Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lan man, đứt nối cùng Nguyễn Đình Chiến: Một "con nghiện" vô phương cứu chữa!

Phạm Công Trứ
Chủ nhật ngày 23 tháng 3 năm 2014 4:41 PM

Nhân 49 ngày mất nhà thơ Nguyễn Đình Chiến

Người gọi Nguyễn Đình Chiến là "kẻ lãng tử tài hoa", người coi gã là kẻ "quen mưa to gió lớn những phương trời", với tôi Nguyễn Đình Chiến là "một con nghiện vô phương cứu chữa". Vậy Chiến nghiện gì mà có vẻ ghê gớm vậy? Thưa rằng gã "nghiện thơ" và "nghiện đi"! Muốn có thơ thì phải đi và đi vì nhiều lẽ, song suy cho cùng cũng là để có thơ. Mới đây, về với quê hương bên bờ sông Chảy là chuyến đi cuối cùng của người con xứ cọ "quen đi nhanh bước mạnh" này.
Tôi gặp Nguyễn Đình Chiến lần đầu tiên là vào một ngày tháng 10 năm 1990. Sở dĩ tôi nhớ khá rõ như vậy vì đó là ngày tôi đặt chân lên Matxcơva. Đã hơn 20 năm rồi nhưng ký ức như vẫn còn đấy, tươi nguyên. Chuyến bay dài lại bị hải quan sân bay Seremetchevo gây khó dễ khiến kẻ lần đầu du học vô cùng mệt mỏi. Số là khi kiểm tra người Việt quá cảnh, hải quan Nga phát hiện có rất nhiều "đồ quốc cấm" trong các túi hàng nên ách lại để các "đương sự" thực hành nộp phạt, trong đó có tôi. Vậy nên chập choạng tối tôi mới được Châu Hồng Thủy và một người anh em ở bên ấy đón ra, sau khi cho vay tiền để nộp phạt. Ra khỏi sân bay, chúng tôi đi taxi về một cái "ốp" thuộc Khoa dự bị của Trường MGU mà người ta xếp cho mấy sinh viên Việt Nam mới sang để học thêm tiếng Nga, trước khi họ chính thức nhập học vào Trường viết văn mang tên Makxim Gorky danh tiếng.
Trong tâm trạng tiếc của (vì bị hải quan tịch thu mất không ít hàng hóa) tôi lê những bước nặng trĩu lên cầu thang gác và khá bất ngờ trước không khí đón tiếp trang trọng và đầm ấm tại đây. Tôi nhớ là hôm ấy có mặt hầu hết những người Việt sang học ở Trường viết văn M. Gorky, trong đó Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến là những người đã có thâm niên ở Nga một hai năm, nay nghe có người từ trong nước sang nên đến chơi. Châu Hồng Thủy, Vũ Xuân Hương, Thùy Linh, Phan Thanh Thủy và mấy bạn trẻ nữa sang Nga chưa lâu. Ngoài vài người đã quen biết từ trước, còn gần như lần đầu tôi biết mặt, nhưng tên tuổi thì không lạ gì: "Thần đồng" Trần Đăng Khoa lúc ấy danh tiếng đang vang như sấm rền, còn Nguyễn Đình Chiến tác giả "Gặp lại các em", Thùy Linh tác giả "Mặt trời bé con của tôi", đều là những người từng đoạt giải trước đó, tên tuổi cũng nổ như ngô rang.
Ấn tượng thoạt đầu của tôi về Nguyễn Đình Chiến thì đó là một gã cao lớn, mặt mũi đầy đặn, mồm rộng, mắt nhìn thẳng, tiếng nói oang oang, sải những bước chân dài đầy tự tin, đúng như một câu thơ Chiến tự họa "Tôi người lính quen đi nhanh bước mạnh/ Quen mưa to gió lớn những phương trời". Trong lúc mọi người tán gẫu chuyện trên trời dưới đất, Chiến tay dao tay thớt làm thêm thức ăn để đãi khách thơ, mà khách thơ này theo Khoa thì "tay này có thể sẽ kế tục Nguyễn Bính đây". Chẳng là Khoa đã đọc "Lời thề cỏ may" tập thơ đầu tay mới xuất bản của tôi, chắc do Châu Hồng Thủy đưa sang. Nhìn điệu bộ tự tin cùng tay dao, tay thớt của Chiến, tôi nghĩ "lão này nhiệt tình và tháo vát đây"! Sau tôi mới biết Chiến đã có vợ và một con trai hiện đang ở trong nước nên gã chẳng lạ gì chuyện bếp núc, dao thớt. Tôi lúc ấy đã "U bốn mươi" song vẫn độc thân, có thâm niên "cơm bụi, nằm bàn" bản tính lại vụng về nên thấy ai thạo chuyện bếp núc, dao thớt cũng đều bái phục.
Trong bữa liên hoan gặp mặt hôm ấy, sau vài cốc bia rượu thì chuyện trò, thơ phú bắt đầu rôm rả, trước nhất là về cái sự "quá quan" vừa mới đó của tôi. Ai đó vừa cười vừa ngâm ngợi "…Lần đầu vừa tới nước Nga/ Hải quan bóp d… mất ba bốn tì". Tác giả "Hạt gạo làng ta" thì khủng khẳng "Đã Nguyễn Công rồi lại Phạm Công/ Tưởng rằng thi sĩ hóa ra không/ Sang Tây nghiên cứu không mang sách/ Túi đầy xi - ngực với xi - mông". Thế là cười vỡ bụng. Mọi mệt mỏi, chán chường trong tôi biến mất. "Nguyễn Công" ở đây là cụ Thượng Trứ, "xi ngực", "xi mông" là ám chỉ những "cooc - xê", "xịp bông hồng" cùng quần bò, áo phông, tranh nilon Trung Quốc, bật lửa gas…những thứ đang "hót" lúc ấy, ai sang Tây mà chẳng tranh thủ đánh một quả hàng kiếm lời.
Nguyễn Đình Chiến lúc này mặt đã đỏ lựng lên vì bia rượu thì vừa đọc thơ vừa huyên thuyên về những cái tên như Arion, Tula… rồi xuýt xoa về những tài năng văn học Nga, "tâm hồn Nga", "tính cách Nga". Thì ra mới sang Nga khoảng một năm mà Chiến đã có dịp đặt chân đến khá nhiều nơi trên những nẻo đường xứ tuyết. Lúc cao hứng gã lại lúc lắc cái đầu đưa tay lên vật món tóc xõa bồng bềnh trên vầng trán cao rộng, rồi vớ lấy chiếc điếu ống rít một hơi thuốc lào, khói tuôn mù mịt, đầy vẻ sảng khoái. Với một người chân ướt chân ráo như tôi, tiếng Nga bập bõm đôi câu xã giao mà lại được mọi người coi như thượng khách vào buổi đầu như thế, hỏi sao không cảm động!
Hôm sau Trần Đăng Khoa đưa tôi đến Đại sứ quán Việt Nam bằng tàu điện ngầm để trình diện và hoàn tất hồ sơ thủ tục của một thực tập sinh ngành Luật ở Đại học Tổng hợp Kiev, mang tên Septrenco. Đại sứ quán nằm cách khá xa, phải chuyển mấy lần metro mới tới, song ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại quên mất thứ giấy tờ gì đó, khiến việc hóa dang dở. Khoa giận quá rủa tôi khá nặng lời, tôi đành im vì biết mình có lỗi. Thủ tục sau đó rồi cũng xong. Bịn rịn chia tay Mátxcơva tôi một mình lên tàu xuôi về Kiev, thủ phủ của nước Cộng hòa Ucraina.
Vào đầu những năm 90 không khí chính trị, xã hội ở bên này đã biến động song vẫn còn là Liên Xô, nên dù ở "Ki" tôi vẫn thường lên "Mát" chơi. Lên Mát, cụ thể là đến "Xóm viết văn Gorky", ấy là tôi nghĩ ra thế, để được hòa vào cái không khí văn chương mà ở dưới chỗ tôi không có được. Việc đi lại lúc ấy cũng khá thuận tiện. Chập choạng tối cứ xách ca-táp ra nhà ga nói nhỏ với mấy nhân viên phục vụ tàu hoặc soát vé gì đó, rồi dúi cho mấy đồng Rúp là đã có thể nằm thế ngay vào chỗ của các em trong khoang dành riêng. Duỗi mình trên ga nệm trắng tinh thơm tho mùi son phấn đàn bà rồi thiếp đi trong tiếng dội đều đều của đường sắt "hai chiều", thế là rạng sáng hôm sau mở mắt ra đã tới Mát. Chuyển sang metro hoặc xe buýt điện qua vài ba bến gì đó là tới chỗ ký túc xá của Xóm viết văn.
Ôi chao, ở xa cứ nghĩ cái nơi mang tên Trường viết văn M. Gorky thì chắc phải đẹp đẽ cao sang và thơ mộng lắm, nhưng ngay ngày đầu đến đây tôi đã hoàn toàn thất vọng. Nằm áp sát lối vào ký túc xá là một vọng gác trong đó có một ông sĩ quan to đùng quân hàm quân hiệu nghiêm chỉnh ngồi xét giấy, mà nếu ai thiếu hoặc quên thẻ thì đừng hòng qua cửa. Rồi nhà vệ sinh thì chẳng biết bị tắc tị thế nào đó mà nước lênh láng. Tôi bảo Châu Hồng Thủy: "Chúng mày ăn ở thế này mà ra văn ra thơ được à?". Châu Hồng Thủy cùng tuổi tôi, Quý Tỵ, lại gốc nông thôn nên mày tao khá thoải mái. Lúc đó Thủy đang ở cùng phòng với một gã nhà văn trẻ người Nga, tôi không nhớ tên. Tay này người cao lêu nghêu và gầy đét như một cây sậy. Thủy bảo: "Tớ còn phải nuôi thêm thằng nhà thơ Nga tài năng này nữa đấy, ngoài thơ phú đọc ông ổng suốt ngày nó chẳng có gì ăn cả, đói lắm". Tài năng đến đâu thì tôi không biết, song bụng rỗng mà vẫn cứ sải chân trong phòng mấy mét vuông như một con hổ đói trong vườn thú và vung tay đọc thơ như chẳng biết có ai, thì tôi bái phục. "Nuôi thêm" ở đây, như Thủy nói, là cứ mỗi khi mua bánh mì và sữa thì hắn phải cố gia thêm phần cho anh bạn người Nga đang tưởng mình là Puskin, hay Lecmontop tái sinh. "Vậy chứ học thêm hắn được tiếng Nga"- Thủy chép miệng.
Lúc ấy Liên Xô đã bắt đầu khó khăn, nhưng chưa hẳn loạn. Đồng Rúp mất giá. Học bổng chẳng đáng là bao. Ai không được gia đình bên Việt Nam chu cấp thì phải kiếm ăn thêm. Có lần tôi đến tận khuôn viên Trường, chứng kiến cảnh hàng người dài xếp hàng, kiên nhẫn nhích từng bước dưới mưa tuyết để mua hàng hóa gì đó mà phát kinh. Được cái là họ xếp hàng rất trật tự, nhiều người còn chúi mắt vào quyển sách hoặc tờ báo đang đọc dở trên tay. Người Nga hồi ấy ham đọc lắm, họ đọc bất kỳ đâu ở trên metro hay xe buýt. Nước Ucraina nơi tôi ở là vựa lúa của Liên Xô (cũ) nên còn dễ sống hơn. Chả thế mà hai lần Trần Đăng Khoa cùng bạn gái về Kiev chơi đều được các đàn em ở đây đãi món dạ dày lợn luộc chấm nước mắm tôm từ Việt Nam gửi sang. Khoa vừa ăn vừa xýt xoa "Các ông ở "U" (Ucraina) sướng thật, chỉ mất vài ba rúp mà chén dạ dày lợn cứ thoải mái".
"Bụng đói thì đầu gối phải bò", chẳng phải chỉ để kiếm ăn độ nhật mà còn lo chuyện hàng hóa gửi về quê nữa. Ai đi Tây hồi ấy mà thoát được "bệnh sĩ". Trừ một nhóm kiên trì cố thủ ở ký túc xá, sau này những tay có máu mặt đều lần lượt thuê phòng riêng và thì thụt đánh quả. Chiến thì túi thường rủng rỉnh lại thêm vợ là bác sĩ đông y Trần Thị Kim mới mang con sang, nên phải có phòng riêng đã đành. Khoa chẳng rủng rỉnh gì song do cập kè với bạn gái, người gốc Hà Nội, nên cũng phải có biệt phòng để "hướng dẫn "em gái" học tiếng Nga và làm thơ!".
Những khi không lên giảng đường thì lại mắt trước mắt sau xách ca-táp đi "đánh quả" thuốc Tây gửi về nước để người thân bán cho các chủ hiệu thuốc hưởng tiền chênh lệch. Khoa thì bữa đực bữa cái, chắc lời lãi cộng lại chẳng được là bao. Châu Hồng Thủy, Vũ Xuân Hương theo đòi song nửa chừng bỏ cuộc. Nguyễn Đình Chiến thì có vẻ trúng quả đậm. Vốn bản tính xông xáo, thêm nữa vợ Chiến có nghề châm cứu, lại là người khá thực tế và tháo vát nên Chiến càng xông xênh. Nói về sinh kế thì Vũ Xuân Hương bí bách và "hãm" nhất. Gặp Hương thấy gã người xanh rớt, mắt đỏ nọc như thiếu ngủ, giọng lè khè như thiếu lực, chẳng biết do vật lộn với tiếng Nga hay là do đói. Chắc là cả hai. Được cái là "ông đồ gàn" (biệt hiệu người ta gán cho Hương) người gốc xứ Thanh này giỏi chịu đựng và chăm dưỡng sinh, hình như là tự luyện Yoga thì phải. Ngoài xóm viết văn ra, những người tôi gặp như họa sĩ Lê Thanh Minh, nghiên cứu sinh Trịnh Bá Đĩnh, sinh viên Hoàng Xuân Tuyền… cũng đều lao ra chợ bán hàng kiếm sống cả. Những cái tên như "Đôm 5", các "Ốp" "Búa Liềm", "Saliut", chợ "Vòm", các "Soái" A, B, C… chẳng biết tự bao giờ cứ tự nhiên nhập vào bộ nhớ của mỗi người.
Nói khó khăn vậy thôi, chứ xét ra còn dễ sống hơn bên Việt Nam nhiều. Đầu những năm chín mươi không khí nhìn chung còn "vui vẻ, trẻ trung" lắm. Hôm nào tôi lên chơi mà có mặt Nguyễn Đình Chiến là cái Xóm viết văn này lại ồn ào, náo nhiệt hẳn lên. Chiến có trí nhớ cực tốt, anh có thể đọc thuộc lòng nhiều đoạn thơ của các nhà thơ nổi tiếng, thơ mình, cũng như thơ của bạn bè. Có lần Chiến đọc bài thơ mới viết xong có tên là "Mưa Arion" (Chiến có một năm học thêm tiếng Nga ở Đại học Sư phạm Ariôn nên thường qua lại vùng này) trong đó có những câu "Ôi nào đâu những vầng trán nông nô/ Mang bụi đất của đồng quê lam lũ/ Mùi cỏ cháy lẫn mùi mồ hôi ngựa…". Nghe tôi khen "mùi cỏ cháy" và nhất là "mùi mồ hôi ngựa" rất ấn tượng, rất Nga, Chiến khoái chí lắm. Cái đầu khá to trên đôi vai lực lưỡng của gã lại ngắc ngư liên hồi. Cái điếu cày lại được dịp phun khói mù mịt.
Song, tôi bảo Chiến "dù vậy, mưa Arion vẫn không cảm động bằng "mưa thành Tuyên". Mưa thành Tuyên có máu thịt của ông, còn mưa Arion thì toàn thấy sách vở thôi. Cho dù ông có đưa vào bài thơ những thiên nga, tháp nhà thờ, nông nô và viện dẫn đến cả Bunhin, Tuôcghenhiev cùng nàng Lika xinh đẹp, nết na mà bất hạnh của nhà văn, tôi vẫn không thấy "mưa Arion day dứt mộng thiên tài" đâu cả. Nghe tôi nói vậy, Chiến có vẻ buồn, song anh cũng lấy giọng đọc một hơi cả bài thơ có tên là "Thành Tuyên ngày xa em", trong đó nói về kỷ niệm tình yêu, chắc là không thành, thuở đầu đời, run rẩy và thuần khiết. Đọc xong bài thơ mắt Chiến đờ đẫn, chắc là anh nhớ quê, nơi ấy có cha mẹ, anh em và "cố nhân" một thuở. Tôi bảo Chiến "ông nên đổi tên bài thơ "Thành Tuyên ngày xa em" thành "Mưa Thành Tuyên" nghe gợi cảm hơn vì trong bài thơ này "mưa" đã là một nhân vật. Chiến gật gù song sau này in lại trong tập "Vầng trăng trên tuyết" anh vẫn giữ tên cũ.
Hồi ấy có lẽ tuổi còn khá trẻ, thích thể hiện, nên anh nào cũng ồn ào, tỏ ra lắm chữ nghĩa. Thấy nhau là thế nào cũng dùng thơ thẩn trêu chọc. Khoa bảo "vì sao Chiến hay đi Arion/ vì Chiến rất khoái cái vần ồn". Chiến cự lại "vì sao Khoa không đi Arion/ vì Khoa rất sợ cái vần ồn…". Chẳng biết Khoa có sợ cái vần "ồn" không, song ở Tạp chí Văn Nghệ quân đội (nơi sau này Khoa đã từng làm việc nhiều năm) đã có câu "Trời ơi trời ở chẳng cân/ Kẻ Khuất Quang Th., người Trần Đăng Khoa". Nhà văn họ Khuất có máu gái không thì tôi không rõ, còn chuyện tình của Khoa cũng không đơn giản. "Lão trông tẩm ngẩm thế mà ra phết đấy!" Khi nào tiện dịp tôi sẽ tiết lộ về chuyện tình nơi xứ tuyết của gã nhà thơ có tiếng là "Cuội" này. Chiến còn làm cả một bài thơ dài kiểu "trăm câu một vần" để trả thù Khoa, bắt đầu bằng "Có người con gái quê Hà Nội…". Người con gái quê Hà Nội này trẻ trung và nhí nhảnh đang học cùng trường với Khoa, song khác khoa và khác khóa. Khoa cũng không vừa, anh đùa "thím" Thùy Linh người cùng phe với Chiến, tôi nhớ đại khái hai câu "Thùy Linh ríu rít phơi men sứ/ Khối ngài phỗng đá cũng đi khom/ Bao tay toan rắp làm sư cụ/ Thấy tiếc đời trai để mõm mòm...".
Chả là Thùy Linh lúc ấy đang ở tuổi "sung" lại có bộ giò khá đẹp, trắng mẫm và óng nuột, mà thím lại hay diện quần soóc đi ra đi vào. Cứ sớm ngày ra đã thấy Thùy Linh soóc trắng đưa đẩy chổi ngoài hành lang, khiến cho các "bố già" vừa ngồi nhai bánh mì, vừa liếc trộm bộ giò của thím, vừa thì thọt bình luận rồi đọc thơ ứng khẩu. Những lúc cáu Khoa vì chuyện gì đó, Châu Hồng Thủy, biệt hiệu là "lềnh phềnh sĩ", lại lầm rầm "Đăng Khoa ơi hỡi Đăng Khoa/ Tiếng chim năm ngoái vẫn là năm nay". Nghe vậy, Khoa giận lắm.
Có bận tôi đọc cho Chiến nghe mấy câu lục bát mà tôi ghi được trên quãng đường xe lửa từ Kiev lên Matxcova "Tuyết phơi trắng rợn chân trời/ Trên cành cây cụt quạ ngồi rỉa lông/ Còn tàu trôi giữa mênh mông/ Thấy tuyết thấy quạ mà không thấy người" rồi thì "Cũng là mưa cả đấy thôi/ Tuyết là mưa trắng xứ người, mưa khô". Nghe xong Chiến bảo:  "thơ ông buồn và không có hậu, nghe có vẻ bạc nữa. Nước Nga tuy có phôi pha song "tâm hồn Nga" vẫn đẹp và "tính cách Nga" vẫn đôn hậu". Quả có như thế thật, tôi chỉ có mấy bài thơ về nước Nga thời tao loạn thôi mà bài nào xét thấy cũng buồn, cũng ít nhiều ám ảnh bởi tuyết trắng quạ đen. Cái tạng cảm xúc của tôi nó thế, biết làm sao được!
Nguyễn Đình Chiến thì có cả một xe-ri thơ về nước Nga Xlavơ. Có thể nói Chiến thuộc số ít người có mặt ở nhiều nơi nhất trên xứ xở bạch dương. Cứ hứng lên là đi. Đi thăm viếng cũng có, đi đánh quả cũng có, đi để gặp em út cũng có, đi để làm thơ cũng có. Thì cứ nhìn vào tên những bài thơ của Chiến như "Bên sông Đơ-nhi-ép", "Xa-mar-kan", "Bài ca sông Von-ga", "Đồng chiều Pơxcốp", "Trên đồi Lênin", "Đêm Vlađimia", "Di-gan"… là biết. Chiến còn làm cả một trường ca có tên là "Cutudop & Napoleong", khiến cho bà giáo Bech Tachiana ở trường viết văn Gorky phải thốt lên "Chắc chắn phải là người từng trải qua chiến tranh. Phải là người có vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc về lịch sử Nga, văn hóa Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga anh mới viết được một tráng ca tràn đầy niềm tự hào và xúc động về dân tộc Nga như vậy".
Trong xê-ri thơ viết về nước Nga đó có những bài chỉ ở mức thù tạc, có chỗ chịu ảnh hưởng thơ người này người khác, song lại cũng không thiếu những câu ấn tượng diễn tả nhiều cung bậc tình cảm của kẻ có máu lãng du. Chẳng hạn Chiến tả hoàng hôn Nga "Nắng vàng nhuộm đỉnh tháp xưa/ Chiều đi sau tiếng chuông vừa thu không/ Thẵm dần mặt nước trên sông/ Nhạt dần ngọn khói trên đồng vắng xa", hay tâm trạng của kẻ lữ hành trên tuyết "Bước chân trên tuyết bồi hồi/ In rồi lại xóa, xóa rồi lại in/ Như câu thơ vẫn đi tìm/ Trên trang giấy trắng qua nghìn khổ đau", hoặc cảnh ngang qua thảo nguyên hoang dã "Cánh đại bàng nghiêng xuống thảo nguyên xa/ Con sông khát nằm nghiêng xa mạc trắng/ Những cụ già cưỡi la đi trầm lặng/ Bầy lạc đà mơ ngủ dưới trời sao", rồi nữa "Nghe tiếng quạ rủ nhau về tháp cổ/ Trên cánh đồng tuyết lạnh im hơi", "Cây run những cánh tay gầy/ Ngoài kia băng đã đóng dầy mặt sông"…
Chiến còn có đôi bài thơ thế sự như "Matxcơva 19-3-1993", "Tuyết vẫn rơi", "Thành Len sau mười năm gặp lại", trong đó nói về nỗi đau nhân thế, nhân tình khi thần tượng một thời sụp đổ. Đôi khi anh cao giọng "Đây chiến thắng của tự do dân chủ/ Đây hy sinh cho chân lý pháp quyền/ Không ai nói nhân danh cho quyền lực/ Kẻ cầm đầu và những kẻ ngồi bên". Song, nhìn chung thế sự không là thế mạnh và cũng không thuộc dòng chính của thơ Chiến.
Xa nhau, bận rộn, ít gặp nhau dần. Tôi chúi mũi vào làm luận án. Không biết buôn bán, đánh quả, thì làm luận án chứ sao. Người ta giễu "dắt con bò qua Matxcơva cũng thành phó tiến sĩ cơ mà!". Tiếng Nga kém do không được học hành đến nơi đến chốn nên hàng ngày tôi phải đánh vật với thi cử, viết luận án, lo bảo vệ đến bạc cả tóc, mờ cả mắt. Tần số lên Mát vì vậy cũng thưa dần. Những hẹn ước cùng Nguyễn Đình Chiến và bạn bè đi Lêningrat thăm bảo tàng Ermitatgiơ, hành hương về Yaxnaia Poliana (Tula) viếng mộ L.Tolxtoi, đi Arion thăm trang trại của I.Tuocghenhiev, về Riadan thăm nhà X.Exenhin…, những địa danh mà nếu không một lần thăm viếng thì "coi như chưa đến nước Nga" cứ mờ dần, rồi mất hút.
Sau này ở Kiev tôi nghe nói Nguyễn Đình Chiến có vợ phụ tá nên ăn nên làm ra lắm. Học hành thì ít mà đánh quả thì nhiều (vậy nên sau gần chục năm Chiến mới có mảnh bằng giắt cạp quần). Nhưng bù lại gã lại được đặt chân đến hầu hết nước Nga, chứng kiến nhiều sự kiện ở vào thời buổi nhiễu nhương. Gặp thời, Chiến buôn bán đổi phòng liên tục mà quả nào cũng trúng, có quả trúng đậm. Đi đâu cũng taxi, chứ không metro hay xe buyt điện. Không thèm cầm lại một vài Rúp tiền thừa người ta trả lại. Thích đâu đi đấy. Thích gì ăn nấy, uống nấy. Em út lu bù. Lại còn đang mưu toan vận động thành lập Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga và ra báo "Người bạn đường" nữa... Tất cả chuyện ấy chẳng biết có thật cả không, hay là người ta đồn thế, tán thế, không rõ.
Cuối năm 1992, tôi sửa soạn vác vali về nước. Lúc này Liên Xô đã vỡ, Ucraina đã tách thành một quốc gia độc lập, song việc đi lại bằng hàng không quốc tế vẫn phải qua Matxcơva. Lại có một buổi liên hoan "tống biệt" ở Xóm viết văn Goorky. Ấn tượng cụ thể thế nào tôi không nhớ rõ, nhưng chắc chắn là không long trọng như lần sang. Không khí nước Nga đã khác, mà tâm thế con người lúc ấy cũng khác. Đúng là thời của tao loạn, mặc dù không đổ nhiều máu. Đi Tây về thì phải có gì chứ? Chỉ độc có cái bằng "phun thuốc sâu" hão, thùng hàng không, đồ xách tay cũng không thì ngượng chết! Lúc ấy mốt buôn chó Bắc Kinh về Việt Nam đang thịnh hành, lãi bạc triệu. "Hay là ông buôn chó vậy", ai đó gợi ý. Điểm lại thì vốn liếng mang theo cũng như tôi tích cóp được cũng đủ để "đánh một quả chó". Thế là chiều theo nguyện vọng của kẻ sĩ là tôi, Chiến, Khoa, Thủy… nai nịt áo mũ khăn khố rồi dắt díu nhau ra chợ chó.
Năm ấy tuyết xuống dầy phủ trắng phố phường, ra đường tuyết ngập ủng. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một cái chợ chó trên tuyết "hoành tráng đến dã man" như vậy. Đủ cả các giống chó, phổ thông có, cổ quái có, kỳ quái cũng có. Người để chó trong rọ, kẻ bồng trên tay, kẻ kiệu trên cổ. Người dắt một con, kẻ bán cả ổ. Người phương Tây quý chó, nâng niu chó lắm. Con nào cũng được chủ quàng vào cổ một cái "trích ngang lý lịch" trên đó ghi đến mấy đời dòng giống gia tộc. Mặc cả mãi mọi người cũng chọn mua cho tôi được ba con Bắc Kinh khá đẹp, xin lỗi, đúng là "mặt Thanh H., da Minh Th., tý Ái V., chân Ba Đẻn" như người ta vẫn đồn thổi. Trước hôm chia tay, Chiến cho tôi một tút thuốc Đunhin về làm quà. Anh cũng nhờ tôi chuyển cho nhà thơ Phạm Tiến Duật một trăm đôla, gọi là có chút quà của "thằng em xứ tuyết" gửi biếu ông anh. Chiến chơi rất thân với tác giả "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" vì có lẽ cả hai cùng giàu chất lính tráng trong người, cũng như chất hoành tráng trong thơ.
Vào thời buổi ấy, việc mang hơn một nghìn đôla qua hải quan Nga an toàn là cả một vấn đề. Để ổn định thị trường, Nga cấm ngặt việc mang đôla qua biên giới, mà đây toàn của bạn bè tin tưởng gửi cả. Người ta rỉ tai nhau rằng an toàn nhất là giấu nó vào trong bụng, lên máy bay thì vào ngay nhà toilet để lấy ra. Qua hải quan nước mình thì khỏi phải lo, vì lúc ấy Việt Nam đang khát đô la. "Mục kích" tận mắt cảnh tôi cuộn hơn chục tờ 100 đô vào túi nilon rồi nhăn nhó đút vào cái chỗ khó nói ra ấy, Trần Đăng Khoa cười đến chảy cả nước mắt. Đúng là "y làm những việc mà những người tự xưng là trí thức như y không làm" như lời tự giễu của giáo Thứ trong tiểu thuyết "Sống Mòn" của Nam Cao.
Chuyện mang lồng chó qua hải quan cũng rất bi hài, phải nhờ người quen hộ tống và lót tay ít đồng Rúp mới trót lọt được.
Mộng làm giầu bằng buôn chó Bắc Kinh của tôi, rốt cục cũng thảm hại như chuyện "xịp bông hồng" năm nào. Số là, về đến sân bay Nội Bài vừa lồm cồm xách va li cùng cái lồng chó ra khỏi sân bay là cả một đội quân chờ sẵn, xô đến. Dù đã được mọi người cảnh báo trước song vẫn cứ bất ngờ. Phải chật vật lắm tôi mới thoát được lũ người đeo bám đòi mua chó bằng được để vẫy một chiếc taxi về nhà một người bạn thuở đại học. Lũ chó cũng được tạm gửi ở đấy, để rồi sẽ liệu tính tiếp. Tai họa đã xảy ra: con chó phốc của chủ nhà chẳng biết ghen tức lũ Bắc Kinh thế nào mà nhân khi mọi người đi vắng đã cắn chết một con, một con khác bị cắn lòi mắt, may còn một con lành lặn. Về nhà thấy cảnh máu me tôi rủn hết cả người. Đành bán con lành gỡ gạc lấy chút vốn liếng, còn con chột mãi không bán được thì để nuôi, rất may đó là một cô chó cái. Nghe tin tôi hỏng quả chó, Khoa đùa nhắn bảo: "Chó chột có cần đeo kính không, tôi mua gửi tặng "nàng" một cái kính!".
Vũ Xuân Hoát, nhà thơ mà tôi đã quen biết từ trước, lúc ấy đang ở tại một khu tập thể ở Nghĩa Đô đang mộng đổi đời bằng việc tập tành kinh doanh mèo chó cảnh, nên vui vẻ nhận nuôi con chột. Từ việc lấy đực đến chăm sóc hàng ngày đều do gia đình anh lo cả. "Lãi lờ sau này chia đôi" Vũ Xuân Hoát cười phớ lớ. Ngoài cơm cháo, mỗi ngày nàng chột còn được bồi dưỡng một quả trứng vịt lộn. Ngắm con chột bụng chửa ngày một to, đi lặc lè, Vũ Xuân Hoát hào hứng: "Tớ với chú sẽ đổi đời nhờ con chột này đây". Có hôm Hoát bảo thầm vào tai tôi: "Có đứa gạ đổi chiếc mu-kích mới tinh, nhưng mình dại gì". Bẵng đi mấy hôm, tôi sang nhà thì được Vũ Xuân Hoát buồn rầu báo tin: "Con chột chết rồi. Chôn ở chỗ kia kìa!". Hỏi ra mới biết cũng vì bồi dưỡng quá mức đã khiến con chột không đẻ được, mà người nuôi lại thiếu kinh nghiệm về chăm sóc chó cảnh đẻ. "Quả chó" vậy là lõm to!
Về nước bận vào chuyện làm báo, dậy học kiếm ăn, rồi lấy vợ nuôi con, tôi cũng lãng quên dần xứ tuyết. Trần Đăng Khoa sau khi tốt nghiệp cũng đã về nước. Vào năm 1999, khi tôi đang làm nhà ở làng Quan Hoa, quận Cầu Giấy, gần bờ sông Tô Lịch, thì Khoa, lúc ấy đã làm cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đến chơi. Nhìn cái nhà của tôi khá to đang ở thời kỳ hoàn thiện Khoa có hơi bị sốc, hắn gật gù: "Tôi có hai ông bạn khó hiểu, một là Nguyễn Đình Chiến tưởng là rất giầu mà không biết tiền đi đâu, để đến nỗi nợ như chúa Chổm? Còn Phạm Công Trứ thì không biết lấy đâu ra tiền mà làm nhà to thế". Rồi hắn tuyên bố: "Tôi từ nay coi như mất một người bạn". Ý hắn muốn nói là tôi có nhà cao cửa rộng rồi thì sẽ biến chất, không còn là thằng nhà quê "ngồi gỡ cỏ may" nữa!
Tôi chân tình bảo Khoa: "Bây giờ đất ngoài này đang rẻ. Ông bán cái căn nhà đang ở đi cộng với vay chạy thêm cũng đủ để mua một mảnh nho nhỏ ở ngoại ô này. Khi còn sống thì ông ở, sau này "viên tịch" thì con cái chúng tôi nó còn có chỗ đến thắp hương". Hình như tôi còn nhại hai câu thơ trong bài "Đám ma bác giun" của hắn, rằng "Bác Khoa đào đất suốt ngày/ Hôm nay chết ở gốc cây sau nhà". Khoa thủng thỉnh: "Cần đếch gì nhà cửa! Chết thì thôi, đây không chịu trách nhiệm với cái đống bầy nhầy còn lại ấy". Ấy vậy mà sau khi cưới vợ, "con giời" cũng dứng dả đi mua nhà như ai. Hôm Hoàng Xuân Tuyền rủ tôi đến thăm nhà Khoa mới tậu ở bên Gia Lâm, hắn săng sái dẫn đi giới thiệu từng tầng và tuyệt nhiên không động chạm gì đến "cái đống bầy nhầy" mà hắn phũ miệng ngày nào. Hỏi thêm Khoa mới biết Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thủy ở bên kia hiện khó khăn lắm. Thủy thì vẫn "lềnh phềnh sĩ", lại còn chìm sâu vào cõi "tâm linh" lúc nào cũng quần áo lễ bái, rồi phán như đinh đống cột rằng đến năm… sẽ thành thiên tài (?). Nguyễn Đình Chiến thì nghe đâu bậm nợ. Đi đâu cũng thấy có người đòi tiền. Có kẻ còn đe đánh nữa. Ôi chao, sự đời đã đi đến nước này rồi ư?!
Vào năm 1998 thì Trần Thị Kim, vợ Chiến, về. Kim tìm đến nhà tôi ở Quan Hoa chơi. Tôi hỏi: "Nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiến đâu?". Kim rơm rớm nước mắt: "Em về trước, anh Chiến vẫn ở lại bên Nga". Tôi không tiện hỏi cặn kẽ sự tình, song cũng thầm hiểu là hai người có mắc mớ về chuyện gia đình và cái lần chia tay ở sân bay bên xứ người cũng chẳng vui vẻ gì. Một nách hai con nhỏ, đây thực sự là những năm vợ Chiến gồng mình bươn chải, gần như làm lại từ đầu. Kim gửi con trai sau, cháu Vũ, ở nhà trẻ Hoa Hồng, gần Cầu Giấy, học cùng với cái Mít con tôi. Lúc ấy còn bé lũn cũn mà Vũ đã hứa hẹn một chàng trai có dáng to cao như bố sau này. Cháu Kiên con trai đầu thì tầm thước giống mẹ, mặt bụ sữa trông như "Liên Xô con", nói tiếng Việt chưa thật sõi nên việc theo học buổi đầu cũng gặp khó khăn.
Rồi Nguyễn Đình Chiến cũng về. Chuyện phải rời xa nước Nga của Chiến hẳn là day dứt, khổ tâm lắm. "Tạm biệt nhé, nước Nga, tạm biệt", câu thơ này cứ được anh lặp đi lặp lại ở một bài thơ trong tâm trạng của một kẻ hồi cố "Xe ai đó đưa tôi về phố cũ/ Căn phòng xưa người khác đến thay rồi/ Xin đừng bẻ cành xiren trước cửa/ Đã bao mùa hương tỏa xuống thơ tôi". Anh còn "tuyên thệ" bằng thơ "Dù vật đổi sao dời đâu chẳng biết/ Trong lòng này vẫn có Matxcơva". Gặp lại Chiến người vẫn to cao lừng lững, chân vẫn sải những bước dài, đầu vẫn ngúc ngắc mỗi khi bốc lên nhưng ánh mắt, nụ cười nay đã ít nhiều phôi pha. Đúng là "thời oanh liệt nay còn đâu!". Lãng đãng đâu đó một thời gian rồi Chiến về ở với Kim. Nhà Chiến ở trong một ngõ phố Trần Cung, cách nhà tôi ở trong ngách đường Hoàng Quốc Việt không xa lắm. Kim nay đã mở phòng châm cứu kiêm bán thuốc đông y "Kim Linh" đang có phần ăn lên làm ra. Tôi người nhiều bệnh, nên đôi khi là bệnh nhân "châm cứu bấm huyệt" của Kim. Sang nhà ít khi gặp Chiến, chỉ loáng thoáng bắt tay gã đâu đó chỗ này chỗ kia, khi thì ở Trung tâm văn hóa Nga trên đường Kim Mã, khi thì ở Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây của dịch giả Đoàn Tử Huyến ở phố Trần Quý Kiên.
Năm 2003 Chiến tặng tôi tập thơ quan trọng của đời thơ anh, với cái tên khá ảo là "Vầng trăng trên tuyết". Một tập thơ bìa cứng dầy dặn, giấy trắng tinh, kèm phụ bản là mấy tấm ảnh Chiến chụp bên Nga. Ảnh nào cũng thấy Chiến thắt cà-vạt tạo dáng trước một rừng san sát bạch dương thân trắng mốc, trông rất lãng tử. Tập thơ chia làm hai phần. Phần thứ nhất là những bài thơ chủ yếu viết về khoảng mười năm đời lính, phần thứ hai viết về cũng khoảng mười năm ở nước Nga. Xen giữa hai phần là những bài viết về quê hương, gia đình. Cuối tập là "vài dòng" trong đó trích dẫn những lời nhận xét của các nhà thơ tên tuổi và của bè bạn về thơ Chiến.
Có dịp dọc hết "Vầng trăng trên tuyết" thấy hiển hiện rất rõ mười năm đời lính của Nguyễn Đình Chiến, gian khổ song rất hào hùng, xen chút hào hoa, lãng mạn. Chất tráng ca, chất biên tái bàng bạc trong "Trăng Trường Sơn", "Rừng Lào", "Chiều Mường Khương", "Hoa hồi xứ Lạng", "Bài ca đá núi Vị Xuyên", "Hà Giang", "Đồng Văn", "Thất Khê', "Về Tây Bắc", "Gửi Nghĩa Lộ"… "Mùa xuân lên An-long-ven", "Người lính trẻ và đền Ăng-ko", "Cô gái Bát-toom-bong"... Chỉ điểm tên các bài thơ như vậy đã có thể hình dung ra những nơi Chiến có mặt, cầm súng chiến đấu và cầm bút viết báo. Tôi cũng là lính Trường Sơn ba năm gian khổ, song quanh đi quẩn lại cũng chỉ từ Quảng Trị vào đến Thừa Thiên thời chống Mỹ, còn Chiến tung hoành từ Bắc vào Nam, hết qua Lào lại sang Campuchia, rồi ngược lên biên giới phía Bắc thời chống Tàu. Cũng như ở bên Nga, hình như Chiến có chủ ý lấy tên những vùng đất mà mình đã qua, đã trải, làm tên những bài thơ, giống như một kiểu ghi nhật ký, bút ký bằng thơ thì phải (?).
Mảng thơ về đời lính của Chiến ít thấy cảnh khói lửa dữ dằn ác liệt, hay trực tiếp đối mặt với bom đạn, chết chóc mà thường là những cảm xúc chiến trường, chiến trận đã lắng dịu. "Gặp lại các em", bài thơ đoạt giải A báo Văn Nghệ năm 1982, ra đời trên cái nền cảm xúc ấy. Bài thơ này cũng tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Đình Chiến bi tráng xen lẫn trữ tình, và đặc biệt là chân tình, một thứ chân tình không e dè, giấu diếm. Đọc bài thơ này, ông chánh chủ khảo Xuân Diệu đã hạ bút nhận xét "Nguyễn Đình Chiến có một giọng chân thành rất quý báu" và "cảm thấy cái lẽ lớn của thơ là nhân tình". Còn Trần Đăng Khoa sau khi biểu dương những đóng góp, đã có lý khi cho rằng bài thơ này của Chiến "cũng như một số bài thơ chống Mỹ trước đây đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của mình".
Nhìn chung, thơ Chiến viết theo lối truyền thống. Anh mạnh về cảm xúc song không mạnh về cấu tứ và tiết chế cảm xúc. Không nắn nót kỳ khu đẽo gọt về câu chữ, anh để mặc cho mạch cảm xúc của mình dẫn dắt như dòng sông chảy tràn bờ, lắm phù sa màu mỡ, song cũng không thiếu những vật vờ vấn rác. Giọng thơ này thích hợp với trường ca, tráng ca, nhất là khi nó được tấu lên bằng chính giọng "đô trưởng" và điệu bộ chém tay vào không khí của Chiến trước đám đông. Những người dễ xúc động, nhất là các em choai choai yêu văn học, sẽ lập tức bị Chiến chinh phục, cảm thấy mình như con chiên trước Cha xứ trong Thánh đường.
Khi cảm xúc chín, Chiến có khá nhiều câu thơ gợi cảm, chẳng hạn anh tả rừng Lào: "Nghe rạo rực tiếng voi đi thác đổ/ Tiếng bồn chồn con hoẵng ngại mưa sa/ Tiếng rừng rậm con công buồn chẳng múa/ Tiếng đầm lầy con quốc gọi u oa". Đứng trước đền Ăng-ko anh như thấy "Thúc voi gầm đâu tiếng bánh xe lăn/ Tiếng giáo gẫy và tiếng rìu chém đá/ Những vầng trán sạn sầm trong bụi lửa/ Những vai trần thịt khét dưới mưa tuôn". Anh lắng lòng mình ở An-long-ven: "Bất ngờ một tiếng chim rơi/ Mênh mông rừng nuốt lấy rồi lặng im". Anh rưng rưng với tình đồng đội ở Đăng-rếch "Nhường nhau miếng nước không cầm/ Uống đi rồi lại thì thầm uống đi". Anh đối thoại với cao nguyên đá Đồng Văn: "Ngựa hý ran gõ móng trước cổng trời/ Người với núi nhìn nhau như thách đố". Rồi thì "Đâu Than Uyên gió thổi ù tai ngựa/ Bóng ai ghì cơn sốt giữa trang thơ", "Hoa chuối đỏ mặt trời không chói mắt/ Suối xanh vòng bướm trắng lại xòe hoa"…
Tuy say đắm, song có lúc anh cũng nhận ra cả sở trường lẫn sở đoản đường thơ mình "Dòng lục bát bao lần tôi mắc cạn/ Những câu thơ đuối sức phải lên bờ". Anh tâm niệm "Câu thơ viết trọn đời tôi ao ước/ Thật và tươi như sắc đất chiến hào". Anh băn khoăn tự hỏi "Thơ đã viết đầm đìa trên cột mốc/ Câu thơ nào tâm huyết của riêng tôi". Ý thức công dân, sứ mạng nghệ sĩ thể hiện khá rõ nét và mãnh liệt trong thơ viết về chiến tranh của Chiến, đặc biệt là chiến tranh bảo vệ vùng biên.
Trên kia tôi đã dẫn hai câu thơ Nguyễn Đình Chiến tự họa chân dung mình: "Tôi người lính quen đi nhanh bước mạnh/ Quen mưa to gió lớn những phương trời", song như thế mới chỉ là một nửa chân dung. Nguyễn Đình Chiến còn có một chân dung khác, như chính anh đã tự thú trong hai câu thơ tiếp theo "Nhưng trước em trước mùa xuân mỏng mảnh/ Lại thấy mình thơ nhỏ giữa xanh tươi".
Đúng vậy. Đối lại với một Nguyễn Đình Chiến hào sảng, kiêu hãnh, tráng ca là một Nguyễn Đình Chiến yếu đuối, đa tình và thậm chí là "dại gái". "Em" và "trăng" như hai nhân vật có mặt ở hầu hết các bài thơ của Chiến. Đấy là em của mưa nắng thành Tuyên buổi đầu đời với "chiếc quạt xanh e ấp", mà "Đã bao lần anh lặn xuống dòng sâu/ Chỉ để tìm cho em một viên cuội nhỏ"; em của một thuở "Cành xưa hai đứa chung tay vịn/ Giờ cách đầu tôi một với tay", em huyền ảo ở Bát-tom-boong "Đôi gối mịn em nhẹ quỳ trên cỏ/ Mái tóc mun buông xuống ngực trăng tròn".  Hứng lên anh chẳng ngại "Xin quảy gánh theo em về xóm nhỏ/ Mưa mơ hồ trên lá biếc em trao". Ngây ngất trước người đẹp, anh còn mộng "Bế em về làm vợ" và vẽ ra một "địa đàng" giữa trần thế "Vườn thơm mùi thảo quả/ Bếp thơm mùi nếp xôi/ Đặt trăng lên giường cưới/ Hai chúng mình gối đôi"…
Trăng cũng có mặt khắp nơi trong thơ Chiến, khiến Trần Đăng Khoa trong một bài viết, sau khi dẫn ra rất nhiều câu thơ về trăng đã hạ bút "Thơ chiến là ánh trăng, khi lấp lánh lúc bàng bạc huyền ảo. Người ta không thể biết ánh sáng ấy phát ra ở đâu, và kết thúc ở đâu. Ở trời mây hay ở sông nước, hoa cỏ". Viết những dòng này chẳng rõ là Khoa khen hay chê. Thì giọng điệu của gã nhà thơ có tiếng là "cuội" xưa nay vẫn ỡm ờ vờ vịt thế. Tuy nhiên, tôi tin Khoa thực lòng khi viết rằng "Ngay cả những bài nhàn nhạt trung bình anh vẫn có những câu thơ găm được vào trí nhớ người đọc". Khoa nức nở khen bài thơ "Ánh trăng" và đánh giá "Giấc ngủ của trẻ con làng chài" là "tác phẩm toàn bích nhất của tập thơ Chiến". Đồng ý với Khoa song tôi nghĩ "Thành Tuyên ngày xa em", "Một khúc quê hương" cũng có thể xếp vào số những bài thơ hay của Chiến, chẳng những thế chúng còn tiêu biểu cho phong cách thơ của anh: chan chứa ân tình và dạt dào say đắm.
Một người "quen đi nhanh bước mạnh" như Nguyễn Đình Chiến hóa ra cũng lắm bệnh, mà lại bệnh trọng. Chiến bị tiểu đường, nên phải kiêng ăn, kiêng uống, song khó mà kiêng đi. Với một người quảng giao như Chiến, đông bạn bè, em út, thì việc phải hạn chế các thú vui ấy quả là một cực hình. Một ngày mà Chiến không ra đường, không gặp ai đó, không đọc thơ, là không chịu được. Rồi bị xuất huyết não nhẹ, không phải một mà là hai lần phải nằm bệnh viện. Kim ngày thường thì khủng khỉnh với Chiến vì nhiều nỗi, trong đó có cả chuyện ghen tuông đàn bà, song khi Chiến ốm thì không tiếc tiền thuốc thang. Thuốc tốt cộng với thể lực hơn người nên Chiến hồi sức rất nhanh. Vừa mới "tươi lông đỏ da" Chiến đã lại đi, lại bạn, lại thơ. Tuy vậy, sau lần vào viện thứ hai tôi thấy thần sắc Chiến đã kém, để ý thấy tiếng nói đã hơi meo méo, cử chỉ đã hơi đơ đơ. Cứ mỗi lần tôi sang chơi hỏi "nhà thơ lớn đâu" thì Kim bảo "lại đi rồi". Hỏi "đi đâu" thì bảo lúc thì ở Hà Nội, lúc thì về quê Yên Bái, lúc thì ở câu lạc bộ thơ này, lúc ở diễn đàn thơ khác. Bạn bè trải suốt từ thủ đô đến tỉnh lẻ, chủ yếu là dân văn nghệ, đủ cả, từ kẻ đầu râu tóc bạc đến các cháu mới lớn, miệng thường cười duyên, mắt hay chớp chớp.
Điều khiến Kim rầu lòng nhất là Chiến bệnh trọng, song lại rất chủ quan, phớt đời, không chịu uống thuốc đều đặn. "Em đã lo cho anh ấy thuốc, rồi thì thực phẩm chức năng, viết vào giấy dặn dò kỹ càng, ấy vậy mà chỉ được vài ngày rồi lại vui bạn bè quên mất. Hứng lên còn làm vài ly rượu nữa". Có hôm ngồi tán chuyện với Chiến, nhớ nước Nga, nước Ucraina, tôi nhắc đến những bạch dương, hoàn diệp liễu, kiều mạch, tử đinh hương… thấy mắt Chiến đột nhiên lóe sáng lên rồi lại đờ đẫn như một con nghiện đang lên cơn mà lại thiếu thuốc. Tôi biết nước Nga đang trở lại trong anh, làm khổ anh, thì đấy nghe bạch dương đang tí tách đâm chồi/ Tuyết tan chảy, cỏ giật mình thức dậy…
Quá trưa 30 tết Giáp Ngọ tôi thấy tiếng chuông điện thoại reo rồi tiếng Kim nghẹn ngào: "Anh Trứ ơi, anh Chiến mất rồi". Cúp máy. Tôi vô cùng sửng sốt chết lặng đi. Lúc sau hỏi lại mới rõ, thì ra Chiến về Đại Minh, Yên Bình, Yên Bái định ăn Tết ở quê song bị nhồi máu cơ tim. Người nhà lập tức đưa đến bệnh viện Hùng Vương ở Đoan Hùng, Phú Thọ, thì Chiến đã hôn mê. Được tin, Kim tất tưởi lên ngay song không kịp cứu. Tôi bấm di động báo tin ngay cho Trần Đăng Khoa. Khoa cũng sửng sốt: "Mới mấy hôm trước Chiến còn nói với tôi vừa hoàn thành phần II trường ca Điện-biên-phủ, trong đó nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vậy mà…", tôi cũng lập tức gửi mail cho Châu Hồng Thủy đang ở bên Nga…
Tang lễ Nguyễn Đình Chiến được tổ chức ở Bệnh viện 103 theo nghi thức quân đội khá trang trọng. Đến tiễn đưa Chiến thì chỉ trừ những người ở xa còn hầu như có mặt đầy đủ bạn bè "Xóm viết văn Goorky" thuở nào. Trần Đăng Khoa, một trong những người bạn thân nhất của Chiến, đọc điếu văn, trong đó khẳng định những đóng góp của anh trong quân đội, cũng như trong văn học. Buổi lễ đưa tiễn Chiến ở quê đông đúc người thân và bạn bè. Có mặt buổi chiều hôm ấy, tôi thấy thổn thức giữa hương khói và nước mắt là thơ. Thơ Nguyễn Đình Chiến mà bạn bè thuộc. Thơ của bạn bè viết về Chiến. Tôi cứ tự hỏi, nghĩ cũng lạ, giữa một vùng đất trung du khá khô cằn sao lại có thể sinh ra một nhà thơ lai láng cảm xúc như Nguyễn Đình Chiến. Mộ Chiến nằm ở ngay cạnh bờ con sông Chảy, một nhánh của sông Lô, mùa này nước trong xanh xiết chảy đến nao lòng. Mộ Chiến nằm cách không xa mộ cha. Ông cụ ra đi năm trước vì bệnh tật tuổi già. Mẹ Chiến đã chín mươi lại vừa bị tai nạn gãy xương chân, người ta chưa cho cụ biết tin buồn vì sợ cụ bị sốc.
Sắp đến lễ 49 ngày Nguyễn Đình Chiến. Tưởng nhớ bạn, tôi ngồi viết những dòng này. Nó lan man, chập chờn đứt nối cùng bóng hình Nguyễn Đình Chiến vẫn như đang lẩn khuất đâu đây. Chiến sinh năm Nhâm Thìn, 1952, tôi Quý Tỵ, 1953. Tôi có lần bảo Chiến: "Ông cầm tinh con Rồng có cánh nhiều khi bay lên hoành tráng, khoáng đạt, tôi cầm tinh con Rắn suốt đời chỉ có bò thôi. Thậm chí không khéo có khi người ta còn đập chết nữa". Chiến cười cùng một cái nhếch mép. Song tôi biết trong sâu thẳm anh có những nỗi buồn. Buồn vì thời thế: nước Nga "thành trì của CNXH" thế mà nay đã thành xưa, tiếng Nga "tiếng của Lê Nin" lâu nay không còn đắc dụng nữa. Buồn vì đường binh nghiệp dang dở, 17 tuổi viết đơn tình nguyện vào bộ đội sang Lào, 18 tuổi được kết nạp Đảng tại chiến trường, từng là chính trị viên tiểu đoàn, giảng viên, phóng viên quân đội mà về cuối đời quân hàm quân hiệu không ra sao. Buồn vì một thuở mơ giàu sang mà rồi vung tay quá trán có lúc bậm nợ, về hưu nhiều khi tiền lại không đủ tiêu. Buồn vì bệnh tật nan y và nhiều thứ khác khó gọi thành tên, mà những kẻ làm thơ thường tự vận vào mình. Buồn vì bị nàng thơ hành đến độ mê mẩn, tan nát, mà lại chưa phải là Hội viên Hội nhà văn. Có bận ngồi với nhau, tôi hỏi Chiến: "Sao ông không viết đơn vào Hội để sinh hoạt với anh em cho vui, ông vào quá dễ". Chiến chỉ ừ hữ, bảo là chưa làm đơn, chẳng biết vì lý do gì.
Nhưng thôi Nguyễn Đình Chiến bạn ơi! Biết thế nào là "được" là "mất" ở cõi đời trần tục này. Hôm nào trong thơ anh ước "Ôi nếu vậy xin được về xứ xở/ Có dòng sông hoa sở trắng bên đồi/ Có tiếng hát của những người trèo cọ…"  thì nay anh đã về nằm bên con sông quê hương bốn bề biếc xanh bưởi, cọ. Hôm nào ở nơi xa xôi anh tưởng thấy "Mưa xuân giục bước chân người về chợ/ Gặp người làng ai đó nhắc tên tôi" thì hôm nay tên anh cùng thơ anh đang vang lên trên môi bao người làng đến đưa tiễn anh lần cuối. Hôm nào anh thổ lộ "Đã lâu rồi con không ngủ bên cha/ Đi đánh giặc con nằm bên đồng đội" thì nay anh đang yên nghỉ bên người cha một đời lam lũ khó nhọc. Những đứa con anh mới hôm nào "Bố nhìn trời đất võng đưa/ Trong đôi mắt mẹ đợi chờ tiếng con" thì dưới bàn tay nuôi nấng, chăm sóc, dậy dỗ của người vợ đảm, nay đang lần lượt trưởng thành. Mai đây chúng sẽ thường xuyên tìm về nơi này để có thêm cảm hứng và nghị lực vững bước trên con đường mà cha chúng đã từng "đi nhanh, bước mạnh" dù cho có "mưa to gió lớn những phương trời".
Đến đây, tôi xin mượn một đoạn thơ anh để kết thúc bài viết lan man, đứt nối này:
"…Tôi đã đi gót mòn không biết sợ
Bấy nhiêu năm ngang dọc mấy phương trời
Qua sống chết, lọc lừa, cám dỗ
Qua buồn vui, may rủi, khóc cười
Những dân tộc những quốc gia nghiêng ngửa
Những tượng thờ đổ vỡ nơi nơi
Tôi đã thấy đã nếm mùi đau khổ
Đã lênh đênh nơi đất lạ quê người
Nhưng không chết một tấm lòng thương nhớ
Ơi cội nguồn duyên kiếp của đời tôi…"
      Bắc Nghĩa Tân, ngày 18-03-2014
        P.C.T