Vài lời về Nhà Thơ Lê Hường: Quê Dạ Trạch- Khoái Châu – Hưng Yên.Tốt nghiệp khóa 3 Trường Viết Văn Hội Nhà Văn Việt Nam. Hôi viên Hội Nhà Văn Việt Nam-Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam. Nguyên Chủ Tịch Hội VHNT Quảng Ninh.TBT báo Hạ Long. Nay đã nghỉ hưu. Đã xuất bản : Về Văn : Những Cây sao đen- Mùa Cây nẩy lộc- Ngọn đèn trước gió. Về Thơ : Đêm trăng mùa quả chín- Sương nắng- Gõ cửa nhân gian- Nhịp đập trái tim- Rượu chát. Có thơ in trong nhiều tập thơ Quốc gia- Được nhận một số giải thưởng Văn Học ở Trung Ương và Địa phương.
* Vừa ăn cơm xong, đang đi đổ bã chè để pha ấm chè mới thì cô bưu tá táp xe vào đưa cho gói bưu phẩm do Nhà Thơ Lê Hường gửi cho, mở ra đó là tập thơ “Rượu Chát” ( do NXB Thanh Niên ấn hành tháng 10-2011). Xin mở ngoặc một tý chút ở đây : Tôi và nhà thơ Lê Hường vốn quen biết nhau từ thập kỉ 60 của thế kỷ trước, nghĩa là cách đây gần 50 năm. Hồi đó cả hai chúng tôi đều là cộng tác viên của Báo Lao động – Hồi đó người ta gọi chúng tôi là Thông Tín Viên (TTV), được triệu tập về Hà Nội 3 tháng để bồi dưỡn về viết tin viết báo. Ông sau này theo con đường Văn Nghiệp, còn tôi là cán bộ quản lý ngành than, tuy khác ngành nghề với nhau nhưng vẫn giữ được mối quan hệ thân hữu, những khi gặp nhau ông đều hỏi tôi về chuyện viết lách và luôn cổ súy tôi viết đi cho vui..
Ngay ở đầu sách ,ông đã có thông điệp đến với mọi người : “ Tình yêu như chén rượu đầy/ ngọt ngào còn lẫn đắng cay phận người...”. Ở cuối sách ông cũng đưa ra một triết lý : “ Tình yêu không có tuổi/ Không phân chia nghèo giầu/ một ánh nhìn nóng hổi / là duyên thầm trao nhau...”
Theo sự suy nghĩ của tôi ông đặt tên cho tập thơ của mình là “Rượu chát” là có dụng ý, ngoài việc để ám chỉ một sự “chua chát”, “nỗi đau”, “nỗi buồn” da diết của tình yêu lứa đôi, còn mang một hàm ý nữa là để mời gọi mọi người hãy thưởng thức, hãy yêu hết mình bằng cách hưởng thụ rượu chát để thấy cái hương cái vị khó tả của tình yêu! Ai cũng biết đây là một loại rượu đang hợp “gu” với mọi tâng lớp . Vì nó không quá nặng “đô” làm cho người ta khó chịu nóng mắt, nhưng nó cũng không quá nhẹ để trở thành một sự vô vị “nhạt như nước ốc!”, nó vừa đủ để ta nhâm nhí thưởng ngoạn một cách tử tế lịch lãm đích thực giúp ta phấn khích tỉnh táo để nhận ra cái “chát đắng”, cái “Sầu dâng” trong mỗi con người khi bước vào lĩnh vực tình ái phiêu diêu...
Toàn bộ tập thơ của ông gồm 63 bài, được sắp xếp dàn trải trên 120 trang sách, có sự tính toán cân nhắc theo một trình tự nhất định hài hòa và hợp lý. Cả tập thơ của ông nói về tình yêu là đúng rồi. Tôi nể phục ông đã có sự tìm tòi để “giật” những cái “tit” thật khêu gợi “Tình” : “Bóng tình” (trang 35); “Người thơ đa tình” (trang 49); “Người tình yêu dấu” (trang 79); “Mắt tình” ( trang 94); “Rượu tình” (trang 95); “Tình biển” ( trang 115)...đọc lên đều thấy cái bóng lung linh của ông . Đọc thơ ông ta có thể liên tưởng đến những âm thanh kỳ diệu của tiếng ngân nga dài ngắn theo cảm xúc yêu đương, sự ngắt câu xuống dòng trong thơ ông đã đem đến cảm hứng cho người đọc một cách tự nhiên : “Bên sông/ thơ thẩn/ một mình/ lòng nghe cuộn sóng bóng tình quặn đau”. Hoặc: “ Người thơ đa tình/ tương tư ánh trăng bông hoa ngọn cỏ/ tương tư mắt em lời vàng chưa ngỏ/ rượu ngọt từng trang từng trang”. Cũng có khi : “ Giọt giọt/ nước mắt em/ đẫm ướt thời con gái/ đợi người tình/ ngoài mặt trận trở về”. “Gặp em/ óng ánh mắt tình/ bỗng dưng/mình lại thấy mình trẻ ra”. Hoặc : “Đường đời/ xa chốn bon chen/ đêm mơ /lòng chợt say men/rượu tình”. Và đây nữa : “ Biển chiều mênh mông/ mặn mòi con sóng/ môi hôn khát bỏng/tình người mênh mông”...
Đọc 63 bài thơ tình của ông tôi cảm nhận được ông là con người luôn được thuận buốm suôi gió, có nhiều may mắn trong tình yêu...mà cuộc sống thường nhật vẫn chỉ đích danh là “có số đào hoa!”. Tôi có linh cảm ông được nhiều hơn mất, dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào, không gian ra sao...ông luôn tỉnh táo, có con mắt tinh đời để nhìn nhận và thưởng thức cái lấp lánh lung linh riêng có của tình yêu đôi lứa(Chiều Mưa). Ông nhạy cảm rung động và chủ đông hòa quyện đến với tình yêu ( Duyên thầm). Ông đã cân nhắc tìm tòi để lựa chọn ra những mỹ từ, vị từ thật gợi cảm : “tơ trời”, “tơ lòng”, “ngọt ngào”, “mật ngọt”...Trong 63 bài thơ có có tới 24 bài thơ vào loại ngắn, có bài thơ chỉ có 6-7 dòng, mỗi dòng chỉ có 2-3 chữ . Người đọc đã tự tìm ra cách đọc của riêng mình để rung cảm lòng mình cùng thơ . Xin lấy ví dụ : “ Phải lòng cây/Phải lòng hoa/ phải lòng em/ xóm làng xa...nên gần/ (Phải lòng). Hoặc : “Em đi/ về phía cơn mưa/tôi quay lại phía nắng/ vừa hừng lên/ ( Tại Trời). Và đây nữa : “Chợt nghe/tiếng gió ngoài hiên/ mơ màng lại ngỡ là em gọi mình/” (Thương thầm).
“Rượu chát” có thể nói là tập thơ tự sự về tình yêu của ông. Thơ của ông cũng đôi khi thấy có nét buồn, nhưng chỉ buồn một cách thoáng qua thôi, buồn vì phải xa nhau thôi : “Một mình/ thức với ngọn đèn/em xa/ bầu rượu nắm nem cũng buồn” Hoặc : “ Em ngồi đếm bạc đếm vàng/ tôi đi nhặt chữ lang thang cõi người”. Cũng cái buồn vì nuối tiếc vì thời gian đi nhanh quá : “ Đời người như giấc chiêm bao/ mải lo cơm áo/ hanh hao một thời/ ngộ ra thì bạc tóc rồi/năm canh nghĩ ngợi rối bời thương em/”v.v.., và v, v....
Trong “Rượu chát” người ta còn nhận thấy ở ông một tình vị tha, ông đã trải lòng mình với Xuân Diệu : “ Ngọn bút thơ/ khi nhạt bóng hoàng hôn/ vẩn rạo rực/nồng nàn/ thao thiết/ Yêu để quên nỗi riêng thua thiệt/ cả đời người chưa thỏa cơn mơ...” (Khát khao- Nhớ Xuân Diệu). Nhưng ông cũng biết phấn chấn : “Nhịp tim lúc nào cũng đập cháy bỏng/ bạn tôi vắt kiệt mình/ chắt ra những câu thơ gan ruột/...người thơ đa tình/tương tư ánh trăng bông hoa ngọn cỏ/tương tư mắt em lời vàng chưa ngỏ/rượu ngọt từng trang từng trang ( Người thơ đa tình –tăng Triệu Nguyễn).
Nhưng sòng phẳng mà nói, trái tim nhà thơ cũng đôi lúc lỡ nhịp đấy chứ! Khổ thơ : “Tiếng gọi” đã minh chưng cho điều đó : “ Gọi nhà : cửa đóng then cài/ Gọi giời : lác đác rơi vài hạt mưa/ Gọi em : không một tiếng thưa/ Gọi đò : đám rước râu vừa qua sông. Và đây nữa : “Tự dưng: lòng chợt vấn vương/ Mở đài : ngỡ tiếng quê hương gọi mình/ Bao năm nặng nghĩa nặng tình/ Đêm mơ : lại gặp người xinh hẹn hò”.. Đi sâu một chút trong thơ ông cũng có sự gờn gợn hoài nghi cảnh giác đấy chứ tuy chỉ là mong manh : “chợt nghe/ xao xác tiếng gà/ vừa hoe hoe nắng/ đã òa òa mưa/ cuối mùa mà lạ lùng chưa/ như em / chợt giận khi vừa vui xong...”
Lần nay được hưởng hương vị “Rượu chát “ của ông tôi càng hiểu ông hơn, một con người thủy chung với tình yêu với bạn bè, sống có nội tâm, đằm tính, kiệm lời. Những bài thơ trong “ Rượu chát” đều nói lên điều ấy. Sau đây tôi xin giới thiệu 5 bài thơ tình của ông mà tôi thích :
1- BÓNG TÌNH :
Dòng sông
bên lở bên bồi
nơi nào
hai đưa đêm ngồi
ngày xưa?
Biết đâu
sớm nắng chiều mưa
mà gom gió
chiều nay xua
dáng hình...
Bên sông
thơ thẩn một mình
lòng nghe sóng cuộn bóng hình
quặn đau!
2- NGẨN NGƠ
Chao ơi
con mắt đưa tình
không siêu quan
cũng đổ đình
như chơi!
Hội làng
riêng một mình tôi
ngẩn ngơ
hết đứng lại ngồi
ngẩn ngơ...
Về nhà
đêm
tôi nằm mơ
cùng em đắm đuối
bên hồ sen thơm
đôi môi vừa thắm nụ hôn
giật mình
gà chợt gáy dồn...tan mơ !
Thế là
tiếc ngẩn tiếc ngơ
thế là
tôi lại nằm trơ
thế là...
3- KHAO KHÁT (nhớ Xuân Diệu)
Những nụ hôn
khao khát trên môi
bao đôi lứa
thơ ông cháy bỏng
yêu nông nổi
yêu cuồng si mê đắm
yêu đến tương tư
yêu hóa giận hờn...
Ngọn bút thơ
khi nhạt bóng hoàng hôn
vẩn rạo rực
nồng nàn
thao thiết
yêu để quên nỗi riêng thua thiệt
cả đời người chưa thỏa cơn mơ !
Bây giờ về với cõi hư vô
những câu chữ
bồng bềnh sương khói
những cuốn sách
bụi mờ trên giá
còn đắng cay gửi lại muôn sau...
Hồn thi nhân
phiêu bạt nơi đâu
hay ông hóa thân tình yêu nhân loại?
giở trang thơ lấp lánh huyền thoại
lòng rưng rưng
tôi kính cẩn cúi đầu...
4- LỜI YÊU
Chợt nghe
xao xác tiếng gà
vừa hoe hoe nắng
đã òa òa mưa
cuối mùa
mà lạ lùng chưa
như em
chợt giận khi vừa vui xong
Gió lùa
cái nóng ong ong
chuồn chuồn ớt
mải bay trong mưa rào
bất ngờ
nắng lại xôn xao
như em
cười nói ngọt ngào lời yêu
Mưa bao nhiêu
nắng bao nhiêu
thương nhau
nào kể chi nhiều
nắng
mưa...
5- TIẾNG GỌI
Gọi nhà
cửa đóng then cài
gọi giời
lác đác rơi vài hạt mưa
gọi em
không một tiếng thưa
gọi đò
đám rước râu vừa
qua sông
Tháng 12- 2011