Với dự án 3 tiểu thuyết liên tiếp, nhà văn Phùng Văn Khai đang dần “hiện thực hóa” lời tuyên bố của mình. Cuốn thứ 2 trong bộ 3 tiểu thuyết mà theo anh chúng “quyết định số phận của nhau” đã được hoàn thành với tên gọi “Hồ đồ”. Anh kỳ vọng “Hồ đồ” sẽ như tiếng chuông phản kháng trước cái ác của loài người.
Trước hết tôi chiều chuộng chính mình
Khi công bố tiểu thuyết đầu tay “Hư thực” anh đã nói về kế hoạch viết và in “Hồ đồ”, và nay là lúc anh “trả nợ” đúng hẹn cho phát ngôn đó. Có vẻ như viết với Phùng Văn Khai là một lộ trình được vạch sẵn?
- Viết là một công việc hàng ngày với tôi. Tôi nghĩ, các nhà văn lứa chúng tôi đang hàng ngày cày xới để có các trang văn. Ngay khi đặt dấu chấm hết của Hư thực, chỉ ít tuần tôi đã bắt tay triển khai Hồ đồ. Viết khá ồ ạt trong khoảng bốn tháng. Nhưng phải hơn một năm sau, trong gần một tháng ở trại viết Quy Nhơn vừa rồi tôi mới hoàn thiện như bản in đến với độc giả. Thời gian ở Quy Nhơn ngoài việc hoàn thành vai trò của một thành viên Ban tổ chức trại sáng tác, còn lại tôi đều dành thời gian cho Hồ đồ. Mọi người ngạc nhiên thấy tôi như một gã tu sĩ. Không tắm biển. Không bia rượu. Không tụ bạ văn chương. Tôi nghĩ mình đang ở độ tuổi viết ào ạt nên không dám lãng phí thời gian.
Vậy đâu là chỗ cho những cảm hứng văn chương bất chợt ở anh?
- Viết văn cần hứng thú, thậm chí say viết và có nhưng cơn chữ nghĩa đổ bộ ào ạt từ ngòi bút. Không thể chờ đợi hoặc mong muốn, tin vào những cảm hứng bất chợt. Từ khi rời Truyền hình Quân đội, tôi đã tự đặt ra mục tiêu cho mình là phải viết liên tục, coi viết là một công việc hàng ngày. Tôi có ba việc chính: Đọc sách; viết sách và đi thực tế. Tôi khá độc lập, tự do và hạnh phúc theo nghĩa đen của cụm từ này. Chính điều đó cho phép tôi, thời gian tới sẽ chuẩn bị những gì đã viết và viết thoải mái hơn nữa.
Vấn đề tư tưởng cũng như ý nghĩa tiêu đề của tiểu thuyết thường được các tác giả “giấu” khá kỹ, nhưng với “Hồ đồ”, chỉ đọc chưa đến một phần ba người ta đã có thể đoán biết tác giả viết gì, vì sao đặt tên như vậy. Đây là một chủ định của anh?
- Mỗi cuốn sách được triển khai khác nhau là chuyện bình thường. Là người sáng tác, tôi cho rằng khi triển khai tác giả cảm thấy thoải mái là được. Tầm vóc tư tưởng và ý nghĩa của mỗi cuốn sách đôi khi không nằm ở chỗ được giấu kín đến cùng hay được phơi ra ngay từ đầu. Với Hồ đồ, tôi chọn lối viết hiện thực thông qua lăng kính của một số nhân vật. Văn chương phải là chưng cất từ đời sống. Thậm chí có thể bê nguyên xi các nhân vật có thực để đưa vào. Vấn đề quyết định là anh sắp đặt và thể hiện nó như thế nào. Tôi biết sức văn cũng như thế mạnh của tôi nên khi triển khai mỗi cuốn sách, tôi đều vận dụng khả năng tối đa của mình. Triển khai Hồ đồ theo hướng như bạn nói đương nhiên là một chủ định của tôi. Nhưng đó cũng là một chủ định mở, tùy nghi ở người đọc.
“Đánh bài ngửa” với độc giả như vậy, anh tin điều gì sẽ níu kéo họ đọc tiếp sách của mình đến trang cuối cùng?
- Về vấn đề đọc một cuốn sách, theo tôi, hiện nay đang là một vấn đề khó. Văn hóa đọc đang bị bủa vây. Hơn ai hết các nhà văn biết rõ điều này. Tôi rất sợ một cuốn sách mà chỉ mấy ông nhà văn đọc với nhau trong khi đó, nói các nhà văn đừng giận, tôi biết chắc, rất nhiều nhà văn rất ít đọc. Các tiểu thuyết của tôi, tôi biết là khó đọc. Tôi chủ trương điều đó nên vấn đề tiệm cận độc giả luôn khiến tôi day dứt. Nhưng trong các sáng tác, nhất là tiểu thuyết, trước hết tôi chiều chuộng chính mình. Tôi viết theo hiểu biết và hứng thú của tôi chứ tuyệt nhiên không đặt ra các vấn đề đề tài, thị hiếu, thị trường… Nên ai đó, có thể là rất đông không đọc sách của tôi, không đọc đến trang cuối cùng tôi cũng cho đó là điều bình thường, tùy ở họ.
“Hồ đồ” – Tiếng chuông phản kháng với cái ác của loài người
Sau “Hư thực” bạn đọc những tưởng anh sẽ tiếp tục đi theo mạch đại tự sự đào sâu vào mạch vô thức của thứ văn cảm giác, nhưng rồi thật bất ngờ khi tiểu thuyết thứ hai lại là một cuốn viết về hậu chiến với cách kể khá giản dị. Có phải với “Hồ đồ”, “viết về cái gì” đã quyết định đến việc “viết như thế nào”?
- Tôi đã cố gắng đổi giọng viết trong Hồ đồ. Khi viết, tâm sự với nhà văn Đào Bá Đoàn và cả hai đều nhất trí rằng giọng văn nhất định phải khác Hư thực. Tôi rất sợ sự giống nhau. Với Hồ đồ, thoạt tiên được viết rất kín. Khi ở Quy Nhơn, tôi đã phải đặt vào đấy vài trục dọc đẩy ra đời sống đương đại chứ không chỉ nằm trong ẩn ức như ban đầu. Hồ đồ thực chất là một hệ thống trục dọc, một số đường song song sắp đặt cạnh nhau. Có những khúc hoàn toàn là một truyện ngắn. Có những trục dọc hoàn toàn độc lập…
Anh ấp ủ viết về đề tài hậu chiến từ bao giờ?
- Bản thân tôi, gia đình tôi, họ hàng nhà tôi, dân làng tôi, rộng ra là dân tộc ta ngấm chiến tranh rất sâu, rất đớn đau dằn vặt. Chắc chắn tôi sẽ viết khoảng bốn năm cuốn về hậu chiến. Cuốn tiếp theo cũng sẽ như vậy. Với tôi, vấn đề hậu chiến là vấn đề lớn mà bản thân và lứa tuổi những người cầm bút như chúng tôi phải gánh vác. Nhân đây tôi rất mong muốn các bạn cầm bút đồng thời hãy cũng tôi viết về hậu chiến.
Những sự thật về các nạn nhân chất độc da cam trên thực tế rất kinh khủng và khốc liệt, đã gây ám ảnh mạnh mẽ trong đời sống, khi viết về họ anh có nghĩ cách “tiếp cận ảo” của “Hồ đồ” sẽ không lột tả hết?
- Vấn đề da cam là vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam. Trong quá trình tiến tới văn minh, loài người đã phạm phải những sai lầm rất ghê gớm mà vấn đề da cam là một trong số đó. Một cuốn sách của tôi cũng chỉ là một tiếng kêu thương. Phải có nhiều cuốn sách, phải nhiều loại hình nghệ thuật phơi bày và tố cáo tội ác này. Tôi mong muốn, trước hết là các nhà văn, hãy vào cuộc bằng tác phẩm. Đó cũng là cách ngăn chặn, hạn chế bớt những sai lầm ở thì tương lai của loài người.
Khi viết anh coi trọng câu chuyện sẽ kể hơn hay cách kể câu chuyện đó với bạn đọc hơn?
- Điều này có lẽ anh Nguyễn Bình Phương (nhà văn Nguyễn Bình Phương – pv) trả lời hay hơn tôi. Anh ấy đã trả lời bằng sáu tiểu thuyết đã in và một cuốn đang chưa in được. Với tôi thì tối cân bằng chúng. Tự bản năng tôi trong viết đã định hình điều này. Tôi sẽ suốt đời viết như thế.
Một quyết định “hồ đồ” trong đời sống có thể sẽ gây hậu quả khôn lường, nhưng một quyết định “hồ đồ” trong chiến tranh thì có thể sẽ ảnh hưởng đến thân phận, đến cuộc đời của rất nhiều người, thậm chí là chính người ra quyết định. Có còn điều gì hơn thế anh muốn nói trong “Hồ đồ”?
- Tôi muốn nói đến những “hồ đồ” tai hại mà loài người đã vô tình hoặc hữu ý đưa ra trong tiến trình đi tới văn minh. Một gạch đầu dòng thôi. Có những “hồ đồ” của con người phải cần đến hàng trăm cuốn sách lên tiếng về nó. Hồ đồ là một gạch đầu dòng, một viên gạch, một tiếng chuông phản kháng với cái ác của loài người.
Sống ồ ạt nhưng không dị biệt
Viết về đề tài chiến tranh theo anh khó nhất là điều gì?
- Tôi đã nhiều lần nói không phân chia đề tài. Viết về chiến tranh, hậu chiến hay bất cứ thời đoạn xã hội nào đều không dễ dàng. Viết văn hay, với bất kỳ ai, kể cả thiên tài cũng là điều khó. Ai đó cho rằng viết dễ lắm thì tác phẩm của người đó chắc chắn là vứt đi. Dù là ngày nào cũng viết nhưng tôi biết chắc chắn để có những trang văn hay, để mồ hôi không lãng phí quả là một điều muôn khó.
Lâu nay thấy anh ít viết truyện ngắn, có phải Phùng Văn Khai đã bước sang “giai đoạn của tiểu thuyết”?
- Đúng là đã viết tiểu thuyết rồi khó dứt ra để viết cái khác lắm. Cuốn này chưa xong, đã có cuốn khác lấp ló. Viết truyện ngắn cũng khó lắm đấy. Viết được như Sương Nguyệt Minh là rất khó. Tôi đang viết một tập truyện ngắn dã sử.
Trong giới văn chương thường có những nhận xét khá trái ngược nhau về Phùng Văn Khai, theo anh điều này là do đâu?
- Bạn hỏi về đời sống cá nhân chăng? Tôi là người sống ồ ạt nhưng không dị biệt. Tôi trân trọng toàn bộ những gì đã thể hiện ở đời sống của mình, kể cả những rơm rác của mình. Thực ra đã có lúc, cũng như viết, tôi sống khá bất chấp xung quanh. Có lẽ phải điều chỉnh đấy. Rồi tuổi tác và sự sợ hãi xung quanh sẽ uốn nắn tôi ấy mà.
Vậy đâu là khoảng cách giữa Phùng Văn Khai của “đời sống cá nhân” và Phùng Văn Khai văn chương thưa anh?
- Không có khoảng cách. Luôn luôn đồng nhất. Nhưng rất phức tạp đấy.
Khi ra mắt “Hư thực” anh đã nói về “Hồ đồ”, còn lần ra mắt “Hồ đồ” này anh sẽ nói về cuốn tiểu thuyết tiếp theo chứ?
- Hư thực, Hồ đồ và Thế giới khác nằm trong một bộ tiểu thuyết đã được lên kế hoạch của tôi. Chúng thậm chí liên quan mật thiết tới nhau, quyết định số phận nhau. Thế giới khác tôi sẽ viết về vấn đề di tản. Mấy trăm nghìn người Việt chôn vùi trong lòng biển khiến tôi đau xót vô cùng. Là người Việt Nam, trái tim tôi luôn rỉ máu. Là nhà văn Việt Nam, tôi phải viết về vấn đề này. Tuy nhiên, cuốn tôi đang viết lại là một tiểu thuyết lịch sử về vua Phùng Hưng. Việc này là dòng họ giao. Là hậu sinh, tôi phải chấp hành. Tôi cũng là một người ưa thích sử. Cuốn sách đang thuận đà và đã in ba chương liên tiếp trên tạp chí Văn Việt.
Dương Tử Thành thực hiện
Box:
Phùng Văn Khai sinh năm 1973. Quê ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Trưởng thành từ người lính ở đơn vị cơ sở. Tốt nghiệp Khóa VII Trường viết văn Nguyễn Du, nay là Khoa Lý luận – Sáng tác – Phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Đã in 5 tập truyện ngắn (Khúc dạo đầu của binh nhì, Đêm trăng thiêng, Hương đất nung, Những người đốt gạch, Truyện ngắn Phùng Văn Khai); 1 tập thơ (Lửa và hoa); 1 tập bút ký (Lẽ sống); 3 tập chân dung văn học (Lê Lựu như tôi biết; Tản mạn Nguyễn Bình Phương; Phác họa mấy chân dung văn học) và 2 tiểu thuyết (Hư thực; Hồ đồ).