Tôi biết Đào Thái Tôn khá muộn.
Khoảng đầu những năm 1980, một hôm đến chơi số 4 Lý Nam Đế, ở phòng làm việc của Ngô Thảo phía sân sau trở ra, tôi được một người gầy gò mặc quân phục hỏi tên rồi mời vào nơi làm việc chung của Phòng văn nghệ Cục tuyên huấn, lúc ấy đặt ở tầng 1 nửa bên trái tòa nhà cổ, người ấy là Đào Thái Tôn. Lúc ấy Tôn đã đăng một bài điểm một tập thơ mà anh cảm thấy hơi xoàng, thế mà đọc một bài nghiên cứu về thể trường ca của tôi, Tôn lại thấy tập thơ kia được lý giải khác! Tôn bảo: tôi học chuyên Hán Nôm, không được học đủ các môn như những ai học ngành ngữ văn ở đại học; vì thế nên thường hay để ý đến những cách nhận xét của “cánh” xuất thân từ văn tổng hợp (ý nói khoa ngữ văn ĐHTH Hà Nội) mà mình đôi khi thấy lạ!
Biết nhau từ đấy nhưng phải đến mươi năm sau, Tôn và tôi mới có những buổi nói chuyện lâu với nhau về nghề.
Đầu những năm 1990, Tôn đến nhà xuất bản Hội Nhà Văn ở 65 Nguyễn Du, tặng tôi và Vương Trí Nhàn cuốn chuyên luận về thơ Hồ Xuân Hương, là kết quả luận án phó tiến sĩ của anh. Anh đã xuất ngũ, trở về vị trí một nhà nghiên cứu như xưa, chỉ khác là thời mới ra trường đến lúc nhập ngũ, Tôn là cán bộ nghiên cứu ở Ban Cổ-cận-dân Viện văn học, còn bây giờ, trở về từ quân ngũ, Tôn làm ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Luôn thể hôm ấy, Tôn muốn tham khảo ý kiến bọn tôi xem mình nên làm gì tiếp theo trong mảng văn chương Hán Nôm cổ. Tôi gợi ý anh nên chăng đưa lại công chúng hôm nay toàn văn bản “Đoạn trường tân thanh” do Kiều Oánh Mậu biên tập và chủ trì việc in khắc (1902), là vì đến lúc ấy (những năm 1990), ngành khoa học xã hội Việt Nam tuy đã đưa ra vài ba văn bản Truyện Kiều do các chuyên gia hiện đại xử lý, nhưng những xử lý của tiền nhân thì lại chỉ được dẫn ra ở các câu chữ dị bản cụ thể, chứ chưa rõ toàn bộ diện mạo trước công chúng hậu thế. Tôn cho là một đề xuất hay, rồi ít lâu sau Tôn đề nghị sẽ làm cuốn sách ấy với nhà xuất bản chúng tôi, lại bảo tôi viết sẵn cho một lời giới thiệu. Đề tựa cho một cuốn sách tương lai là điều quá khó, tuy vậy tôi vẫn viết cho anh, vì nội dung chỉ là nói tầm mức đáng chú ý của văn bản do Kiều Oánh Mậu xử lý năm 1902 mà thôi, tôi có thể đặt bút mà không thấy quá mạo hiểm.
Thế rồi cái “dự án” làm sách ban đầu ấy đã đổ vỡ, nhưng là theo một hướng đáng mừng, bởi vì khi đi vào tìm hiểu cụ thể, Tôn đã lần lượt nhận ra các vấn đề, và đã phải vật lộn với những lời đáp rất khó tìm xung quanh những ý niệm tương truyền về phân giới “bản kinh – bản phường”, về đối tượng các cuộc ngâm vịnh ở triều Huế đầu thế kỷ XIX đích thị là tác phẩm chữ Hán của Thanh Tâm Tài Tử hay tác phẩm Nôm của Nguyễn Du, v. v… Ấy là chưa nói đến cái phổ lan tỏa rộng của tích Thúy Kiều-Từ Hải và “Kim Vân Kiều truyện”, rồi cái phổ cũng rộng không kém là những văn bản Truyện Kiều được phát hiện đây đó mà giá trị luôn luôn cần được khảo sát,… Cả một lịch sử văn bản, và rộng hơn, cả một lịch sử ra đời một hệ tác phẩm đã lấp ló, đòi hỏi diễn giải và kiến giải.
Tất nhiên, xung quanh cái đường viền một “siêu dự án” rộng lớn kia, nơi có hàng chục chuyên gia tầm cỡ kể từ Hoàng Xuân Hãn đến Nguyễn Tài Cẩn và nhiều tên tuổi khác, đã vào cuộc, thì Đào Thái Tôn cũng chỉ làm được một số phần việc khá khiêm nhường tuy chắc chắn. Tôi nhắc lại kỷ niệm nhỏ trên đây vì tôi nghĩ chính nó đã đưa Đào Thái Tôn từng bước một đến trước một trong những công việc thực sự của nghiên cứu văn học sử và của văn bản học. Trong đời nghiên cứu, không phải ai cũng bước được đến bước ấy.
Quen biết Đào Thái Tôn, tôi cảm nhận được rõ hơn cái nhận xét mà nhiều người thường nói về giới các nhà Hán Nôm thời nay: hầu hết họ đều riết róng, sát phạt, nghiệt ngã, cố chấp, ai cũng sẵn sàng xù lông nhím ra khi đứng gần nhau, mỗi chuyên gia đều là một ốc đảo, họ đều khăng khăng giữ ý kiến riêng, bảo vệ đến cùng những xác tín riêng, có khi trên những sự việc rất nhỏ. Cái chất thợ thủ công ở người nghiên cứu chúng tôi, có lẽ hiện hình đầy đủ nhất ở giới làm Hán Nôm. Nhưng ta biết, sản phẩm thủ công, nếu đặc sắc, phải là độc bản, và chỉ thợ giỏi cỡ nghệ nhân mới làm ra được những sản phẩm độc bản.
Cách đây vài năm, một hôm Đào Thái Tôn gọi cho tôi, báo tin đã cùng gia đình dọn đến nơi ở mới, luôn thể, hỏi tôi về khái niệm “mặt nạ tác giả”. Ban đầu tôi chỉ cho Tôn những đoạn tôi đã viết về khái niệm ấy; sau đó, tôi nhớ đến gợi ý của Tôlya (Anatoly Sokolov, nhà Việt học người Nga) hồi nào, bèn lục lại tài liệu, viết thành một bài dài, đưa đăng “Sông Hương” và “Nghiên cứu văn học”, lại cũng gửi riêng cho Tôn làm tài liệu tham khảo. Tôi biết Tôn trở lại đề tài thơ Hồ Xuân Hương, và lần này anh muốn đi theo một hướng kiến giải khác.
Rất gần đây, Tôn gọi điện bảo tôi gửi lại cho anh bài viết kể trên, vì anh đã để lẫn đâu đó, lại phòng trước rằng tôi đã có sửa chữa thêm thắt gì chăng. Tôi mở bài ấy xem lại một lượt rồi mới gửi đi. Tối hôm sau, Tôn gọi lại, chỉ nhắc tôi một lỗi nhỏ về việc dùng dấu gạch ngang: tôi đã đặt một dấu phẩy rồi đặt tiếp dấu gạch ngang để tách các đoạn văn xen kẽ. Tôn bảo đã xóa hết các dấu phẩy ấy trước khi đưa bài của tôi vào loạt bài phụ lục tham khảo trong cuốn sách mới của anh. “Một dấu ngắt ra là đủ rồi, dùng cả hai dấu liền nhau, vô duyên lắm, ông ạ!” ̶ Tôi vừa nghe anh qua điện thoại vừa cười thầm: cha này vẫn kỹ tính quá chừng!
Vậy mà chiều tối 4/6, Đạt, em trai Tôn gọi điện thoại cho tôi: Anh Tôn em mất rồi! Mới đó mà Tôn đã ra người thiên cổ! Trong niềm bùi ngùi tiếc thương bạn, một nỗi lo ám ảnh tôi: Lại một mất mát nữa, lực lượng biên khảo cứ mỏng dần, mỏng dần, chẳng thể gì bù đắp.
05/6/2011
Lại Nguyên Ân
● Một đoạn của bài này đã đăng tuần báo VĂN NGHỆ
(số 24, ra ngày 11/6/2011) của Hội nhà văn Việt Nam.