Tôi có người anh họ là Phạm Văn Quý, sinh năm 1940, nhập ngũ năm 1963 khi anh đang là giáo viên trường Cấp 1 xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Vào bộ đôi, anh đi học trường Sĩ quan Lục quân, ra trường được phong thiếu úy, là Trung đội trưởng. Năm 1965, được phong trung úy, rồi vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu và hi sinh ngày 3/9/1966. Giấy báo tử chỉ ghi là: hi sinh tại mặt trận Tây Nguyên. Cuối tháng trước, sau hai ngày xuống nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn ở thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, gia đình được biết nơi anh ngã xuống và chôn cất là: Đội 4, xã IADoon, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Tôi vẫn còn nhớ anh Qúy người cao, trắng trẻo đẹp trai luôn nói chuyện vui vẻ và thường bênh vực bọn đàn em chúng tôi. Đặc biệt anh viết chữ rất đẹp và hay làm thơ, đọc thơ. Anh là Phạm Văn Qúy nhưng lại tự đặt cho mình là Phạm Minh Qúy! Chữ đệm “Minh” nghe thích hơn chữ đệm “Văn” của họ Phạm tôi. Khi anh ra đi mới 22 tuổi, chưa vợ, tất nhiên ở tuổi đó, chắc anh tôi cũng có một mối tình thầm kín với…ai đó. Nhưng thật không ngờ, mối tình thầm kín đó đến khi đi đón anh về từ một vùng đất Tây Nguyên xa xôi và sau gần nửa thế kỉ, cả nhà, cả họ mới biết rõ ràng và cũng không ngờ nó lại tồn tại và còn bền vững đến bây giờ. Ngay khi ở trung tâm của nhà ngoại cảm, trong lúc nhập vào đứa cháu gái,(cháu tên là Như, gọi anh Quý là ông chú) được hỏi, “anh Quý” có nhắc tới một người con gái tên là Vân, ở cùng xã. Khi các cháu lần lượt hỏi tên các thôn trong xã, nghe tên thôn Hưng Giáo, “anh Quý” gật đầu. Gia đình tìm hiểu thì dễ dàng biết được: Đó là cô giáo Lê Thị Hồng Vân dạy cùng trường với anh Qúy hồi đó. Thôn Hưng Giáo và thôn tôi sát nhau, chung một con đường. Hai thôn như một, trai gái hai làng lấy nhau vẫn cứ được coi như lấy người làng. Cô giáo Lê Thị Hồng Vân kém anh Qúy một tuổi, như thế là năm nay tròn bảy mươi , vẫn còn sống và không hiểu sao không lấy chồng, hiện ở với một người con nuôi. Hình như anh Quý biết chị Vân chưa lấy chồng nên nói với mọi người phải báo cho chị Vân biết để chị cùng đón anh về. Trên đường từ Đức Cơ (Gia Lai) về nhà, “anh Quý” luôn luôn nói chuyện. Nói nhiều chuyện. Các cháu hỏi chuyện gì, “anh Quý” cũng trả lời rất tình cảm, có đầu có đuôi đúng là ngôn ngữ của một nhà sư phạm. Có lúc các cháu tán dương chú (Anh Quý chiến đấu được tặng thưởng Huân chương chiến công và huân chương giải phóng) thì “anh Quý” bảo: Chú là thày giáo, thày giáo Phạm Minh Quý. Khi được hỏi về chị Vân, “anh Qúy” đã dành những lời nói tha thiết với tình cảm rất xúc động và nhắc lại những lần đi chơi trò chuyện và hẹn hò ở cầu Định (chiếc cầu nhỏ đầu làng Đại Định, cách thôn tôi và thôn Hưng Giáo không xa). Anh vẫn những kỉ vật chị tặng anh khi anh lên đường, đó là một chiếc khăn tay có thêu hai chữ “chung thủy” và một cái ảnh đen trắng. Khi các cháu hỏi: Thế chú về quê, có mua quà gì tặng cô Vân không? “Anh Qúy” gật đầu: Có, một chiếc áo dài tím. Vừa nói, tay “anh” vừa giật giật vai áo người bên cạnh.
Theo lời “anh Quý”, chị Đán (chị dâu anh Qúy) bảo một cháu đưa sang nhà chj Vân. Khi biết rõ mọi chuyện, chị Vân xúc động không cầm được nước mắt và nhận lời sang cùng gia đình đón anh Quý về. Đúng 7 giờ tối ngày 28/ 5/Tân Mão tức ngày 29/6/2011 hài cốt anh Quý về tới nghĩa trang của xã. Xe vừa dừng, “anh” xuống ngay và thật kì diệu, trong bao nhiêu người đến đón “anh”,”anh Quý” đi thẳng đến chỗ chị Vân ôm chị và khóc rưng rức, miệng thều thào: “Anh thương em lắm! Em có đến nỗi nào mà sao không lấy chồng!...”Anh” nói nhiều song nghe không rõ, cứ thấy tiếng “thương” lặp đi, lặp lại nhiều lần. Tình cảm với chị Vân hồi lâu, “anh Quý” vui vẻ đi chào mọi người. Có người nói to: Xin chào anh hùng, liệt sĩ Phạm Văn Quý!. “Anh Quý” nói lại : Tôi không phải là anh hùng. Tôi là thày giáo Phạm Minh Quý! Về dự lễ truy điệu anh do Đảng ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức, Tôi có gặp chị Vân. Chị vẫn mặc chiếc áo dài màu tím và không hiểu may đo thế nào mà mặc rất vừa vặn. Đó là một phu nữ nhỏ nhắn, tuy đã vào tuổi thất thập, trên mặt đã có những vệt thời gian ghi dấu song vẫn còn vương lại một cách rõ ràng những nét duyên xưa của thì con gái. Chả thế mà trong lúc trò chuyện với mọi người, “anh Quý” mấy lần nói: Em đến nỗi nào mà sao không lấy chồng!?. Sau 25 năm đứng lớp, năm 1993, chị về hưu. Khi hỏi về tình cảm của anh chị, chị nghẹn ngào không nói được. Mãi sau, chị mới cho biết: Anh Quý rất hay làm thơ, đi chơi, trò chuyện, thỉnh thoảng anh lại xen vào những câu thơ do anh nghĩ ra hay đọc được ở đâu đó. Nhập ngũ, khi còn ở trường huấn luyện, anh viết thư cho chị đều đặn, khi vào chiến trường anh gửi cho chị được hai lá, thư nào cũng kèm theo một bài thơ. Chữ anh rất đẹp viết ở chiến trường mà chữ vẫn rõ ràng mềm mại lắm. Giáo viên cấp 1 chúng tôi lúc nào cũng
phải chăm lo cho cái chữ để còn làm mẫu cho học trò. Chị còn nhớ nhiều thơ của anh. Trong không khí tang lễ xúc động, chị vẫn đọc một số đoạn cho tôi chép. Đây là hai câu thơ anh gửi về khi vừa nhập ngũ:
“Anh đi bảo vệ nước non / Tóc xanh em đợi, lòng son anh chờ!’
Và ở những lá thư khác:
“Em yêu hỡi nhớ em nhiều lắm
Bóng hình em in đậm tim anh
…
Anh yêu em vì sao không biết rõ
Chỉ biết: Khi anh yêu em, anh biết yêu đời
Như chim bay thở hút khí trời
Như ruộng lúa uống dòng nước ngọt
Và anh yêu em không hề suy tính
Chỉ biết yêu em, anh biết yêu đời
Và những dòng lục bát:
Càng xa anh lại càng thương
Càng xa anh lại càng vương vấn lòng
Em ơi! Anh chỉ ước mong
Bao giờ thống nhất non sông nước nhà
Toàn dân ta khải hoàn ca
Mai anh còn sống về nhà bên em…
Chị còn nhớ nhiều thơ của anh lắm, tuy nhiên trong niềm xúc động dạt dào đó, chị không thể đọc hết cho tôi nghe được. Những bài thơ, đoạn thơ ta như nghe, như đọc được ở đâu đó đã từng làm xao xuyến bao lứa đôi của thời chống Mỹ cứu nước. Những vần thơ đó biết đâu trong gần 50 năm qua đã trở thành những kỉ niệm vô cùng thiêng liêng với chị Vân và biết đâu cũng từ những vần thơ đó mà mối tình thầm kín của anh chị cứ âm ỉ cháy trong tâm hồn người sống và cả trong vong linh người đã khuất.
Và bây giờ, sau bao nhiêu năm gửi thân xác nơi đất người, anh trở về quê hương, gặp chị. Vẫn là âm dương cách biệt song như tâm hồn hai người đã gặp nhau, bày tỏ, hiểu thấu nhau hơn. Từ đó sáng lên một chân lí vĩnh cửu: Tình yêu là bất diệt. Anh đã trở về đất mẹ, gần gũi mẹ cha, anh em họ hàng cô bác…và điều kì diệu hơn là có một người con gái, tuy chưa là vợ anh, chưa có trầu cau dạm hỏi, cưới xin, nhưng vẫn đơn lẻ chờ anh, luôn hướng về anh với tấm lòng thủy chung son sắt.
Thanh Ứng
Địa chỉ: Phạm Văn Ninh nhà số 8, ngõ 10
Khu Hà Trì 5, phường Hà Cầu. Hà Đông
Hà Nội ĐT: 0915473468
Ả.nh 1: Nhà giáo-liệt sĩ Phạm Văn Quý.
Ảnh 2: Cô giáo Lê Thị Hồng Vân.
Ảnh 3; Lễ truy điệu NG-LS Phạm Văn Quý tại nghĩa trang liệt sĩ.
Ảnh 4: Cháu Như,người nhập vong nhà giáo liệt sĩ Phạm Văn Quý