Trang chủ » Tài liệu tham khảo

MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ 3

Kinh Phu Tử (Đài Loan)
Thứ bẩy ngày 10 tháng 10 năm 2015 7:40 PM



 11. Nguyên soái Bành Đức Hoài đắc tội với Mao


Mùa Thu năm 1950, Đảng Cộng sản vừa nắm chính quyền chưa bao lâu thì bùng nổ chiến tranh Triều Tiên.

Mao Trạch Đông tiếp nhận thánh chỉ của Đại nguyên soái Staline, quyết định cử “Chí nguyên quân nhân dân Trung Quốc” ra nước ngoài chiến đấu, tranh hùng với quân đội Mĩ trang bị đến tận răng. Sẽ cử ai làm thống soái kháng Mĩ viện Triều? Thoạt đầu Mao định cử Đại tướng Tân tứ quân Lâm Bưu thân yêu ra trận. Lâm Bưu biết cuộc chiến quốc tế này lành ít dữ nhiều, đế quốc Mĩ chiếm ưu thế về hải quân và không quân, khó mà thắng nổi, liền cáo ốm ở nhà. Người thứ hai là Lưu Bá Thừa, người thứ ba là Trần Nghị. Hai vị này trấn ải Đông Nam, chuẩn bị vượt biển, đổ bộ lên Đài Loan. Hạ Long thì sao? Ở phía Tây Nam phỉ nhiều như cỏ, cũng đang chuẩn bị tiến quân vào Tây Tạng. Hơn nữa, Mao vẫn cảnh giác với Hạ Long và Trần Nghị. Hồi xưa ở núi Tĩnh Cương, Trần Nghị được sự giúp đỡ của Vương Minh, lộ mặt âm mưu chiến đoạt binh quyền. Hạ Long là thân tín của Chu Ân Lai, tính cách thổ phỉ vẫn còn đó. Mao tỏ ra sáng suốt hơn Lâm Bưu, ông ta nhận ra có Liên Xô quân lực, vật lực hùng hậu đứng đằng sau, chỉ cần Mĩ không ném bom nguyên tử thì có thể thắng trận này. Bởi ưu thế địa lí thuộc về ta. Trung Quốc và Triều Tiên chỉ cách nhau một con sông Áp Lục, Mĩ cách Triều Tiên một Thái Bình dương. La Vinh Hằng và Nhiếp Vinh Trăn thì sao? Xưa nay họ chỉ quanh quẩn trong Bộ Tham mưu, chưa bao giờ cầm quân tác chiến. Cuối cùng Mao chọn Bành Đức Hoài, Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, đồng hương Tương Đàm với Mao. Bành Đức Hoài một lòng trung thành, công cao vọng trọng, dũng mãnh phi thường, có thể chỉ huy ba quân, uy hiếp kẻ địch.

Bành Đức Hoài xuất thân nghèo khổ, năm 1928 lãnh đạo đội quân nông dân Bình Giang, Lưu Dương kéo lên núi Tĩnh Cương, được phong chức Phó Tổng tư lệnh Hồng quân công nông Trung Quốc. Bành tính tình cương trực, chỉ biết dẫn quân đi đánh trận, không tranh quyền mưu lợi, là vị đệ nhất công thần, trung thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong nghiệp binh đao, mấy lần Mao suýt chết đều được vị Phó này cứu. Dân gian đại lục lưu truyền câu chuyện “bốn lần Bành cứu Mao”. Mao đã từng có thơ: Đường xa núi cao vực sâu thẳm/ Quân địch tung hoành trời đất/ Ai dám vung gươm trên lưng ngựa/ Chỉ có Bành đại tướng quân.

Nhưng suốt cuộc chiến Kháng Mĩ viện Triều, Bành Đức Hoài vào sinh ra tử, chỉ biết báo hiếu, không biết tự vệ, nhưng có ba sự việc làm phiền lòng “lãnh tụ vĩ đại”, theo đó ông bị phê đấu trong Hội nghị Lư Sơn năm 1959, bị tước hết mũ áo.

Thứ nhất, chuyện Mao Ngạn Anh, con trai của Mao. Mùa đông năm 1950, Mao Ngạn Anh theo Bành đi chiến đấu ở Triều Tiên, được phong chức Chính ủy sư đoàn, chết trong một trận oanh kích của máy bay Mĩ, nghe nói Bành không kịp thời báo cáo cho Mao biết. Mao dồn tất cả nối đau mất con và tức giận lên Bành.

Nhiều năm sau, ngày 23 tháng 7 năm 1959, trong Hội nghị Lư Sơn, Mao phê phán gay gắt Bành Đức Hoài tội phản đối “Ba ngọn cờ hồng đại nhảy vọt”. Mao lỡ lời”… Kẻ nặn tượng tùy táng sẽ không có hậu… Tôi không có hậu… có một đứa con thì chết rồi, còn một đứa bị điên…”

Thứ hai, Bành Đức Hoài xông vào cung cấm. Năm 1951, trong chiến tranh Triều Tiên, quân Mĩ đổ bộ lên Nhân Xuyên, cắt đứt đường rút lui của Chí nguyện quân Trung Quốc. Tình hinh hết sức nóng bỏng. Bành trở về Bắc Kinh để lấy thêm quân, nhưng mọi việc phải do Mao quyết định. Còn Mao thì sao? Mao đêm làm việc, vui chơi, ngày ngủ, không ai được quấy rầy nếp sống đó của ông ta. Một hôm, vào buổi sáng, Bành đến Phong Trạch viên, nơi ở của Mao trong Trung Nam Hải, bị vệ sĩ của Mao ngăn lại, không cho vào. Bành rất sốt ruột, nhưng vẫn phải ngồi chờ ở phòng khách hơn một tiếng đồng hồ, không biết “Chủ tịch” lúc nào mới ngủ dậy. Bành không thể chờ lâu hơn, ông liền gạt vệ sĩ sang một bên, xông thẳng vào phòng ngủ của Mao. Bành trố mắt sững sờ trông thấy Mao đang ôm một nữ y tá ngủ. Bành đành quay người đi để Mao và cô y tá kia mặc quần áo. Bành không chịu rời, vì rời đi Mao sẽ không tiếp. Trời đất ơi, binh lính và cán bộ ba quân đoàn bị vây hãm trên chiến trường Triều Tiên, quân Mĩ sắp vượt sông Áp Lục rồi! Còn Mao thì giữa ban ngày ban mặt vẫn ôm gái ngủ, làm chuyện thối nát quá chừng!

Thứ ba, Bành Đức Hoài ra lệnh giải tán “Đoàn ca múa Trung Nam Hải”. Năm 1953, chiến tranh Triều Tiên kết thúc, sau đàm phán đình chiến, Chí nguyên quân về nước. Trong đó, một số các cô gái xinh đẹp trong Đoàn ca múa Chí nguyên quân về đến Bắc Kinh được biên chế về Cục Phục vụ trung ương, đổi tên thành “Đoàn ca múa Trung Nam Hải”. Nói chung các cô gái đều xinh đẹp, ngây thơ, tối nào cũng cùng Mao và các quan chức trung ương khiêu vũ. Có lúc, chỉ một bản nhạc Mao ba lần đổi bạn nhảy. Thật ra, các vị Lưu Thiếu Kì, Chu Đức, Chu Ân Lai gia đình không có chuyện gì. Lưu Thiếu Kì, Chu Đức con cháu bên cạnh, hưởng niềm vui trời ban. Chu Ân Lai tuy không có con, kết mối vợ chồng với Đặng Dĩnh Siêu, ân ái không rời. Chỉ có Mao và Giang Thanh mỗi người sống một nơi (Năm 1949 về Trung Nam Hải, Mao và Giang Thanh ở riêng, Mao ở Phong Trạch viên, còn Giang Thanh ở Tĩnh viên, cách nhau chừng một trăm mét), máu gái của Mao vẫn như xưa. Các cô gái trong Đoàn ca múa thay nhau đến “vui chơi” cùng Mao. Có cô không chịu nổi nhục nhã, lén đến nhà riêng của Bành Đức Hoài, “thủ trưởng” cũ, để khóc lóc than thở. Bành Đức Hoài biết chuyện, nổi cáu, chạy đi gặp Mao:

- Chủ tịch, đây là những cô gái ở chiến trường Triều Tiên về, đều là cán bộ của tôi, ông định giữ các cô ấy ở lại hậu cung à? Đảng Cộng sản cũng như thế hay sao?

Sau đó, Bành Đức Hoài với danh nghĩa là Bộ trưởng Quốc phòng, ra lệnh giải tán “Đoàn ca múa Trung Nam Hải”, giao công tác khác cho các cô gái.

*

12. Mao và con dâu

*

Mao nói: “Kẻ nặn tượng tùy táng sẽ không có hậu… Tôi không có hậu, một đứa con bị chết, một đứa khác bị điên…” Mao dẫn câu nói của Không Tử để nói người làm chuyện xấu sẽ không có hậu.

Thật ra, Mao không đoạn tử, càng không tuyệt tôn. Nguyền rủa và mê tín vốn không ứng nghiệm. Mao cùng với bà Dương Khai Tuệ có với nhau ba người con trai: Ngạn Anh, Ngạn Thanh, Ngạn Long. Lúc mẹ bị tử hình, Ngạn Anh và Ngạn Thanh lưu lạc nơi đầu đường cuối phố Thượng Hải. Nghe nói, Ngạn Thanh bị một người dùng cây sắt đánh vào đầu, từ đấy bị chứng ngớ ngẩn suốt đời. Về sau, hai anh em được tổ chức bí mật của Đảng đưa đi Diên An, lại được đưa sang Liên Xô đi học. Ngạn Long được gửi cho người quen nuôi, về sau mất liên lạc. Trong Cách mạng văn hóa, người ta dồn rằng Phó Chủ tịch Đảng Vương Hồng Văn chính là Mao Ngạn Long, chính tông con nhà nòi. Mao có với Hạ Tử Trân sáu mặt con, hầu hết bi thất lạc trên đường Trường Chinh, chỉ còn một cô con gái tên là Lí Mẫn. Mao cùng với Giang Thanh có một cô con gái, gọi là Lí Nạp. Mao Ngạn Thanh đứa con ngớ ngẩn của Mao cũng có con, tên là Mao Tân Vũ, người béo tốt, nghe nói cân nặng hơn một trăm ki lô. Những đứa con Mao sinh với những là Trương Tiểu Phượng, Lí Ngọc Phượng, Vương Ngọc Phượng, vân vân, hoặc gọi là “bé Mặt Trời Đỏ”, vì là những đứa con ngoài hôn nhân, những nhà lãnh đạo Đảng không tiện thừa nhận, chúng tôi cũng không kể ra đây làm gì.

Mao nói mình tuyệt hậu là quá bi quan, mà cũng không phù hợp thực tế. Hai cô con gái không gọi là đời sau hay sao? Như vậy là không tôn trọng phụ nữ. Điều đáng nói ra là, trong những người con, Mao đắc ý nhất, coi trọng nhất chính là Mao Ngạn Anh. Ngạn Anh rất giống Mao thời trẻ. Anh này ham học, lễ phép, kính trọng mọi người. Năm 1943 tốt nghiệp Đại học Maxkva. Ở vùng Diên An một thời đồn rằng, Mao đưa anh này về lao động rèn luyện trong một gia đình lao động gương mẫu, đi học “đại học nông nghiệp”. Thật ra, anh ta công tác ở Cục cơ yếu của Trung ương Đảng.

Mao có ý định đào tạo Mao Ngạn Anh thành một nhân tài, để anh được tôi rèn trong bão táp, thấy được nhân tình thế thái, đồng thời xây dựng mối quan hệ vững chắc với quân đội. “Chính quyền ra đời từ nòng súng”, ai muốn ngồi lên giang sơn người đó phải nắm chắc quân đội. Ngày 25 tháng 10 năm 1950, đơn vị Chí nguyện quân đầu tiên sang Triều Tiên tham chiến, Mao Ngạn Anh được phong chức Chính ủy sư đoàn, một sĩ quan cấp cao, mới hai mươi chín tuổi. Một cán bộ trẻ trong Cục Cơ yếu của Trung ương Đảng, bỏ qua các chức vụ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trương, trung đoàn trưởng, một bước nhảy lên cấp sư đoàn, nếu không phải là thái tử, liệu ai có thể ngồi máy bay lên thẳng như vậy?

Hoặc, Bành Đức Hoài, Tư lệnh Chí nguyên quân rất mực trung thành, chỉ biết công tác, ông không giữ Ngạn Anh tại Bộ tư lệnh, mà trực tiếp cử anh ta ra hỏa tuyến, phụ lại sự gửi gấm, nhờ cậy của Mao. Nhưng bán đảo Triều Tiên lửa đạn ngập trời. Ngạn Anh sang Triều Tiên chiến đấu, lúc bấy giờ rất ít cán bộ cao cấp của Đảng biết chuyện. Dù sao cũng là một nghĩa cử của Mao.

Trước ngày sang Triều Tiên, Mao cưới vợ cho con. Cô con dâu họ Lưu, mới mười bảy tuổi, một học sinh trung học, chưa đủ tuổi kết hôn theo luật định của Trung Quốc lúc bấy giờ.

Cha mẹ cô dâu họ Lưu đều là cán bộ của Đảng. Thời kì còn ở Diên An, Mao nhận cô bé Lưu này làm “con nuôi”, thường bế bé Lưu ngồi lên lòng, chuyện trò đùa vui. Hồi nhỏ bé Lưu vẫn gọi Mao là “bố”, rất dịu dàng, lễ phép.

Mao Ngạn Anh cưới vợ sau mấy hôm là lên đường. Theo hồi kí của cô Lưu kể lại, Ngạn Anh ra đi lúc nửa đêm, lúc ấy cô đã ngủ. Ngạn Anh không nói là mình đi Triều Tiên chiến đấu, mà thì thầm bên tại người vợ trẻ sẽ đi xa, có thể về sớm, cũng có thể rất lâu mới về. Anh ta hứa sẽ thường xuyên gửi thư về, để cô không sốt ruột. Sang đến Triều Tiên, Ngạn Anh lập tức gửi thư về cho vợ. trong thư không nói gì đến chuyện đánh trận, chỉ nói rất nhớ, rất nhớ, động viên vợ chăm chỉ học hành để thi đỗ đại học. Thư đều do “bố Mao” đưa, không có phong bì, cũng không có địa chỉ. Thư gửi cho chồng cũng đưa cho “bố Mao” chuyển. Mấy tháng sau, cô vợ trẻ không nhận được thư chồng. Cô đâm nghi ngờ, hỏi “bố”. “Bố Mao” bảo cứ yên tâm học hành, Ngạn Anh rất mạnh khỏe, đang nhận một nhiệm vụ quan trọng, phải đến một nơi rất xa.

Trước mặt cô con dâu ngây thơ, tình cảm lãng mạn, Mao tỏ ra bình thường. Lúc ấy trong lòng Mao đang phải chịu đựng nối đau khổ lớn: Ngạn Anh sang Triều Tiên ít lâu, trong một trận chiến đấu, chết vì bom từ máy bay Mĩ ném xuống. Bành Đức Hoài, Tư lệnh Chí nguyện quân, phải mấy tháng sau, sau khi chiến dịch kết thúc, mới báo tin hung về cho Mao biết. Những người bạn cùng chiến đấu với Ngạn Anh chỉ biết đó là một chính ủy sư đoàn, không biết đấy là con trai của Mao.

Nàng dâu thỉnh thoảng lại đến hỏi “bố” thư của chồng, Mao cứ nói dối quanh hết lần này đến lần khác. Nhưng việc Ngạn Anh hi sinh vì nước thể nào cũng phải nói với con dâu. Cuối năm 1952, cuộc chiến ở Triều Tiên dần dần ổn định, quân đội hai bên đánh nhau trong chiến hào ở vĩ tuyến 38. Một hôm, Mao cho người mời con dâu đang học trung học đến nhà. Cô Lưu vừa bước vào phòng làm việc của Mao đã cảm thấy một bầu không khí khác thường, nhưng thấy Lưu Thiếu Kì và vợ là Vương Quang Mĩ, Chu Đức và vợ là Khang Khắc Thanh, Chu Ân Lai và vợ là Đặng Dĩnh Siêu, Lí Phú Xuân và vợ là Thái Xướng, còn có cả hai vị lão thành là Đổng Tất Võ và Từ Đặc Lập… tất cả đều là lãnh đạo cao cấp của Đảng. “Bố” và “mẹ” chồng ngồi giữa, mặt buồn rười rượi. Thủ tướng Chu Ân Lai thông báo, đồng chí Mao Ngạn Anh đã dâng hiến sinh mệnh cho sự nghiệp quốc tế vĩ đại!

Cô Lưu không tin. Cô gục đầu vào lòng “bố” đòi chồng, đòi Ngạn Anh.

Các đồng chí lão thành đến giúp đỡ, an ủi, mọi người đều có thể thấy nỗi đau và sức ép lớn lao trong lòng Mao.

Nhiều tháng sau, Mao thường xuyên mời con dâu đến Phong Trạch viên ăn cơm, tâm sự, cùng nhau hoài niệm Ngạn Anh. Mỗi lần nói đến nỗi đau hai người lại ôm nhau, cùng khóc. Giang Thanh trông thấy rất ngứa mắt, bực tức. Giang Thanh không đau buồn. Ngạn Anh không phải là con bà ta. Bình thường bà ta sợ nhất là người con trai trưởng này của Mao. Mao cũng như nhiều gia đình khác, rất nghe lời con trai trưởng. Bây giờ, cô con dâu này còn trẻ đẹp, từ nhỏ vẫn được Mao ôm vào lòng, vuốt ve, bà ta đâm nghi ngờ, phải đê phòng. Thông qua trưởng ban bảo vệ, thu hồi thẻ đặc biệt ra vào Trung Nam Hải của cô Lưu.

Nhưng Mao thường xuyên nhớ con dâu. Một hôm, Mao chợt nhớ ra, lâu lắm rồi không gặp, ông ta cho xe đi đón con dâu đến. Hỏi ra mới biết thẻ ra vào Trung Nam Hải đã bị bảo vệ thu hồi. Mao biết chuyện này là do Giang Thanh. Nhưng Mao quá chán nản phải cãi nhau với Giang Thanh những chuyện nhỏ nhặt như thế. Dù Giang Thanh ở ngay bên Tĩnh viên, nhưng hàng ngày chỉ đến bữa cơm tối mới thấy ló mặt. Mao liền chỉ thị cấp thẻ ra vào cho con dâu, dặn từ nay về sau đừng gặp mặt Giang Thanh nữa, cứ đến thẳng đây.

Xưa nay, chuyện trai gái càng có người theo dõi, giám sát, càng có tâm lí chống lại, một sự kích thích sâu kín, mong muốn của hai bên càng mạnh mẽ hơn.

Tháng 9 năm 1953, một hôm, đang là những ngày thu trong sáng, Mao lại gặp cô con dâu trẻ trong phòng làm việc riêng của mình. Cô con dâu trở thành người để Mao thổ lộ nỗi khổ trong lòng, bất ngờ nói đến sự bất hòa trong gia đình. Mao so sánh với các gia đình Lưu Thiếu Kì, Chu Đức, Chu Ân Lai, gia đình nào cũng êm ấm, hạnh phúc. Mao cho rằng mình bất hạnh, là một con người cô đơn. Nàng dâu biết “mẹ chồng” là người đàn bà ghê gớm, rất chia sẻ với “bố”. Họ lại nói đến người cùng nhớ thương, bất ngờ ôm lấy nhau, rơi lệ. Có thể nàng dâu có cảm giác sai, người ôm mình không phải ai khác mà chính là chồng mình. Cô muốn có người đàn ông chia sẽ dục vọng, tâm nguyên với mình. Tất nhiên, “lãnh tụ vĩ đại” cũng hoàn thành suy nghĩ nhân tính, từ yêu chuyển sang yêu con dâu, cần con dâu. Đó là nhu cầu của cả hai, cả hai cùng thỏa mãn, cùng an ủi nhau.

Đúng lúc ấy thì Giang Thanh vào, thấy hai người như vậy, máu ghen bốc lên, nổi trận lôi đình, vừa khóc vừa làm ần ĩ, tuôn ra những lời khó nghe.

*

13. Người đẹp Thanh Đảo

*

Mùa Hè năm 1956, Thnh Đảo, nơi nghỉ mát nổi tiếng của Trung Quốc.

Nói chung, ai cũng biết Thanh Đảo, vì Thanh Đảo nổi tiếng về bia và rượu vang, nhất là bia Thanh Đảo. Nước suối khoáng Lao Sơn thuần khiết, ngát hương và lên men kiểu Đức khiến bia nổi tiếng khắp thiên hạ.

Thanh Đảo lưng tựa núi, mặt ngoảnh ra biển, phong cảnh tuyệt vời, suốt một thời gian dài là tô giới của người Đức và người Nhật, chịu bao đau khổ nhục nhã. Thực dân thống trị đã để lại hàng loạt biệt thự ven biển, mấy tòa giáo đường kiểu châu Âu và cả môi trường sạch đẹp. Từ năm 1949 nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, chính quyền Thanh Đảo vẫn theo nếp cũ, cho lập mấy trạm vệ sinh môi trường ở cửa ngõ thành phố, bất cứ xe cộ trước khi vào thành phố đều phải rửa xe. Có thể nói, Thanh Đảo là thành phố sạch nhất Trung Quốc đại lục.

Sơn thủy hữu tình, đất trời tươi đẹp, rất hài hòa với nữ giới. Thanh Đảo là nơi sản sinh gái đẹp, là quê của dịu dàng và giàu sang. Con gái Thanh Đảo dáng người cao ráo, cử chỉ hành động tao nhã, giọng nói trong trẻo. Bởi vậy, nhiều kịch viện, đoàn ca múa của Trung Quốc đều đến Thanh Đảo để chiêu mộ tài năng nghệ thuật.

Đoàn ca múa Thanh Đảo những năm Năm mươi của thế kỉ trước đúng là một vườn hoa đẹp, mĩ nữ từng đàn. Trong mấy chục nữ diễn viên của Đoàn có hai cô Phương và Bân đẹp mê hồn. Cả hai mới hai mươi tuổi, đều là Đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản, tư tưởng trong sáng, người như trái cây vừa chín. Đoàn ca múa qui định, các nữ diễn viên trước hai mươi lăm tuổi không được yêu đương, lấy chồng, cả hai đều đã từng hoạt động bí mật, đều chưa chồng. Cả hai đều là con gia đình công nhân dệt, tổ tông ba đời nghèo khổ, lí lịch không có vấn đề gì. Cha mẹ họ, ngoài hai câu “Cảm ơn Đảng Cộng sản, yêu quí Mao Chủ tịch” ra, còn không biết nói gì hơn.

Phương và Bân cùng ở với nhau trong một căn hộ của Đoàn ca múa, đi về có nhau, thân nhau như chị em ruột. Có những nam diễn viên vì lòng ghen tức, chê bai các cô, nói những lời nhảm nhí, bảo hai cô đêm ngủ chung giường, ôm hôn nhau giải sầu. Nếu không, con gái nhà lành không được vuốt ve sờ mó, vú hai cô không thể nào cao như thế, đầy đặn như thế. Toàn những lời lẽ thô tục, nghe không lọt tai.

Một hôm, Ban tuyên giáo của Thành ủy thông báo cho Đoàn ca múa, mời cô Bân đến nhà khách của Thành ủy để “nói chuyện riêng”. Vì là nhiệm vụ bí mật chính trị, ngay cả Bí thư thành ủy cũng không được biết. Bân đến một phòng tiếp khách của nhà khách nhỏ Thành ủy, gặp một vị “thủ trưởng” hai bên tóc mai đã bạc. Vị “thủ trưởng” nói tiếng Bắc Kinh không sõi. Trong phòng khách chỉ có cô và vị “thủ trưởng” kia. Vị “thủ trưởng” nói năng ôn tồn, thân mật giống như lời cha chú của cô. Ông ta mỉm cười, chưa vội nói gì, chỉ lặng lẽ quan sát Bân từ đầu đến chân, không ngớt gật đầu, giống như tuyển chọn diễn viên. Bị quan sát, mặt Bân đỏ bừng, rất ngượng. Một lúc sau, “thủ trưởng” mời cô ngồi, nói với cô:

- Đồng chí là con gái giai cấp công nhân, thành phần xuất thân tốt, quan hệ xã hội rất trong sáng, bản thân lại là đoàn viên, tư tưởng lành mạnh, chính trị đáng tin cậy. Chúng tôi đã thông qua tổ chức đảng để xem xét. Đồng chí Bân, chúc mừng đồng chí, đồng chí được chọn để công tác bên cạnh một đồng chí lãnh đạo trung ương.

“Thủ trưởng” không hỏi ý kiến cùa cô, cứ như vậy tuyên bố quyết định của tổ chức. Dĩ nhiên, là đoàn viên phải phục tùng yêu cầu của Đảng, không thể nêu nguyện vọng cá nhân. “Được chọn để công tác bên cạnh một đồng chí lãnh đạo trung ương”. Bân vừa kinh ngạc vừa vui mừng, kích động không nói nên lời. “Thủ trưởng” là con người vui vẻ, bảo cô về báo tin cho cha mẹ biết, cứ bảo là điều động công tác, vẫn làm việc ở Thanh Đảo, không thể muốn về nhà lúc nào thì về. Còn nữa không nói gì thêm, “Thủ trưởng” dặn, ngoài mấy bộ đồ lót thay đổi ra, không cần đem theo hành lí gì khác. Thành ủy sẽ thông báo cho Đoàn ca múa, cô không được nói chuyện với bất cứ ai. Nên nhớ, từ lúc này cô chấp hành nhiệm vụ vinh quang của Đảng giao phó, một nhiệm vụ tuyệt mật.

“Thủ trưởng” nhìn đồng hồ, nói:

- Cho cô một buổi, được không? Chiều nay sáu giờ, vẫn ở nhà khách này nhé, sẽ có xe đến đưa cô đi.

Đúng là niềm vui từ trên trời rơi xuống. Chưa bao giờ Bân vui như lúc này. Đầu tiên cô về Đoàn ca múa, chỉ cười ngây dại với Phương, cố gắng không để lộ, không nói gì. Cô về đến nhà, cha mẹ đều đi làm, chưa tối chưa về. Cô đành để lại mảnh giấy, nói Đảng giao nhiệm vụ, phải đúng giờ rời Đoàn ca múa, nhưng vẫn làm việc ở Thanh Đảo. Sau đấy, vào phòng riêng soi gương. Tin đập thình thình. Tại sao mình đẹp như thế này? Cha mẹ sinh ra một người con gái xuất chúng. Cô vui quá, suýt phát khóc. Cô như trong giấc mơ hoa hồng.

Đúng sáu giờ chiều, cô đến phòng khách của thành ủy. Cô lên một chiếc xe màu đen bóng loáng, chỉ một lúc sau xe phóng nhanh trên con đường bờ biển đầy bóng mát. Những biệt thự kiểu Tây, kiểu Nhật cứ lướt nhanh bên đường, một bên là biển xanh sóng vỗ.

Bân là cô gái lớn lên ở đây, rất ít khi qua lại con đường bở biển này. Nhưng ngồi lên xe, xe phóng nhanh mấy vòng quanh sườn núi, lại là hoàng hôn, cô không còn phân biệt nổi phương hướng.

Xe đưa cô đến một tòa biệt thự yên tĩnh, trước cửa là một vườn hoa, hoa đủ màu sắc. Một chiếc xe con đậu ở chỗ trống, xe jeep quân dụng, còn có thêm hai chiếc xe to. Hai bên là vách núi xanh rờn. Tòa biệt thự trắng ngoảnh mặt ra biển, phía dưới ban công là bãi cát vàng yên tĩnh không người và biển cả mênh mông. Nơi xa kia, hình như có những ánh lửa của những con thuyền đánh cá.

Tiếp Bân là hai phụ nữ mặc áo choàng trắng, trông như bác sĩ, vẻ mặt nghiên trang không cười. Người phụ nữ tên Từ đã đứng tuổi, thời trẻ nhất định là một người đẹp. Nữ bác sĩ đưa cô vào phòng tắm. Phòng tắm rất rộng và sáng, trải thảm, che kín bức tường là một tấm gương lớn. Trên bồn tắm lớn là xà phòng thơm, dầu thơm, tất cả đều đầy đủ. Bân tắm xong, hai nữ bác sĩ lại vào, không cho Bân mặc áo quần, cứ để khỏa thân, đứng trước gương. Bân đang là con gái, hai tay cô ôm ngực. ngượng đỏ mặt. Chuyện gì thế này?

Hai nữ bác sĩ không trả lời cô, mà đi vòng quanh tám thân ngọc ngà đang trần truồng, ngắm trước nhìn sau, thì thầm trao đổi gì đó. Họ còn so sánh cô với gái Tô Châu, gái Hàng Châu, gái Cáp Nhĩ Tân, gái Đại Liên, gái Lưỡng Hồ, nói gái Thanh Đảo có thân hình tuyệt đẹp. Hai nữ bác sĩ đưa cô đến một cái bàn, bảo cô nằm lên đấy để kiểm tra cơ thể. Nằm lên bàn, mặt cô được che bằng một tấm vải trắng, hai tay bị buộc vào hai cái đai da bên cạnh bàn. Chân cô dang rộng, cũng được hai đai da trói chặt, không thể cử động. Cô cảm thấy hai nữ bác sĩ sờ nắn hai bầu vú, sờ nắn rất cẩn thận, nhưng không thấy đau. Hình như để xem bên trong có khối u hay không. Tại sao lâu thế? Bỗng cô cảm thấy đau nhói, hình như có một ống thủy tinh đưa vào trong người cô, cô kêu đau. Hai nữ bác sĩ vẫn mặc cô kêu đau, mà đang thì thầm tốt lắm, chưa chơi… nhưng bị rách rồi… do luyện tập ca múa… được lắm, được lắm… không có bệnh tật gì.

Tấm vải trắng che mặt được lấy đi, hai tay, hai chân được thả lỏng. Mắt cô cay xè, mờ mịt. Một nữ bác sĩ vô vào vai cô, an ủi:

- Dậy đi nào, vào kia tắm lại, mặc bộ đồ làm việc này vào. Tắm xong rồi sẽ có người làm tóc cho em. Đừng ngạc nhiên, tất cả những đồng chí mới đến đều phải qua các thủ tục này…

Bân tắm lại xong, có người đưa cô vào phòng làm tóc. Thợ làm tóc là mọt người già luôn miệng khen cô đẹp, giống như tiên. Bân mỗi lúc một khó hiểu, mình sắp làm việc gì đây? Cô cảm thấy ngôi biệt thự cực lớn nhưng người làm việc rất ít. Nam nhân viên đều mặc đồng phục trắng, nữ nhân viên mặc đồng phục váy, chỗ nào cũng trải thảm đỏ, mọi người đi lại, không một tiếng động. Cho đến hơn mười một giờ đêm, vị “thủ trưởng” hai hàng tóc mai bạc trắng xuất hiện, đưa cô đi ăn bữa đêm. Cô vẫn chưa ăn cơm tối, đang đói. Phòng ăn rộng lớn, ăn gì tùy ý, ăn miễn phí. Thái độ của vị “thủ trưởng” rất thân mật, luôn miệng gọi “đồng chí Bân” Ông ta gọi cho cô mấy món, cơm gạo trắng cô chưa thấy bao giờ. “Thủ trưởng” vừa ăn, vừa nói với cô:

- Đây là Tổ phục vụ sinh hoạt của đồng chí lãnh đạo trung ương, chỉ có những người có lí lịch trong sạch, điều kiện bản thân tốt, thêm vào đấy có số may mắn mới được vào đây công tác.

Ông ta nói, việc ăn uống, ngủ nghê, vui mừng tức giận của vị lãnh đạo trung ương này đều có liên quan đến vận mệnh của Đảng và đất nước, đến hạnh phúc, yên vui của nhân dân. Mỗi một đồng chí làm việc ở tổ phục vụ đều có chức trách thiêng liêng, tất cả đều vì lãnh đạo trung ương phục vụ, phục vụ hết mình.

Ông ta nói, được công tác và sinh hoạt bên cạnh đồng chí lãnh đạo trung ương là một vinh dự và hạnh phúc lớn lao trong đời của mỗi đoàn viên và đảng viên. Tất cả những gì nghe và thấy ở đây đều là tuyệt đối bí mật của Đảng và Nhà nước, tuyệt đối không được tiết lộ, nếu không, hậu quả sẽ không thể hình dung nổi.

- “Thủ trưởng”, có thể bảo với em, đồng chí lãnh đạo trung ương này là ai không?

Trong tâm trạng cô gái này rất hồi hộp và sợ hãi.

- Đồng chí Bân, cô ở nhà, trên mặt báo vẫn thường thấy đấy, lúc nào vào ca trực cô sẽ biết.

Thái độ của “thủ trưởng” vẫn hết sức thân mật.

Bân thì mỗi lúc một lo lắng. Ăn xong đã mười hai giờ đêm, lại có một người giống như nữ bác sĩ đến đưa cô đi trực ban. Mới đến, ngay đêm đầu tiên đã phải đi trực. Cô theo bà bác sĩ già lên lầu ba, ngay ở cửa lầu đã có người ngồi trực trên sofa, có thể đây là vệ sĩ. Họ cởi bỏ giày ở cửa lớn, vào một căn hộ sát bờ biển. Căn hộ rộng rãi, ba buồng, buồng ngoài là phòng khách, buồng thứ hai là phòng làm việc, buồng thứ ba là phòng ngủ. Phòng ngủ trải thảm đỏ. Rèm cửa sổ màu đen. Chỉ có một cái giường lớn, hai bên là tủ để đầu giường và đèn cây, còn có cai ghế mây, trên đó bừa bãi áo quần. Phòng ngủ trống trải, không thấy chủ nhân đâu, chỉ nghe có tiếng xả nước ào ào trong phòng tắm kế bên.

Bà bác sĩ bảo cô chờ đấy, bà ta vào phòng tắm. Một lúc sau bà bác sĩ ra, trên áo choàng có mấy chỗ ướt, nói với Bân:

- Em có thể cởi áo ra được rồi. Nhớ phục vụ chu đáo nhé. Nước sôi, trà, thuốc ở bên phòng làm việc. Em vào đi…

Bà bác sĩ nói xong liền đi ra ngay. Đầu Bân ngứa ran. Trời đất ơi, công tác gì thế này? Vào phòng tắm? Tắm cho ai trong đó? Cô không thể nhấc nổi đôi chân. Bất giác, hai hàng nước mắt chảy xuống, toàn thân run lẩy bẩy. Cô đứng yên giữa phòng không biết bao lâu. Cho đến khi người trong phòng tắm đi ra, cô không còn tin ở mắt mình nữa. Người vừa bước ra đúng là trong mỗi gia đình, mọi cơ quan, trường học, văn phòng đều treo ảnh ông ta. Ông ta đúng là Mao Chủ tịch rồi! Người thật già hơn trong ảnh, đầu cũng không đến nỗi trơn bóng như thế, tóc đã hoa râm… Mao Chủ tịch đi chân trần, mặc cái áo tắm nhung kẻ, người to béo, rất béo, đứng trước mặt cô… Mao chủ tịch không vui, vì cô không vào buồng tắm phục vụ.

Toàn thân Bân run lên bần bật, không biết vì có cảm giác hạnh phúc lớn lao hay vì sợ hãi theo bản năng sinh lí, cô không thể kiềm chế nổi, bật khóc to.

Mao Chủ tịch đang trước mặt cô, ông rướn lông mày… Đồ chết tiệt, tại sao khóc? Khóc, tại sao không cười? Cười thì mới ngọt ngào, mới làm say lòng người. Ai cũng bảo Bân mỉm cười làm say lòng người, Mao Chủ tịch nhất định vui lắm. Vẫn khóc, vẫn khóc cơ à?

- Đồng chí, bao nhiêu tuổi? Ai bảo đồng chí đến đây? Đến đây khóc à?

Mao nói giọng Hồ Nam, mấy chục năm rồi mà vẫn không thay đổi giọng nói quê mùa ấy.

- Mao Chủ tịch, con, con… con mới hai mươi…

- Ờ… đừng sợ. Đồng chí ở đơn vị nào?

- Báo cáo Chủ tịch, con ở Đoàn ca múa thành phố.

- Ha ha! Diễn viên văn công, hát múa, còn biết cả khóc nữa!

- Báo cáo Chủ tịch, con, con con…

- Đồng chí sợ à? Không sao, đồng chí về đi. Muộn rồi, ở đây tôi không khiêu vũ.

- Không, không, con khiêu vũ với Chủ tịch.

- Cảm ơn, cảm ơn. Để hôm khác nhé.

- Không, không để hôm khác…

- Đi, tôi đưa đồng chí ra cửa, sẽ có người đưa đồng chí đi.

Nói xong, Mao lôi tay cô gái, đưa cô ra cửa, vẫy vệ sĩ đang trực ban đến.

Đã quá nửa đêm. Vẫn là chiếc xe con bóng loáng đưa cô rời vùng cấm mà năm sáu tiếng đồng hồ trước đây cô bước vào. Dọc đường, người lái xe già nói với cô một câu rất sâu sắc:

- Cô gái, cô hãy nhớ, hôm nay không xảy ra chuyện gì.

Bân về đến chỗ ở của Đoàn ca múa như vừa từ trên thiên đàng về lại trần gian. Trong thế giới này đúng là có thiên đàng, trần gian và địa ngục. Cô ôm lấy Phương, người bạn cùng phòng mà khóc. Bân làm Phương sợ hãi, hỏi đã xảy ra chuyện gì rồi. Bân không chịu nói. Cho đến khi Phương nổi cáu, dọa sẽ lên báo cáo với lãnh đạo Bân mới nín. Cô bắt Phương phải thề không được tiết lộ, rồi kể lại cho Phương nghe những gì đã xảy ra trong ngày.

Phương nghe, trợn tròn mắt, há hôc miệng. Về bề ngoài, Phương không kém Bân, về nhân cách, Phương không bằng Bân, có thể lẳng lơ hơn. Bân biết, Phương đã thay đổi bốn bạn trai, cùng hai trong số đó làm chuyên kia rồi. Phương nói rất thật:

- Chúng nó cần tao, tao cũng cần chúng nó! Đối với chúng nó, nắm được thì cũng buông được!

Nghe câu chuyện kì ngộ của Bân, một lúc sau Phương mới bình tĩnh lại, đứng dạng chân.

- Bân, đằng ấy ngốc quá, ngốc quá! Đó là Mao Chủ tịch vĩ đại! Là cứu tinh của nhân dân cả nước, còn hơn cả vua thời xưa! Chao ôi, trời đất ơi, tại sao đằng ấy ngốc như thế? Chỉ một chút nữa đằng ấy được lên Bắc Kinh với Mao Chủ tịch, coi như được vào cung.

Bân không hiểu nổi những gì mình đã làm, cũng không rõ cảm giác, tất cả rối như tơ vò… nhưng cô không nén nỏi, đáp lại:

- Đằng ấy không ngôc thì đi đi!

- Tớ? Tớ sẽ ở lại ngay… săn sàng phục vụ ông lão.

Câu chuyện riêng của hai cô gái ngay ngày hôm sau trở thành sự thật.

Sáng hôm sau có người đón Phương đi. Ngoài Bân ra, không còn ai biết Phương đi đâu. Cô ta không còn trở về Đoàn ca múa nữa. Phương có diễm phúc hơn Bân.

Cũng trong ngày hôm đó, cũng có người đưa Bân đi. Họ không cho phép cô về nhà chào cha mẹ là người của giai cấp công nhân. Cô phải rời Thanh Đảo, đưa đến một lâm trường khai thác gỗ dưới chân núi Hưng An, vùng biên ải Đông Bắc, làm một công nhân chặt gỗ. Cô được phép cứ hai tháng viết một lá thư về thăm cha mẹ, nhưng thư phải đưa cho phòng bảo vệ duyệt trước và gửi đi. Trên bì thư cũng không đề địa chỉ, chỉ có số hòm thư. Một cô gái Thanh Đảo xinh đẹp rơi vào một vùng xa xôi heo hút bên chân núi Hưng An, chịu đựng mọi phong ba, khổ ải. Cô không lấy chồng, nhưng đã ngủ với rất nhiều đàn ông trong lâm trường khai thác gỗ. Nhiều anh trong lâm trường ghen nhau, đánh nhau vì cô. Cô trở thành người dâm đãng. Về sau, cô bị bệnh thần kinh, gặp ai cũng chỉ nói một câu:

- Tôi không nên khóc, không nên khóc… Tại sao tôi không cười? Tại sao không cười?

Ngày Chín tháng Chín năm 1976, “lãnh tụ vĩ đại” Mao Trạch Đông qua đời. Phải hai năm sau đấy, các cơ quan hữu quan của Thanh Đảo mới cho cô hưởng chính sách, cho phép cô được trở về Thanh Đảo, được bố trí công tác với điều kiện cô phải quên những chuyện cũ.. Năm 1978, Bân đã bốn mươi hai tuổi. Những nét đẹp mê hồn ngày xưa nay không còn, tóc cô đã bạc, mặt đầy nếp nhăn, người khô héo, tâm thần bất định, nói năng lảm nhảm, trở thành một người đàn bà xấu xí.

Còn Phương, cô gái năm xưa tự nguyện phục vụ “lãnh tụ vĩ đại” thì sao? Cô ta có còn sống hay không? Người Thanh Đảo đồn thổi nhiều chuyện về cô. Có người nói, năm ấy Phương theo “lãnh tụ vĩ đại” lên Bắc Kinh và vào Trung Nam Hải, nhưng bị Giang Thanh bức tử; có người nói cô vẫn được ở lại hành cung Bắc Đới Hà đến già; có người nói, cô và một số đồng nghiệp sau khi Mao qua đời, bị đưa về vùng núi Ngũ Chỉ trên đảo Hải Nam, vào ở một nông trường cách biệt với thế giới để đề phòng tiết lộ những chuyện cơ mật của Đảng…

*

14. Buồn nhớ Trương Dục Phượng

*

Cuộc đấu tranh chống phải hữu trong phạm vi cả nước là một lần Mao quét sạch có tính hủy diệt giới trí thức, là một lần “đại nhảy vọt” thực thi chuyên chính chính trị, Mao quyết tâm “đại nhảy vọt” thực thi chính sách kinh tế kiểu quân sự cộng sản. Mao muốn dựa vào “chiến thuật biển người” đã được thực thi trong chiến tranh, nhằm nâng cao sản lượng gang thép và lương thực trên diện rộng, nhằm đuổi kịp và vượt Anh và Mĩ, trong một thời gian ngắn, thực hiện thiên đường nhân gian theo chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy.

Để khắc phục trở ngại, Mao gọi Chu Ân Lai và Trần Vân là những người đang chủ trì công tác kinh tế trong chính phủ. đến mổ xẻ.

Khoảng giữa thu – đông năm 1956, Chu Ân Lai và Trần Vân cùng một Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ có nhiều người tham gia, sang ông anh cả Liên Xô khảo sát công tác kinh tế, thực tế là đi thỉnh kinh, học hỏi. Thật ra, các nhà lãnh đạo Cộng sản và các nhà kinh tế Liên Xô đều khuyên các đồng chí Trung Quốc, làm kinh tế không giống như chiến tranh nhân dân, phải có kế hoạch, tiến hành từng bước, phải cảnh giác với tư tưởng manh động tả khuynh thích thành tích và làm thật nhanh. Liên Xô đã từng có bài học về “công xã nông nghiệp” thời kì đầu xây dựng đất nước. Chu Ân Lai và Trần Vân sau khi về nước, báo cáo lại trong cuộc họp Bộ Chính trị, đặc biệt nhấn mạnh những kiến nghị và khuyến cáo của Liên Xô. Lưu Thiếu Kì đánh giá rất cao báo cáo của Chu Ân Lai và Trần Vân. Mao dự họp, nhưng không bày tỏ thái độ. Chu, Trần dựa theo tinh thần của hội nghị, viết một bài xã luận đăng trên “Nhân dân nhật báo” số đầu năm 1957, đề xuất phương châm xây dựng kinh tế “chống mạo hiểm, chống tả khuynh, thực sự cầu thị, tiến bước vững chắc” Bài xã luận thực tế là phương châm trị quốc của phái kinh tế coi trọng kết quả gồm Chu Ân Lai, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Đặng Tử Khôi. Ít lâu sau, trong một số hội nghị Mao bắt đầu công khai đích danh phê phán tư tưởng hữu khuynh của Chu Ân Lai, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, gọi họ là những “phụ nữ bó chân”, dội một gáo nước lạnh lên cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng đất nước đang sôi nổi, trói tay trói chân quần chúng nhân dân. Đáng buồn là, Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình không dám nắm tay nhau chống lại chứng điên cuồng tả khuynh của Mao, chỉ sợ Mao phê bình, bọn họ đều rút lui để bảo vệ bản thân. Họ sợ là bởi Mao nắm quyền sinh sát và bộ máy công an, đặc vụ, cộng vào đó là tư tưởng trung quân thấm sâu vào cốt tủy rồi. Tình hình giống như nội bộ Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Liên Xô dưới thời Staline. Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thuận theo cơn điên cuồng của Mao. Năm 1958, mặc cho Mao giương cao ba ngọn cờ “Đường lối chung”, “Đại nhảy vọt” và “Công xã nhân dân”, thêm vào đó là phong trào “toàn dân nấu thép”, “bếp ăn tập thể”, “tài chính thương mại nhân dân lao động” hại nước hại dân. Sự thật thì, Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đã từng cổ súy cho đại nhảy vọt của Mao.

Nhưng, xưa nay các bậc đế vương đều “tự xưng”. Bề ngoài luôn tỏ ra ngạo nghễ, sôi nổi, nhưng trong cốt tủy lại lạnh lùng. Dù cùng với đồng sự trong Bộ Chính trị hay đối với Giang Thanh tác quái dẫn đến gia đình lục đục, nơi sâu thẳm lòng Mao là sự cô đơn. Mao cũng có mấy người bạn phái hữu, như Lương Thấu Minh, Chu Cốc Thành, Chương Sĩ Kiếm, vân vân, sau cuộc đấu tranh chống phải hữu, họ cũng xa rời Mao.

Tất cả các nhà độc tài không thoát khỏi qui luật tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Đầu tiên là tự thần thánh hóa mình, tự mê tín mình, tự sùng bái mình, sau đấy yêu cầu thần dân trong cả nước sùng bái mình như một vị thần, mê tín một cách mù quáng. Kẻ độc tài cũng phải trả giá, xa cách mọi người, tinh thần trống trải, sợ hãi bản thân, tập hợp một bọn người nịnh hót, tiền hô hậu ủng.

Mao, “đại cứu tinh của nhân dân” là như thế. Trong tiếng ca ngợi “đại nhảy vọt” nhưng lại cô đơn, không ai bên mình để có thể dốc bầu tâm sự. Mao đã ngoại lục tuần, người to béo lừng lững, bị chứng phong của tuổi già, nhưng tình dục thì vẫn mỗi ngày một lần, không thể thiếu. Mao rất cần một người luôn bên mình, một cô gái không cần biết chính trị ra sao, chỉ cần dịu dàng, chỉ cần một cô gái bình thường chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, không làm phiền là đủ. Nhu cầu tình cảm của Mao xuống đến điểm thấp nhất. Ông ta cực ghét những nam nhân viên phục vụ cứ lượn trước mặt.

Tháng Sáu năm 1958, một con rồng sắt khổng lồ màu xanh – đoàn tàu hỏa chuyên dành cho Mao tuần du, dừng lại ở ga Thành Xa, huyện Từ Thủy, khu Hảng Thủy, tỉnh Hà Bắc. Mọi con đường chung quanh ga đều bị phong tỏa, những đoàn tàu khách sáng nào, chiều nào cũng qua đây, nay không biết phải đi vòng vo đường nào.

Mao có thói quen tuần du bằng tàu hỏa. Ông ghét nhất mà cũng sợ nhất là đi máy bay. Tuần du bằng tàu hỏa vừa an toàn, vừa tiện lợi. Đoàn tàu mười một toa, trên đó Mao có phòng làm việc, phòng ngủ, phòng hội họp, phòng cơ yếu, phòng ăn, phòng y tế, có thể đem theo ê-kíp thư kí riêng, nhân viên bảo vệ, bác sĩ, y tá. Ăn, ngủ, làm việc đều trên tàu hỏa chuyên dụng này. Đoàn tàu trở thành hành cung lưu động. Khắp thiên hạ chỉ có vua mới như thế. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, muốn đi là đi, muốn dừng là dừng, muốn gọi ai đến thì gọi. Tất cả các nhà ga, xe cộ, cầu đường, đều phải nhường đoàn tàu này, bảo đảm cho nó thông suốt. Hệ thống đường sắt ở Trung Quốc theo chuẩn một tổ chức quân sự hóa, độc lập với hệ thống công an địa phương. Mao bố trí viên ái tướng Vương Chấn làm Tư lệnh binh đoàn đường sắt kiêm Bộ trưởng công an đường sắt.

Hồi ấy, đầu máy còn chạy bằng hơi nước, đốt than, mỗi lộ trình tám tiếng đồng hồ là một chặng, đến chặng nào cũng phải thay đầu máy, đưa đoàn tàu của Mao qua từng chặng một. Mỗi lần cấp trên giao nhiệm vụ bí mật đưa đoàn tàu đi, lái trưởng, lái phó, công nhân đốt lò đều được kiểm tra nghiêm ngặt, phải là người trung thành, đáng tin cậy, đồng thời qui định Bí thư đảng ủy nhà ga phải thân chinh lên trực ban trên đoàn tàu cho đến khi tàu được chuyển giao cho chặng đường tiếp theo. Tất nhiên, họ không được hỏi trên tàu dang chở vị thủ trưởng trung ương nào. Hồi đó, Trung Quốc qui định chỉ có bảy vị trong Bộ Chính trị được đi công tác bằng tàu chuyên dụng là: Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân, Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình.

Tháng 5 năm 1958, đang là mùa thu hoạch bận rộn trên bình nguyên Hoa Bắc. Nhưng, từ Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, Bí thư khu ủy Hàng Thủy cho đến Bí thư huyện ủy Từ Thủy, sau khi nhận được thông báo của Văn phòng trung ương, phải tập trung tại chiêu đãi sở chờ ba ngày ba đêm. Ban ngày không dám đi đâu, ban đêm không dám ngủ, chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại réo, họ phải đến ngay đoàn tàu của “lãnh tụ vĩ đại”, báo cáo tình hình tốt đẹp của tỉnh, của khu, của huyện.

Đoàn tàu của Mao dừng lại ở ga Thành Xa thuộc huyện Từ Thủy ba ngày ba đêm, giống như con sâu dài màu xanh, nó nằm yên, chỉ làm khổ bốn phía nhà ga bị phong tỏa, bộ đội cảnh vệ canh gác. Càng khô hơn là, bạch đinh nơi phố huyện, sinh hoạt, lao động của họ bị nhiều hạn chế vô cớ.

Mấy hôm nay “lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông” giam mình trong phòng làm việc, tỏ ra buồn rầu, thỉnh thoảng nổi cáu. Những nhân viên đi theo Mao như các bác sĩ, y tá không hiểu ra sao. Ngày thứ nhất, Mao ra lệnh không tiếp các quan chức địa phương, không nghe báo cáo, không dự tọa đàm; ngày thứ hai, Mao ngồi trong phòng làm việc thở dài thườn thượt, không chịu ăn uống gì; ngày thứ ba, Mao nằm dài trên giường, không dậy, mấy cậu phục vụ đem sữa, xúp, đem trà Ngân Châm vùng Quân Sơn, hồ Động Đình, ông ta ném cả chén trà.

Hoàng đề buồn, không ăn, không uống, không nói chuyện, nhân viên phục vụ trên đoàn tàu cảm thấy không khí ngưng đọng, trái đất như ngừng quay. Họ chỉ còn biết trông vào Uông Đông Hưng, Phó văn phòng trung ương Đảng, vệ sĩ trưởng của Mao. Uông Đông Hưng là người Giang Tây, xuất thân là một đứa trẻ càn quấy, là người Mao rất tin tưởng, mà cũng là người duy nhất được mang theo vũ khí vào chỗ ở của Mao. Nhưng lúc này Uông Đông Hưng cũng chẳng hiểu ra sao. Sự việc quả là nghiêm trọng, Uông Đông Hưng vò đầu bứt tai, vô cùng lo lắng. Trưa hôm đó, trong lúc Mao đang ngủ, Uông Đông Hưng lén vào phong làm việc của Mao, phát hiện trên cái bàn làm việc rất lớn có một tập “Nhân Dân nhật báo”, trong đó có một tờ báo bên lề trắng là một hàng tên một người, được viết bằng bút mực,chính là nét chữ của “lãnh tụ vĩ đại”:

Trương Dục Phượng, Trương Dục Phượng, Trương Dục Phượng, Trương Dục Phượng, Trương Dục Phượng…

Uông Đông Hưng đọc được cái tên này, chợt lòng sáng lên: Trời đất ơi, thì ra cô ta! Được lắm, có ngay….

*

15. Có ngay Trương Dục Phượng

*

Uông Đông Hưng lặng lẽ ra khỏi phòng làm việc của Mao, về toa xe làm văn phòng của mình, nhắc điện thoại lên, gọi về Văn phòng trung ương ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh, yêu cầu cử người và cho xe riêng lên ngay Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân, đón ngay Trương Dục Phượng, nhân viên phục vụ trên tàu, đưa về đoàn tàu riêng của Chỉ tịch đang đậu ở huyện Từ Thủy.

Trương Dục Phượng là người con gái quốc sắc thiên hương đến mức nào mà khiến cho “lãnh tụ vĩ đại” phải tương tư để đến nỗi đêm không ngủ, ngày không ăn?

Trên đất Thần Châu này có nhiều tỉnh, thành là nơi sinh ra mĩ nữ đang tự hào. Ví dụ, huyện Mễ Chi ở tỉnh Thiểm Tây, Đào Hoa Giang ở Hồ Nam, Khố Xa ở Tân Cương, Đại Lí ở Vân Nam, Triều Xán ở Quảng Đông, Mẫu Đơn Giang ở Hắc Long Giang, vân vân. Trong phạm vi cả nước, gái đẹp nổi tiếng phải kể đến năm nơi là Tô Châu, Hàng Châu, Thanh Đảo, Đại Liên, Cáp Nhĩ Tân. Tô Châu, Hàng Châu từ cổ xưa là nơi tụ tập ăn chơi, múa hát, phồn hoa đô hội; Thanh Đảo, Đại Liên, Cáp Nhĩ Tân lại là cửa ngõ thông thương, giao lưu bốn phương, từ thời xa xưa của Trung Quốc, lai da trắng da vàng, để lại những đứa con xinh đẹp.

Cứ bình tâm suy xét, Trương Dục Phượng không phải là người đẹp theo kiểu truyền thống “đôi mắt mỉm cười, miệng chúm chím hoa đào”, cũng không phải là cái đẹp kiểu hiện đại: mắt sáng, hàm răng trắng đều, thần thái vui tươi, cô chỉ là viên ngọc dịu dàng thuần khiết. Trương Dục Phượng sinh ra trong một gia đình công nhân đường sắt, mới học hết bậc trung học cơ sở, lả đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản, yêu quí xã hội mới, yêu quí Mao Chủ tịch. Cô cao một mét sáu mươi ba, dáng người nhỏ nhắn thanh thoát, tính tình dịu dàng, có nụ cười thật ngọt ngào. Ưu điểm lớn nhất của cô là hiểu lòng người, biết quan tâm đến người khác, chịu khó, chỉ biết dâng hiến, không đòi hỏi gì cho mình.

Hai năm trước, năm 1956, Mao đáp tàu hỏa đi thị sát vùng Đông Bắc, lúc bấy giờ Trương Dục Phượng mới mười bảy tuổi, được cử lên tàu làm nhân viên phục vụ một thời gian ngắn. Lúc ấy Mao đang say sưa với người khác, không để ý đến cô. Mao chỉ cảm thấy cô nhân viên phục vụ nhỏ bé này sau khi lên tàu thì văn phòng, phòng ngủ tất thảy đều gọn gàng, ngăn nắp. Mao to béo, hay ra mồ hôi, (xin lỗi, hồi bấy giờ ở Đại Lục chưa có máy lạnh). Cô nhân viên phục vụ nhỏ bé này lên tàu, thì trên bàn viết, trên bàn trà, trên tủ đầu giường trong phòng ngủ, trên khay chén sứ trắng muốt luôn có khăn bông trắng ướt nước. Mao nghiện thuốc lá, hút hết điếu này đến điếu khác, cho nên trên bàn viết, trên mặt bàn trà lúc nào cũng có tàn thuốc, gạt tàn thì lúc nào cũng đầy. Có cô phục vụ xinh xắn này cái gạt tàn luôn được thay đổi, trở nên sạch sẽ. Từ thời trẻ Mao đã không chú ý đến áo quần, không sạch sẽ, không thích tắm gội, thay áo quần. Mao thích bơi, nhưng rất ghét bồn tắm, có một cô phục vụ thế này: cứ mỗi tối lại đem đến cho ông ta những bộ đồ mới giặt sạch sẽ, là ủi tinh tươm, nhẹ nhàng nhắc nhở:

- Thưa Chủ tịch, lúc nào đi ngủ, xin Chủ tịch thay áo quần…

Những việc nhỏ nhặt trong sinh hoạt, với Mao, quá nửa cuộc đời lăn lộn nơi chiến trường, chưa bao giờ được chu đáo như thế. Có thể Giang Thanh cũng không chăm sóc ông. Đến bây giờ đã là “Mao Trạch Đông vĩ đại” mới cảm thấy sự dịu dàng, thân thiết của bàn tay phụ nữ. Một lần, nhân lúc Trương Dục Phượng đến thu dọn chăn đệm, Mao ôm cô vào lòng, hỏi:

- Cô là Trương Dục Phượng à? Tôi quen tuy tiện rồi, cảm ơn cô chăm sóc…

- Thưa Chủ tịch, được ở bên Chủ tịch mấy hôm là hạnh phúc, vinh dự lớn trong đời cháu rồi ạ!

- Hừm, tôi không tin.

- Thưa Chủ tịch, cháu nói thật đấy ạ.

- Hừm, thật thì đúng là thật, con gái hay khóc lắm… Cô Phượng người ở đâu?

- Tổ tiên cháu ở Mẫu Đơn Giang tỉnh Hắc Long Giang ạ.

- Mẫu Đơn Giang à? Nơi ấy đẹp lắm, cái tên thật đẹp. Người ta nói, hoa mẫu đơn Lạc Dương đẹp nhất thiên hạ, nhưng Lạc Dương không có người đẹp. Mẫu Đơn Giang người đẹp nối tiếng thiên hạ, nhưng không có hoa mẫu đơn.

- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch nói đúng lắm.

- Khà khà khà, như vậy là cô muốn ở bên tôi rồi đấy.

- Cháu muốn suốt đời được phục vụ Chủ tịch. Vâng, cháu là con gái nhà công nhân, Cha mẹ cháu vốn lai Nga, thời Nhật chiếm đóng, phải làm lụng vất vả. Cả gia đình cháu rất biết ơn đại cứu tinh…

- Tốt tốt, con gái công nhân, tốt lắm.

Lúc ấy, Mao chỉ ôm và vuốt ve cô nhân viên phục vụ xinh xắn, chỉ là sự vuốt ve của người cha, không có hành động nào quá mức. Nhưng Trương Dục Phượng thì sao? Được “lãnh tụ vĩ đại” ôm vào lòng, chỉ cảm thấy xúc động. Người con của giai cấp công nhân ngày đêm tưởng nhớ và ngợi ca Mao Chủ tịch, vị đại cứu tinh của giai cấp công nhân, được Người ôm vào lòng, nước mắt lưng tròng, toàn thân cô như được bao trùm hạnh phúc. Cho dù lãnh tụ vĩ đại có tiến thêm một bước nữa thì cô cũng để mặc số phận, không giữ lại chút gì. Được lãnh tụ thần thánh hóa, “người được vùng lên” chỉ còn biết cảm ơn.

Hai năm trôi qua, trong những tháng ngày cuộc “đại nhảy vọt” như lửa sôi, ngựa phi nước đại, thì Mao lại nhớ đến Trương Dục Phượng. Các cô gái đẹp trôi qua trước mặt như sương khói, Mao muốn một người như Trương Dục Phượng ở bên mình, dịu dàng chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ. Về chính trị, Mao là chúa tể của các vị thần vĩ đại, về sinh hoạt, Mao muốn có những tình cảm chân thành của những người con trai, con gái bình thường.

Xe của văn phòng trung ương mải miết phóng ngày đêm đến Cáp Nhĩ Tân. Người phụ trách đảng ủy Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân cuống lên. Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân quản lí gần một triệu cây số đường sắt, mỗi ngày có đến hơn một trăm chuyến tàu khách qua lại, tàu đường dài chạy thẳng từ Cáp Nhĩ Tân đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Trịnh Châu, Tây An, Lan Châu. Đang đêm, xe của trung ương cử đến để đón một nữ nhân viên phục vụ trên tàu, tất nhiên đó là một nhiệm vụ chính trị vô cùng vinh quang, là sự quan tâm của trung ương đối với mấy trăm nghìn công nhân đường sắt, nhưng biết đi đâu, lên chuyến tàu nào để tìm một nữ nhân viên bình thường này đây?

Tất cả các cơ quan thuộc Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân đều bị tổng động viên đi tìm Trương Dục Phượng. Đầu tiên, Tổng cục trưởng tìm đến phân cục vận chuyển hành khách, phân cục vận chuyển hành khách tìm đến các đoàn tàu chở khách, các đoạn tàu khách tìm về các đại đội nhân viên phục vụ trên tàu, đại đội tìm về trung đội, trung đội tìm về các tổ, cuối cùng cũng tìm thấy. Trương Dục Phượng đang phục vụ trên đoàn tàu nhanh chạy về hướng Mẫu Đơn Giang.

Ơn trời ơn đất, tổ phục vụ của Trương Dục Phượng chưa đi Lan Châu miền Tây, xuống Thượng Hải miền Nam, mà vẫn trong quản hạt của Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân. Ông Cục trưởng sờ lên cái đầu đầy mồ hôi, gọi điện thoại cho trực ban tất cả các ga trên tuyến đường Mẫu Đơn Giang, lệnh cho đồng chí Trương Dục Phượng đang phục vụ trên đoàn tàu mang số hiệu 1116 phải quay về Cáp Nhĩ Tân ngay; tất cả các ga trên tuyến đường này phải tạo mọi điều kiện cho đồng chí Trương Dục Phượng được trở về sớm nhất.

Mệnh lệnh như núi đổ. Sáng sớm hôm sau Trương Dục Phượng đã về đến Cáp Nhĩ Tân. Thật ra, cô vừa lấy chồng được một tháng. Chồng cũng là công nhân đường sắt, cũng đi làm ba ca thay đổi. Hai vợ chồng trẻ ở chung với cha mẹ, nhưng rất khó được nghỉ cùng một ca. Cô chỉ kịp về nhà lấy vài bộ quần áo, vội vã từ biệt cha mẹ. Cô không thể nói với cha mẹ mình đi đâu, chỉ nói Cục cử đi công tác, chấp hành nhiệm vụ mới. Cha mẹ cô cũng đã nghĩ, con gái sẽ được lên phục vụ ở đoàn tàu riêng. Tuy con gái kín mồm kín miệng, không nói đã phục vụ vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nào, nhưng qua phim tài liệu chiếu ở bãi chiếu bóng, họ biết nếu không phải là Mao Chủ tịch thì cũng là các vị Lưu Thiếu Kì, Chu Đức, Chu Ân Lai. Hai vợ chồng cho rằng, chỉ mấy hôm con gái lại về.

Tính khí Mao rất quái gở, tất cả phải theo ý ông ta. Người Mao to béo lừng lững, thích những cô gái nhỏ nhắn, mảnh mai; động tác của ông ta nặng nề, đi lại chậm chạp, nhưng lại thích bên mình có những người nhanh nhẹn, khéo léo. Nói về chính trị, Mao yêu cầu các cấp, các ngành phải phá vỡ những qui định thường ngày, làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Mao là con người cố chấp, nóng tính, nhưng lại thích cấp dưới phải ôn tồn hòa nhã, nói gì phải nghe nấy; Mao thích thành tích lớn, ham cao xa, nhưng lại yêu cầu những người chung quanh phải thật thà, khiêm tốn, cẩn thận; Mao ngạo mạn coi khinh mọi người, độc đoán chuyên quyền, nhưng lại thích những người chung quanh phải cúi đầu răm rắp nghe theo, xun xoe cầu cạnh. Thỉnh thoảng Mao lại dẫn điển tích, khoe học vấn, nhưng lại thích người khác vô học, cho rằng mù chữ đáng tin cậy, người thô bạo là người trung thực. Trong chuyện tình cảm trai gái, Mao lệnh cho trai gái toàn thiên hạ phải chung thủy, sống với nhau đến đầu bạc răng long, nhưng bản thân lại thích gái đẹp, phải luôn luôn mới, càng khác càng hứng thú. Mao là một thể phức hợp đầy mâu thuẫn. Ông ta đề xướng vì nhân dân phục vụ, không ích kỉ, chỉ làm lợi cho người khác, triết học thấm sâu vào xương tủy, nhưng thà để tôi phụ thiên hạ, không để thiên hạ phụ lại tôi.

Khía cạnh đạo đức, tính cách của Mao bị lớp lớp hào quang hư ảo bao bọc, bị hoa tươi, cờ đỏ và những lời tụng ca nhấn chìm. Thậm chí, ông ta say sưa, mê hoặc với những vầng hào quang và lời tụng ca đó, tự nhận là sáng suốt vĩ đại, đúng đắn, vinh quang. Mao Trạch Đông là Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc là Mao Trạch Đông.

Vào lúc này, ở ga xe lửa huyện Từ Thủy trên bình nguyên Hoa Bắc Mao đang tựa lưng vào ghế mây, cau mày quắc mắt, buồn chán, bị bệnh tư tưởng của đám phàm phu tục tử. Bỗng, Trương Dục Phượng mặc bộ đồ đồng phục của công nhân đường sắt, xuất hiện trước mắt Mao. Mao ngỡ mình đang nằm mơ.

- Thưa Chủ tịch, cháu đã đến.

- Phượng à? Cô là Phượng à?

- Vâng, cháu là Phượng… Ở Cáp Nhĩ Tân cháu đã cảm thấy, là Chủ tịch gọi…

- Trời ơi, cô đến bằng cách nào? Trời thả cô gái này xuống với tôi.

- Trước lúc trời sáng, một chuyến máy bay đưa cháu đến Bắc Kinh, rồi một chiếc ô tô đưa đến với Chủ tịch.

Mắt Mao sáng lên, tim đập mạnh. Giọng nói Tương Đàm của Mao khiến hàng triệu người sợ khiếp vía, lúc này lại run run.

Trương Dục Phượng đã là một phụ nữ. Cô không biết Tư Mã Tương Như là người thế nào, nhưng cô hiểu lãnh tụ vĩ đại là một con người, là một người đàn ông to béo. Cô hiểu nhu cầu khẩn cấp của đàn ông, có thể gọi là “cuống lên như khỉ”. Được phục vụ “lãnh tụ vĩ đại”, thỏa mãn cứu tinh, là một niềm hạnh phúc to lớn của Trương Dục Phượng, một người con gái của giai cấp công nhân. Thử nghĩ, lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước, đại cứu tinh của nhân dân, ông ta đòi hỏi gái đẹp như thế nào? Gái đẹp ở đời này liệu có ai không muốn đến bên ông ta?. Bản thân không phải là người đẹp, nhưng lãnh tụ vĩ đại đã chọn, xuất thân tốt, tư tưởng lành mạnh, đứng đắn. Nhưng dưới trời này có rất nhiều cô gái có đủ những tiêu chí ấy, chỉ sợ duyên phận kiếp trước. Mao không như các bậc vua chúa thời xưa, ông ta thích con gái xuất thân công nhân… Hơn nữa, Chủ tịch của chúng ta thật tuyệt vời, ông vừa làm việc vừa lấy chúng ta ra làm niềm vui, nói những là đàn ông béo mập nặng nề, khiến người khác không chịu nổi…nào là sách nào nói những gì… Trương Dục Phượng chỉ biết đùa vui với Mao, không nghe rõ ông ta nói gì. Nói ra cũng thật kì lạ, trước mặt Chủ tịch mà Trương Dục Phượng thật thoải mái, cũng không biết xấu hổ. Chủ tịch còn vui vẻ nói với cô, đàn ông là dương, đàn bà là âm, đàn ông là trời, đàn bà là đất, hỏi cô có muốn làm trời một lúc không, Mao để cho phụ nữ vùng lên… Rồi Chủ tịch mệt nhoài, toát mồ hôi, nằm bất động. Trương Dục Phượng lấy khăn lau cho Chủ tịch đang được thỏa mãn như chưa bao giờ được thỏa mãn như thế. Cô rất kính yêu và biết ơn Chủ tịch. Cô chỉ cảm thấy có lỗi với người đàn ông ở Cáp Nhĩ Tân chỉ biết hùng hục làm việc, không được hưởng thụ, đáng thương cho người đàn ông.

Hai tiếng đồng hồ sau, Mao trở nên tươi cười, mặt đầy sắc xuân. Mao về phòng làm việc, ấn chuông gọi người. Uông Đông Hưng vào, Mao chỉ thị:

- Mùa xuân tranh thủ từng ngày, mùa hạ tranh thủ từng giờ, lập tức triệu tập hội nghị, lập tức báo cho các đồng chí ở tỉnh, khu, huyện đến bàn công chuyện. Sáng mai chúng ta đi xem công xã trồng bông, lúa mạch…