Ấn tượng đầu tiên của tôi về lão Đậu Hạnh là mái tóc “bồng bềnh sóng” với tâm hồn lãng đãng sương khói.
Còn nhớ năm 90 - 91 gì đó, tôi gặp lão trong Hội thi GVG tỉnh tại quê hương cụ Nguyễn Du. Lão dạy Sinh vật mà say sưa văn chương thơ phú. Thế là chúng tôi quấn lấy nhau.
Năm 2003, được điều động về làm GĐ trung tâm GDTX Hương Sơn, cơ hội tôi được gặp lão nhiều hơn. Thỉnh thoảng tôi dúi cho lão dăm bài thơ mới viết, lão cũng dúi cho tôi một vài bài của lão…
Rồi cuộc đời như mây, như gió. Thời gian như ngựa. Bỗng chốc lão thông báo: “ Mình về hưu, ông ạ” (Tôi kém lão 3 tuổi, nhưng lão xưng hô ông, mình thân quen như rứa lâu rồi!) . Lão “thò” cho tôi tập thơ 20 bài bảo tôi đọc xem thử ra mần răng…
Tôi thì tôi biết, nhiều người sắp hạ cánh còn mưu này kế nọ, còn lão Giám đốc Trung tâm KTTHHNDN “ hữu danh, vô thực” hai có 5 không (có chức, có trường) (không quyền, không tiền, không học sinh, không ai quan tâm) này lấy thơ phú an ủi, làm cứu cánh cho tâm hồn đó thôi!
Bèn mở máy đọc. Đọc ngấu nghiến. Đọc một lèo. Đọc ngẫm nghĩ. Mà rung cảm…
Không rung cảm sao được, giữa thời buổi thương trường như chiến trường, đồng tiền lạnh tanh tráo trở làm băng giá tâm hồn, thì lão Hạnh này vẫn bay bỗng với sao băng, với suối tiên, mây trắng, ngàn lau, gió thổi, chim hót, hoa nở và lãng đãng sương khói bóng hình của mỹ nhân..với trái tim thổn thức!
Ở thời buổi học sinh quay lưng với KHXHNV, xem thơ phú là xa xỉ, mà lão Giám đốc này vẫn “đánh đu” với Nàng Thơ, đủ biết tâm hồn trong trẻo và Thánh thiện, đắm say cái Đẹp như thế nào rồi!
Ngẫm câu nói của một sư huỵnh rằng mình thấy những tay nào mần lãnh đạo mà yêu văn học là một hồng phúc. Điều này không phải nói ngoa.
Cho nên tập thơ 20 bài của Lão gom nhặt in tặng bạn bè trước lúc về hưu tôi xem là gia sản độc đáo. Gia sản tâm hồn. Gia sản trái tim. Và ở khía cạnh này tôi thấy lão là triệu phú! Những vần thơ của Lão cứ tươi rói, không bạc tóc cứ thơ thới, vô tư không hưu trí bao giờ!
Mùa giáng sinh 2011
levanvy123@gmail.com