Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là một vùng quê có tự ngàn đời, cái tên huyện Kỳ Anh cũng có từ mấy trăm năm nay với đèo Ngang nổi tiếng “Bao nhiêu người làm thơ đèo Ngang / mà không biết con đèo chạy dọc” (Phạm Tiến Duật) . Bài thơ về đèo Ngang của bà huyện Thanh Quan “Qua đỉnh đèo Ngang bóng xế tà / cỏ cây chen đá, lá chen hoa …” lưu danh thiên cổ . Có nhà thơ còn lấy tên huyện Kỳ Anh làm tên cho mình (Dương Kỳ Anh)… Ấy vậy mà bây giờ đang xáo trộn bởi nhiều ý kiến khác nhau về chủ trương chia tách… Bài viết của Hà Lê sau đây nói lên phần nào tâm trạng đó…
Đã là người Hà Tĩnh, nhất là người Kỳ Anh thì ai mà không bâng khuâng trước Phương án thành lập Thị xã “ Hoành Sơn” của UBND Tỉnh. Dù đang làm việc, hay đã nghỉ hưu; những người con xa xứ hay đang ngày đêm cày cuốc trên đồng, đều trở nên tư lự, pha chút bâng khuâng trước cái mốc lịch sử chia, lập này. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra: Không chia tách, không thành lập có được không ? Cứ để vậy, đầu tư thêm cán bộ đủ năng lực…để cả huyện Kỳ Anh cùng tiến ? Và nếu thành lập Thị xã thì lấy ranh giới đến đâu? Cái tên Hoành Sơn đã ổn chưa? Nếu chưa ổn thì lấy tên gì…? Biết bao người sau khi biết 5 phương án của Tỉnh đều sửng sốt, bàng hoàng. Cái việc “ to như ông trời” ấy, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng vạn gia đình, hàng triệu con người, mà tháng 3 thì nêu, tháng 6 đã quyết, thì liệu có quá vội vàng ? Quyết định đó đã thực sự là ý dân ?. Thông tin đã kịp đến con cháu khắp mọi miền tổ quốc ? Kể cả bên Âu, bên Mỹ? Những ý kiến tâm huyết, những phương án tối ưu đã kịp đến với các nhà lãnh đạo ?
Chúng tôi, những người Kỳ Anh đang cào cuốc trên đồng thì vội vất cuốc, vất cào để“ cãi nhau”. Đầu tiên là cái tên “Hoành Sơn”. Ông Nguyễn Thách, nói:“ Hoành Sơn nhất đái/ vạn đại dung thân” Ha ha… “Thị xã Hoành Sơn” tuyệt vời, có thể nói là đẹp nhất nước !”. Ông Dưỡng, nói: “Tuyệt chi mà tuyệt. Tên thị xã chung quy là cái địa danh. Địa danh- nôm na là tên đất. Mà Hoành Sơn là “núi ngang” giữa hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Phải chi của riêng ta. Mà chữ Hoành không được nhiều người ưa vì: “ Thằng cha ấy ngang lắm” “Ngang như cua ”, ngang tàng, ngang ngạnh, nghe ngang ngang thế nào, ngang phè… Và Hoành Sơn là chỉ tính từ chân bên này, đến chân bên kia. Kỳ Ninh, Kỳ Hà… thì có dính chi đến Hoành Sơn. Chi bằng lấy phần đất của nam huyện Kỳ Anh để lập Thị xã thì cứ gọi Nam Kỳ Anh cho dễ hiểu. Có vậy thì ông bà mới biết đường mà về với con cháu. Câu khấn “ Hà Tịnh tỉnh, Kỳ Anh huyện, Kỳ Long xạ, Liên Giang x.ó.m…” khi ta mời Tổ tiên về ăn giổ, chân chất vậy, nhưng đã ăn sâu vào tâm tưởng và tình cảm của hàng vạn con người. Bổng dưng “Hoành Sơn thị, Phường 3, Khu phố 9, Tiểu khu 10… làm con cháu ngỡ ngàng, mà ông bà cũng có nguy cơ lạc lối”. Ông Võ Văn Vinh, nói: “ Có ai kể đẹp xấu gì đâu. Chúng ta có Cầu Ngấy, Cầu Trôi, Cầu Cày; sông Rác, sông Quèn, Rào Mọn. Rú Đọ, Rú Voi, Rú Đụn. Trọt Me. Ở Kỳ Thư có đồng “ Lại Ngao”, Kỳ Nam có “ Cồn Lì”… Những địa danh ông cha để lại, mộc mạc, chân chất, kể ra làm bạn bè cười nghiêng cả núi ! Nhưng đối với người Hà Tĩnh thì nó thân thương và gần gụi với cuộc sống biết chừng nào. Nó đã lặn vào máu, vào thịt của “quê choa” bao thế hệ. Không dễ gì mà thay đổi được ! Theo ông Vinh thì cũng có thể lấy ngay cái tên Vũng Áng mà đặt tên cho Thị xã. Cần gì phải nghĩ ngợi đâu xa. “ Thành Phố Vũng Tàu. Thành phố Vũng Áng. Thành phố Vũng Quýt ( Dung Quất) ”.
Giáo sư tiến sĩ Đường Hồng Dật, quê Kỳ Anh, sống ở Hà Nội, khi nghe tin chia tách, thì viết : “ Những người dân Kỳ Anh xa quê đi học tập, công tác, làm ăn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nhiều nước trên thế giới sẽ rất ngỡ ngàng và có thể đau nhói trong tim khi tìm về quê hương mà gặp phải một cái tên địa danh xa lạ, tổ tiên chắc không khỏi phân vân , không biết hướng nào mà tìm về”. Xin giữ tên thị trấn ( hoặc thị xã) Kỳ Anh bên cạnh huyện Kỳ Anh , tương tự như người dân Nga đã có thành phố Matxcơva và tỉnh Matxcơva”.
Ông Nguyễn Ký, nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh, viết: “ … Nhân dân vùng trong gồng mình vượt qua bao thử thách cùng đồng lòng hợp sức với nhân dân cả huyện vượt qua bao tang thương mất mát của các cuộc chiến tranh, nơi mảnh đất đầu sóng ngọn gió này, hiện nay cũng đang đồng tâm hợp lực chịu đựng sự hy sinh vì sự nghiệp công nghiệp hóa, chúng ta không có lí do nào lại bắt Nhân dân phải “ thay tên đổi họ”. Thực tế trên thế giới cũng như đất nước ta cũng có các đơn vị hành chính khác nhau vẫn giữ chung một tên gọi gốc lịch sử như : Thủ đô Viên Chăn, tỉnh Viên Chăn. Mới đây cả Trung Ương và Hà Nội định chia Từ Liêm thành 2: Từ Liêm và Mĩ Đình, nhưng không thuận ý dân nên cuối cùng quyết định “ Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm”.
Nhà thơ Lê Duy Phương, nguyên Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, viết : “ Trước mắt để có điều kiện quản lí hành chính dân cư Khu công nghiệp, có thể thành lập một Thị trấn hay lớn hơn là một Thị xã. Tuyệt nhiên không lấy một tên nào khác ngoài hai chữ Kỳ Anh, ở phía nam thì gọi Nam Kỳ Anh. Để nguyên thị trấn Kỳ Anh hiện nay cho huyện Kỳ Anh, và quy hoạch thị trấn đó thành trung tâm thị xã hay thành phố Kỳ Anh nay mai”
Và biết bao cán bộ, Đảng viên lão thành khác như ông Nguyễn Thanh, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, ông Nguyễn Din, nguyên tỉnh ủy viên- Bí thư huyện ủy, ông Phan Công Trân, nguyên chủ tịch UBND huyện, ông Phạm Trung Oánh, nguyên phó bí thư huyện ủy, ông Nguyễn Trinh Hằng, ông Hồ Duy Trung, ông Trần Văn Hiếu… nguyên là thường vụ Huyện ủy đều đồng thuận với ý kiến ông Dật, ông Phương và ông Ký đã nêu.
Còn về địa giới hành chính, thì chúng tôi cãi nhau dài dài. Ông Vinh, dàn xếp những cuộc cãi cọ bằng các thông tin trên điện thoại:Vũng Tàu 140 km2. Nam Định 46 km2. Đồng Hới 156 km2.Vinh 104km2.Hà Tĩnh 56 km2. Thị xã Nghi Sơn 12km2… Khu kinh tế Vũng Áng, Thủ tướng đã ký, gồm 9 xã, 228,4 km2 thì đã quá đủ diện tích của một thành phố. Không cần lấy thêm 8 xã và thị trấn Kỳ Anh, ( phương án 1). Vì như vậy, huyện Kỳ Anh còn lại 15 xã. Và không còn Huyện lị ! Đặc biệt, sau khi có điển hình xây dựng Khu hành chính của tỉnh Bình Dương, thì Thị xã lại càng không nên lấy rộng. Ông chủ tịch UBMT Tổ quốc một xã vùng ngoài huyện Kỳ Anh, nói: “ Khi nghe đọc đến phương án 1, tui có cảm giác mất mát thực sự. Không còn gì nữa. Truyền thống, lịch sử, văn hóa, tình cảm, niềm tin… một trăm tám mươi năm của huyện, của Thị trấn bổng chốc… xóa nhòa. Cha con lại phải ngược dốc để xây dựng phố phường. Hai chục năm sau liệu thị trấn mới đã bằng hiện tại ?”.Một lúc Nhà nước và nhân dân phải è cổ xây dựng mới một Thị xã và một Thị trấn. Lảng phí và tốn kém hàng vạn tỷ đồng. Vừa khổ dân, vừa làm nghèo đất nước.
Từ khi nghe việc chia tách, ông giáo sư trên Hà Nội, đến người dân cày cuốc trên đồng, ai cũng bâng khuâng đến lạ ! Tình làng quê chân chất trỗi dậy, pha đôi chút ngậm ngùi ! Ai cũng thiết tha đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh,Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính phủ nếu buộc phải chia tách thì chỉ lấy địa giới Khu kinh tế Vũng Áng hiện tại, theo Phương án 5, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nêu. Và không vì bất cứ lí do gì mà phán quyết vội vàng, để rồi sai to, không tài nào sửa nổi.
Thật lạ ! Lòng dạ ai cũng bâng khuâng, nhưng đã trỗi dậy một niềm tin. Niềm tin son sắt bao la !
HL, tháng 3.2014
Cám ơn tác giả Hà Lê và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về bài viết này.XL