Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ông đồ những bức tranh thơ

Nguyễn Đức Nhì
Chủ nhật ngày 2 tháng 3 năm 2014 8:44 PM
 
Bài thơ Ông Đồ được đăng năm 1936 trên báo Tinh Hoa lúc tác giả của nó, Vũ Đình Liên, mới 23 tuổi. Ông là người theo tân học, đậu Tú Tài năm 1932 (lúc 19 tuổi). Nhờ khả năng quan sát sắc bén ông đã sáng tác được bài thơ mà theo Hoài Thanh: “Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ lưu danh với đời.” (Thi Nhân Việt Nam).
Hoài Thanh đưa ra những lời khen ngợi trên và đã chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam chứng tỏ bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, dưới cái nhìn của đôi mắt thơ có nội lực sung mãn vào hạng nhất thời bấy giờ, được đánh giá rất cao.
   
             ÔNG  ĐỒ
 
         Mỗi năm hoa đào nở
          Lại thấy ông đồ già
          Bày mực tàu, giấy đỏ
          Bên phố đông người qua
 
          Bao nhiêu người thuê viết
          Tấm tắc ngợi khen tài
          Hoa tay thảo những nét
          Như phượng múa rồng bay
 
          Nhưng mỗi năm mỗi vắng
          Người thuê viết nay đâu?
          Giấy đỏ buồn không thắm
          Mực đọng trong nghiên sầu
 
          Ông đồ vẫn ngồi đấy
          Qua đường không ai hay
          Lá vàng rơi trên giấy
          Ngoài trời mưa bụi bay
 
          Năm nay đào lại nở
          Không thấy ông đồ xưa
          Những người muôn năm cũ
          Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên
 
Tứ thơ:
     Mỗi độ xuân về ông Đồ lại ngồi bên phố trổ tài viết câu đối cho người qua, kẻ lại. Nhưng mỗi năm mỗi ít người thuê viết, ông đồ ngồi lặng lẽ bên đường. Và năm nay không thấy ông đồ nữa.
Ý thơ:
     Qua hình ảnh ông đồ tác giả tỏ ý thương tiếc một nền Nho học đang lụi tàn dần theo năm tháng.
 
          Ở đây ý và tứ khác nhau, nghĩa là tác giả đã sử dụng phép ẩn dụ toàn bài. Ông không chơi bài cào, kiểu ngửa mặt lớn nút ăn tiền, mà chọn ván bài xì phé trong đó con tẩy được dấu kín. Con tẩy càng kín thì ván bài càng hấp dẫn và tay chơi (tác giả) càng có lợi thế. Đến phút cuối cùng, con tẩy được lật lên, người đọc à lên một tiếng thích thú. Từ lúc hiểu tứ đến lúc cảm thông được ý - chủ đích của tác giả khi viết bài thơ - chỉ một tích tắc. Điều đáng nói là chính cái tích tắc ngắn ngủi đó đã cho người đọc cái cảm giác sảng khoái như khám phá được một điều gì to lớn lắm.
Đọc xong đoạn cuối:
                   Năm nay đào lại nở
                   Không thấy ông Đồ xưa
                   Những người muôn năm cũ
                   Hồn ở đâu bây giờ?
qua dòng liên tưởng của chính mình người đọc thấy con bài tẩy đã được ngửa ra. Sự mất dạng của Ông Đồ giữa phố Tết dẫn đến tâm trạng nuối tiếc một nền Nho học đang lụi tàn. Đây là một tứ thơ hay, bao quát toàn bài, được vận dụng khéo léo, kín kẽ, không một tý sơ hở để có thể dẫn đến những hiệu ứng phụ khiến người đọc có thể vặn vẹo, bắt bẻ.
 
Ngoài phép ẩn dụ, bài thơ Ông Đồ còn có những cái hay sau đây:
 
Không có hội chứng nhàm chán vần
Một trong những hạn chế của thể thơ trường thiên (ở đây là ngũ ngôn trường thiên) là hội chứng nhàm chán vần. Mỗi câu vừa vặn 5 chữ, vần gieo 1/3 (trắc), 2/4 (bằng) rất đều đặn từ đầu đến cuối khiến người đọc có cảm giác “ngán vần” nếu bài thơ quá dài. May mắn, bài thơ chỉ có 20 câu; tuy vị ngọt thơ ca hơi “đậm đà” nhưng cảm giác nhàm chán chưa kịp đến thì bài thơ đã hết.
Tứ thơ không bị phân tán
Hạn chế thứ hai của thể thơ trường thiên là tứ thơ phân tán. Bài thơ chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn 4 câu độc lập, không có mắt xích nối các đoạn với nhau nên không có dòng chảy của thơ. Thay vào đó chỉ có những vũng thơ, những hố thơ riêng biệt; mỗi vũng, mỗi hố thể hiện một mảnh tâm trạng của tác giả. Người đọc phải đến từng hố thơ để cảm nhận từng mảnh vụn tâm tình đó. Tứ thơ vì thế bị phân tán. Bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên đã vướng phải hạn chế này. Ông viết:
 Ta về như tứ thơ xiêu tán
        là rất đúng. Bởi bài Ta Về có đến 124 câu, 31 đoạn; tứ thơ
        chủ đạo hoàn toàn bị phân tán, manh mún.
Bài thơ Ông Đồ về hình thức không có những mắt xích nối các     đoạn thơ với nhau nhưng may mắn (lại may mắn), không kể đoạn đầu giới thiệu ông Đồ, 4 đoạn còn lại là chuỗi hình ảnh nối tiếp nhau theo thứ tự thời gian nên người đọc vẫn có được sự chú tâm cần thiết thả hồn theo dòng thơ – chính là dòng thời gian –  để cảm được tâm tình của tác giả.
Áp dụng thành công nguyên tắc “bày tỏ, không kể lại” (show, not tell): tác giả dùng ngôn từ đơn giản của đời thường, tạo ra những hình ảnh gần gũi, quen thuộc để người đọc có thể cảm nhận trực tiếp, không qua sự biện giải dài dòng của lý trí.
Cái hay nữa của bài thơ là “thi trung hữu họa”; họa ở đây không phải chỉ khi ẩn, khi hiện mà mỗi đoạn thơ đã được tác giả vẽ thành một bức tranh sống động.
 
Mỗi năm hoa đào nở
                   Lại thấy ông đồ già
                   Bày mực tàu, giấy đỏ
                   Bên phố đông người qua
 
 
Bức tranh nhìn từ xa: đám đông vây quanh một ông già mặc áo chùng thâm, đội khăn đóng (ông Đồ) đang lúi húi viết; mặt ông Đồ và những người vây quanh đều lờ mờ, không rõ nét. Đây đó một vài cây đào đang nở hoa, báo hiệu xuân sang, tết đến.
 
Bao nhiêu người thuê viết
                             Tấm tắc ngợi khen tài
                             Hoa tay thảo những nét
                             Như phượng múa rồng bay
 
 
Bức tranh cận cảnh: cũng đám đông vây quanh ông Đồ, mặt tươi vui, chú tâm theo dõi nét bút (lông) của ông trên giấy đỏ.
    Thân hình và mặt mọi người đều rõ nét.
 
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
                             Người thuê viết nay đâu?
                             Giấy đỏ buồn không thắm
                             Mực đọng trong nghiên sầu
 
 
Bức tranh nhìn hơi xa: ông Đồ ngồi trên chiếu, bên cạnh là xấp giấy màu đỏ (nhạt hơn màu giấy ở bức tranh 2), bút lông và lọ mực chỉ còn một ít mực đọng ở cuối lọ. Chỉ có 1, 2 người thờ ơ đứng xem, không ai thuê viết.
 
Ông đồ vẫn ngồi đấy
                             Qua đường không ai hay
                             Lá vàng rơi trên giấy
                             Ngoài trời mưa bụi bay
 
 
Bức tranh nhìn gần hơn một tý: ông Đồ vẫn ngồi trên chiếu dưới mưa phùn lất phất, bên cạnh lờ mờ xấp giấy đỏ, bó bút lông và lọ mực. Người đi đường qua lại không ai đến gần chiếc chiếu của ông Đồ. Cảnh thật tiêu điều.
 
Năm nay đào lại nở
                             Không thấy ông đồ xưa
                             “Những người muôn năm cũ
                             Hồn ở đâu bây giờ?”
 
Bức tranh cận cảnh: người đi chơi xuân qua lại tấp nập trên đường; khoảnh đất ngày xưa ông Đồ thường ngồi, nay bỏ trống; một người không rõ mặt (tác giả) đứng cách mươi bước, mắt đăm chiêu nhìn khoảnh đất trống. Thật ra, nếu vẽ đúng ý của đoạn kết thì phải có thêm dấu chấm hỏi ngay trên khoảnh đất trống ấy.
 
Sau đây là vài khuyết điểm nho nhỏ trong bài thơ Ông Đồ mà người viết bài này muốn đưa ra để bàn luận:
Cách gieo vần: phải nhìn nhận tác giả rất cố gắng và rất khéo trong việc chọn chữ và gieo vần để giảm bớt vị ngọt của thơ ca. Trong 10 đôi chữ vần với nhau chỉ có 3 đôi là chính vận (đâu sầu, đấy giấy, hay bay), 7 đôi còn lại là thông vận. Tuy vậy vị ngọt, mặc dầu chưa đến độ nhàm chán, đối với người đọc khó tính, đã hơi “đậm đà”. Tại sao ông không bỏ hẳn vần 1/3, chỉ giữ vần 2/4 như Ta Về của Tô Thùy Yên chẳng hạn? Hỏi tức là đã trả lời. Lúc ấy cách gieo vần của Thơ Mới (ảnh hưởng Pháp) là như thế. Một nhà thơ cự phách như Tô Thùy Yên mà đến gần 50 năm sau (1985), trong Ta Về mới áp dụng phép gieo vần ấy, thì làm sao có thể trách Vũ Đình Liên được. Ông đã chọn thể thơ mà ở thời của ông được coi là mới nhất, phóng khoáng nhất. Nhưng dẫu sao cái vị ngọt hơi “đậm đà” đã tan vào bài thơ của ông, và ông, chứ không  ai khác, phải nhận trách nhiệm (một cách oan ức!) về khuyết điểm nho nhỏ đó.
Theo tôi, 2 câu đóng góp ít nhất và giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ nhiều nhất, là 2 câu cuối:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Nhận định này rất khác với những bài bình Ông Đồ trên sách báo và internet ở trong nước; nó cũng khác với nhận định của vài nhà phê bình văn học ở hải ngoại. Sau đây là lý do khiến tôi đưa ra nhận định ấy.
         Khi đọc xong câu 18:
                             Không thấy ông Đồ xưa
con tẩy của ván xì phé đã được lật lên, ẩn dụ đã được giải mã, không cần phải giải thích thêm nữa. Bằng khả năng liên tưởng của mình người đọc đã có thể nhận ra chủ ý của tác giả: nền Nho học đang lụi tàn. Cái câu hỏi “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” là không cần thiết, là thừa. Nếu nói tác giả dùng cái câu hỏi “hỏi để mà hỏi vậy thôi” với mục đích là, qua cái giọng “bàng hoàng, thảng thốt” trong câu hỏi ấy, truyền cho người đọc cảm giác  tiếc nuối cái nền Nho học kia, thì cũng không hợp tình lắm. “Bàng hoàng, thảng thốt” dùng cho trường hợp của Tú Xương trong Sông Lấp thì đúng, bởi ông Tú cũng chính là ông Đồ, là máu, là thịt của nền Nho học; mất (hình ảnh) ông Đồ, đối với ông, cũng đau đớn như mất một phần thân thể, một phần tâm hồn của mình. Còn như Vũ Đình Liên, theo tôi, chỉ bâng khuâng tiếc nuối khi thấy mất đi một nét đẹp văn hóa của dân tộc, bởi ông – một người theo tân học – đối với ông Đồ, đối với nền Nho học, chỉ là kẻ bàng quan, là người ngoài cuộc; câu hỏi với cái giọng tha thiết ấy có vẻ hơi “lạc điệu”. Hơn thế nữa, nó làm bức tranh thứ 5 vẫn cồm cộm chữ nghĩa; ngôn ngữ chưa hoàn toàn tan biến, chưa thực sự hóa thân vào trong tranh.
 
Có lần cô cháu dâu người miền nam nấu đãi ông bác chồng mới ở Mỹ về thăm, một nồi chè xôi nước. Con nhỏ nấu ngon thiệt; tôi ăn một lúc hết 4 viên mà vẫn còn thòm thèm. Nhưng đến viên thứ năm thì kẽ răng tôi bị một miếng gì đó dính vào. Thì ra nó nấu chè bằng đường chén làm từ mía; người làm đường không để ý nên sót lại chút bã mía trong chén đường. Dù vậy, chè xôi nước hôm đó vẫn là bữa ăn rất ngon tôi còn nhớ đến ngày hôm nay.
 
Vâng! Hai câu kết của bài thơ chính là miếng bã mía trong nồi chè xôi nước. Người đọc có cảm giác hơi tiêng tiếc. Chỉ một chút xíu nữa thôi là những bức tranh thơ có thể hoà nhập trọn vẹn vào tâm hồn người đọc, bài thơ có thể gọi là toàn bích.
 
Tóm lại, nhờ sự nhạy bén của tác giả (và một chút may mắn) bài thơ Ông Đồ đã tránh được hai khuyết điểm lớn của thể thơ trường thiên: hội chứng nhàm chán vần và tứ thơ phân tán. Thêm vào đó, nó lại có thể thủ đắc một lúc 3 “tuyệt chiêu” của thơ ca là ẩn dụ tài tình, bày tỏ, không biện giải (show, not tell), và thi trung hữu họa. Tôi xin mạnh dạn gọi nó là một tuyệt tác. Nó không phải chỉ nổi bật khi so sánh với những bài thơ cùng thời, không phải chỉ nhận được những lời ngợi khen từ những nhà phê bình văn học sử dụng  cái thước đo giá trị thơ ca của bối cảnh văn học những năm 1930s, 1940s. Ngay lúc tôi viết bài này (2013), sau gần 80 năm lăn lóc trên thi đàn, nó vẫn sống trong lòng người yêu thơ. Những nhà phê bình văn học, dù khó tính, “bới lông tìm vết” bằng những chuẩn mực giá trị của thời đại mới đi nữa, vẫn phải công nhận Ông Đồ là bài thơ rất hay. Ông Đồ không chỉ là hiện tượng, là cái mốc của một thời điểm lịch sử như Tình Già của Phan Khôi, như mấy bài thơ của TTKh, mà bằng giá trị nghệ thuật nội tại, bằng cái đẹp chân chất thơ ca, đã biểu lộ một sức sống mãnh liệt, sẽ còn ngất ngưởng trên thi đàn, làm xao xuyến hàng triệu trái tim những người yêu thơ …nhiều chục năm nữa. Tôi rất tự tin khi đưa ra lời tiên đoán này. Đúng hay sai? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
 
 
 
PHẦN VIẾT THÊM 1
 
Sau khi bài Đọc Thăng Long Thành Hoài Cổ Nghĩ Về Vị Trí Của Thơ Đường Luật được phóng đi, một độc giả e-mail hỏi tôi: “Cả TLTHC của Bà Huyện Thanh Quan và Ông Đồ của Vũ Đình Liên đều là tâm trạng hoài cổ, tiếc nhớ một thời xưa cũ, theo ông thì bài nào hay hơn?” Lúc ấy, vì hơi bận bịu, tôi chỉ trả lời vắn tắt: “Tôi thích Ông Đồ của Vũ Đình Liên hơn.” Hôm nay, nhân vừa viết xong Ông Đồ: Những Bức Tranh Thơ, tôi thấy có thể đưa ra một vài luận cứ cho sự lựa chọn của mình:
Trong TLTHC, Bà Huyện Thanh Quan nói trực tiếp, nói thẳng về tâm trạng hoài cổ của mình; trong Ông Đồ, Vũ Đình Liên sử dụng phép ẩn dụ (toàn bài), người đọc cảm thấy sảng khoái, thích thú khi lần theo tứ thơ khám phá được chủ ý của tác giả.
TLTHC thuộc loại kể, biện giải (tell), Ông Đồ thuộc loại bày tỏ (show).
TLTHC: ngôn ngữ sáo, ước lệ, Ông Đồ: ngôn ngữ đời thường, bình dị, gần gũi.
TLTHC: thể thơ Đường luật gò bó, Ông Đồ: thể thơ ngũ ngôn trường thiên, tương đối thoải mái hơn.
Ông Đồ: thi trung hữu họa, là những bức tranh thơ đầy cảm xúc.
 
 
PHẦN VIẾT THÊM 2
 
Nhắc đến “tuyệt chiêu” thi trung hữu họa của Ông Đồ tôi lại nhớ đến hai câu thơ chữ Hán mà thời còn ở trung học, một vị giáo sư của tôi đã cho là hai câu thơ tả cảnh tuyệt vời của văn chương Trung Hoa:
                   Lạc hà dữ cô vụ tề phi
                   Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc
Trần Trọng San dịch:
                   Ráng chiều rơi xuống, cùng cánh cò đơn chiếc đều bay
                   Làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc.
Sau này đi tù, có dịp gần gũi với nhiều bậc thức giả, kiến văn rộng, tôi lại nhiều lần được nghe họ trầm trồ khen ngợi hai câu thơ “độc nhất, vô nhị” đó nữa.   Chính tôi, vừa đọc, vừa thả hồn vào cái cảnh trời mà hai câu thơ ấy vẽ nên, cũng thấy đẹp và hay thật; chữ nghĩa đã hoàn toàn tan biến, hóa thân thành một bức tranh thơ tuyệt tác. Và sau đây là hoàn cảnh ra đời của hai câu thơ ấy.
Con vua Đường Cao Tổ là Nguyên Anh được phong là Đằng Vương, khi nhậm chức thứ sử tại Tô Châu đã sai đô đốc Hồng Châu xây cất một ngôi gác để làm chỗ ở. Ngôi gác tọa lạc tại quận Nam Xương, bên sông Tầm Dương, được đặt tên là Đằng Vương các. Năm Hàm Thuần thứ hai, sau khi hoàn tất công việc trùng tu Đằng Vương các, đô đốc Hồng Châu lúc ấy là Diêm Bá Tự mở đại yến mời tao nhân mặc khách đến sáng tác thơ văn để ghi nhớ. Vương Bột bấy giờ 19 tuổi, nổi tiếng là văn hay, thơ phú giỏi, đã giong thuyền trên 100 dặm để đến dự bữa đại yến này. Khi được đưa giấy bút mời trổ tài thơ, chàng trai họ Vương khẳng khái đón nhận và ngay tại buổi tiệc đã sáng tác trọn vẹn bài Đằng Vương Các Tự.
Bài tự khá dài (hơn 760 chữ) có thể chia làm 5 phần:
Địa lý và con người ở quận Nam Xương, nơi xây Đằng Vương các.
Ngợi ca chủ và khách tham dự bữa tiệc.
Tả phong cảnh xung quanh (từ Đằng Vương các nhìn ra).
Cảm tưởng của riêng tác giả.
Đoạn kết là bài thơ thất ngôn bát cú cổ phong tuyệt bút.
Hai câu thơ được đời sau nhắc đến và ca tụng hết lời, nằm ở phần tả phong cảnh xung quanh
 Tôi hơi dài dòng về nguồn cội, xuất xứ của hai câu thơ là để có thể đưa ra mấy lời nhận xét như sau:
Không còn nghi ngờ gì nữa, Đằng Vương Các Tự là một bài tự hay, một áng văn đẹp, được viết bởi một chàng trai trẻ tuổi, ngay từ thuở thiếu nhi đã nổi tiếng có tài văn thơ. Lời văn trong bài tự rất văn hoa, bóng bẩy, đẹp một cách hào nhoáng, lộng lẫy, được viết bằng lối văn biền ngẫu nên đọc lên nghe rất cân đối, nhịp nhàng, trơn tuột như một bài thơ.
Vương Bột lặn lội đường xa đến dự yến với mục đích biểu diễn, phô trương kiến thức uyên bác, văn tài điêu luyện của mình nên bài tự chữ dùng nhiều chỗ cầu kỳ, nhiều điển cố khó hiểu.
Ông viết bài tự để tặng người chủ bữa tiệc nên nhiều chỗ chữ nghĩa không thật sự phát xuất từ lòng mình, từ tấm chân tình của mình, nhiều câu có tính đãi bôi, đầy cung cách xã giao, nghe rất sáo.
Trong đám rừng hoa chữ nghĩa ấy nổi bật lên một cụm hoa thật đẹp, thật tươi thắm, đứng lẻ loi như một bức tranh thơ riêng biệt, có ma lực hớp hồn những người thưởng ngoạn. Đó chính là hai câu:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.
Nhưng cây hoa ấy, bức tranh thơ tuyệt đẹp ấy, lại được đặt ở rất xa, mãi tận góc vườn, lẫn lộn với nhiều đồ vật trang trí khác, góp một phần rất khiêm tốn, điểm tô cho Đằng Vương các.
Trong khi đó, Ông Đồ của Vũ Đình Liên, ngôn ngữ bình dị hơn, là cả một bộ truyện bằng tranh thơ sinh động. Người đọc không phải “đãi cát tìm vàng” như khi đọc Đằng Vương Các Tự, mà, với Ông Đồ, họ có thể thấy ngay trước mắt mình cả một hàng những thỏi vàng óng ánh.