23-06-2012
1 tháng 7 năm nay là ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong ngày kỷ niệm này, món quà hấp dẫn nhất mà người dân đại lục tặng cho Đảng cộng sản Trung Quốc là những cuộc biểu tình chống đối liên tục không ngừng và những hoạt động bảo vệ nhân quyền ào ào như vũ bão. Đối với Đảng cộng sản Trung Quốc thì năm 2012 thực sự đáng gọi là một năm đầy xáo động và khiến cho người ta phải bấn loạn. Qua các sự kiện Bạc-Vương, sự kiện Trần Quang Thành, sự kiện “bị bức tự sát” hoặc “bị mưu sát” của Lý Vượng Dương và những người khác cùng một loạt những sự kiện làm tổn thương nghiêm trọng đến quyền con người…, tính hợp pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc và chính phủ cùng những hành vi điều hành của mình đã phải chịu sự nghi ngờ chưa từng thấy, hình ảnh cầm quyền của Đảng bị sa sút thê thảm. “Nhân dân làm chủ” liền trở thành một sự nhạo báng cho hiện thực chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Giữ ổn định bằng thối nát và bạo lực làm mất sạch lòng người
Vào 2 tháng trước năm nay, phó thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân đã xông vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, khiến cho cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai rớt đài và bị giam giữ thẩm vấn. “Sự kiện Bạc-Vương” đã phơi bày những hành vi bỉ ổi tham lam cực độ và phạm pháp nghiêm trọng của các quan chức cấp cao Đảng cộng sản Trung Quốc, đã gây chấn động trong ngoài nước và dẫn đến sự nghi ngờ căn bản của dân chúng đại lục đối với Đảng cộng sản Trung Quốc cùng thể chế. Sự kiện Bạc-Vương là một hình ảnh thu nhỏ, là một góc tảng băng nền chính trị mờ ám của Đảng cộng sản Trung Quốc, nó phản ánh sự bất hợp lý và không công bằng của thể chế chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc cùng những hành vi điều hành của mình. Sự kiện Bạc-Vương là sản phẩm của nền “chính trị quyền quý mới” trong Đảng cộng sản Trung Quốc. Các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc với tư cách là những bậc quyền quý mới, ỷ vào quyền lực mình nắm trong tay, đã chà đạp lên cả luật pháp để tước đoạt và biển thủ của cải của nhân dân cùng tài nguyên của quốc gia một cách không thương tiếc, trở thành những bậc “thái thượng hoàng” hống hách cưỡi trên đầu trên cổ người dân. Với những bậc quyền quý mới này, thối nát và lạm dụng chức quyền đã không còn trở thành một vấn đề nữa rồi, mà từ lâu đã là chuyện “hợp lý hợp pháp”. Cách đây không lâu, “Hoàn cầu thời báo”, tờ báo chính thống của Đảng cộng sản Trung Quốc đã cho đăng bài “Nên cho phép Trung Quốc thối nát vừa độ, mọi người cần phải hiểu”, ngang nhiên “tìm vị trí hợp pháp cho sự thối nát của Đảng cộng sản Trung Quốc”. Có thể thấy, các bậc quyền quý mới của Trung Quốc đã thối nát sa đọa tới mức nào. Họ còn phục vụ nhân dân gì nữa đây?
Tháng 4 năm nay, vị luật sư nhân quyền mù Trần Quang Thành ở Sơn Đông đã chạy trốn thành công sau mười mấy tháng bị giam cầm phi pháp ở nhà mình để tị nạn vào lãnh sự quán Mỹ ở Bắc Kinh. Sự kiện Trần Quang Thành chạy trốn đã bộc lộ hành động tàn bạo “giữ ổn định” phi pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã phơi bày hết bộ mặt phản nhân quyền phản pháp lý của chính quyền Bắc Kinh ra trước thế giới. Sự kiện Trần Quang Thành khiến cho chính quyền Bắc Kinh bị mất mặt với quốc tế, dẫn đến sự bất bình mạnh mẽ của người dân ở trong và ngoài nước, đồng thời làm dấy lên làn sóng chống đối của các nhà hoạt động nhân quyền. Ngày 5.6, nhà hoạt động dân chủ “4.6” Lý Vượng Dương ở Hồ Nam đã có cái chết đầy bí ẩn ở bệnh viện Thiệu Dương, mà người nhà và bạn hữu cho là “bị bức tự sát”. Sau phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989, Lý Vượng Dương đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc giam cầm tới 22 năm. Sự kiện Lý Vượng Dương lại là một bức chân dung nữa về hành vi tàn bạo “giữ ổn định” phi pháp.
Sau khi Lý Vượng Dương “bị bức tự sát”, ở đại lục gần đây lại xuất hiện sự kiện hàng loạt các nhà hoạt động nhân quyền bị mưu sát và mất tung tích, chẳng hạn: Ngày 16.6, khi ứng cử viên độc lập Quản Quế Lâm ở Hồ Nam đang lái xe, đột nhiên bị một người tấn công bằng hòn đá nặng 4 kg, kính chắn gió của xe bị vỡ vụn và lái phụ bị thương. Quản Quế Lâm cho đây là Đảng cộng sản Trung Quốc cố ý mưu hại. Ngày 12.6, nhà hoạt động nhân quyền dân oan Mao Khởi Bình ở Phúc Châu đã bị 7 người không rõ nhân thân đánh cho ngã ngất, rồi còn bị tiêm thuốc không rõ tên. Tối đó, Mao Khởi Bình đã bị chết do bệnh viện không cấp cứu nổi. Cách đây không lâu, dân oan Vu Nhũ Pháp 76 tuổi người huyện Hiến, thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc đến đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh kêu oan đã bị bắt, sau đó được giao cho chính quyền Thương Châu, Hà Bắc áp giải về nguyên quán. Ngày 17.6, thi thể Vu Nhũ Pháp bị một kẻ không rõ nhân thân quẳng trước cổng làng Đại Quách của ông lão. Người nhà và dân địa phương cho đây là sự sát hại có chủ ý. Ngày 1.6, vợ chồng Tần Vĩnh Mẫn mất tung tích, đến nay chưa rõ sống chết ra sao. Sau đó cảnh sát nói vợ chồng ấy đang trong tay họ. Năm ngoái, khi Lý Vượng Dương ra tù, Tần Vĩnh Mẫn từng hết sức quan tâm đến cuộc sống của anh. Ngày 21.6, nhà hoạt động nhân quyền của Trung Quốc đại lục là Hồ Giai cho biết, vào ngày 20 khi anh vừa ra cửa thì bị 3 nhân viên an ninh đánh bị thương, đồng thời cấm được rời khỏi chỗ ở. Hồ Giai từng phải chịu án hơn 3 năm vì tội “lật đổ chính quyền”.
Đảng cộng sản Trung Quốc dùng bạo lực và mưu sát để “giữ ổn định” cho thấy chính quyền của Đảng đã bị rơi vào trạng thái bất ổn đến thế nào, cho thấy nỗi sợ hãi người dân của các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã tới mức độ nào, cho thấy tâm trạng của các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc đã yếu ớt và tuyệt vọng đến thế nào.
Bạo lực và khủng bố trắng không thể cứu vãn nổi Đảng cộng sản Trung Quốc, không thể uy hiếp nổi người dân đã giác ngộ, không thể ngăn cản nổi dòng nước lũ của phong trào nhân quyền, mà trái lại sẽ chỉ làm dấy lên làn sóng phản kháng và phẫn nộ lớn hơn, sẽ chỉ kết thúc chế độ độc tài của Trung Quốc nhanh hơn. Nói theo câu nói của nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông trước đây, “ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh”. Một chính quyền coi dân như kẻ thù thì chỉ có thất bại thảm hại.
Phong trào nhân quyền của Trung Quốc đang ào ào như vũ bão
Đối mặt với sự giữ ổn định bằng đàn áp mạnh của Đảng cộng sản Trung Quốc, các dân oan, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến ở đại lục đã không những không thoái lui, mà trái lại còn tăng cường đấu tranh phản kháng và các hoạt động nhân quyền hơn. Các nhà hoạt động nhân quyền như Trần Quang Thành và Lý Vượng Dương… chính là những ví dụ rõ nét. Dũng khí và tinh thần ngoan cường của họ đã khích lệ các nhà hoạt động nhân quyền khác dũng cảm theo đuổi tự do và bảo vệ công lý.
Sau sự kiện Lý Vượng Dương “bị bức tự sát”, 25 000 người dân Hongkong đã phá hủy các văn phòng liên lạc, giận dữ lên án sự tàn ác của Đảng cộng sản Trung Quốc, hơn 30 tổ chức phát động cuộc vận động lấy chữ ký toàn cầu, thúc đẩy điều tra nguyên nhân cái chết của Lý Vượng Dương. Sự phẫn nộ của người dân Hongkong đã buộc các đại diện của Đảng cộng sản Trung Quốc ở Hongkong (bao gồm Tằng Âm Quyền và Lương Chấn Anh hiện và được chỉ định là trưởng đặc khu hành chính Hongkong) phải lần lượt tỏ thái độ dịu hơn về sự kiện Lý Vượng Dương. Tổ chức Mặt trận nhân quyền dân sự Hongkong còn kêu gọi người dân Hongkong xuống đường biểu tình vào 1.7, hối thúc Bắc Kinh phải điều tra triệt để về nguyên nhân cái chết của Lý Vượng Dương.
Nhằm vào sự kiện Lý Vượng Dương “bị bức tự sát”, các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền ở các nơi trên đất Trung Quốc cũng đã lần lượt tung lên mạng lời tuyên bố “Không đời nào tôi tự sát”, để ngăn chặn Đảng cộng sản Trung Quốc tiếp tục mưu hại các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền khác theo cách thức giống như với Lý Vượng Dương. Đầu tiên là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Hồ Giai tung lên Twitter lời tuyên bố “Không đời nào tôi tự sát”, sau đó nhà kinh tế học Hạ Diệp Lương cũng tung lên trang weibo.com lời tuyên bố tương tự. Tiếp đến, ngày 15.6, nhà hoạt động nhân quyền Thượng Hải là Kim Nguyệt Hoa cũng viết lời tuyên bố “Không đời nào tôi tự sát”. Ngòai ra, cư dân Cát Chí Tuệ, nhà hoạt động nhân quyền Quách Vĩnh Phong ở khu Phong Đài Bắc Kinh và nhà hoạt động nhân quyền Lưu Chính Hữu cùng những người khác ở Tự Cống Tứ Xuyên cũng lần lượt ra lời tuyên bố “Không đời nào tôi tự sát”. Tiếp theo đó, làn sóng lời tuyên bố “Không đời nào tôi tự sát” đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới.
Ngoài sự đấu tranh phản đối của các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền ra, hoạt động phản đối bảo vệ nhân quyền của dân chúng ở các nơi trên đại lục cũng liên tục không ngừng và ào ào như vũ bão. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, hàng vạn dân chúng ở các khu Vạn Thịnh và Song Kiều thuộc Trùng Khánh cũng liên tục ra chặn đường, phản đối chính quyền Trùng Khánh cưỡng bức sát nhập, khiến cho mức sống của cư dân bị sụt giảm nhanh chóng. Ngày 18.6, 3000 công nhân ở Công ty Citizen Precision Co, Ltd của Nhật Bản ở Quảng Châu đã bãi công đòi tăng lương. Ngày 18 và ngày 19.6,, hàng trăm công nhân của hai nhà máy bông quốc gia ở Thanh Đảo đã ra chặn đường để phản đối công ty mua lại giá rẻ sa thải công nhân. Ngày 19.6, ở khu Việt Tú Quảng Châu có hơn 1000 người da đen ra chặn đường phản đối cảnh sát bắn chết 1 người da đen, cảnh sát huy động hàng trăm cảnh sát chống bạo động đến trấn áp. Ngày 20.6, trước cổng trụ sở chính phủ Thượng Hải của Đảng cộng sản Trung Quốc, hơn 2000 người dân bị bức hại như “bị chính quyền cướp đất đai, cưỡng chế nhà cửa, đánh đập dã man, giam giữ, lao động cải tạo, giam trong ngục tối, đưa vào bệnh viện tâm thần, công nhân bị sa thải…” đã tổ chức phản đối. Dân chúng phản đối bày tỏ, họ “đã đi kêu lên trên từ lâu rồi mà chẳng ai thèm nghe”, “thất vọng tột độ với chính quyền”, đồng thời “dọa sẽ đi đến cùng với bọn quan chức tham nhũng trong tập đoàn thối nát cầm quyền”. Ngoài ra, tuần nào cũng có hàng trăm người dân bị xâm hại quyền lợi kéo lên kêu ở Cục văn thư của chính quyền Thượng Hải. Ngày 23.6, gần 2000 bà con nông dân ở thôn Vọng Cảng, đường Gia Hòa, khu Bạch Vân, Quảng Châu đã xuống đường biểu tình, phản đối những hành vi phạm pháp của các cán bộ thôn như lạm dụng chức quyền, bán và cho thuê đất nông nghiệp giá rẻ, biển thủ khoản tiền rất lớn của tập thể thôn, thao túng bầu cử…” (VOA).
Những hoạt động chống đối bảo vệ nhân quyền như thế ngày nào cũng xảy ra ở khắp nơi trên đất Trung Quốc. Sự bất bình của người dân đại lục đối với chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc đã chuyển dần từ “kêu oan” thụ động thành xuống đường biểu tình phản đối chủ động. Sự xung đột giữa những người dân bị xâm hại quyền lợi với chính phủ đã trở nên ngày càng trực tiếp, gay gắt, thường xuyên và công khai hơn.
Tự đổi mới hay là đợi cách mạng?
Năm 2012 là một năm nhiều sự biến và như tuổi già lay lắt của Đảng cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là một năm phong trào nhân quyền và bất đồng chính kiến phát triển mạnh mẽ. Trong năm này, sự tệ hại của chế độ độc tài Đảng cộng sản Trung Quốc được bộc lộ cạn kiệt, chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc bị rơi vào trạng thái bất ổn chưa từng thấy, mọi mâu thuẫn của xã hội Trung Quốc gay gắt và nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Năm 2012 nhắc nhở Đảng cộng sản Trung Quốc rằng sự chuyên chế một đảng thực sự là khó lòng tái diễn, “giữ ổn định bằng bạo lực” không thể giữ nổi giang san màu đỏ của Đảng cộng sản Trung Quốc, “thể chế quyền quý mới” sẽ chôn vùi chính Đảng cộng sản Trung Quốc, đàn áp ngôn luận và giết chết tự do chỉ sẽ làm dấy lên làn sóng phản đối của công dân sôi sục hơn.
Năm 2012 cảnh báo Đảng cộng sản Trung Quốc rằng, chỉ có “tự đổi mới” thì mới có đường ra, chỉ có thay đổi căn bản thể chế chính trị hiện tồn và thực hành nền dân chủ lập hiến thì mới có thể tự cứu vãn được mình, chỉ có trả lại chính quyền về cho nhân dân, bảo đảm mọi quyền lợi công dân và thiết lập công bằng xã hội thì mới là chính đạo, còn nếu không thì chỉ có cách đợi người dân phất cờ nổi dậy, dùng phương thức cách mạng xã hội để lật đổ chế độ hiện tồn của Đảng, thiết lập nên trật tự dân chủ và bảo đảm công bằng xã hội.
Lòng người không thể bị làm nhục, khát vọng và nhu cầu của người dân muốn quyền lợi muốn tự do muốn sinh tồn là không thể dập tắt. Đảng cộng sản Trung Quốc mà không thay đổi, thì người dân sẽ buộc Đảng phải thay đổi. Hỡi Đảng cộng sản Trung Quốc, giờ đã đến lúc ngươi phải thay đàn đổi dây.
Nguồn: Boxun