CHÙM BÀI NGHIÊN CỨU
VỀ HOÀI THANH (1909 – 1982)
(Tưởng niệm 105 năm ngày sinh
của nhà phê bình thơ hiện đại số 1 của Việt Nam)
1. HOÀI THANH BÌNH THƠ
Phong cách nghệ thuật là cái nhìn độc đáo đối với đời sống, cái nhìn không chỉ thể hiện lập trường tư tưởng, mà quan trọng hơn, còn thể hiện sự hiểu biết và tình cảm của nhà văn. Cái nhìn mới mẻ và riêng tư ấy đòi hỏi một hệ thống các phương tiện biểu hiện thích hợp. Tìm hiểu phong cách nghệ thuật bình thơ của Hoài Thanh – nhà phê bình văn học nổi tiếng có phong cách riêng rất rõ - không thể không nghiên cứu những quan niệm của ông về thơ và bình thơ như là những định hướng tư tưởng – nghệ thuật cơ bản nhất, chỉ đạo hệ thống biện pháp và thao tác bình thơ của ông, phác vẽ diện mạo cái tạng (tempperament) riêng, gây ấn tượng sâu đậm, lâu dài trong lòng người đọc của tác giả Thi nhân Việt Nam, Phê bình và tiểu luận và Chuyện thơ…
Nói một cách tổng quát: Đó là một phong cách bình thơ độc đáo.
So với các nhà bình thơ đương thời và kế tiếp, Hoài Thanh không giống một ai. Tuy vậy, ông gần Xuân Diệu ở sự say thơ. Cảm xúc khi bình thơ bao giờ cũng chân thành, tha thiết. Nhưng Hoài Thanh kìm chế hơn, ít khi sa đà, lan man như tác giả Tiếng thơ và Phê bình và giới thiệu thơ. Hoài Thanh gần Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Chế Lan Viên, Lê Trí Viễn… ở chiều sâu tư tưởng, sự uyên bác của kiến thức, tầm khái quát vấn đề. Nhưng Hoài Thanh mềm mại, uyển chuyển hơn, thoáng và nghệ sỹ hơn các giáo sư và nhà thơ trên. Thời gian càng trôi qua, càng chứng minh những ý kiến cho rằng phương pháp phê bình của Hoài Thanh là phê bình tình cảm, chủ quan, ấn tượng, xã hội học… là nông nổi và phiến diện.
Hoài Thanh quan niệm:
Thơ là sự thể hiện những rung động chân thành, sâu xa, mãnh liệt của nhà thơ về con người và cuộc sống. Bình thơ là lao động nghệ thuật nghiêm túc, vất vả, nhưng cũng là một cái nghiệp rất vui, những chuyến đi say người và bổ ích; là cảm hiểu cái hay, cái đẹp của thơ rồi truyền nó cho người đọc, người nghe; là cảm hiểu thơ bằng sức mạnh tổng hợp của vốn văn hóa, kinh nghiệm và trực cảm của người bình… Muốn gặt hái được một cách hiệu quả công việc phức tạp, tinh tế, lắm chuyện phiền ấy, người bình cần tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của bạn đọc, cần học tập và rèn luyện suốt đời… nhưng cái chính là phải sống bằng những tình cảm cao đẹp.
Dưới ánh sáng của những quan điểm cơ bản ấy, Hoài Thanh đã sử dụng thành thạo và hiệu lực một hệ thống các thao tác, biện pháp bình thơ tương ứng và phù hợp: Tổng hợp tài tình các yếu tố ngoài tác phẩm thơ để hiểu tác phẩm thơ; đọc văn bản thơ; nắm bắt rất hay, rất trúng cái thần; tái tạo không khí lịch sử, xã hội của bài thơ bằng những liên tưởng phong phú; so sánh, chuyển thể văn bản tự nhiên, nhuần nhuyễn; kết cấu bài bình linh hoạt, sáng tạo theo lối nêu, gợi vấn đề liên tiếp, hứng thú; khắc họa lời bình thành những đường viền, cái khung lộng lẫy, mờ ảo quanh bức tranh thơ; hòa quyện lời bình của người khác với lời bình của mình; dẫn dắt uyển chuyển, khéo léo, trực tiếp đưa tiếng thơ đến với bạn đọc. Những bài bình Truyện Kiều, thơ Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu… là những bài bình như thế. Hoài Thanh thích dồn văn, đúc lời, kiệm chữ. Lời văn bình thơ cô đúc, trang nhã, duyên dáng, giàu chất thơ, tạo nên vẻ đẹp của chính lời bình. Hoài Thanh là một trong những nhà phê bình văn học rất thành công trong việc làm văn trên văn bản, người đã nâng bình thơ lên thành một nghệ thuật.
Lời bình của Hoài Thanh về cánh cò phân vân trong thơ Xuân Diệu, về điệu thơ, lời thơ, nhịp thơ trong Tống biệt hành (Thâm Tâm), về 2 con người thật - giả trong bài ca dao Lính thú thời xưa; về điệu thơ ngọt lịm mà day dứt khôn nguôi ở Nước non ngàn dặm (Tố Hữu)… mãi là những trang văn bình thơ lấp lánh tài hoa mà đậm đà, ấm áp tình người.
Có thể khái quát mấy nét chủ yếu dưới đây về phong cách bình thơ của Hoài Thanh:
1. Chỉ thích và có biệt tài lựa chọn thơ hay, chọn cái hay, cái đẹp của thơ để bình, dẫn. Cho nên cách bình của Hoài Thanh: khen là chủ yếu. Có chê cũng chỉ là để làm nổi bật khen. Hoài Thanh cho rằng: Thơ dở không tiêu biểu cho cái gì hết!
2. Thích bình, bình nhiều và hay hơn giảng. Có giảng cũng không giảng kĩ. Lời giảng thường cô đọng, đầy sức gợi.
3. Lấy hồn tôi để hiểu hồn người; dùng trực cảm nhạy bén, tinh tế để cảm nhận, khám phá cái hay, cái đẹp, cái riêng, cái lạ trong thơ.
4. Không thích nói lý hoặc dùng lý luận trực tiếp, khô khan mà chuyển hóa lý luận thành tình cảm. Hoài Thanh thích gọi những bài viết, bài nói về thơ của mình là: chuyện thơ.
5. Rất có ý thức và thành công trong việc trau dồi ngôn ngữ bình thơ duyên dáng, sâu, đẹp, gọn, gợi… như thơ.
Trên một mức độ nào đó, có thể nói Hoài Thanh đã tích hợp và sáng tạo theo cách riêng của mình, những tinh hoa đặc sắc của truyền thống thẩm bình thơ phương Đông với phương pháp phân tích tác phẩm văn học của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học phương Tây hiện đại.
Phong cách bình thơ Hoài Thanh là phong cách của một nhà thơ viết, nói về thơ, hay của nhà phê bình tài hoa, say mê mà mực thước làm thơ theo cách của mình. Phong cách ấy là kết tinh của mọt tâm hồn dịu dàng, nhân hậu; một trí tuệ uyên bác trong tính cách của một nhà giáo, nhà văn xứ Nghệ suốt đời sống và viết với những tình cảm vừa lớn lao, cao cả hướng tới đất nước, dân tộc và thời đại, vừa tinh tế, nhạy bén hướng về cuộc sống đời thường: một làn hương man mác, một nhành hoa…
Phải chăng phong cách bình thơ của Hoài Thanh nói riêng, sự nghiệp văn học của ông, nói chung, lớn và độc đáo, chính bắt nguồn sâu xa từ đó?
2. LẤY HỒN TÔI ĐỂ HIỂU HỒN NGƯỜI!
(Tìm hiểu quan niệm bình thơ của Hoài Thanh)
Hoài Thanh là một trong những nhà bình thơ kiệt xuất nước ta ở thế kỷ 20. Trong hệ thống quan niệm về bình thơ của ông, có lẽ tư tưởng: Bình thơ là cảm, hiểu thơ bằng toàn bộ sức mạnh tổng hợp của con người văn hóa, mà điểm cốt lõi là lấy hồn tôi để hiểu hồn người, là đặc sắc nhất, chỗ ít nhà phê bình nào sánh kịp!
Ông viết năm 1941:
Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa cho tôi đi vào một tâm hồn… Gặp thơ hay, tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi, ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người… Tôi chỉ muốn hiểu cho đúng, không phải cho đủ - hình sắc các hồn thơ. *
Con đường tiếp nhận thơ của Hoài Thanh là con đường tổng hợp, là sự huy động toàn bộ các năng lực và giác quan của con người. Nhưng quan trọng nhất là dùng tình cảm để khám phá tình cảm, từ trái tim đến với trái tim. Bởi lẽ, thơ là tiếng đồng vọng, lời nhắn nhủ thiết tha, da diết, xuất phát từ trái tim người đến những tâm hồn đồng điệu, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nếu chỉ bằng con đường phân tích máy móc, lạnh lùng, thì giỏi lắm cũng chỉ mới hiểu được cái xác, cái vỏ ngoài mà thôi! Thơ đòi hỏi người bình phải hết mình toàn tâm, toàn ý, chân thành và thủy chung, tế nhị như đối với người thương.
Đến với một bài thơ như đến với một con người. Nhưng chọn cái hồn để thâm nhập và thâm nhập cũng bằng hồn là chọn chỗ vi diệu nhất, cũng là chỗ mơ hồ nhất, nhưng mà thơ nhất!*
Cảm hiểu cái hay, cái đẹp của thơ là ở cái bề sâu, cái bề cao, bề xa (Chế Lan Viên), là ở bên dưới, đằng sau những câu, chữ, vần điệu, ở khoảng trống im lặng giữa các dòng thơ. Nơi ấy, hồn thơ lẩn khuất, nương náu và hay chơi trò ú tim với người bình.
Với thơ, xin đừng nói to, đừng bước nặng! Hãy lắng hồn ta lại để đón lấy hồn người! Chớ làm kinh động chút hồn thơ đang nương náu trong bụị cỏ lời thơ. *
Người bình phải đem sự tâm thành của trái tim nghệ sỹ, lấy hồn thơ của mình dựng một giàn rađa phát sóng, mới có thể định hướng, ra quét, bắt trúng mục tiêu. Hồn thơ nhỏ bé, mong manh đích thực, ẩn lấp giữa trăm ngàn nhiễu loạn trên màn hiện sóng – bài thơ.
Bằng cách ấy, Hoài Thanh đã khái quát được bản sắc chung, riêng của cả phong trào Thơ Mới, từng nhà Thơ Mới và linh hồn thơ ca của cả một thời đại trong đoạn văn nổi tiếng này:
Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu, càng thấy lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu diêu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cùng Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu…Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.*
Người đọc kính phục Hoài Thanh có lẽ chính từ những khái quát sâu sắc mà hết sức cụ thể, đầy ấn tượng lại ngắn gọn như thế.
Có thể dẫn khá nhiều lời bình của Hoài Thanh, như những bài thơ bằng văn xuôi, trong đó người bình trải hồn mình trên trang viết, tan hòa cùng hồn thơ, như đưa ru, như thức tỉnh người đọc:
Tôi đón những câu thơ ấy với cai shaan hoan của người khách phiêu lưu trở về cố hương gặp người thân yêu cũa. Hồn thi nhân có lẽ cũng đã nhập vào vầng trăng kia. Nó uyển chuyển như một người đẹp.*
Hoài Thanh cho rằng có thể hiểu đúng nhưng rất khó hiểu được đầy đủ, hiểu hết tất cả mọi hình sắc của hồn thơ. Hồn thơ, ở đây, phải chăng là chiều sâu tư tưởng – nghệ thuật của thơ? Với những bài thơ hay, thật hay, chiều sâu ấy thăm thẳm, hồn thơ ấy rộng rinh không bờ bến, tỏa lan những vòng sóng bất tận. Mỗi thời, mỗi người tiếp cận, cảm nhận, cắt nghĩa, lý giải nó theo quan niệm và năng lực cảm xúc của mình. Cái cao vọng cảm hiểu tận đáy mọi cái hay, cái đẹp của tác phẩm thơ sẽ mãi mãi là không tưởng. Nhà bình thơ, dù tài giỏi, kinh nghiệm, uyên bác đến đâu, cũng chỉ nên xem mình như một viên đá, một nấc thang trên con đường tiệm cận chân lý mà thôi!
Muốn lấy hồn tôi để hiểu hồn người, người bình thơ, trước hết, phải có tâm hồn thơ phong phú, giàu có, trong trắng, tinh tế để bắt kịp, hòa nhập, đồng cảm với tâm hồn nhà thơ. Nói cách khác, người bình thơ cũng mang trái tim nghệ sỹ; là nhà thơ không làm thơ, có đôi mắt xanh non chứ không phải đôi mắt xếch lạnh lùng, độc đoán với tác phong khênh khạng như một ông giáo gàn!*
Đến với thơ bằng thái độ say mê, chân thành, trung thực hết mình, nhà bình thơ mới mong cảm hiểu đúng và sâu vẻ đẹp yêu kiều, uyên ảo, huyền bí của nàng thơ kiêu sa, đỏng đảnh. Hoài Thanh rất hay nói đến cái say, trạng thái say sưa của cảm xúc bột phát, đột khởi tới cao trào. Say thơ, say người, say tình sâu, ý đẹp… Đây không phải là một thói quen dùng chữ, mà xuất phát từ một quan niệm đúng đắn, nghiêm túc. Rất say sưa khi đọc thơ, bình thơ nhưng Hoài Thanh say mà vẫn tỉnh, say để nhớ chứ không quên, lẫn mọi điều. Ông nhấn mạnh:
Bình thơ đòi hỏi cảm xúc, tình cảm. Nhưng là cảm xúc, tình cảm trên cơ sở khoa học, không thể là thứ tình cảm vu vơ. Tình cảm phải đúng nhưng chưa đủ. Tình cảm phải mạnh và sâu thì câu chuyện thơ mới đỡ tẻ nhạt, mới đủ sức đi vào tâm trí người đọc, người nghe.*
Nhưng làm thế nào để có được tình cảm đúng và sâu? Chẳng có cách nào hơn là phải kiên trì rèn luyện, sóng cuộc sống giản dị mà phong phú, hòa mình với cuộc sống của nhân dân, cùng xương, cùng thịt với nhân dân (Xuân Diệu), chung lẽ sống lớn, lý tưởng cao đẹp của nhân dân, của thời đại.*
Chỉ có thế, người bình thơ chân chính mới mong trở thành tri kỉ với thi nhân. Có thế, người bình thơ mới tạo được quan hệ 2 chiều bền chặt giữa tác phẩm thơ với người tiếp nhận, để không những cắt nghĩa, luận giải, giảng bình đúng và hay các vẻ đẹp và cái hay của bài thơ mà còn có thể làm bùng nổ cộng hưởng cảm xúc giữa tác giả - nhà thơ với người bình, đưa dẫn và bạn đọc, người nghe. Có thế, hoạt động bình thơ mới thực sự có ích và có ý nghĩa./.
• Nguyễn Phúc: Lược thuật Hội thảo khoa học về Hoài Thanh 1992. Tạp chí Văn học, số 3 – 1992.
• Hoài Thanh: Thi nhân Việt Nam (tái bản 1989); NXB Văn học, Hà Nội.
• Hoài Thanh: Tuyển tập, tập 2 (1983). NXB Văn học , Hà Nội.
• Chùm bài nghiên cứu về Hoài Thanh bình thơ sẽ gồm 4 bài. Trở lên là 2 bài đầu. 2 bài sau sẽ có tựa đề: Những biện pháp bình thơ của Hoài Thanh và Nghệ thuật tạo đường viền.
Trèm, Từ Liêm, Hà Nội, đêm 21 – 11 – 2013.
7 BIỆN PHÁP BÌNH THƠ CỦA HOÀI THANH
Sinh thời, Hoài Thanh thường nói rằng ông bình thơ không theo phương pháp nào cả! Và làm gì có phương pháp bình thơ (!?)Thật ra, đọc kỹ các bài bình thơ của Hoài Thanh từ Thi nhân Việt Nam đến Phê bình và tiểu luận, Chuyện thơ… thấy ông tiến hành công việc này dựa trên những quan niệm lý luận khoa học hết sức nghiêm túc và sâu sắc.
Có một phương pháp bình thơ Hoài Thanh với hệ thống những biện pháp của nó. Có một phong cách bình thơ Hoài Thanh với những đặc trưng riêng, biểu hiện riêng của nó.* Phương pháp ấy, phong cách ấy kế thừa và chọn lọc truyền thống bình điểm, phê điểm bình thơ ở các nước phương Đông (châu Á) và các phương pháp phê bình ấn tượng, phân tích tác phẩm văn chương ở các nước phương Tây (Âu – Mỹ) hiện đại. Đó là phương pháp kết hợp, tổng hợp hài hòa giữa trực cảm nhạy bén, tinh vi mà đặc sắc nhất, linh hồn của nó là lấy hồn tôi để hiểu hồn người; với phân tích, khái quát lý trí khoa học.
Để thực hiện phương pháp ấy, Hoài Thanh thường sử dụng rất linh hoạt và hiệu quả một số biện pháp bình thơ cụ thể sau:
1. Giỏi và chỉ lựa chọn thơ hay.
Xuất phát từ quan niệm bình thơ: chỉ chọn thơ hay, chỉ chọn cái hay, cái đẹp trong thơ để bình*. Có nói cái dở cũng chỉ cốt làm bật nổi cái hay.
Hoài Thanh đã lựa chọn thơ để đọc – bình rất thận trọng, kỹ lưỡng và khách quan. Đọc nhiều, lại đọc kỹ, chỉ canh cánh sợ lơ đễnh, bỏ sót thơ hay*. Ông không bao giờ ham, tham số lượng, cốt lấy nhiều, mà chỉ viết, chỉ nói khi gặp thơ hay, hợp với cái tạng riêng của mình, khiến mình rung động, đồng cảm sâu sắc. Đó là hạn chế trong cách bình thơ của Hoài Thanh nhưng cũng chính là sở trường của ông.
Thực tế cho thấy sự lựa chọn thơ hay của ông rất đúng, rất trúng, rất đích đáng. Nhà thơ và người đọc đều cảm ơn ông vì được chọn, được đọc những câu thơ hay đích thực. Tài năng này càng tỏ ra tinh tế, chắc chắn hơn, khi ông tìm được những câu thơ hay thực sự không phải ở Truyện Kiều mà là trong Hoa Tiên, không phải ở Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận … mà là ở Lan Sơn, Nguyễn Vỹ, Thu Hồng… không phải ở những cây bút tài năng đã chín mà trong hàng trăm, hàng ngàn người làm làm thơ nghiệp dư, chưa có tên tuổi…*
Kính yêu nhà phê bình, bạn đọc rộng rãi rất tin cậy ở sự lựa chọn thơ của Hoài Thanh. Họ đều được ông đền bù xứng đáng trong những bài bình thơ của ông từ hơn nửa thế kỷ nay. Đặc biệt là cuốn hợp tuyển Thi nhân Việt Nam (1941), cuốn hợp tuyển thơ có giá trị nhất, hay nhất Việt Nam thế kỷ 20.
2. Tổng hợp tài tình những yếu tố ngoài tác phẩm thơ để hiểu tác phẩm thơ.
Là nhà bình thơ giàu kinh nghiệm, Hoài Thanh rất có ý thức nghiên cứu lịch sử dân tộc một cách tường tận để có thể hiểu đúng, hiểu sâu nội dung lịch sử, xã hội, âm vang thời đại được phản ánh trong thơ. Quan trọng nhất là người bình thơ sống nhập thân được vào không khí lịch sử xã hội, thế giới nghệ thuật của nhà thơ biểu hiện trong bài thơ, ngõ hầu đào sâu cảm xúc, suy nghĩ, tìm cách bình giải sát hợp nhất. Đọc Hoài Thanh, thấy những trang hay nhất, tài hoa nhất là những trang dường như ông đã nhập hẳn vào cuộc đời và tâm trạng của nhân vật, chủ thể trữ tình cùng họ và nhà thơ trò chuyện, tâm tình. Hoài Thanh không chỉ đánh thức, làm sống lại những bông hoa tuyệt đẹp đã ngủ yên trên trang giấy Hoa tiên hay Truyện Kiều vài trăm năm, mà nhiều khi còn khiến cho nó trở lại tươi thắm hơn so với ngày mới nở.*
Người phê bình còn phải biết gần gũi người sáng tác…
Có những điều nếu chính tác giả không cho biết thì người bình khó mà đoán ra được. Làm sao có thể đoán ra được khi Huy Cận viết:
“Đường trong làng, hoa dại với mùi rơm,
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm”.
Thì con đường ấy là con đường nào? Người đi cùng với tôi đó là ai? Là người như thế nào với nhà thơ?*
Hoài Thanh rút ra kết luận:
Biết được những chuyện ấy, không phải để rồi đưa tất cả vào bài phê bình. Nhưng biết thì càng hiểu rõ ý nghĩa đoạn thơ.*
Cho đến cuối đời, Hoài Thanh vẫn gữi được phương pháp làm việc cẩn trọng, khoa học ấy.
3. Đọc kỹ văn bản thơ, tìm nắm bắt trước hết cái thần
Hoài Thanh cho rằng, với người bình thơ, khó khăn, vất vả nhất trong quá trình đọc văn bản thơ là chặng đường tìm kiếm, phát hiệncais tinh hoa, cái thần riêngaanr giấu đâu đó trong bài thơ. Cái thần biểu hiện thật lắm vẻ. Có khi là tứ thơ. Tứ thơ lại có thể đọng kết trong 1 chữ, một hình ảnh; có khi là sự đối lập tưởng như ngược đời mà rất thật. Ví dụ 2 câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên trong bài Người đi tìm Hình của nước:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp,
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!
Cái thần có khi lại nằm trong hơi thơ, giọng điệu thơ, nhịp thơ, nhạc thơ, vần thơ… Muốn cảm nhận chất thơ bàng bạc, cần phải được cảm thấy một cách hồn nhiên. Cứ phân tích, giảng giải thôi nó sẽ có thể tan đi. Đến đây, phải im hơi, nhẹ bước mới hòng được nhận thấy cái đẹp khi dịu dàng, thùy mị, khi tráng lệ huy hoàng.*
Lời khuyên có vẻ thần bí ấy vẫn có hạt nhân hợp lý, ở chỗ nó chống lại khuynh hướng bình thơ giản đơn, thô thiển, máy móc hay dung tục.
Mục đích cao nhất của việc đọc văn bản thơ là khái quát chủ đề tư tưởng – linh hồn của bài thơ; biết đúng và rõ được linh hồn ấy đã được kết tinh từ những yếu tố nội dung, nghệ thuật nào, bằng phong cách nghệ thuật riêng của nhà thơ như thế nào.
4. So sánh, một biện pháp bình thơ đầy hiệu lực với Hoài Thanh
Bình thơ là từ chỗ mình cảm thấy hay làm thế nào để cho người đọc khác cũng cảm thấy hay. Muốn thế phải biết phân tích. Một cách phân tích rất có hiệu quả là phân tích bằng so sánh.*
Thực tế khi bình thơ, Hoài Thanh thường sử dụng biện pháp so sánh một cách đa dạng, linh hoạt, tài hoa. Nhiều trường hợp đạt hiệu quả cao, gây ấn tượng mạnh, sâu, kỳ thú. Có thể nói, không ít những tác phẩm mà Hoài Thanh sử dụng đã giảm thiểu sự khập khiễng giữa 2 vế (so sánh và bị so sánh), tăng tối đa ấn tượng đột ngột, bất ngờ, khiến người đọc rất say mê. Chẳng hạn, khi Hoài Thanh so sánh hình ảnh trăng trong Hoa tiên và Truyện Kiều; giọng điệu bài ca dao “Cày đồng đang buổi ban trưa” réo rắt, ai oán với giọng thơ Đường của Lý Thân trầm ngâm, lặng lẽ*. Người đọc Thi nhân Việt Nam vài thế hệ đã qua mấy ai quên được lời bình so sánh gợi mở rất mực tài hoa này:
Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu, không bay mà cánh phân vân, đã có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và hai thế giới.* (Sự cách biệt hơn ngàn năm và sự cách biệt giữa 2 thế giới ấy cụ thể ra sao, ông để mặc người đọc liên tưởng, tưởng tượng).
Hoài Thanh nghiêng về so sánh tương đồng mà rất ít khi sử dụng so sánh tương phản.Cái tài của Hoài Thanh là ở chỗ, ông phát hiện những nét riêng khó nhận ra ngay trong 1 tiếng thơ, giúp người đọc nhận thức những cái hay mà họ mới thấy lờ mờ, nhận biết mà chưa hiểu hết, chưa thấu triệt*.
Thảng hoặc, có lẽ do ngòi bút đưa đẩy, quá mải mê dùng con dao so sánh sắc ngọt, Hoài Thanh đã đưa câu chuyện thơ đi hơi xa. Nhưng nhìn chung, ông vẫn là cây bút bình thơ cự phách. Một trong những nguyên nhân đưa sự nghiệp bình thơ của ông tới đỉnh cao là vì ông đã sử sụng biện pháp phân tích bằng so sánh khéo, tài hơn người.
5. Bình thơ bằng những liên tưởng, hồi ức, tưởng tượng mạnh mẽ, phong phú.
Hoài Thanh thích bình thơ bằng những liên tưởng, gợi nhắc hồi ức về những kỷ niệm của chính bản thân mình. Lời tâm tình, câu chuyện tâm sự tưởng là chủ quan, riêng tư nhưng chính nó lại có tác dụng khêu gợi rất sâu xa. Lời bình các câu thơ:
Sống trong cát, chết vùi trong cát,
Những trái tim như ngọc, sáng ngời.
(Tố Hữu)
Hoặc:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
(Hồ Chí Minh)
Được viết dưới dạng những câu chuyện tâm sự, tâm tình rất riêng nhưng lại có giá trị của một nhận định khái quát về quan điểm chính trị và tài năng nghệ thuật của nhà thơ. Người nghe dễ hòa mình vào cảm xúc của người bình. Phải chăng đây là một biện pháp bình thơ độc đáo của Hoài Thanh? Độc đáo vì nó vừa có sức hấp dẫn mạnh mẽ, vừa tươi mát, thân mật, sâu sắc. Độc đáo còn vì hồi ức, tâm sự, liên tưởng của mỗi người mỗi khác, từ nội dung đến cách kể, giọng kể. Dĩ nhiên, không phải mọi lời tâm sự, mọi chuyện riêng tư của người bình đã dễ được người đọc chấp nhận và đồng cảm. Vấn đề là những mảnh tình riêng ấy có ý nghĩa chung đến đâu và được gợi, thuật, kể, làm sống lại như thế nào?
1. Chuyển thể bài thơ dưới dạng văn xuôi nghệ thuật cho người đọc (nghe) dễ tiếp nhận
Sử dụng biện pháp này để bình thơ, đóng góp của Hoài Thanh là những văn bản tóm tắt nội dung bài thơ ngắn gọn mà đầy đủ, những đoạn văn xuôi sáng sủa, nhuần nhị, giữ được phần nào hồn cốt bài thơ và chất thơ bàng bạc. Được như vậy, có lẽ nhờ ở khả năng khái quát, chọn lọc, tỉnh lược chi tiết, tài kể chuyện, hành văn uyển chuyển…của Hoài Thanh. Tóm tắt nội dung (sử dụng với những bài thơ tự sự, có cốt truyện) rồi bình, vừa tóm tắt vừa bình như các bài bình Thạch Hào lại, Binh xa hành của Đỗ Phủ, Đại đội phó của tôi (Lương Xuân Đoàn), Văn chiêu hồn (Nguyễn Du) là những ví dụ tiêu biểu.
7. Trau chuốt lời văn cô đúc, trang nhã, duyên dáng, giàu chất thơ
Giản dị mà không giản đơn, trong sáng mà kín đáo, trau chuốt nuột nà mà không cầu kỳ; dí dỏm, hóm hỉnh mà không thô tục, bỗ bã; lời hàm súc, ý dư ba , sâu săc, say mê mà tỉnh táo, phóng túng, tự do mà vẫn kìm nén, khuôn khổ, sắp xếp chọn lọc chặt chẽ mà vẫn hài hòa, tự nhiên…
Tưởng bấy nhiêu hình dung từ đã cơ hồ khái quát đầy đủ những phẩm chất của lời văn xuôi bình thơ Hoài Thanh.
Tóm lại, đó là lời văn xuôi nghệ thuật đầy chất thơ, duyên dáng, mặn mà, ngọt ngào, đằm thắm của một nghệ sỹ ngôn từ bậc thầy. Đó là mấy nét chính của phong cách ngôn ngữ bình thơ Hoài Thanh. Không phải ngẫu nhiên, ông thích gọi những baì bình thơ của mình là tùy bút, là những câu chuyện thơ. Nghĩa là những dòng, những trang phóng bút ghi lại những cảm xúc dạt dào, những liên tưởng, tưởng tượng, suy ngẫm của riêng chủ quan ông về thơ, về đời như những lời nhỏ to tâm tình cùng bạn đọc. Ông viết bằng tất cả cảm hứng thôi thúc mãnh liệt tâm hồn nghệ sỹ chân chính tài hoa.
Đó là một trong những nguyên nhân chính yếu tạo nên vẻ đẹp hình thức ngôn ngữ lời bình, tạo nên sức hấp dẫn, cuốn hút lạ lùng mỗi khi ta đọc những lời văn như những tòa lâu đài kiến trúc hài hòa, đầy chất thơ, những nét bút giống như những phác họa tranh cổ thủy mạc phương Đông nhẹ bay, trôi nổi, chuyển động.
Đó cũng là cảm xúc và liên tưởng của hàng trăm, hàng ngàn khán - thính giả những lần được chăm chú và hứng khởi nghe Hoài Thanh nói chuyện thơ, bình thơ…*
• Đọc bài 1: HOÀI THANH bình thơ trong chùm bài nghiên cứu về Hoài Thanh của ĐV.
• Hoài Thanh – Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam (bản 1989; sđd).
• Hoài Thanh: Phê bình và tiểu luận (3 tập: 1960 – 1971); NXB Văn học Hà Nội
• Hoài Thanh: Tuyển tập (2 tập; sđd).
• Hoài Thanh: Di bút và di cảo (Từ Sơn sưu tập), NXB Văn học, Hà Nội
• Phan Trọng Luận: Phương pháp dạy học Văn (chủ biên; sđd)
• Nguyễn Đăng Mạnh: Dẫn luận nghiên cứu tác giả văn học. ĐHSP Hà Nội, 1993
• Đinh Thị Hằng: Đóng góp của Hoài Thanh trong nghiên cứu phê bình văn học cổ (Tạp chí VNQ Đ, số 6 – 1992)
• Nguyễn Phúc: Lược thuật Hội thảo khoa học về Hoài Thanh. Tạp chí văn học, số 3 – 1992.
• Đã đăng tại Thông báo khoa học; Trường ĐHSP hà Nội, số 4 – 1995, tr. 31 – 35.
Trèm quê, 22 – 11 - 2013