Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẾT SLIP SLI ĂN THỊT VỊT

Y Phương
Thứ bẩy ngày 13 tháng 8 năm 2011 5:07 AM
 
Tết Slip Sli - Rằm tháng Bảy - là cái tết nhỡ. Nó chỉ đứng sau tết Nguyên đán về quy mô và nghi thức. Người Tày Nùng tổ chức ăn tết Slip Sli từ sáng sớm ngày 13, đến trưa ngày 15 tháng Bảy. Những ngày này, con cháu về tụ họp ăn cỗ tết bánh gai thịt vịt với ông bà.

Các cán bộ công nhân viên, làm việc trong cơ quan nhà nước, không có chế độ nghỉ tết Rằm tháng Bảy. Nhưng họ vẫn tranh thủ vài ba tiếng ngoài gìơ hành chính, để về quê thắp hương cho tổ tiên. Uống với anh em họ hàng vài ba chén rượu. Còn các chàng rể phải sắm đôi vịt béo để mang đến nhà, biếu ông bà ngoại. Gọi là “pây tái”. Đi lễ bố mẹ vợ.

Khi gần đến đầu làng, các chàng rể chọc cho con vịt kêu cạp cạp. Báo cho mọi người biết con rể đã tới. Đến ngày này, mà không thấy pỏ khươi con rể, sẽ bị họ hàng bên ngoại chê trách. Tất nhiên pỏ khươi ngày nay lại càng phải bày biện lễ lạt to hơn, đằm tay hơn. Chàng rể nào cũng ăn nên làm ra. Có người học hành công tác tiến bộ, họ đã trưởng thành. Có nhiều người làm đến chức ông nọ ông kia. Có người là chủ doanh nghiệp, xe con đưa về tận nhà. Thế mà lại quên lễ những người có công sinh thành,  nuôi dạy vợ mình, cũng tự thấy mặt ngắn tai dài.

Theo dân gian Tày Nùng truyền lại, đây chính là cái tết tưởng nhớ những chiến binh, đã bỏ mình để bảo vệ sự yên bình cho nhân dân các dân tộc vùng biên ải. Ở đầu thế kỷ XI, dưới thời trị vì của thủ lĩnh trẻ Nùng Trí Cao.

Vào năm 1052, trong một trận huyết chiến với quân địch ở Tổng Quỷ. Nùng Trí Cao bị trọng thương và anh dũng hy sinh. Kể từ đấy, nhân dân xem đây là người anh hùng kiệt xuất của dân tộc Tày Nùng. Đền thờ ông hiện nay ở Bản Ngần, cách thị xã Cao Bằng 3 cây số về phía Bắc. Có thể nói, đây là ngày đại lễ. Nhân dân các dân tộc kính cẩn nghiêng mình, trước những người anh hùng dân tộc, đã chiến đấu hy sinh chống quân xâm lược .
Theo chỗ chúng tôi được biết, đó cũng là ngày lễ Xóa tội vong nhân của người Việt. Lại trùng khớp với ngày lễ Vu lan của nhà Phật.

Xóa tội vong nhân, là tha tội cho tất cả những người đã chết. Người Việt cho rằng: Đây là lễ cúng cho những linh hồn đang ngày đêm vật vờ lang thang, nơi đầu đường xó chợ, không còn người thân ở nơi trần gian phụng thờ. Hoặc những linh hồn oan khiên vất vưởng nào đó.

Còn lễ Vu lan xuất phát từ tích chuyện Bồ Tát Mục Kiều Liên. Ngài  xuống tận âm ty để tìm mẹ. Mẹ là Thanh Đề, vì tội buôn thần bán thánh, nên phải chịu cực hình. Tình mẫu tử của Mục Kiều Liên thật vô cùng cảm động. Sự việc này, đánh rung đến tận trời cao. Và linh hồn của người mẹ, được nhà trời giải thoát khỏi âm ty, địa ngục trầm luân vạn kiếp.

Tết Rằm tháng Bảy,người dân quê tôi thường làm pẻng tải. Như bánh gai Hải Dương cuả người Kinh. Nhưng hình bánh dẹt và dính cặp đôi . Bánh đồ xong, mang ngay để cúng tổ tiên. Phần lớn còn lại đem treo lên sào trúc. Hai chiếc đính thành một cặp. Mỗi sào treo vài chục cặp bánh. Mang đem ra phơi gió sương ở ngoài hiên nhà. Gọi pẻng tải nghĩa của tiếng Tày Nùng là bánh đeo. Sở dĩ gọi là bánh đeo, vì đây là thứ lương khô, dành cho những chiến binh mang theo bên người để đi đánh giặc.

Nhà ít cũng dăm ba sào bánh pẻng tải. Họ treo như thế cả tháng. Ai muốn cứ thế gỡ xuống bóc ăn. Ai đi rừng đi nương, nhớ mang theo vài cặp, phòng khi bị đói. Người dân quê tôi làm bánh bằng nhiều thứ lá cây cỏ pha lẫn. Không chỉ đơn thuần một vị lá gai. Vì thế bánh gai của người Tày Nùng giữ được lâu, vẫn mềm bánh mà không bị mốc hỏng.  

Ngoài bánh gai, tết rằm tháng Bảy chúng tôi còn mổ vịt. “Bươn chêt kin nựa pết” nghĩa là tháng Bảy ăn thịt vịt. Chọn những con vịt béo nhất đàn. Một con dành để cúng tổ tiên.Một con cúng hồn ruộng lúa. Một con cúng vía trâu bò. Một con dành hẳn cho trẻ chăn trâu, mang theo ra đồng cỏ. Đứa nào cũng phải ăn bằng hết. Nếu để thịt vịt thừa, hồn sẽ bắt trâu bị lở mồm long móng. Phần vịt để tiếp khách, thì cứ mỗi mâm ba chú. Một chú luộc. Một chú sáo măng. Một chú quay. Tiết canh hãm bằng rượu ngâm mật gấu. Bởi vậy, khách khứa cứ yên tâm dùng mà không sợ gì H5N1. Hơn nữa, dịch cúm gia cầm hầu như chưa bao giờ hỏi thăm đến vùng quê chúng tôi. Và còn điều này tôi cũng muốn khoe cùng các bạn. Người Tày Nùng có bí quyết riêng để phòng chống bệnh tật cho gia súc gia cầm. Từ xa xưa đã vậy. Họ chỉ dùng lá cây tua lình, một loại lá rừng mà loài khỉ rất thích ăn. Hái lá đem về lót ổ cho chúng nằm. Hơi từ lá cây tua lình bốc lên, là một thứ thuốc kháng khuẩn rất hiệu nghiệm.

Người Tày Nùng có thói quen nuôi vịt thả đồng, nhất là thời kỳ lúa đang sinh trưởng. Hầu như không ai nuôi gia cầm bằng cám công nghiệp. Nên thịt của nó chắc, ngọt và thơm tự nhiên. Mỗi lứa vịt không phải chăm nuôi đủ đến ba tháng tuổi mới cho xuất chuồng.

Vịt mổ xong, tẩm ướp đầy đủ gia vị, nhồi lá mác mật, phết một chút mật ong rừng lên ngoài da. Đem ra quay theo kiểu bí truyền của dân tộc. Tôi đảm bảo rằng, món thịt vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng đến thế, chưa chắc đã ngon, lạ miệng bằng vịt quay Cao Bằng. Điều này khách khứa du lịch cả nước khi lên thăm, họ đã chứng kiến. Khi các bạn thưởng thức món thịt vịt quay, tất thảy mọi người đều mắt tròn mắt dẹt, thừa nhận là đặc biệt ngon.

Nhớ hồi tôi còn ở nhà, mẹ tôi là người ham nuôi vịt. Mặc dù bà chưa hề một lần đụng đũa. Trên đời này mẹ tôi sợ nhất hai món: Thịt thủ với thịt vịt. Với bà, hai thứ đó có mùi riêng biệt, khó ngửi. Khiến cho bà không thể chịu đựng nổi mỗi khi dính phải. Nhưng mẹ tôi vẫn ham nuôi, bởi có mấy cái lợi. Vịt sục bùn làm cỏ cho lúa. Lúa tốt lên cũng một phần nhờ nó. Nuôi vịt không tốn nhiều thời gian công sức chăm sóc. Vịt chỉ ăn tôm cua ốc ếch. Nhờ mấy cái ăn có sẵn từ trong ruộng lúa, từ sông suối, nên đỡ hẳn khoản thức ăn chăm nuôi vịt. Hơn nữa, khi chúng ăn các loài sản sinh từ nước, chúng chóng lớn và chóng béo. Mỗi con vịt đều nặng từ ba cân rưỡi trở lên. Nếu mang ra chợ, vừa đặt gánh xuống đã có người đến hỏi mua. Thậm chí chỉ cần nhắn tin là thương lái đến tận nhà lùa vịt. 

Vào đúng ngày này, bên bờ suối người đông nhin nhít. Người râm ran làm lông vịt. Người ríu rít làm lòng. Cả một khúc suối vang lừng tiếng nói tiếng cười. Đâu cũng nghe toàn giọng đàn bà con gái. Áo quần, đầu tóc ai ai cũng dính tý chút lông vịt. Những đám lông lóong léeng bay như bướm. Chúng ham vui theo chân người, bay bay về bản.