duy chỉ có Nguyễn Bá Lân thì còn mãi trong trời đất, trong ngưỡng vọng của cuộc đời, trong chói sáng của một nền văn hiến - không chỉ với một bài “Ngã ba Hạc phú” nổi tiếng.

N.H.H

 

 

Địa chỉ : Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ

               Số nhà 176 - Mai Sơn - Tiên Cát- Việt Trì - Phú Thọ

ĐT       : 0168 4949 459

 

NGUYỄN HƯNG HẢI