Chị tên là Đào Thị Nhị, quê xã Thiện tiến, huyện Phù Tiên, đồng hương Hưng yên với tôi. Mỗi tuần đôi ba lần, vào buổi sáng, chị đẩy chiếc xe đạp chở những chậu hoa cảnh, những gói phân lân, phân bò ghé qua khu cư xá của chúng tôi chào hàng, Chiếc xe của chị thuộc loại cà tàng, ghi đông xe được gá thêm những dóng gỗ, chắc hẳn để giúp chị đẩy xe lúc chở nặng. Phía sau yên xe đóng một chiếc cũi gỗ hai tầng, Tầng trên chất đầy những chiếc chậu sành, những chiếc giỏ đan đựng các loại cây cảnh. Tầng dưới đèo bòng những bọc phân lân, phân đạm, có khi đơn giản chỉ là đất trồng. Nhìn “ vườn cây” xum xuê hoa lá phía sau yên xe của chị, tôi tự hình dung ra lúc chị đang đạp xe trên đường, bỗng một luồng gió mạnh nổi lên hoặc một chiếc xe công-tơ-nơ kềnh càng vụt qua, không hiểu chị chống đỡ ra sao để chiếc xe khỏi đổ lăn kềnh trên đường phố ken đặc ô tô, xe máy?
Ghé vào cư xá chúng tôi bán được vài chậu cảnh, vài bao phân hoặc không bán được, chị Nhị cũng đã trở thành người quen biết với chúng tôi. Một năm đôi lần chị trở ra Bắc vì giỗ chạp hay ông bố chồng, bà mẹ ruột đau yếu, khi chiếc xe bán cây cảnh xuất hiện trở lại, bà con trong cư xá đều ríu ran thăm hỏi chị. Theo ước tính của chị Nhị, ở Sài gòn này có tới vài trăm chị em gốc Bắc, vì ở quê ít ruộng, không tìm ra việc làm đành để chồng con ở nhà, vào đây kiếm ăn bằng nghề bán cây cảnh như chị…
Sáng nay, vừa ậm ạch đẩy chiếc xe đạp chở cây cảnh qua hai cánh cổng cư xá, tóc tai còn bơ phờ, lưng áo thẫm ướt mồ hôi vì một chặng đường xa, nhìn thấy chúng tôi chị Nhị đã reo lên:
-Các ông, các bà ơi, thằng Khởi nhà em nó đậu cả hai trường Đại học Nông nghiệp và Đại học An ninh rồi !
Dựng chiếc xe cây cảnh ở một góc, quên cả việc chào mời bán cây như mọi sang, chị Nhị kể líu tíu, như không kịp thở, như muốn trút hết nỗi hoan hỉ, sung sướng trong lòng:
-..hôm cháu khám sức khỏe, rồi tới hôm cháu nộp đơn, ở tít tận trong này em lo như cháy nhà. Con mình từ lớp 1 đến lớp 12 năm nào cũng lên lớp, cũng nhận giấy khen, đi thi em tin nó phải đậu chứ! Mà sao mọi thủ tục nhập thi cứ vòng vèo, quẩn quanh thế nào ấy. Gọi điện nhiều lần thì quá tốn kém. Không gọi thì cứ mù mịt, không hiểu giăng đèn ra sao.Ông nội cháu đi bộ đội, bố cháu đi bộ đội, cái lý lịch đỏ lừ thế còn gì? Nhưng mình là dân nhà quê thấp cổ bé miệng. Có khối con ông to bà lớn học dốt như bò, nhưng họ rung rúc tiền, nhiều chỗ quen biết để nhờ vả, làm sao mình chen vai thích cánh được? Sơ sểnh là toi liền! Em mới “phôn” cho nhà em một câu như thế này: “ Ông phải nâng cao cảnh giác cách mạng, nghe chưa? Dò thấy thằng nào, con nào âm mưu gạt đơn của thằng Khởi, ông cứ gọi tên chỉ mặt chúng cho tôi, tôi bay ra liền và quyết thí mạng đấy!”
Có ai đó xen vào:
-Có thằng con giỏi giang như vậy cũng bõ công bà mẹ vất vả, tảo tần, thôi đi bán hàng đi kẻo hoa táp héo hết cả kia kìa!
Chị Nhị đâu đã chịu đẩy chiếc xe chở cây cảnh đi. Chị vẫn đứng đấy với câu chuyện không dứt:
-Té ra không mất đồng tiền cắc bạc nào các ông, các bà à! Mà ví như phải đút lót, chạy chọt chỗ này chỗ kia vợ chồng em đâu kiếm ra tiền. Bác nào vừa hỏi, cháu có học tư, học thêm không à? Chuyện trời sập! Bói đâu ra ,tiền? Em thì ở tít mít trong này, chồng em tối mặt vì mấy sào ruộng, vừa rảnh tay liền theo anh theo em đi làm phu hồ kiếm thêm tiền. Ngay tới cô thày chủ nhiệm của cháu là ai, vợ chồng em nào có biết tên, biết mặt?.Âu cũng là ở hiền gặp lành, đức phật ban phúc…
- Có biết điểm thi của thằng con ra sao không?
- Ông anh bà con của cháu Khởi gọi điện vào báo tin, một trường cháu đạt 21điểm rưỡi; trường kia đạt 23 điểm rưỡi. Thế là đỗ cao hay thấp hở, các ông các bà? Hỏi thằng Khởi, nó chỉ ậm ừ. Từ bé cháu không thích khoe khoang điều gì. Tôi khuyên cháu vào học Trường An ninh các ông các bà ạ, Vì trường này nuôi cơm, cấp quần áo mặc cho cháu suốt cả 4 năm. Vợ chồng tôi bớt gánh lo cháu ăn học.
Chị Nhị vào Sài gòn sinh nhai từ năm 2004. Chị nói 6, 7 năm đầu chị không dám về quê, ngay cả khi có giỗ chạp hoặc dịp năm hết tết đến. Vài năm trở lại đây, khấm khá hơn, chị mới dám ngược Bắc thăm chồng thăm con. Ra bến xe, bến tầu, chị cứ hỏi xe nào, tầu nào giá vé rẻ nhất thì chị mua. Đi xe, đi tầu chị mắc chứng nôn nao, chóng mặt. Thành thử mỗi chuyến về quê rồi trở vào Sài gòn, bước lên bàn cân chị đều sụt tới 4 ký thịt. Một vắt cơm, một gói vừng lạc hoặc hũ cà muối mặn, một can nước nuôi chị 40 giờ trên đường. Được nhìn thấy quê hương, được gặp mặt chồng con sau một năm xa cách, chị Nhị không mong gì hơn thế…
Chị Nhị thuê nhà trọ mãi tận cầu An sương, Quận 12. Khoảng 4 giờ sáng đã phải thức dạy đạp xe cây cảnh vào trung tâm thành phố, quãng đường cũng tới 20 cây số. Khách gọi mang cây cảnh tới quận 7, quận 9, chị Nhị cũng nhận lời ngay. Thì phải lọ mọ đi từ 3 giờ sáng. Xế trưa, bán vơi gánh hàng, nếu có ai thuê bửa củi, rửa bát, lau nhà chị xăm sắn, vui vẻ nhận làm luôn để kiếm thêm chục ngàn. Tận đến sẩm tối chị Nhị mới về qua vựa cây cảnh lấy hàng cho ngày hôm sau.
Chúng tôi không hỏi, nhưng đều biết sớm nay người mẹ nghèo, lam lũ, tất bật này đã được cậu con trai tặng một phần thưởng mà không khoản tiền bạc nào, hoặc sâm nhung quê phụ nào giúp chị Nhị khỏe ra, tiêu tan mọi âu lo, săng sái hơn trong công việc mưu sinh nơi xa quê.
Vào những ngày này đọc báo, xem tivi chúng ta xúc động biết bao khi biết tin nhiều cháu học sinh con nhà nghèo cơm không đủ no, cày cuốc ra đồng phụ cha; quang gánh mẹt bánh, nồi chè nơi vỉa hè, góc chợ giúp mẹ bỗng nhiên trở thành thủ khoa trong kỳ thi vào các trường đại học. Cuộc sống chật vật, kham khổ đời thường đã rèn luyện ý chí, nghị lực và tình yêu sách đèn cho các cháu. Tin rằng các cháu sẽ trở thành những mầm đọt tốt lành, hữu ích của quê hương, xứ sở trong tương lai.
Bỗng thầm ao ước, giá như ông Tổng Bí thư Đảng, ông Chủ tịch nước tìm được thứ quyền uy gì đó ( mà không cần đến sự bàn bạc, biểu quyết của tập thể ), để ký xoẹt tờ lệnh thưởng cho các chàng trai, các cô gái con nhà nghèo vừa đỗ thủ khoa kia một khoản học bổng vài chục ngàn đô-la, giúp cho các cháu bay ngay sang du học tại các giảng đường khoa học nghiêm túc bên Anh, bên Pháp, bên Mỹ…Chắc chắn bàn dân thiên hạ sẽ vỗ tay tán thưởng rần rần vị lãnh đạo nào có bản lĩnh và tính quyết đoán như thế!
Vì khoản tiền vài trăm ngàn đôla thưởng cho mấy cháu như vậy hỏi có thấm tháp gì so với khoản ngân sách nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, do hối lộ hoặc chi phí phạng cho các lễ lạp, nghinh tiếp,tiệc tùng đầy phô trương, rỗng tuếch mà cũng vô cùng tốn kém diễn ra hàng năm..
Ghi chú ảnh:
Chị Đào Thị Nhị, người bán cây cảnh rạo, có con đậu vào hai trường đại học.