Nhà thơ Hoàng Tháp tên khai sinh : Hoàng Văn Tháp. Sinh năm 1948 ở Hải Phòng. Trú quan Phường Bắc Sơn Thành phố Uông Bí Quảng Ninh. Hội viên Hội VHNT Quảng Ninh.Là Cán bộ quản lý ngành than. Đã nghỉ hưu. Các tác phẩm in chung : Ba người đến muộn- Thư tình bên sông xưa- Năm ngả đường thơ- Nói với thời gian. Thơ in riêng : Đêm mùa xuân-( Hội VHNT Quảng Ninh 2003 ) Bên bờ Sông Uông ( Nxb Lao động 2005). Miền quê yên tĩnh (Nxb Văn học 2010)
Tôi gặp lại nhà thơ Hoàng Tháp trong “Nói với thời gian”, một tập thơ trữ tình của 6 nhà thơ do NXB Hội Nhà Văn in. Thời gian vẫn trôi đi theo quy luật muôn đời của nó. Nhưng Hoàng Tháp đã biết cách níu kéo thời gian lại để cùng anh thể hiên cảm xúc dạt dào riêng tư về tình yêu. Đọc Hoàng Tháp hôm nay người ta vẫn cảm nhận anh là một hồn thơ trẻ trung, sung sức với lời thơ bình dị, không lên gân, nhưng vẫn đầy sâu lắng. Thơ anh toát lên một sự yêu thương mặn mà, sự tin yêu rạch ròi. Anh luôn có tâm hồn háo hức bao dung, độ lượng đối với thiên nhiên, đối với cuộc sống từ mảnh đất đến bầu trời, từ cái tổ ấm, ngôi nhà, đến con thuyền…khi anh tiếp cận gần gũi anh đều coi nó như một sinh linh biết nói, biết hành động, biết nghĩ suy. Anh đã nói về mùa xuân bằng sự cảm nhận riêng của anh : “Mặt đất không cô đơn/ Đón từng làn mưa mỏng/ Nghe cây non lay động/ Và lá xanh reo cười” (Mùa xuân). Anh vốn đa cảm, cả nghĩ, cuộc sống tuy không phải vào loại giầu sang phú quý nhưng cũng vào loại mùa đông có chăn bông lò sưởi, mùa hè có điều hóa, máy lạnh…Trong tâm khảm, anh vẫn giành một góc cho sự cô đơn, lẻ loi đang tồn tại ở đâu đó trên cuộc đời, anh tiếp nhận mùa xuân với sự hạnh phúc tràn đầy và biết ơn nhưng không phải không có nỗi niềm trăn trở suy tư : “Tôi thao thức không thể nào nhắm mắt/ Nghe tiếng trở mình những mầm non xẻ đất/…/Dưới đền mờ những em bé lang thang…Mùa xuân đến khi nào em không biết” (Đêm mùa xuân). Sự trăn trở của anh còn được thể hiện ở : “Cô gái trèo đò trên vịnh” vì cuộc sống đời thường, vì miếng cơm manh áo mà phải bươn trải một mất một còn trong mưa sa bão táp : “Bỗng sóng trùm lên nuốt cả con thuyền/ Cùng cô bé vùi sâu đáy biển/ Cô bé mất rồi không ai tìm đến/ Mưa gió tan, biển phẳng lặng vô tình”. Một sự vô tình mà day dứt làm sao! Đây nữa : “ Ngõ chợ ông già hành khất/ Câu xin chút vãi cơm thừa/…/ Từng hạt mưa xuân còn lạnh/ Tan trong đôi mắt nhà thơ/ ( Tết của người nghèo). Tôi biết đấy chỉ là những nỗi niềm riêng tư nhỏ nhoi của xã hội cần được sẻ chia, thế thôi, còn toàn cục anh vẫn là người yêu cuộc sống tràn trề, biết yêu một cách chủ động tỉnh táo “ Tôi không yêu quá khứ của tôi/ Giọt lệ buồn đau trong căn nhà nhỏ bé/Tôi không yêu quá khứ của mình/…/ Trái tim đập, mỏi mòn trong nỗi nhớ/ ( Tôi không…). Anh đã có những phút giây hạnh phúc bất ngờ bình dị nhưng vĩnh cửu, đọc lên người ta tưởng là của riêng anh, nhưng hóa ra đó là sự bao trùm gần gúi rất chung của cuộc sống hôm nay : “Quên sao được buổi ban đầu/ Trên đường về xứ mỏ/ Gặp em trong lòng mang nỗi nhớ/ Đêm ngày xao xuyến tim anh/…/Em về dựng lên tổ ấm/…/ Cho đời cho cả đôi ta” ( Tổ ấm). Anh cũng là người nhạy cảm và lãng mạn biết chiêm ngưỡng hưởng thụ vẻ đẹp nụ cười sinh, hơi thở ấm, ánh mắt đằm đắm của tình yêu : “ Nụ cười đẹp sinh không riêng cho ai cả/ Tạo hóa sinh ra ban tặng mọi người/” (Nụ cười đẹp) . Hoặc “Tình yêu không nói bằng lời/ Ánh mắt nói thay điều đó/ Tình yêu không nói bằng lời/ Tình yêu nói bằng hơi thở/ Có một tình yêu như thế” ( Lời nói Tình Yêu) . Phải chăng đây là tâm sự ngọt ngào của Anh. Anh vốn là cán bộ quản lý trong ngành than, anh sống và làm việc với mỏ than nên anh có sự lo toan trăn trở cùng than, mưa nhiều làm than trôi, nắng gắt làm người công nhân mỏi mệt vã mồ hôi, năng suất không cao, trong sâu thẳm lòng mình anh đã ước ao những người công nhân vùng mỏ có khoảng trời riêng. Một sự không tưởng? một ước muốn vô lý? ngược với quy luật vĩnh cửu của đất trời và tự nhiên. Không! Đây là tình yêu của anh đối với than, đối với ngươi thợ mỏ : “ Khi thấy mưa, lòng bao trăn trở/ cứ nghĩ tới bờ moong than tụt lở/ Nước ngập mất than, đất sả lấp trùm/”… Anh đã ước muốn : “Để người thợ làm than không buồn nữa/…/Nên ước chi mình, có một khoảng trời riêng (Ước một khoảng trời riêng)…
Có thể nói tâm trạng thơ Hoàng Tháp mang đầy tính nhân văn cao cả…Tôi xin giới thiệu 5 bài thơ “tự sự” nhưng vẫn mang đầy tính nhân văn :
1- TẾT CỦA NGƯỜI NGHÈO:
Miễn cưỡng xin tiền của vợ
Làm quà biếu người giầu hơn
Vẫn biết vợ cần tiền đó
Tết về mua áo cho con
Người giầu ai đó giầu thêm
Tiền chất nằm trong két sắt
Ngõ chợ ông già hành khất
Cầu xin chút vãi cơm thừa
Em bé lang thanh hè phố
Nhà nghèo em thành bơ vơ
Từng hạt mưa xuân còn lạnh
Tan trong đôi mắt nhà thơ.
2 – BỐ CON ANH THƯƠNG BINH
Hai bố con anh thương binh
Sống trong một căn nhà nhỏ
Con không biết ai là mẹ
Bố không biết mẹ của con
Hai người cùng cảnh cô đơn
Gặp nhau trở thành con bố
Người bố khi rời quân ngũ
Biết mình không thể có con
Nên chưa một lần lấy vợ
Người con không nhà không cửa
Lang thang, thành phố kiếm ăn
Gặp nhau chỉ một vài lần
Thương nhau, mà thành con bố.
3 – ĐIỀU ĐƠN GIẢN :
Tôi hại người không phải ý của tôi
Thị trường, cạnh tranh ép tôi làm vậy
Việc đã làm tôi luôn áy náy
Bởi chính tôi đã làm mất bạn mình
Tôi ngồi trong biệt thự nhiều tầng
Cô đơn quá, chán chường tất cả
Nhà cao sang, bao năm vất vả
Lừa dối, mưu toan giành giật tạo thành
Mọi thứ dư thừa sẵn ở xung quanh
Chúng bóp chết trong tôi, lòng trung thực
Tôi ghét chính mình, nhưng không làm sao được
Khi bạn bè cứ tìm cách xa tôi
Thì tiền bạc, quyền uy không có nghĩa nữa rồi
Điều đơn giản bạc đầu tôi mới rõ
Tôi muốn yêu mà không yêu được nữa
Tôi muốn cười mà không thể mở môi
Xin đừng làm giàu theo cách của tôi.
4 - CÔ GÁI VÀ QUẢ KHẾ :
Cây khế xanh cạnh cầu ao
Đu đưa những chùm quả mọng
Cô gái thẫn thờ đi đến
Mắt nhìn ứa bọt chân răng
Khế cao không sao vặt được
Tìm que cô khều cô đập
Cây rung quả khế lìa cành
Từng chùm rơi xuống cầu ao
Cô gái lững thững đi vào
Bỗng cô không them khế nữa…
5 – ÔNG GIÀ CÂU CÁ :
Ông già có bốn đứ con
Hai gái, hai trai đều đẹp
Cả 4 học hành thành đạt
Nhà giầu dầy đủ tiện nghi
Ông già còn muốn điều chi?
Ra biển một mình câu cá
Sống trong chiếc thuyền nhỏ bé
Đêm ngày câu cá kiếm ăn
Những hôm gió lặng, biển êm
Ông câu cả ngày lẫn tối
Những đêm biển dông mưa dội
Ông tìm hang đá trú thân
Đêm buông, thành phố lên đèn
Ông nhìn mãi về nơi đó
Một thời, trong căn nhà nhỏ
Vợ chồng ông cùng các con…
Bây giờ cảnh ấy không còn
Các con ông đều khôn lớn
Vợ ông một lần đi biển
Không may biển cả cướp đi…!
Mắt già rưng rưng ngấn lệ
Cần câu bỗng nặng như chì!
Nguyễn Chính Viễn (giới thiệu)
ĐTDĐ : 0125 773 9970