Bản tính
Nhật Thành
Thứ ba ngày 20 tháng 8 năm 2013 5:17 PM
Truyện ngắn
Trong hội trường, buổi đại hội trù bị Hội VHNT tỉnh bắt đầu. Ở hàng ghế giữa, một nhà văn nữ trẻ trung với cặp kính cận ngồi cạnh một gã nhà thơ thập lùn, bụng phệ . Bạn bè vẫn gọi gã là “sư phụ”. Gã có một trang trại nuôi dê. Có lần bạn bè chọc: “ Chắc lão ăn tiết canh dê nhiều nên nhiễm máu dê?” “ Tiết canh dê? Vứt! Các cậu có biết món đặc biệt dái dê ngâm rượu không? Này, “nam thận bảo”à? Con tép! Lúc nào đến nhà tớ, tớ chiêu đãi mỗi người vài chén, đảm bảo là... hi hi...hô hô...”. Gã cười làm đôi mắt vốn đã híp trông chỉ còn như hai vết sẹo mảnh như sợi chỉ rồi kể: “Một lần tớ đang đi trên đường, bỗng đâu từ trên núi, một đàn dê chạy xuống, chúng nhất loạt quỳ hai chân trước và đồng thanh: “ Chúng con xin kính chào sư phụ ạ!” Mọi người chỉ biết cười, bó tay chấm com trước vẻ nghênh nghênh tự đắc nhưng hài hước của gã. Biệt hiệu nhà thơ “sư phụ” ra đời từ đó.
Mới gặp nhau mấy giờ trước đại hội mà cả hai coi vẻ thân thiết lắm. Thỉnh thoảng họ lại bấm nháy, cấu véo nhau và cười tình tứ. Một nhà văn ngồi gần, quay sang bắt chuyện:
- Người đẹp là ai vậy nhỉ? Hân hạnh được làm quen nhé?
Ả nở nụ cười tươi như hoa làm tim nhà văn rung lên một nhịp:
- Anh không biết em ư? Bóng dáng của em đây này!
Giở tập truyện, ả chỉ vào một đoạn trong truyện ngắn TÌNH ĐỜI. Nhà văn liếc nhìn tên tác giả và cầm cuốn kỷ yếu các hội viên, dừng ở cái tên Quách Ngọc Mơ. Thế hệ 8x! Lòng nhà văn rộn lên một niềm vui: “Nàng nhỏ tuổi hơn cả con trai ta, vậy mà nàng gọi ta bằng “anh” cứ ngọt xớt!” Giá ở phòng, chắc nhà văn phải cầm gương ngắm lại khuôn mặt tuổi lục tuần của mình. Nhà văn nhìn ả với niềm vui sướng không dấu giếm rồi thăm dò: “Tối đi uống cafe với anh nhé? Cùng ban văn, mình sẽ có điều kiện trao đổi nhiều hơn về công việc sáng tác?” Liếc mắt thật nhanh về gã nhà thơ “sư phụ”, nhận được ám hiệu, ả quay sang ngọt ngào: “Ôi, thế thì vinh hạnh cho em quá, tối anh chờ em ở Cafe Phố Núi nhé.”. Được lời như cởi tấm lòng, nhà văn thấy cuộc đời này sao đáng yêu đến thế! Mọi bực dọc về chuyện nhân sự, về tiêu cực trong đại hội tan nhanh như giọt mồ hôi trước cơn gió mát.
Đánh răng sạch sẽ, chải lại mái tóc đã điểm sương, nhà văn đứng trước gương, ngắm đi ngắm lại dung nhan mình. “Còn phong độ chán!”. Liếc đồng hô: gần tám giờ. Xịt chút nước hoa thoang thoảng, diện đôi giày da được bà xã đánh bóng cẩn thận trước khi chồng đi dự đại hội, nhà văn bước từng bước tự tin ra khỏi phòng, mặc gã sư phụ đang cắm cúi bên cái laptop để rong chơi trên mạng ảo.
* *
Trong căn phòng cuối dãy nhà, một “ngôi sao sáng trong làng thơ của tỉnh” đang nằm đọc sách. Có tiếng gõ cửa. Ba vị khách xuất hiện. Căn phòng bỗng bừng sáng. Nàng trẻ trung xinh đẹp đi cùng hai nhà văn nữ đã có tuổi nên trông càng thêm nổi bật. Lòng nhà thơ như cất lên thành tiếng hát. Từ hồi chiều, nàng đã đem đến cho chàng bao nhiêu cung bậc cảm xúc qua từng cử chỉ thân mật, qua những lời ngọt ngào và qua ánh mắt như lửa cháy...Không vui sao được khi bên nàng có bao nhiêu “vệ tinh”, máy ảnh được dịp nhe, ngắm, chớp, lóe...liên tục, mà nàng lại đến đứng bên cạnh mình, cười rất tươi! Không vui sao được khi ảnh của nàng chụp chung với chàng được đánh giá là bức ảnh nghệ thuật ấn tượng nhất! Không vui sao được khi tối nay nàng không đi chơi riêng với gã sư phụ kia mà hiện diện nơi căn phòng bé nhỏ này! Cũng phải thôi, nàng là bông hoa thắm tươi trong đại hội , còn chàng là nhà thơ tài hoa. Tuổi tác có là gì khi hai tâm hồn đồng điệu! Dù sung sướng đến nghẹt thở, dù có luống cuống vì quá hạnh phúc, nhưng nhà thơ vẫn kịp nhớ việc tắt nguồn điện thoại kẻo lỡ ra mẹ tụi trẻ gọi đến...
Nói chuyện một lúc, nàng kêu mệt và xin về nghỉ trước. Nhà thơ vừa tiếc, vừa có ý trách cô nhà văn đi cùng lắm chuyện, cứ ngồi khoe khoang về tác phẩm của mình để nàng chán bỏ về.
Từ phòng nhà thơ ra, ả vừa đi vừa cười, một nụ cười ma quái.
Phòng 555. Mặc dù rất vui khi ả đến nhưng gã sư phụ vẫn giả bộ làm mặt giận: “Sao để người ta chờ lâu thế? Đáng phạt lắm nhé.” “ Phạt đi này!” Nói rồi ả vít cổ gã xuống, đặt lên môi gã nụ hôn nhớp nháp còn lưu hàng trăm loại mồ hôi đàn ông. Gã lập tức nằm trườn lên ả, hôn lại ả với những nụ hôn nhầy nhụa gớm ghiếc. Chuông điện thoại của ả reo: “Em đang ở đâu? Anh chờ lâu rồi này.” “ Ôi, em đang đến phòng anh đây mà, em nghĩ là đến mình cùng đi luôn? Thôi, anh chờ đó, em ra ngay đây!”. Sau khi làm xong nhiệm vụ chuyển giọng nói ngọt ngào và nũng nịu của chủ nhân, chiếc điện thoại bị vứt chỏng chơ và nằm bẹp dí. Hai kẻ lại lao vào nhau như điên dại. Hơi thở hổn hển. Mùi ngai ngái của đĩ điếm, mùi khét lẹt của dê già quyện lẫn mùi nước hoa Pháp trở thành một mùi hỗn hợp. Nó kích thích sự cuồng điên, sự rồ dại để tạo thành cái sức hút lạ lùng của giống đực và giống cái trong bản năng muôn đời mà tạo hóa đã sinh ra. “ Em phải bố trí để tách hai bà già trong phòng ra đấy, anh có biết họ giờ đang ở đâu không?” “Ở đâu?” “ Phòng của nhà thơ mê em tít thò lò lúc chiều ấy!” Gã sư phụ cười khục khục, ả cười hì hì. Ga trải giường rúm ró, nhàu nát, quằn quại. Lại điện thoại: “ Em đến đâu rồi, sao lâu thế?” “ Anh à, em bị lạc đường, giờ đang đi đến chỗ anh đây.” “ Tắt nguồn đi em” “ Vớ vẩn, anh định để hắn mò về đây à?” “ Ừ nhỉ, nếu không có lời hẹn của em thì hắn ta làm sao ra khỏi phòng anh. Nào, thưởng cho sự tính toán thông minh của em!” Chúng lại quấn lấy nhau, mê mải, hì hục. Dập dờn sóng nước...Đại bác, súng trường...Liên thanh, đứt đoạn...
Xong trận mây mưa, gã sư phụ nằm tã tượi. Ả mặc đồ, sửa sang đầu tóc, đeo cặp kính cận vào, ngắm vuốt trước gương. Một khuôn mặt thỏa mãn. Ả trở lại dáng vẻ học thức của một nhà văn trẻ. Ả sẽ được nhiều người ngưỡng mộ. Chắc chắn thế! Ả liếc đống thịt bèo nhèo chảy xệ đang nằm trên giường: “Hắn ta là người quen biết nhiều, giỏi giao tiếp, hắn sẽ là cái cầu cho ta dẫm lên để đi đến nơi cần đến trong nghiệp văn chương. Ta sẽ qua gã để khai thác lũ nhà văn, nhà thơ viết thì hay, nói thì giỏi nhưng lại ngờ nghệch giữa cuộc đời kia, bòn rút đến cùng những đồng tiền còm của bọn họ. Ta mơn mởn vì ta còn trẻ, ta thanh cao vì ta là nhà văn. Cớ gì những tâm hồn đa tình, lãng mạn kia không mắc bẫy? Còn hắn, một gã nông tri điền thực thụ, tự dưng về già nổi máu văn chương thơ phú, sẵn tiền in vài ba tập thơ ổi ương, tận dụng mấy chỗ thân quen, thế rồi cũng thành nhà thơ! Hắn khoe mỗi tháng kiếm hơn chục triệu từ trang trại nuôi dê, con cái đã ra ở riêng, vợ cho hắn tiêu pha thoải mái.Tạm được. Hắn mê gái, ta mê tiền. Cuộc trao đổi dưới hình thức yêu đương kể cũng khoái!” Chuông điện thoại lại reo. “Ôi, anh ơi, em gặp người quen, đang đứng nói chuyện. Thôi, đêm mai mình đi với nhau anh nhé.”. Ả cúi xuống, vén mớ tóc lòa xòa, bẹo vào bên má nhão nhoẹt của gã nhân tình mới: “ Ngủ ngon nghe cưng! Em về phòng đây!”.
Trùm chăn lại, ả cười thầm thích thú. Cuộc đời này mọi cái đều có giá của nó. Giá của sự cả tin dại dột của ả là để cho một thằng sở khanh cuỗm đi cái ngàn vàng và ba lần vào bệnh viện giải quyết hậu quả khi chưa đầy mười tám tuổi. Giá của tấm bằng tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du là hàng trăm đêm nhầy nhụa trong vòng tay của mấy lão già giảng viên. Giá của tấm thẻ Hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh là vô số cuộc làm tình với các biên tập viên, phóng viên, nhà báo...Nhưng công bằng mà nói, nhiều khi ả cũng thích đi hoang như là một nhu cầu của bản thân cần giải quyết, như một thói quen khó bỏ. May mắn mỉm cười với ả khi vào tuổi ba mươi, một lần lang thang trên mạng, ả gặp một gã chết vợ, năm hai tuổi, hai đứa con. Thế là ả có chồng!
* *
Trong buổi đại hội chính thức, chàng thi sĩ tài hoa luôn đánh mắt về phía nàng với ánh nhìn âu yếm và ngưỡng mộ. Điện thoại nàng sáng lên với dòng tin nhắn: Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím! Nàng nhìn nhà thơ, cười e lệ. Điện thoại lại sáng, tin nhắn từ nhà văn: Tối nay không được lạc đường để anh chờ nữa đâu đấy. Ả cười hiền lành, tỏ ra biết lỗi. Chỉ có đôi kính cận chứng kiến ánh nhìn lạnh lùng, tinh quái của ả. “Hãy đợi đấy, ta sẽ bán tình cho các ngươi từ từ. Nhưng để xem hầu bao của các ngươi đầy hay vơi đã. Còn nhiều cơ hội gặp nhau, vội gì.”
Chiều muộn, nhà văn tươm tất trong bộ cánh bà xã đã là ủi phẳng phiu đến mời nàng đi chơi. Đến phòng mới biết là nàng đã về trước, không chờ kết quả bỏ phiếu ngày mai. Thất vọng, nhà văn gọi cho nàng. “Em đi ô tô hay say anh ạ, vậy nên tiện có xe bạn, em về luôn. Hẹn anh khi khác nhé, mình còn nhiều dịp mà!” Nghe giọng trong veo, ngọt lịm của nàng, nhà văn lại thấy lòng mình lâng lâng và hi vọng. Còn chàng thi sĩ thì vui vô cùng khi biết nàng đã tiếp tục “bỏ rơi” gã sư phụ vốn rất thân thiết để về cùng xe với mình. Dù chưa là gì cả, nhưng thi sĩ thấy lòng dạt dào những cảm xúc khó tả. Ta sẽ làm những vần thơ thật lãng mạn, thật bay bổng, thật đằm thắm để tặng nàng. Nàng sẽ là nguồn thơ vô tận của ta! “ Em thân yêu! Em là ánh sáng, là sao đêm/ Khi xa em, anh đau buồn, anh tưởng nhớ/ Ôi sung sướng nhường nào khi anh ở bên em!” *
* *
Nhận được điện thoại của người vợ trẻ, ông chồng già lụi cụi chuẩn bị một nồi nước tắm: nào sả, nào hương nhu, nào hoa bưởi và các loại lá thơm...Lấy một cái chậu đã đánh sạch bóng, ông bẻ thêm vài quả bồ kết bỏ vào rồi múc ít nước tắm để ngâm. Những mảnh bồ kết phập phồng nở ra, nước chuyển sang màu cánh gián, tỏa mùi hương nhẹ nhàng quyến rũ! Một chậu để nàng pha tắm, một chậu cho nàng gội đầu. “Tắm loại nước lá này, gội đầu bằng nước thơm ngâm bồ kết này, mọi sự mỏi mệt sẽ tan biến. Vợ ta lại mềm mại, thơm tho, lại ấm áp, nồng nàn, lại đam mê cuồng nhiệt trong vòng tay ta đêm nay. Hay ho gì cái loại sữa tắm và dầu gội đầu quảng cáo loạn xạ trên ti ti? Chỉ tổ tốn tiền!” Vừa làm, ông vừa nghĩ ngợi và mỉm cười một mình, thỉnh thoảng lại ngóng ra cửa mỗi khi có xe khách chạy qua.
Lên giường nằm, ả thì thầm âu yếm vào tai chồng : “ Ngày mai đại hội mới có kết quả bỏ phiếu anh ạ, nhưng vợ chồng mới cưới, xa anh một đêm nhớ không ngủ được, em xin về trước đấy” Ông chồng ngoài năm mươi xúc động hôn môi người vợ trẻ: “ Anh có được em là do kiếp trước đã tu tốt đó, phải không vợ yêu?” Ả dụi đầu vào ngực chồng: “ Đúng thế, nhưng giờ em mệt rồi, mình ngủ thôi anh” Lát sau, tiếng thở của ả đã đều đều. Trong ánh đèn ngủ mờ ảo, gương mặt ả mới thánh thiện làm sao!
20/7/2013
* Thơ của Ai-ma-top