Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Minh Chuyên và những tác phẩm gây chấn động dư luận

Trần Nguyên Trung
Chủ nhật ngày 2 tháng 3 năm 2014 8:23 AM


Nhà văn, Nghệ sĩ ưu tú Minh Chuyên sinh năm 1948, tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là Đạo diễn cao cấp Đài Truyền hình Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy viên Ban Sáng tác Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông là nhà văn có nhiều tác phẩm, bút kí được chuyển thể thành kịch bản phim tài liệu, sân khấu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc và khán giả cả nước…

 Thật hiếm có nhà văn đương đại nào có số lượng tác phẩm lớn và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như nhà văn Minh Chuyên. Đến nay, ông đã xuất bản 25 cuốn sách gồm tiểu thuyết, bút kí, truyện ngắn, kịch bản văn học, kịch bản truyền hình; viết kịch bản và đạo diễn hơn 150 tập phim tài liệu điện ảnh và truyền hình; sở hữu 55 giải thưởng quốc gia và quốc tế, trong đó có giải Cúp Vàng quốc tế phim tài liệu tổ chức tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) tháng 9/2006.

Các nhà phê bình văn học và đồng nghiệp gọi ông là nhà văn của thời hậu chiến, bởi những thước phim, câu chuyện ông viết đều mang đậm chất lính. Những nhân vật trong tác phẩm đều là nguyên mẫu có thực ngoài đời. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim tài liệu, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam hoặc được chuyển thể sân khấu, gây xúc động mạnh mẽ đối với khán giả cả nước, như “Người lang thang không cô đơn”. Chính số phận nghiệt ngã, không may mắn của thương binh Nguyễn Đình Thúc, nhân vật chính của tác phẩm đã làm lay động hàng triệu con tim, đủ mọi tầng lớp xã hội, từ người già đến người trẻ.

Nhà văn Minh Chuyên. Ảnh IT

Nhà văn Minh Chuyên. Ảnh IT

Trước đó, bút kí “Thủ tục làm người còn sống” sau khi ra mắt bạn đọc thực sự trở thành cơn địa chấn bàng hoàng xã hội. Cũng chính tác phẩm này đã khiến Minh Chuyên phải trải qua một thời gian lao đao, khốn đốn vì bị quy kết. Nhưng rồi sự việc đã kết thúc có hậu khi thương binh Trần Quyết Định sau 18 năm trời ròng rã, lặn lội vào Nam ra Bắc, gõ hầu hết các “cửa quan” xin được làm một công dân bình thường như trước khi vào bộ đội đã được hưởng chế độ thương binh.

Qua các bút kí của mình, Minh Chuyên đã khóc thương cho thân phận những người lính từ chiến trường khói lửa trở về phải chịu biết bao nỗi bất hạnh vì đã sinh ra những đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Những tác phẩm của ông như “Đứa con màu da thú”, “Nước mắt làng”, “Chiếc cũi trần gian”, “Vết thương không rỉ máu”, “Không được thành người”… như một thông điệp tố cáo tội ác chiến tranh và di họa của nó. Mặc dù tố cáo tội ác chiến tranh nhưng tư tưởng của Minh Chuyên luôn lấy nhân nghĩa làm trọng. Góc nhìn của Minh Chuyên về chiến tranh và tội ác cũng hoàn toàn mới mẻ. Bộ phim tài liệu “Cha con người lính” do ông viết kịch bản và đạo diễn dựa trên bút kí “Đứa con màu da thú” được chọn tham dự Liên hoan Phim quốc tế ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) tháng 9/2006. Bộ phim kể về 3 thế hệ của một gia đình người lính bị nhiễm chất độc da cam/ đi-ô-xin và việc người Mỹ tên là E.Jum Walte – kẻ trực tiếp tham gia rải chất độc hóa học trên chiến trường miền Nam sang Việt Nam làm từ thiện, thực chất là để sám hối, khi gặp “cha con người lính” ông ta xin được mang đứa con gái của gia đình về Mỹ để chữa trị, lột bỏ da mặt, da cổ và hai bàn tay đen đúa của em thay bằng lớp da mới. Tư tưởng nhân văn bao trùm lên bộ phim là nỗi đau sẽ còn mãi nhưng hận thù không thể tồn tại mãi; phải lấy sự khoan dung, nhân ái để hóa giải tội ác. Ban giám khảo đánh giá rất cao bộ phim “Cha con người lính” và đã trao giải Cúp Vàng quốc tế cho bộ phim tài liệu, vượt trên 55 quốc gia của 5 châu lục.

Phim “Linh hồn Việt Cộng” nói về nỗi ám ảnh tội ác của một cựu binh Mỹ tên là Hommer, kẻ đã bắn chết chiến sĩ Hoàng Ngọc Đảm trong một trận chiến giáp lá cà ở mặt trận Tây Nguyên và mang theo kỉ vật của liệt sĩ về nước Mỹ. Suốt 39 năm sống trong dằn vặt, Hommer đã quyết định sang Việt Nam, tìm về quê hương liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm để tạ tội và xin được đi tìm hài cốt người chiến sĩ Việt Cộng này. Bộ phim phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam tối 23/7/2008 gây xúc động hàng triệu trái tim khán giả cả nước. Bộ phim đoạt 3 giải thưởng quốc gia.

Những đóng góp to lớn của nhà văn Minh Chuyên đã được công chúng và xã hội khẳng định. Ngày 24/2/2009, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Mùa Xuân này, nhà văn Minh Chuyên đã gần bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng sức viết và cường độ làm việc của ông thật đáng kính nể. Gần 2 năm qua, ông đã hoàn thành 12 tập phim tài liệu về hậu quả chiến tranh Việt Nam, 15 tập phim “Huyền thoại Đoàn tàu không số” phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam được dư luận đánh giá cao. Mới đây, ông cũng vừa hoàn thành 12 tập phim “Bất khuất Côn Đảo” ra mắt khán giả vào đầu năm 2014. Có lẽ, chính sự đam mê, tình yêu mãnh liệt cuộc sống, sự cảm thông, chia sẻ đối với các thân phận bé nhỏ, không chịu khuất phục trước mọi bất công, ngang trái của xã hội đã tạo nên một nhân cách mang đậm tính nhân văn của nhà văn Minh Chuyên.

Trần Nguyên Trung