Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghề bác sĩ là một nghề đau khổ

Bích Nga
Thứ tư ngày 26 tháng 2 năm 2014 10:06 PM

Một tờ báo phát hành ở Australia đã viết về nghề bác sĩ như sau: “Bác sĩ là một nghề danh giá, có đồng lương cao, được nhiều người mơ ước nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát cho thấy đây là một nghề đầy dằn vặt và bứt rứt về mặt tinh thần khi chứng kiến cái chết hay sự đau đớn của bệnh nhân, trong đó có nhiều bác sĩ đã toan tính tự tử, tìm quên trong rượu và ma túy”.

Như vậy là, không phải chỉ ở Việt Nam nghề bác sĩ được dư luận đề cập tới với nhiều  khía cạnh, tốt, xấu, khen, chê…mà ngay ở các nước phát triển, cái nghề hái ra tiền này vẫn làm cho người trong nghề có những day dứt, dằn vặt riêng.

Tờ báo trên nêu tiếp: “Đây là kết quả khảo cứu của Beyondblue mới công bố vào đầu tuần này. Là một tổ chức chuyên nghiên cứu và cung cấp thông tin, cố vấn về các loại bệnh tâm thần ở Úc đã khảo sát tình trạng tâm thần của hơn 14000 bác sĩ và ghi nhận một kết quả đáng kinh ngạc:
- Trong 5 bác sĩ thì có 1 bác sĩ từng toan tính tự tử
- Trong 4 bác sĩ thì có 1 bác sĩ bị trầm cảm hay rối loạn tâm thần nhẹ
- Trong 6 bác sĩ thì có 1 bác sĩ uống rượu ở những mức độ có độ rủi ro vừa phải
Theo phản hồi của của các bác sĩ mà Beyondblue ghi nhận thì đây là hậu quả của tình trạng làm việc quá lâu, không thể đoán trước được do bệnh tình của bệnh nhân, do căng thẳng khi ứng xử với những bệnh nhân đang giãy chết hay quằn quại trong đau đớn.
Trong số này thì đa số những bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân ung thư, những người đều đặn ra đi, đều bị rối loạn tâm thần ở dạng nhẹ.
Kết quả khảo sát cho thấy gần một nửa số bác sĩ trẻ thường bị mệt mỏi về cảm xúc và thể hiện một thái độ nhạo báng, yếm thế và mỉa mai đời ở mức độ cao.
Có đến 10% sinh viên y khoa sử dụng ma túy từ 2 đến 3 lần trong 1 tháng và 6% bác sĩ tự kê đơn để lấy thuốc trị các chứng trầm cảm của mình.
Kết quả khảo sát cho thấy các bác sĩ hiếm khi nói ra những uẩn khúc tâm lý của mình vì sợ rằng việc này ảnh hưởng đến việc làm, có thể khiến họ mất việc và thường họ tự nhủ, mình phải cứng rắn hơn.
Trong khi đó thì kết quả một cuộc khảo sát của đại học Monash,  Melbourne cho thấy hơn một nửa bác sĩ nữ bị bệnh nhân quấy rối tình dục, phổ biến nhất là bắt khám những chỗ kín không cần thiết.
 Các nhà khảo cứu đã phỏng vấn 180 nữ bác sĩ trên khắp nước Úc và có đến 55% trong số này nói rắng họ đã bị bệnh nhân quấy rối tình dục. Họ cũng ghi nhận rằng chỉ có chưa tới 7% nữ bác sĩ được huấn luyện đầy đủ để ứng phó với hành vi quấy rối tình dục của bệnh nhân…” ..
Những khảo sát trên cho thấy làm nghề bác sĩ có những khó khăn riêng so với các nghề khác

Vấn đề sức khỏe và tính mạng con người luôn luôn là điều trăn trở của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới . Nước Mỹ , theo thống kê của Ngân hàng thế giới, hàng năm chi ra 17,9% tổng sản lượng cho dịch vụ y tế và sẽ còn tăng nữa. Điều này có nghĩa là chính phủ Mỹ quan tâm đến y tế, nhưng cũng cảnh báo vấn đề sức khỏe có nhiều điều quan ngại. Những bệnh của sự giàu có như bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, bệnh tim mạch, bệnh tâm thần… có cơ hội phát triển mạnh, nhà nước phải đầu tư vào việc khám chữa những bệnh này với số tiền khá lớn. Ngành y tế, nhất là người làm nghề bác sĩ tăng nhanh nhưng áp lực nghề nghiệp rất lớn. Họ làm việc căng thẳng, ở nước phát triển họ có thu nhập gần như đầu bảng lương nhưng các bác sĩ vẫn thấy công việc nặng nề, bức xúc.

Ở nước ta, mặc dù lương của người làm việc ở nghành y tế có cải thiện nhưng chưa đủ để họ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, phương tiện làm việc của bác sĩ còn thiếu thốn, các thiết bị y tế hiện đại để chữa bệnh rất hạn chế nên vấn đề sinh mệnh con người nhiều khi bị đe dọa bởi sự thiếu thốn này. 
Những tiêu cực xảy ra ở ngành y tế làm xôn xao cộng đồng như trẻ bị chết sau khi tiêm vac xin, trẻ sơ sinh bị bắt cóc, sản phụ bị chết oan vì không được cấp cứu kịp thời, người bị chết vì giải phẫu thẩm mỹ bị bác sĩ vứt xác xuống sông, nạn hối lộ, phong bì…khiến cho người dân có nhiều bất bình, thiếu thiện cảm với các bác sĩ, với các bệnh viện để xảy ra những tiêu cực này. 
Nhưng công bằng mà nói, nghành y cần được cảm thông vì có những rủi ro khó tránh khỏi trong nghề nghiệp. Đa số các bác sĩ vẫn hết lòng vì bệnh nhân. Có nhiều bác sĩ cao tuổi khi về hưu mở phòng khám, nhiều bệnh nhân nghèo đến chữa bệnh được miễn phí.
 Ở những bệnh viện như bệnh viện hữu nghị Việt Xô, Viện 108, Bệnh viện 103…các bác sĩ đối xử với bệnh nhân rất mềm mỏng, tôn trọng khiến cho người đến điều trị ở đây tâm tĩnh,quí trọng bác sĩ và những người phục vụ ở ngành y. 
Nhìn các bác sĩ tận tâm với nghề nghiệp, đối xử nhân hậu với bệnh nhân khiến cho bệnh nhân cảm thông và biết ơn sâu sắc các ân nhân của mình. Cho dù có hiện tượng “ con sâu bỏ rầu nồi canh”, có những tiêu cực xảy ra không ít ở lĩnh vực khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lẫn bệnh viện tư, nhưng ngành y vẫn được trân trọng trong xã hội hiện nay. 
Có hai nghề luôn được kính trọng, chỉ làm thầy, đó là nghề dạy học và nghề thầy thuốc. Hai nghề này tiếp xúc trực tiếp với con người nên tài năng và đức độ của họ luôn được mọi người quan tâm và nhận xét kỹ càng, nếu không muốn nói, là, bị săm soi kỹ lưỡng nhất. Làm thày giáo mà thiếu trách nhiệm có thể để hỏng cả một thế hệ. Làm thầy thuốc mà bất tài hoặc vô trách nhiệm sẽ đưa đến cái chết cho bệnh nhân, tước đi của họ sự sống và đem nỗi buồn muôn thủa cho những người thân thiết, ruột thịt của bệnh nhân. Vì thế, tất cả những hành động vô lương tâm, vô cảm, thiếu hiểu biết… của những người làm việc ở hai ngành này đều được phát hiện nhanh nhất và lên án mạnh mẽ nhất. Khắc phục những hạn chế của nghề nghiệp đâu có dễ vì nó phụ thuộc rất nhiều điều kiện, cả điều kiện chủ quan và điều kiện khách quan. Với nghề thầy thuốc, lương tâm, tài năng của người thầy quyết định sự sống còn của bệnh nhân. Nếu tìm đúng bệnh, nhưng điều kiện khách quan như : thiếu  phương tiện hiện đại để chữa bệnh, không có thuốc trị bệnh phù hợp…thì sự sống của bệnh nhân cũng bị đe dọa, bác sĩ tài năng cũng bất lực
Nghề nào cũng vậy, rủi ro nghề nghiệp là khó tránh. Nhưng, nếu điều kiện chủ quan do chính cá nhân thầy thuốc gây ra từ sự dốt nát và vô nhân đạo của mình thì phải lên án. Song, thật bất công nếu ta chỉ biết chỉ trích mà chưa cảm thông thực sự  với những khó khăn của ngành y, nhất là những bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh cho con người.

Trong đời con người, không ai không một lần phải trực tiếp nhờ đến thầy thuốc. Chính vì nghành y trực tiếp liên quan đến vận mệnh sống còn của con người nên người ta biết ơn nhưng cũng có những yêu cầu cao hơn về tài năng và y đức của những người làm  việc ở đây.  
“ Lương y như từ mẫu” là điều mà mọi người mong đợi. Hiện nay cộng đồng lên tiếng chỉ trích những trường hợp vô cảm của một số bác sĩ, hoặc vì thiếu trách nhiệm, hoặc vì tiền mà coi nhẹ lương tâm nghề nghiệp đã gây ra những tiêu cực ở ngành y, khiến cho quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân trở nên căng thẳng thậm chí dẫn đến xung đột. Vì thế người ta mong muốn, dù có lúc thầy thuốc phải tiếp xúc với xác chết băng giá, có lúc thầy thuốc quá mệt mỏi vì công việc và còn thiếu thốn về vật chất nhưng trái tim họ không băng giá, biết chia sẻ với bệnh nhân những khó khăn chung, luôn cởi mở, có thái độ chân tình, ấm áp… để từ đó họ được sự cảm thông của bệnh nhân, tìm được cách trị bệnh có hiệu quả .

Nghề bác sĩ là nghề khó làm nhưng rất cao quí. Nhiều bác sĩ trăn trở và đau khổ vì chưa cứu giúp được những người mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ vẫn hết lòng vì bệnh nhân.  Chúng tôi luôn biết ơn và kính trọng những thày thuốc, những người làm việc trong ngành y vì mục đích cứu người của họ. Mong sao nhà nước có những đầu tư mạnh hơn về lĩnh vực y tế giúp cho bác sĩ có đủ phương tiện để cứu giúp bệnh nhân. Những bác sĩ “thương người như thể thương thân” vẫn nhiều lắm, họ thực sự là ân nhân của mỗi con người sống trong cộng đồng  xã hội ./.

.