Từ ngày 30/3 đến 25/4/1950, Chủ tịch Kim Nhật Thành mang bản kế hoạch chiến tranh sang Liên Xô để thuyết trình với Stalin. Nguyên soái Stalin chấp nhận, hứa giúp đỡ vũ khí và cố vấn quân sự nhưng nhấn mạnh nếu Mỹ can thiệp, Liên Xô không thể ra mặt tham chiến, do đó Bắc Triều Tiên phải dựa vào Trung Quốc. Tính toán của ông Stalin là cho cả Mỹ và Trung Quốc sa lầy ở Triều Tiên, còn Nga sẽ làm “ngư ông đắc lợi”. Ông Stalin muốn dùng một mũi tên bắn hai con chim: Mỹ sẽ bị sa lầy, còn Trung Quốc thì bị kiềm giữ, phải phụ thuộc vào Liên Xô.
Trước đó, tháng 7/1949, Lưu Thiếu Kỳ bí mật đến Liên Xô và được Nguyên soái Stalin chỉ thị Trung Quốc cần giúp đỡ phong trào cách mạng quốc tế, gánh vác trách nhiệm đối với cách mạng các nước châu Á.
Theo các ý kiến phân tích thì Stalin lo sợ rằng Mao Trạch Đông sẽ trở thành một “Tito phương Đông” và thoát khỏi sự kiềm toả của mình. Do đó, Stalin muốn Trung Quốc mắc bẫy chiến tranh và sẽ cần đến viện trợ của Nga. Cách mà Stalin xử sự với Trung Quốc ngày đó cũng giống như cách mà Trung Quốc xử sự với Bắc Triều Tiên bây giờ: phải yếu để phụ thuộc vào mình.
Quay lại với chuyện nêu ở trên, lúc đó Mao Trạch Đông đã rất hãnh diện với sứ mệnh lịch sử này vì cho rằng đây là con đường đẩy chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” lên cao hơn: lấy nông thôn thế giới bao vây thành thị thế giới, cuối cùng bóp nghẹt châu Âu và tiêu diệt nước Mỹ tư bản chủ nghĩa. Do đó, ông Mao Trạch Đông đã nhận lời với Nguyên soái Stalin trên nguyên tắc.
Từ ngày 13-15/5/1950, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã bí mật sang Bắc Kinh hội đàm với Mao Trạch Đông để thuyết trình kế hoạch hành quân chi tiết và những gì cần Trung Quốc giúp đỡ. Tại đây, ông Mao Trạch Đông tuyên bố Trung Quốc muốn giúp giải quyết vấn đề Đài Loan trước rồi mới giúp Bắc Triều Tiên sau. Tuy nhiên, vì nghĩa vụ của mình và sự phân công của Stalin, Trung Quốc sẽ giúp đỡ Bắc Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh nếu Mỹ can thiệp thì Trung Quốc sẽ xuất quân.
Rạng sáng 25/6/1950, quân Bắc Triều Tiên bất thần tấn công và thọc sâu về phía Nam với ưu thế hơn hẳn quân đội Hàn Quốc và chỉ sau ba ngày, quân đội Bắc Triều Tiên đã chiếm thủ đô Xơun của Hàn Quốc. Quân đội Bắc Triều Tiên tiến về phái Nam với thế chẻ tre và chỉ trong hai tháng đã tràn ngập phần lớn lãnh thổ Hàn Quốc. Lực lượng Mỹ, Hàn Quốc và liên quân của Liên hợp quốc phải co cụm lại tại bán đảo Pusan trên vĩ tuyến 35 và tổ chức trận tuyến phòng thủ tại đây.
Đến lúc đó thì Stalin lại có một tính toán sai lầm khi tẩy chay Liên hợp quốc, phản đối rằng chiếc ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) phải được chuyển sang cho Trung Quốc. Vì Stalin tẩy chay, không cử đại diện tham dự các cuộc họp của Hội đồng Bảo an nên Mỹ đã lợi dụng cơ hội này để thông qua nghị quyết thành lập lực lượng liên quân vào ngày 7/7/1950. Như vậy, bên cạnh quân đội Mỹ còn có thêm 39.000 quân của 15 nước khác và tất cả đều nằm dưới quyền chỉ huy của Đại tướng McArthur, thuộc quân đội Mỹ.
Ngày 15/8/1950, Chủ tịch Kim Nhật Thành ra lệnh phải “giải phóng hoàn toàn” Hàn Quốc trong tháng Tám, tuy nhiên lúc này quân đội Bắc Triều Tiên đang rơi vào tình thế nguy cấp. Do tiến sâu hơn nên họ gặp khó khăn về tiếp liệu, trong khi quân đội đã mệt mỏi cùng với số thương vong cũng khá cao do chiến thuật “biển người” nên không thể vượt qua được phòng tuyến Pusan.
Trước đó, kể từ tháng 7/1950, Mao Trạch Đông đã ba lần nhắc nhở Kim Nhật Thành phải quan tâm đến hậu phương, bảo vệ đường giao thông, đề phòng Mỹ đổ bộ vào Incheon. Nhưng do Kim Nhật Thành lúc đó đang háo thắng nên đã không điều chỉnh chiến lược tốc chiến tốc thắng.
Đúng như ông Mao Trạch Đông đã lo ngại, ngày 15/9/1950, Tướng Arthur cho quân đổ bộ cắt đường tiếp tế của đối phương. Chiến dịch này khiến tám sư đoàn chủ lực của Bắc Triều Tiên bị cô lập ở phòng tuyến Pusan. Ngày 1/10, các đơn vị này liều chết mở vòng vây để rút về phía Bắc vĩ tuyến 38 thì bị thiệt hại nặng nề với con số thương vong không dưới 58.000 người.
Trong khi đó thì quân đội liên quân tiến sâu về phía Bắc và ngày 19/10 Chính phủ Bắc Triều Tiên đã rút khỏi thủ đô Bình Nhưỡng. Kim Nhật Thành và trung ương đảng rút về cố thủ tại sát biên giới phía Bắc, chỉ cách Trung Quốc 50km.
Trích bài copy từ Basam.info