Trần Huy Thuận
“CHẠM NỌC” – Vẫn thường nghe, mà nhiều lúc thấy băn khoăn: CHẠM NỌC là nghĩa làm sao? Trên đời, ai là người dễ bị CHẠM NỌC? Phản ứng của người bị CHẠM NỌC thường diễn biến thế nào?...
Về câu hỏi “CHẠM NỌC là nghĩa làm sao?”, theo tôi, có lẽ lời giải nghĩa sau đây của Linh mục Vũ Đình Tường (
http://www.vietcatholic.net/News/Html/65279.htm) là chi tiết nhất: “Chạm nọc dù ít, nhiều đều nguy hiểm. Nọc ít độc ngứa qua loa. Nọc độc hơn sưng phù một thời gian rồi biến mất. Nọc cực độc nếu không trị kịp thời sẽ toi mạng. Nọc nguy hiểm khác nhau tuỳ con vật. Cùng họ kiến mà nọc này độc hơn nọc kia. Cắn nhức và sưng to hơn. Cùng họ ong mà loài này chích nhức hàng tuần; loài kia chỉ vài giờ. Nọc độc ảnh hưởng khác nhau từng người. Có người muỗi cắn không sao; kẻ khác lại sưng vù. Có người cá chích đau sơ sài; kẻ khác phải nhập viện. Tuỳ sức đề kháng mỗi người, mà nọc độc ảnh hưởng khác nhau. Có nọc độc cắn nơi nào, sưng nơi đó. Lại có nọc độc cắn một nơi, toàn thân tê bại. Các nọc độc vào trong cơ thể từ bên ngoài.
Nọc độc không hình hài, màu sắc, biến thiên vạn hoá rất khó lường thường đến từ lòng người. Nọc độc đó chính là những tư tưởng tà vạy, hành động thiếu bác ái, gieo đau thương. Nọc độc tâm lí ác hại vì chúng đóng vai trò chia rẽ, đố kị, tàn phá, huỷ hoại tình cảm và sự sống con người”.
Quả là một sự giải nghĩa chi tiết, nhưng hình như… chưa đủ. Chưa đủ vì tác giả mới đứng ở phía người BỊ NỌC CHẠM để nhìn nhận tác hại của sự CHẠM NỌC mà chưa cắt nghĩa được tại sao cùng trong một hoàn cảnh, một môi trường, một hành vi,… mà NGƯỜI NÀY KHÔNG CHẠM NỌC, NGƯỜI KIA LẠI CHẠM NỌC? Rõ ràng là phải có NGUYÊN DO gì chứ?
Xin thưa: Có NGUYÊN DO!
Người bị (hoặc hay bị) CHẠM NỌC, là người mà trong cuộc sống CÓ SỰ KHUẤT TẤT, BẤT MINH gì đó trong hành xử, trong suy nghĩ, trong đối sách… Đó là NGUYÊN NHÂN TIÊN QUYẾT. Các cụ ta xưa dạy rồi: “có TẬT, giật mình”. Các cụ xưa còn có câu: “Chưa khảo đã xưng”. Có “TẬT” bị giật mình, mà cái sự “giật mình” đó lại thể hiện ra ngoài, không kìm hãm, che giấu được, cũng là một dạng “Chưa khảo đã xưng”. Cái NỌC trong trường hợp này cần hiểu là sản phẩm của chính người có “TẬT”, chứ không phải do người ngoài đưa đến cho anh ta. Người ngoài chỉ là TÁC NHÂN (vô tình hoặc hữu ý) làm cho cái NỌC ĐỘC của NGƯỜI CÓ TẬT phát huy tác dụng đối với chủ nhân của nó, làm chủ nhân nó tê liệt… Nếu tác nhân hành xử vô tình, thì tác hại của việc CHẠM NỌC có thể nhẹ mà cũng có thể nặng. Còn khi tác nhân là sự cố ý thì tác hại với kẻ CHẠM NỌC là vô cùng. Kẻ cố tình thì chả nói làm gì, nhưng người vô ý thì nhiều khi mang họa khôn lường. thậm chí rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”.
Làm cho đối phương bị CHẠM NỌC là một cách xử thế thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Thường dân dùng mà quan chức cũng dùng. Biện pháp có thể là “nói cạnh, nói khóe”, “nói bóng nói gió”, “nói đằng tây chết cây đằng đông”… Mục đích có thể là muốn gián tiếp thông báo cho đối phương biết, rằng “tôi đã biết tỏng cái bụng của anh rồi”, hoặc nói cho văn vẻ: “tôi đi guốc vào bụng anh rồi”. Nhẹ nhất thì cũng khiến đối phương phải ĐỘNG LÒNG!
Nếu những lời bàn trên kia là đúng, thì điều đó cũng cắt nghĩa luôn câu hỏi thứ hai: “Trên đời, ai là người dễ bị CHẠM NỌC?” – Chỉ những kẻ sống không đàng hoàng, ngay thẳng mới hay bị CHẠM NỌC. Bất cứ người đó là kẻ bình dân hay người có chức sắc.
“Phản ứng của người bị chạm nọc” rõ rệt nhất thường là tìm mọi cách TRẢ THÙ tác nhân gây ra sự BỊ CHẠM NỌC của anh ta. Kẻ bình đân thì trả thù kiểu bình dân, kẻ có chức sắc, có quyền thế thì trả thù theo uy lực của chức sắc và quyền thế. Tất cả những sự trả thù như thế thường… KÍN – NHỮNG MIẾNG ĐÒN KÍN! Bởi thế mà kẻ làm cho người khác bị CHẠM NỌC thường là “thân bại danh liệt”. Sợ lắm!
Điều nhận xét trên, không chỉ đúng với trường hợp quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa một nhóm với một cá thể hoặc giữa nhóm lợi ích này với nhóm lợi ích khác. Nó còn đúng với cả trường hợp quan hệ giữa nước này với nước kia… Xin dẫn một ví dụ thời sự nóng hổi. Khi đọc nhận xét của vietnamnet.vn về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Kiệt tại Đối thoại Shangri-La(*): “Từ “hòa bình” được đề cập không dưới 27 lần trong bài phát biểu dài 45 phút”, chắc không ai không nghĩ rằng: Phải có nguyên cớ làm sao đó, ông Bộ trưởng chiến tranh này mới phải dùng nhiều lần cụm từ “HÒA BÌNH” đến mức ấy. Nôm na thì có thể hiểu, chắc là ông tướng họ Lương… đang trong tình trạng… “CÓ TẬT GIẬT MÌNH” đây thôi!
*******
“CHẠM NỌC”. Vâng! Trong giao tiếp giữa con người với nhau, dễ dẫn đến sự cố “CHẠM NỌC” hoặc làm cho nhau "ĐỘNG LÒNG" lắm. Cuộc sống, ai mà chả có TẬT, các Cụ xưa dạy rồi: “Không chứng nọ cũng tật kia” mà! Trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, càng dễ chạm nọc. Vì sáng tác chẳng qua cũng là một dạng giao tiếp mà - giao tiếp giữa người sáng tác với độc giả, khán thính giả!..
Thôi, chả dám bàn tiếp, nhỡ lại làm ai đó … CHẠM NỌC!
-----------------------------
(*)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/24630/trung-quoc–27-lan-noi-hoa-binh-trong-mot-bai-phat-bieu.html