Trong câu chuyện buồn “người ta ăn không từ cái gì của dân” nghe thật đau xót nhưng đó là sự thật chứ không phải nói quá lời. Suy cho cùng thì các quan tham nhũng chỉ có thể ăn của dân mà thôi. Đất của dân, tài nguyên của dân, ngân sách là tiền thuế của dân. Đó là những kẻ thấp cổ bé miệng làm ra phẩm vật, của cải nhưng dễ “bị ăn” nhất vì bị ăn mà không biết kêu ai.
Nhưng không chỉ họ mà thôi. Đến những người không có của cải, cũng không thể làm ra của cải, những người chỉ sống leo lắt bằng tình thương của người đời và các quỹ từ thiện như người tàn tật, già yếu, hoặc những người đã chết như liệt sĩ, vẫn bị quan tham dùng quyền lực “đánh chén” bằng trăm phương ngàn kế ăn chặn, bớt xén!
Cho nên khi người ta nói “ tham nhũng ăn của dân không từ cái gì” , “tham nhũng như một bầy sâu” là có thật nhưng nói chưa hết. Quan tham còn ăn của dân một thứ quý giá hơn nhiều nhưng ít khi được nói ra vì nó “nhạy cảm”, nó “tế nhị”, nó “vướng vít”. Đó là danh dự và nhân phẩm con người và quyền làm người của dân. Khi quyền lực bị lạm dụng và không ai kiểm soát thì một chú dân phòng còn hoi sữa cũng có thể ngang nhiên dùng quả đấm cướp đi nhân phẩm và quyền làm người thiêng liêng được hiến pháp và pháp luật bảo vệ của người dân.
Mà không chỉ là những chú dân phòng ít học và ít được dạy dỗ. Sự việc còn nóng bỏng mới đây. Có vị “anh hùng” (dỏm) ở Thửa Thiên – Huế khai gian khá nhiều thành tích để nhận danh hiệu anh hùng,. Dù ông đang là quan đầu tỉnh lương cao bổng hậu chứ đâu có thiệt thòi gì. Chẳng qua ông muốn “tận dụng quyền lực một cách tối đa” mà thôi. Khi ông vơ vào mình thành tích của đồng đội cũng có nghĩa là ông đang “ăn” nhân phẩm và quyền của họ, may ra đó là thứ cuối cùng người dân còn giữ được nhờ cất giữ trên ban thờ.
Xin mạn phép ông lạm bàn lý do vì sao ông “dám làm” chuyện này, nếu không đúng xin bỏ qua cho. Là do ông tưởng xưa nay, nếu “ăn” của dân đám đất, bát cơm hay miếng thịt đều chầy vẩy khó khăn, vì ai mà không biết phản ứng khi có cướp. Nhưng mấy cái danh hiệu thi đua thì đa số dân chúng đầu tắt mặt tối không để ý, chẳng ai ganh ghé với mình. Vả lại, với ông thì ăn thứ này quá dễ, không nguy hiểm như ăn đất, ăn dự án. Trong tay ông có cả một bộ máy mà ông có thể dùng quyền lực độc quyền sai khiến, lũng đoạn dễ dàng.
Ông tưởng vậy nhưng ông đã tính nhầm. Bốn vị cựu chiến binh đồng đội của ông ngày xưa tố cáo ông không phải ganh ghé mà họ khác ông ở chỗ coi trọng phần hồn hơn phần xác. Họ có thể để ai “ăn” các thứ khác không thèm nói, nhưng xương máu, công lao và danh dự trong những ngày máu lửa thì không ai “ăn” được của họ. Ông quên câu “miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Tuy câu này có thể mang lại nhiều suy nghĩ và hành động tiêu cực. Nhưng nó đúng tuyệt đối ở cái tinh thần “thượng tôn danh dự” của cha ông ta. Miếng giữa làng nó to nó nặng vì cái danh dự ẩn chứa bên trong. Không biết trọng danh dự thì một nước nhỏ như nước ta không thể tồn tại bên cạnh tay hàng xóm phương Bắc tham lam hàng ngàn năm. Dân ta đánh giặc không có lương nuôi vợ con, không màng danh lợi. Không chỉ có một Thánh Gióng. Mà không ít chiến sĩ dẹp xong giặc giã, nộp súng về làng với ba má mà không “buồn một phút”, cũng không màng khiếu nại vì bị bỏ quên chế độ, chính sách chính đáng họ được hưởng nhiều năm ròng.
Đặc điểm của kẻ tham lam là không biết thế nào là giới hạn. Không giới hạn nên mới gọi là tham. Trong ba điều giới “tham sân si” của nhà Phật, thì lòng tham được đặt lên hàng đầu. Có thể nói tuần lễ vừa qua là rất đáng ghi nhớ trong ký ức mọi người. Cuộc diễu hành ô nhục trước tòa án và công luận của quan tham ngã ngựa với những con số kinh hoàng hàng ngàn tỷ, hàng triệu đô la của dân được coi như vỏ hến, cũng như việc ông “anh hùng” nọ bị bóc mẽ thẳng thừng, đã nói lên một điều đơn giản: Trời còn có mắt! Đừng tưởng dân chỉ coi trọng đất đai, của cải. Nhân phẩm và quyền làm người của dân là cái ban thờ, xin chớ động vào!
(PNTPHCM Thứ Sáu 100113)