“Làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm...” Đó là lời nói và cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng ta đều có quyền tự hào và khẳng định rằng, Dân ta có truyền thống yêu nước. Trải qua bao triều đại, qua bao biến cố của lịch sử, người Việt Nam luôn giữ vững độc lập và tự chủ, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự đúc kết những chân lý bất diệt hàng ngàn năm giữ nước của dân tộc.
Một đứa trẻ khi sinh ra mang dòng máu Việt thì đã sẵn có lòng yêu nước. Bởi tiếng ru của người mẹ luôn có dòng sông, cánh cò, có câu Kiều, có chùm khế ngọt…Lớn lên lại được học, được đọc những bài hịch của ông cha, lòng yêu nước thương nòi của những bậc tiền bối. Những bài thơ, bản nhạc… đều ngợi ca tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc. Nhìn lên bản đồ, đất Việt ở nơi “đầu sóng, ngọn gió” như một người mẹ lưng còng tần tảo, chịu thương chịu khó và nhẫn nhịn vô cùng. Nhưng một khi Tổ quốc bị kẻ thù xâm lược, thì muôn dân, triệu người như một, tinh thần yêu nước lại mãnh liệt và sục sôi hơn bao giờ hết, sẵn sàng xả thân vì tự do và độc lập. Bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha đã nói lên truyền thống đó.
Nhưng dân ta không có truyền thống dân chủ. Nói đến dân chủ nó vẫn còn xa lạ. Tuy người dân cũng đã ý thức được điều này. Hơn nữa, dân mình mỗi khi nhắc đến hai chữ “dân chủ” là họ e ngại, bởi hiện nay lợi dụng hai chữ dân chủ mà kẻ thù tìm mọi cách chống phá. Thậm chí có lúc dân cũng không biết mình bị “mất dân chủ”. Chỉ khi nào, người dân bị động chạm đến lợi ích kinh tế thì họ sẵn sàng đòi hỏi và …làm cho ra nhẽ.
Bao đời nay các triều đại phong kiến Việt Nam, giữa quan với dân vẫn là mối quan hệ của kẻ thống trị và kẻ bị trị, lấy “trung quân” làm đầu. Vì thế mới sinh ra lắm kẻ nịnh thần, xun xoe và sợ sệt. Chuyện những ông quan dám can gián Vua, bị mất chức, bị đuổi, thậm chí bị mất đầu. Quan thanh liêm chỉ biết nói lời cương trực, không chịu nhục, thường từ quan về quê làm nghề bốc thuốc hoặc dạy học… Chuyện ấy, ở triều đại nào cũng có.
Khi Pháp độ hộ nước ta, mấy ông quan An Nam gặp mấy ông quan Pháp là phải cúi rạp người, khúm na khúm núm. Họ bảo đứng lên, đừng làm thế, nhưng vẫn sợ, vẫn không dám ngẩng đầu. Vẫn cứ “con lạy quan lớn ạ.” Người Pháp lấy làm lạ, bởi họ đã có truyền thống tự do dân chủ, còn dân An Nam thì không.
Chỉ đến khi có cuộc cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của độc lập và tự do. Người nói: “Nếu độc lập mà không đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa gì”. Người mong muốn: “...làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Khích lệ nhu cầu tự do của con người là một trong những khích lệ nhân văn nhất. Ai ngăn cản tự do, từ chối tạo điều kiện để con người tự do, từ chối hỗ trợ con người hình thành khát vọng tự do thì đó là kẻ chống lại con người. Nhìn phong thái và cách ứng xử của Bác cũng đủ để cho chúng ta thấy sự khao khát tự do của Người. Và tôi thấy Người đầy chất nghệ sỹ.
Nhưng cho tới thời điểm này, chúng ta chưa thực hiện được mong muốn của Bác về tự do dân chủ là bao nhiêu. Chỉ vì quyền lợi cá nhân mà người ta cam chịu. Tôi xin nêu ví dụ: Cùng làm việc với nhau trong một tổ chức, biết rõ một người bị oan ức, hoặc cơ quan có chuyện tham nhũng, nhưng mấy ai lên tiếng phản đối, chỉ có cá nhân đó đơn phương độc mã đấu tranh mà thôi. Thậm chí họ sợ bị trù úm, ghét bỏ. Chỉ trừ khi một nhóm lợi ích bị thiệt hại thì cùng nhau lên tiếng, cùng nhau đình công. Vì thế, thói quen “cam chịu” đã trở thành cố hữu và tự mình tước đi quyền dân chủ.
Công chức bây giờ cũng lạ lắm. Trong các cuộc họp thì họ ít phát biểu, thậm chí không phát biểu. Cho nói mà không nói. Quá lắm thì phát biểu chung chung, vô thưởng vô phạt. Họ sợ. Nhưng ra khỏi cuộc họp thì “rầm rì như buôn bạc giả”. Nói xấu, đố kỵ, sợ trù dập …đã trở thành căn bệnh khó chữa. Bệnh quan liêu, mất dân chủ trong sinh hoạt thì ở địa phương nào cũng có.
Tôi không đồng tình với việc, hễ có cán bộ cao cấp về kiểm tra các địa phương là phải “cờ, đèn, kèn, trống” là phải “nhiệt liệt chào mừng…”, là có người cầm ô. Như thế là không dân chủ. Chẳng biết các nước phương Tây khi các quan chức đi kiểm tra địa phương họ có làm như vậy không? Chúng ta không thể lấy cái gọi là hình thức là sự tôn trọng cấp trên. Tôn trọng chính là cách ứng xử, phải nói đúng, làm đúng theo chỉ thị nghị quyết đã ban hành. Tôn trọng chính là việc thực hiện lời hứa, làm được gì, giúp địa phương được những gì… Tôi thích các ông quan lội ruộng và tự cầm ô. Việc này cần phải học tập và làm theo tấm gương của Bác. Cấp trên hãy chỉ thị cho cấp dưới không giăng hoa, khẩu hiệu gì nữa, tôi tin cấp dưới sẽ nghe theo. Dân sẽ nhìn các vị với ánh mắt thân thiện hơn.
Gần đây,chúng ta mới dùng nhiều đến hai chữ “phản biện”, nhất là trong các kỳ họp Quốc hội. Đại biểu có quyền được chất vấn, quyền được thông tin… làm cho các chủ trương đường lối khi thông qua và triển khai thực hiện một cách công khai, minh bạch. Đó là dân chủ. Và dân chủ tập trung hiệu quả bao giờ cũng cao hơn dân chủ đại diện.
Cũng phải kể ra đây, việc người dân tự phát biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ở biển Đông trong những ngày vừa qua bị công an “mời về đồn” một cách cưỡng bức, thậm chí bị đánh đập là việc làm thiếu dân chủ. Nhưng “phản biện”, “biểu tình” hay “phản đối” cũng mới chỉ là bước đầu thực hành quyền dân chủ chứ chưa thể được gọi là truyền thống. Hiến pháp bao nhiêu năm nay quy định công dân có nhiều quyền tự do, nói đúng ra là quyền được làm người, trong đó có quyền tự do biểu tình. Nhưng nay Luật biểu tình vẫn chưa ra đời. Việc chậm muộn như vậy là vì chẳng ai đòi hỏi và chẳng có gì cấp bách. Bây giờ người ta mới bắt đầu quan tâm và không thể không quan tâm tới dân chủ. Như thế Luật chưa theo kịp với cuộc sống.
Ở nước ngoài, người Việt cũng xuống đường phản đối Trung Quốc gây hấn biển Đông. Họ được tự do biểu tình, được chính quyền cho phép. Trong đó rất nhiều người không mang dòng máu Việt cùng cất lên tiếng nói chính nghĩa, ủng hộ Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở nhiều nơi đã khép lại quá khứ, xoá bỏ hận thù, chỉ mang theo lòng yêu nước và lá cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu. Ai xem cũng thấy tự hào và không khỏi xúc động. Vậy mà ngay ở trong nước, biểu thị lòng yêu nước sao khó khăn đến vậy?
Tôi có suy nghĩ, Dân ta đã trải qua gần 40 năm chiến tranh, đổ biết bao máu xương để giành độc lập. Nhân dân không muốn thành quả cách mạng ấy bị đổ vỡ. Người dân có đủ bản lĩnh, có phận sự để bảo vệ mình trước mọi ý đồ xâm lược. Lúc này chính quyền đừng làm gì để mất lòng tin và tổn thương đến lòng tự hào dân tộc.
Ai cũng biết Việt Nam có một tổ chức đoàn thể để tập hợp lực lượng và đại đoàn kết toàn dân, đó là Mặt trận TQVN. Luật MTTQVN ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân…”
Mấy năm gần đây. Mặt trận đã có nhiều cuộc phát động rất hiệu quả như ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ Vì trẻ em, Quỹ bảo trợ cho nạn nhân chất độc da cam vv… Nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia, bởi lòng yêu nước thương nòi, lá lành đùm lá rách luôn có trong con tim mỗi người. Vậy mà, khi dân ta biểu tình chống Trung Quốc, chẳng thấy ông Mặt trận nào lên tiếng. Chẳng phản ánh nguyện vọng gì của dân cả. Dân biểu thị lòng yêu nước như vậy đúng hay sai. Việc bắt người có phạm luật không? Chờ mãi mà không thấy đưa lên mặt báo những thế lực thù địch trà trộn vào hàng ngũ những người yêu nước. Chờ mãi không thấy ông Mặt trận trả lời. 5 cuộc biểu tình vừa qua, dân không có chỗ bấu víu, dân ngơ ngác, lo lắng vì không thấy ai đứng mũi chịu sào, không có văn bản chỉ thị “giấy trắng mực đen” nào ban hành được biểu tình hay không được biểu tình, nên dân hoang mang. Thậm chí họ lo sợ bị bắt. Vẫn biết đấu tranh vì chủ quyền đất nước là đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân. Nhưng thử hỏi, khi ngư dân bị cướp bóc, tàu thăm dò dầu khí bị cắt cáp, chỉ thấy tiếng nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Nếu dân ta không phẫn nộ, cứ vô cảm, im lặng, sống chết mặc bay, mặc chính phủ giải quyết thì những ngư dân khốn khổ kia nghĩ sao? Họ cảm thấy bị đơn độc, chẳng khác nào nhà nước bỏ rơi họ, để TQ muốn làm gì thì làm...
Vậy là Dân xuống đường. Đây là cách tốt nhất để thực hiện quyền dân chủ và nguyện vọng chính đáng của công dân. Dân không trông chờ, ỷ lại nhà nước. Và nhà nước cần phải dựa vào dân. Nếu TQ tiếp tục gây hấn, cướp bóc, bắn giết ngư dân. Nếu dân thơ ơ, cam chịu, liệu rằng “Quan có cần nhưng dân chưa vội/ Quan có vội quan lội quan sang”. Chính quyền nghĩ gì? Còn tôi... thấy không ổn. Đó cũng là “sự im lặng đáng sợ”.
Hơn 87 triệu dân Việt Nam, tuyệt đại đa số đều mong muốn một xã hội ổn định. Ổn định về kinh tế, ổn định về chính trị. Trong đó người dân được tự do dân chủ, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Những gì thuộc quyền lợi chính đáng của dân phải được giải quyết. Muốn vậy phải đổi mới và dân chủ ngay từ trong Đảng. Cần triệt để chống tham nhũng và ủng hộ người chống tham nhũng, không để họ nơm nớp lo sợ và đơn độc. Quan hệ với nước ngoài phải độc lập tự chủ. Thế giới bây giờ khác trước. Nhưng chưa bao giờ hết đau thương và thù hận. Đối với chúng ta lúc này, không có kẻ thù mà cũng không có bạn, chỉ là đồng minh, là đối tác. Như vậy nếu có “vấn đề” chẳng ai nói ta “thay lòng đổi dạ”. Đừng ép (bắt) con trẻ nay yêu, mai ghét. Tụi trẻ con chúng tôi trước đây phải học thuộc lòng và đọc ra rả: “Việt Nam có Bác Hồ/ Trung Hoa có bác Mao/Nhi đồng cả hai nước/ Yêu hai Bác như nhau...”. Bây giờ ngẫm lại, thấy giả dối, thấy buồn cười. Đành rằng hồi đó chúng ta nói thế để hoà hiếu, để được yên, để lấy nhu thắng cương. Nhưng bây giờ cần lắm những lời nói thẳng, nói thật. càng nói thật và công khai những vấn đề bức thiêt, dân càng tin tưởng vào chính quyền. Dạy sai, nói sai, yêu ghét không rõ ràng sẽ khiến cả dân tộc sai lầm.
Cũng là “tản mạn” làm sao để dân biết hưởng quyền dân chủ, tôi muốn kể lại chuyện này: Có một lần tôi “cóp” bài của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói về vấn đề dân chủ đăng trên Vietnamnet cho anh bạn tôi xem. Tôi nghĩ, hắn là cán bộ xã rất nên đọc để hiểu biết thêm về quyền dân chủ. Ai ngờ, mới nhìn qua cái đầu đề, hắn trợn mắt: Ông phát tờ rơi thế này nguy hiểm quá. Báo mạng toàn là phản động thôi. Không khéo ông bị liệt vào tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước, lật đổ chế độ”. Nói rồi, hắn dúi trả lại tôi. Tôi chưa kịp phân bua, hắn đã khua tay, lắc đầu quầy quậy: - Chớ có dại dột, đừng có cầm quyền, tự do, dân chủ gì hết. Cứ chỉn chu mà làm ăn. Ông không giữ vững lập trường là chết đấy. Tôi cười: - Cả lò nhà tao toàn làm việc ích nước lợi dân, phản động gì nào. Tao biết mày không biết vi tính, mày không biết mạng miếc là gì. Không đọc, không nghe, cái gì mày cũng sợ thì dân bao giờ mới ngóc đầu lên được. Hắn sợ tôi bóc mẽ, đành cười trừ: - Ông thông cảm, đang công tác, cứ nói chuyện ngoài luồng, các ông ấy biết là chết. Nói xong hắn đi. Từ đó tôi cũng không gặp lại hắn...
Vậy là, chỉ khi nào người dân ý thức được tự do dân chủ thực sự và đầy đủ, biết hưởng quyền dân chủ có sự giám sát, công khai, minh bạch, được pháp luật bảo hộ; Bản thân mỗi người phải vượt qua cái bóng của mình, vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng sự ươn hèn, thì khi đó dân chủ mới trở thành truyền thống. Và như thế mong muốn “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ở nước ta mới trở thành hiện thực.
Q.T