Kính thưa Nhà thơ Trần Nhương!
Kính thưa các quý độc giả, các bậc thức giả và các bậc cao tuổi.
Cứ mỗi lần đọc, viết hoặc giảng (cho học sinh từ trung học phổ thông) về văn học dân gian tôi lại nhớ đến bài vè Trương Chi kể chuyện Trương Chi bằng thơ lục bát.
Dạo ấy, năm học 1960 - 1961, tôi dạy văn lớp 8 (lớp đầu cấp ba tức lớp 10 THPT bây giờ) ở trường cấp ba Ứng Hòa tỉnh Hà Tây (cũ), nay là trường cấp ba Ứng Hòa A, thành phố Hà Nội.
Khi dạy đến thơ ca dân gian, tôi yêu cầu học sinh về quê (quê các em cũng ở Ứng Hòa hoặc huyện gần đấy - Thanh Oai, Mỹ Đức) sưu tầm ca dao, tục ngữ. Tôi nhận được vài chục bài các em đưa nộp,ví dụ “Lòng em cũng muốn lấy vua / Nhưng em còn tiếc con cua Đồng Thùi” “Kẻ chợ cũng ối người rồ / Nhà quê chẳng thiếu sinh đồ, trạng nguyên” “Vựa lúa, chúa vịt”... Đặc biệt trong đó có bài vè Trương Chi khá dài. Bài ca này tôi đã dùng đọc ở lớp để minh họa cho thể loại ca dao, về dân gian trong năm ấy và trong cả những năm sau nữa. Người sưu tầm bài vè Trương Chi , đó là em Trương Đỗ Thế, học sinh lớp 10B do thầy giáo dạy Sử Nguyễn Văn Ba làm chủ nhiệm còn tôi dạy văn. Trương Đỗ Thế quê ở xã Tảo Dương Văn, cách trường độ gần 3km, người khỏe mạnh, hơi vập vạp, tính hơi nóng nảy, ít cười, trông có vẻ khô khan, không ngờ lại yêu thơ đến thế. Thế học khá, khóa đầu của trường năm ấy 1963, toàn trường chỉ đỗ có 50%, Thế nằm trong số trúng tuyển. Em không đi học Đại học mà vào bộ đội và đi chiến đấu ở Miền Nam. Sau hiệp định Pari, tôi có gặp vài em ở lớp Thế thì các em cho biết Trương Đỗ Thế đã hi sinh rất anh dũng trong một trận diệt xe tăng, lập chiến công oanh liệt. Nguyên Thế là chiến sĩ B40, khi đoàn xe tăng địch đến,anh đã bắn sáu phát (mức tối đa cho phép), diệt nhiều xe tăng địch, nhưng còn một chiếc đang liều lĩnh tiến vào trận địa ta. Không nghĩ đến hiểm nguy, thế nhằm nó bắn phát B40 thứ bảy.Chiếc xe tăng bốc cháy, nhưng Thế cũng ngất đi, máu tai ộc ra và anh không bao giờ tỉnh lại nữa.
Thế chưa được tuyên dương anh hùng nhưng tinh thần anh dũng hi sinh và chiến công oanh liệt của anh còn mãi trong lòng đồng đội, đồng môn và trong lòng những thầy giáo cũ của trường THPT Ứng Hòa A.
Bản thân tôi vẫn nhớ vì anh, người học trò giỏi, ít nói, đã tặng tôi bài thơ dân gian, bài vè Trương Chi. Tiếc rằng sau những lần chuyển trường rồi đi sơ tán, tôi đã để thất lạc mất văn bản có bút tích của Thế. Còn bài ca Trương Chi thì tôi dạo đó đã học thuộc nhưng sau này chỉ còn nhớ được nửa bài. Tôi xin chép ra đây để các bậc thức giả, các vị cao tuổi bổ sung cho để ghi nhớ một kỷ niệm về người học trò anh hùng, người con của đồng quê rất yêu quê hương và các bài ca quê hương và nhất là để cho những bài ca đó không bao giờ mất đi, không bao giờ dang dở. Nửa đầu của bài ca Trương Chi như sau: "Ngày xưa có anh Trương Chi/ Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay/ Cô Mị Nương mà ở lầu tây/ Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung/Nhà anh Trương Chi mà ở dưới sông/ Chở đò xuôi ngược đêm đông anh dãi dầu/ Ngày ngày anh hát đôi câu/ Gió đưa phảng phất tới lầu cô Mị Nương/ Cô nghe tiếng hát thì thương / Nhưng hễ trông thấy mặt anh chàng cô lại chê/ Anh Trương Chi tức giận ra về/ Cắm sào cho chặt, anh thề một câu/ Kiếp này đã dở dang nhau/ Thì thôi kiếp khác duyên sau lại lành..."
Tôi chỉ nhớ đến câu này, còn những câu sau chịu không nhớ được. Tôi tha thiết mong quý độc giả, ai thuộc tiếp xin gửi tới website Trần Nhương hoặc địa chỉ Email:danghien1939@yahoo.com.vn và kính mong nhà thơ cho đăng để bài ca dân gian không dở dang và để khỏi phụ lòng một học sinh yêu thơ văn, yêu quê hương đất nước, đã anh dũng hi sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ Quốc.
Xin chân thành cảm ơn quý vị và nhà thơ!!
Hà Nội, 10 tháng 7 năm 2011
Đặng Hiển
(Giáo viên của trường THPT
Ứng Hòa A 1960 - 1963)