Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Xuân Đỉnh, đại vàng gây nhớ ơi !

Đường Văn
Chủ nhật ngày 2 tháng 3 năm 2014 8:28 PM
(Tản văn – hồi ức)

Tặng trường THPT Xuân Đỉnh thương yêu!

Chớm sớm thu hanh, 
Đại vàng gây nhớ,
Lại nắm tay em 
về thăm trường cũ,
Xuân Đỉnh thương yêu, 
mấy chục năm rồi?!

Ấy là những câu thơ hoài niệm mở đầu bài thơ tùy bút – hồi ức dài HƯƠNG GÂY NHỚ MỘT MÁI TRƯỜNG mà tôi đã viết nhân buổi cùng cô bạn gái đồng môn trở lại thăm ngôi trường cấp III phổ thông (THPT) Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để mừng ngày Hội trường trọng thể kỷ niệm 40 năm thành lập, vào đầu xuân năm 2000. Từ ấy, thấm thoắt cũng đã hơn chục năm trôi qua rồi!...
Nếu ngôi trường THCS Đông Ngạc (Vẽ) gắn liền 7 năm đầu tiên tuổi ấu nhi của tôi dưới bóng cây hoàng lan và những ngọn sấu già phơ phất; (cho đến giờ, mùi hương hoàng lan vẫn thoang thoảng, phảng phất đâu đây…) thì ngôi trường cấp III Xuân Đỉnh cũng gắn bó tuổi thiếu – thanh niên của chúng tôi với 3 mùa phượng nở, giưã thập kỷ 60 thế kỷ 20, với gốc cây đại hoa vàng cổ thụ bên thành giếng cổ, cạnh lối vào trường. Có kỳ lạ và tình cờ chăng, mỗi ngôi trường tuổi thơ của chúng tôi, ai xui kéo kẹo với một loài hương hoa đầy tình tứ và nhung nhớ vậy?! Và cả hai đều từ gốc ngoại?*
Tôi không thể quên được cảm giác ngạc nhiên, thú vị đến ngỡ ngàng về những ngày đầu tiên được nhập trường cấp III Xuân Đỉnh (một trong 2 trường cấp III lớn của huyện Từ Liêm, Hà Nội đầu những năm 60 thế kỷ trước), được ngồi học trong những căn phòng cao ráo, rộng rãi, thoáng mát (tuy chỉ là nhà cấp 4), ngói móc, cửa sổ mở rộng trông sang khuôn viên trường THCS và trông chéo ra cổng trường ngay bên chợ Cáo (xã Xuân Đỉnh là sự kết hợp của 2 thôn Giàn, Cáo). Trên những chiếc bàn đôi, ghế đôi (của nước CHDC Đức tặng) mới tinh, nhẵn mịn, chúng tôi vừa mải mê, háo hức lắng nghe những bài giảng đầy mới lạ, hấp dẫn, khác nhiều so với những tiết học ở trường cấp 2, vừa thi thoảng lại ngó mông qua khu vườn xanh rậm lá hồng xiêm, bỗng cảm thấy thoang thoảng đâu đây mùi hương hoa đại dập dìu trong làn gió hanh heo phả vào. Nắng sáng đầu thu cũng dịu dàng như quấn lấy mùi hương hoa ngan ngát. Buổi buổi tan học về, dung dăng qua cổng trường, thấy cây đại già, với những cành sù sì, lá dài, nhọn như những lưỡi dao bầu, đu đưa bên giếng cổ đá ong đen sậm không biết có tự bao đời. Những bông hoa sứ trắng – vàng khe khẽ lay động như muốn chào mấy cô cậu học trò choai choai mới từ các làng lân cận đổ về đây nhập học.  Tự nhiên trong lòng tôi cứ muốn dâng lên cảm giác thân thương, ấm áp và gần gũi.
Hương hoa đại vàng vấn vít làm dịu hẳn cái nóng oi, mệt nhọc của chúng tôi trong và sau những buổi chiều lao động đào đắp mạng lưới giao thông hào quanh trường. Hồi ấy (1965 - 1966) chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đã và đang lan rộng ra toàn miền miền Bắc. Các cơ quan trường học phải tích cực chấp hành nghiêm chỉnh lệnh phòng không đào hầm, hào để tranh bom, tên lửa rốc két: 
Giao thông hào bò vào cửa lớp,
Mũ rơm vàng, túi thuốc cứu thương…
Cấp kỳ báo động, chuyện thường!
Vài mươi giây, đã tới mương ngoài đồng!*
Hơn một lần, theo lệnh của Ban phòng không nhà trường, thầy trò các khối, lớp luyện tập hành quân đêm. Chúng tôi kết những vòng lá ngụy trang, chặt cành tre, cành xoan làm gậy (thay cho súng), đẽo lựu đạn gỗ (chầy) thay lựu đạn gang. Mỗi lớp biên chế thành 1 trung đội quân Giải phóng, dưới sự chỉ huy của thầy giáo chủ nhiệm – Trung đội trưởng. Mỗi khối lớp 8, 9, 10 là 1 đại đội. Toàn trường biên chế thành 1 tiểu đoàn do thầy Bí thư Đoàn trường là Chính trị viên, thầy Hiệu trưởng là Tiểu đoàn trưởng. Xuất phát từ sân vận động trường, các đại đội, trung đội, tiểu đội, chiến sỹ lần lượt hàng nối hàng, gậy gỗ đeo vai, đầu chụp mũ cối bộ đội cài lá ngụy trang, lưng đeo ba lô quàng vòng lá ngụy trang rung rung theo nhịp bước mau và khá đều, đầy phấn chấn. Đoàn quân lên tới dốc Bưởi thì trời đổ mưa. Có lệnh từ trên truyền xuống: - Quàng áo mưa! Nghỉ 10 phút! Chúng tôi hạ ba lô, mau mắn lấy áo hoặc mảnh nilon quàng, mặc vội rồi lại dóng hàng loạt xoạt đi tiếp. Qua Cầu Giấy, ngược đường Xuân Thủy, hướng Cầu Diễn, Minh Khai, cuối cùng cả đơn vị tập kết an toàn  trong khuôn viên Nghĩa trang Mai Dịch. Tại đây, các trung đội tổ chức kết nạp đoàn viên mới và phát động phong trào 3 sẵn sàng. Trong ánh lửa đuốc bập bùng, dưới chân đài Tổ quốc ghi công, lời thề Ba sẵn sàng âm vang trời khuya. Tiếng hát ca khúc Bế Văn Đàn sống mãi (nhạc và lời Huy Du) của cây sơn ca Tố Cung lớp 10B cất lên trong veo, cao vút. Lòng chúng tôi bừng bừng như được đốt lửa. Cứ thấy rưng rưng. Nhìn sang bên cạnh, mấy đứa bạn gái vốn nhút nhát, mặt mũi cũng thấy nghiêm trang và hăm hở lạ. Trông lên phía đầu hàng quân: thầy K, trung đội trưởng của chúng tôi: Quần cỏ úa xắn móng lợn, mắt kính trắng lấp lánh nước. Tay chống đầu gậy, đang hướng lên bầu trời đêm, lặng lẽ như ngẫm ngợi điều gì… Lũ con trai chúng tôi dạo ấy đều chỉ muốn thôi học, ra trận ngay tuần tới, tháng tới để kịp đánh Mỹ, để làm anh Giải phóng quân! Bởi vì hồi ấy, một trong những khẩu hiệu náo nức lòng người, nhất là lớp thanh niên chúng tôi, cả nam và nữ, là: 
Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù! (Lê Mã Lương). Những câu hát xốn xang lòng người, hầu suốt ngày đêm vang vang bên tai, vẫy gọi: Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật - Hoàng Hiệp). Có những ngày vui sao/ Cả nước lên đường/Xao xuyến bờ tre/Từng hồi trống giục! (Chính Hữu – Huy Thục)… 
Nhưng thực tế là cũng phải đến hơn một năm sau đó, đầu hè năm 1966, mấy đứa bạn lớp 10 của tôi mới được toại nguyện. Riêng tôi, thật buồn, còn thiếu 1 tuổi mới đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Bà nội và bố mẹ tôi không chấp nhận lá đơn xung phong tình nguyện của tôi. Các cụ cho rằng con, cháu mình hãy cứ thi tốt nghiệp đã. Một, hai năm nữa, cho cứng cáp hơn, vào bộ đội cũng không muộn. Giặc đã hết ngay đâu mà lo!... Tôi chỉ còn biết ấm ức ngầm, bịn rịn tiễn đưa mấy đứa bạn thân náo nức tòng quân trong niềm tiếc nuối khôn nguôi.
***
Kỷ niệm nhớ đời về những tháng năm học trò Xuân Đỉnh của riêng tôi không thể không kể tới những trò tí toáy nghịch tinh, nghịch ngầm, nghịch dại đã làm phiền lòng biết bao nhiêu người lớn, từ thầy giáo bộ môn, thầy giáo chủ nhiệm và cha mẹ tôi. Mỗi lần nhớ lại, vụ việc lại như vừa mới xảy ra hôm qua, hôm kia. Ngượng chết đi được! Và lòng cứ tự hỏi lòng, sao ngày ấy mình lại có thể dại dột và đổ đốn ra đến như thế?! 
Chẳng hạn, chuyện vẽ bậy vào mảnh giấy nháp rồi truyền xuống cho mấy thằng ngồi bàn dưới xem chơi trong giờ Địa lý. Bỗng nhiên nghe tiếng cười nhỏ, rinh rích phía cuối lớp, thầy Đỗ trán hói bóng, mặt nhỏ, hiền mà tươi, rất hay cười, thủng thẳng đi xuống. Và chỉ ít phút sau, người thầy giáo dày kinh nghiệm sư phạm ấy đã bắt trúng thủ phạm là tôi cùng mảnh giấy tang vật khốn nạn. Tôi tái mặt chịu trận, đầu cúi gục, nghe những lời trách móc nặng nề, cố kìm nén của thầy mà tưởng mỗi lời như một nhát búa tạ giáng thẳng xuống đỉnh đầu. - Phen này thằng Đ toi rồi! Tôi chợt nhận ra những ánh mắt vừa sợ hãi vừa cảm thông và bất lực của bọn Q, B, Đ, mấy đứa vừa được thưởng thức bức biếm họa đầu đời của tôi! Quả nhiên, tai họa ập tới ngay chiều hôm ấy. Tôi vừa ăn cơm trưa xong, định đi chăn bò sớm thì đã thấy chiếc babetta cá vàng của thầy chủ nhiệm lượn qua cổng, đỗ sịch giữa sân. Chết mẹ rồi! Sao mà nhanh thế?! Tôi hoảng hồn, luống cuống, không biết làm sao, đành líu ríu, lí nhí chào thầy, rồi dong bò đi thẳng, không dám ngoái đầu lại, không biết rồi câu chuyện giữa thầy với bố tôi sẽ đi đến đâu? Chỉ biết chiều tối hôm ấy (tôi đã cố ý cho bò về thật muộn), sau bữa cơm tối kéo dài nặng nề (tôi cảm thấy thế!), thằng con trai 14 tuổi là tôi đã bị ông bố vốn hiền lành và chiều con, mà hôm nay bỗng nổi cơn giận dữ đùng đùng phạt con trai một trận đòn ra đòn. Ông bắt tôi nằm thẳng dẵng trên tấm ghế ngựa, rồi vừa mắng mỏ, tra vấn vừa quất mạnh liền liền mấy roi tre đực. Đau quắn đít! 
- Cho mày nhớ đời này! Con ơi là con! Làm khổ nhục, ê mặt cha mẹ đến thế này!!! 
Tôi nghiến răng, ứa nước mắt vì đau thì ít mà vì cực thì nhiều! Rõ ràng: mình làm mình chịu, kêu mà ai thương!? Khốn khổ cái thằng tôi, chỉ vì những phút bốc đồng lố lỉnh đã phải trả giá đắt lần đầu tiên. Không! Đó là lần thứ hai trong đời.(Lần thứ nhất là trận đòn khá nặng tay mà bố đã trừng phạt tôi vì tội bẻ trộm nhãn chùa Trèm vài năm trước.) Cả tháng sau chuyện ấy, tôi đến trường trong nỗi ngượng ngùng, tủi hổ, mặc cảm với các thầy cô, với bạn bè, với cả chính mình. Học kỳ 2 năm lớp 8 ấy, tôi bị xếp hạnh kiểm bốn trừ (- 4). Đáng đời! Ấy là còn may, vì thầy chủ nhiệm có phần nương nhẹ đứa học trò luôn học giỏi môn Văn, đặc biệt là môn Sử của thầy. Có điều lạ là thầy Đỗ, trong các tiết Địa sau đó, dường như không hề tỏ ra giận, bực tôi nữa?! Thầy vẫn gọi kiểm tra bài tôi, vẫn hỏi, nhận xét nhẹ nhàng và cho tôi điểm khá khi tôi thuộc bài, trả lời trôi chảy. Từ ấy đến nay, đã ngoài 50 năm, tôi chưa một lần được gặp lại thầy. Không biết thầy có còn trên cõi dương đầy bụi bặm này, hay cũng đã thành hồn linh phiêu diêu đây đó như thầy M, thầy K? Đứa học trò ngót ngét thất thập là tôi, hôm nay vẫn muốn có thêm 1 lần được tạ lỗi với thầy!
Đánh chết, nết không chừa! Quái lạ cho cái thằng tôi hồi học cấp 3 Xuân Đỉnh! Như có ma xui quỷ khiến hay con hồ ly tinh xảo quyệt nấp náu trong bụi rậm gò Giàn trêu ghẹo, trù ếm, sao cứ tự mình tìm những chốn đoạn trường mà đi!? Hai năm học lớp 9, 10 (11, 12 ngày nay) tôi còn vô tình và hữu ý gây ra vài vụ xì căng đan khác khiến đau đầu tập thể lớp và thầy chủ nhiệm. 
Ở đây, chỉ xin thuật qua câu chuyện nghịch hóa chất Na, K trong giờ Hóa học của thầy Phạm. Lợi dụng lúc thầy giáo chưa vào lớp, (hình như thầy còn mắc bận gì đó trong phòng thí nghiệm), tôi và H (giờ hắn đã là nhà văn nổi tiếng toàn quốc), tôi là chính, H chỉ đóng vai chầu rìa, cổ vũ. Tôi táy máy cầm cái kẹp inoc đặt trên khay, mở nắp lọ thủy tinh đựng hóa chất, gắp liền vài miếng Natri, Kali (nhóm kim loại kiềm (bazơ) bằng hạt đỗ đen, gấp vào tờ giấy nháp rồi chạy vội ra ao trường sau lớp học, thả xuống. Kim loại kiềm nhẹ, nổi trên mặt nước, bốc cháy thành ngọn lửa sáng chói, kêu xèo xèo, chạy loằng ngoằng, tứ tán quanh ao như những chiếc thủy phi cơ nhỏ xíu vào trận. Bọn bạn trai, bạn gái tò mò, thấy lạ, ào cả ra xúm quanh bờ ao, xem, nói cười, đầy thích thú. Đúng lúc ấy, có tiếng quát đanh từ phiá sau: - Tất cả các em HS lớp 10A về lớp ngay! Đ và H lên phòng thí nghiệm gặp tôi! Lúc nghịch, thích, khoái bao nhiêu, chẳng bù lúc bị thầy trừng phạt thì tiu nghỉu như mèo bị cắt tai bấy nhiêu! Thầy Phạm nổi tiếng dạy giỏi môn Hóa, nhưng cũng nổi tiếng nguyên tắc và nghiêm khắc! Thế mà tôi dám bạo gan vuốt râu hùm! Phen này chắc chết nữa rồi! Tôi thầm than khổ, liếc sang H mặt tái dại, lập cập đi bên. Thế nhưng, thật lạ lùng! Thầy Phạm vận áo blu trắng tinh, mặt nghiêm lạnh như quan tòa, chỉ 2 cái ghế cho chúng tôi ngồi, rồi lại hí hoáy làm việc với một đống lỉnh kỉnh chai lọ, bình cổ cong, đèn cồn… của thầy. Chúng tôi cúi đầu ngơ ngác chờ. Chắc cơn sấm sét dội xuống ù tai ngay bây giờ? Hồi lâu vẫn chẳng thấy gì!? Đang lúc mơ màng, thấp thỏm thì bỗng nghe giọng điềm tĩnh, chậm rãi của thầy vang lên ngay bên cạnh: 
- Thế nào hai bạn trẻ? Hai nhà thí nghiệm Hóa học thành công mỹ mãn chứ? Lấy giấy làm bản tường trình và kiểm điểm ngay. Nhớ viết tỉ mỷ và chân thực! 
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những giây phút lo lắng, hãi hùng ấy. Nhưng nội dung bản thú tội của chúng tôi như thế nào thì không còn nhớ nổi câu nào! Đại khái là hai đứa thầm nhắc nhau viết chân thực, thành khẩn, may ra thầy thương học sinh cuối cấp mà bỏ qua cho! Viết xong, thầy bảo, cứ để trên bàn, đi về lớp học và chờ đợi. Thầy sẽ xử lý sau. Nhưng suốt cả buổi học hôm ấy, đến những ngày sau, đến tiết sinh hoạt cuối tuần, chúng tôi, đặc biệt là tôi, kẻ chủ mưu, cũng chỉ bị tay lớp trưởng và gã bí thư chi đoàn cạo gió, xát xà phòng phê bình một trận trước lớp. Thầy chủ nhiệm cho gọi, gặp riêng tôi, vẫn thân mật chuyện trò. Tôi nhớ nhất cái lắc đầu, lắc đầu và câu nhắc của thầy, giọng buồn buồn: 
- Thầy không thể ngờ thanh niên sắp thi tốt nghiệp phổ thông mà còn có thể bốc đồng, nghịch dại như trẻ con thế!? Các cậu cần phải gặp lại thầy Phạm, chân thành xin lỗi thầy, ngay trong mấy ngày tới. Thầy Phạm buồn lắm! Song thầy không nỡ kỷ luật nặng học trò sắp thi tốt nghiệp. 
Chúng tôi vâng vâng, dạ dạ, bẽ bàng ra về. Nhưng hèn nhát thay, tồi tệ thay cho tôi (với H, tôi không rõ!), vì cuối cùng, lần lữa mãi, tôi vẫn không dám trực tiếp đến gặp thầy Phạm để nói lời xin lỗi của 1 kẻ học trò đã phạm lỗi bị bắt quả tang! Nhưng rồi mọi chuyện vẫn qua đi… Mùa hè năm ấy, chúng tôi vẫn được thi tốt nghiệp như các bạn. Và giữa mùa thu năm ấy, tôi vẫn được gọi vào trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội. Đời tôi bắt đầu chuyển sang trang mới. Không có chuyện gì bất thường xảy ra! Thầy Phạm đã rộng lòng tha thứ cho tôi! 
Hơn bốn chục năm sau, trong một lần tình cờ gặp lại thầy, tôi rụt rè, ngượng ngùng hỏi lại thầy về chuyện nghịch ngợm dại dột ấy. Thầy cười rộng mở, mắt nheo nheo, nhìn tôi tinh quái: 
- Mình quên lâu rồi! Quả là độ ấy các anh nghịch như quỷ sứ! May mà không xảy ra chuyện gì! 
Thế là thầy vẫn nhớ chuyện xưa, nhưng không muốn nhắc lại với đứa học trò cũ, từ lâu cũng đã là đồng nghiệp với thầy, nay cũng đã vào tuổi tri thiên mệnh. Sợ nó buồn chăng?! Hay là, thực ra, ngay từ hồi ấy, thầy cũng đã coi chuyện đó chỉ là một trong những trò nghịch ngợm tinh quái, vặt vãnh của lứa tuổi học trò xen lẫn với ý muốn, khao khát, tò mò tìm hiểu sự mới lạ của trí tuệ thanh niên mới lớn? Có thể cho qua! Nhưng càng ngẫm nghĩ chuyện cũ, tôi càng cảm động vì tấm lòng nhân ái, bao dung, rộng lượng của thầy và của thầy chủ nhiệm lớp. Sau này, trong những tháng năm công tác, mỗi lần phải xử lý kỷ luật học trò, dù là học sinh phổ thông hay sinh viên, chính quy, hoăc học viên tại chức, tôi lại hay nghĩ tới chuyện của tôi với thầy Phạm năm nào. Và không hiểu sao, mùi hương hoa đại vàng làng Cáo Đỉnh lại thoang thoảng, phảng phất đâu đây khiến lòng tôi dịu bớt sự bực bõ. Mùi hương hoa đại như nhắc bảo tôi cố gắng tìm cách giải quyết vụ việc theo hướng chuyện to thành nhỏ; chuyện nhỏ thành không có gì! Và sau đó tự nhủ, rằng mình cũng đã học được chút ít cung cách ứng xử với học trò từ tấm gương những ông thầy khả kính và nhân hậu nơi trường PT cấp III Xuân Đỉnh.
***
Chiều xuân nay, hồi tưởng và kể lại về thời gian học hành dưới mái trường thân yêu một thưở, vang bóng một thời, với riêng tôi, còn có thể và cần nhắc tới biết bao nhiêu con người, sự việc, kỷ niệm ngọt ngào, đầm ấm lẫn đắng cay, chua chát… Nhưng thôi! hôm nay xin được tạm dừng ở trầm tích mùi hương thanh khiết hoa đại vàng, buổi luyện tập hành quân mùa hè đánh Mỹ với 2 câu chuyện buồn tuổi hoa niên của tôi. 
Dù thời gian đã rất xa, tất cả đã trở thành ký vãng, vết thương lành đã lâu mà dấu sẹo vẫn còn. Thi thoảng, tôi vẫn thường xúyt xoa nhớ, để tự soi, ngẫm lại mình, để thêm một lần cảm phục và biết ơn những bậc thầy, những ân sư lượng cả bao dung, giỏi rèn người, tinh dạy chữ và ngôi trường quê bên gốc đại vàng ngan ngát hoa hương./.


* Cây Đại thân trắng bạc, lá nhọn như lưỡi dao bầu, hoa Đại màu vàng, màu đỏ nở rộ vao mùa hè, mùa thu. Nguồn gốc từ Mêhicô, Vênêduyêla, châu Mỹ. Du nhập sang châu Á từ bao giờ chưa rõ. Cây đại được trồng nhiều ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào (gọi là Chăm pa, Sứ), Căm pu chia…Ở trước sân chùa Hoa Yên, Yên Tử có cây đại 700 tuổi. 
* Hoàng Lan (Ngọc lan Tây, Di lăng, Y lang (nơi hoang vu) cao tới 7, 8 m; cành ngang, tán rộng, hoa vàng, thơm ngát cả một vùng. Nguồn gốc từ Philippin, trồng nhiều ở Thái Lan, Việt Nam. Truyện ngắn nổi tiếng của Thạch Lam: Dưới bóng hoàng lan.
* Về ngôi trường Vẽ (Tiểu học và THCS Đông Ngạc), mời bạn đọc các bài thơ và tản văn – hồi ức: Hương gây nhớ một mái trường (2000), Từ bóng hoàng lan (2001) và Trong tôi, trường Vẽ (2 – 2014) của Đường Văn.


Chiều xuân ấm, 
hạ tuần tháng giêng Giáp Ngọ
 26 – 2 – 2014.
ĐV