Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỘI NGŨ VIẾT VĂN TRẺ TP HỒ CHÍ MINH TIỀM NĂNG VÀ TRIỂN VỌNG

Ts Trần Hoài Anh
Thứ năm ngày 2 tháng 6 năm 2011 3:02 PM

(Tham luận tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3)

Lời nói đầu
: Tại cuộc Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ 3 vừa kết thúc sau 3 ngày (27, 28, 29.5.2011), cuộc Hội thảo Văn học trẻ trong dòng chảy thị trường tại Cần Giờ vào sáng 29.5 là dấu ấn quan trọng, vì chưa bao giờ các bạn văn trẻ có được một hội thảo “mở” như vậy để cùng tranh biện về những vấn đề như đầu tư, xuất bản tác phẩm, bản quyền, nạn đạo văn, giải thưởng nhà văn trẻ, “sự cố” văn chương, đề tài sex,... Các đại biểu không đọc tham luận mà chỉ phát biểu những nội dung chính về tham luận, sau đó dành thời gian cho phát biểu phản biện. Chẳng những dừng lại ở nội dung các tham luận mà các nhà văn trẻ còn mở rộng biên độ sang mọi lĩnh vực khác của đời sống văn học mà họ quan tâm…
Tham luận của Tiến sĩ Trần Hoài Anh được xem như bức tranh khái quát về tình hình văn học trẻ thành phố phương Nam những năm qua, xin giới thiệu đến bạn đọc.

TIẾN SĨ TRẦN HOÀI ANH

1. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành - Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trong một lần trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ Trẻ số 9 (747) ra ngày 27.2.2011 đã khẳng định một cách tự tin rằng đã có “một sinh khí mới mẻ đang “thổi” vào Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh mà tôi tin nó ngày càng lớn mạnh”. Bởi theo anh “Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều cây bút trẻ có tài có tâm, nhiệt huyết sáng tạo và đã có nhiều tác phẩm đóng góp xứng đáng vào nền văn học thành phố, nếu không muốn nói họ đang là lực lượng quan trọng làm thay đổi diện mạo văn học thành phố những năm gần đây”.      
Những điều nhà thơ Phan Hoàng khẳng định hoàn toàn có cơ sở và có lẽ còn khá khiêm tốn khi anh cho rằng văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới góp phần làm thay đổi đời sống văn học thành phố. Song theo tôi, những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh không những góp phần làm thay đổi đời sống văn học thành phố mà hơn thế, họ còn góp phần làm thay đổi diện mạo văn học đương đại của dân tộc. Bởi tác phẩm của họ không chỉ được lưu hành trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có mặt ở nhiều vùng, miền trong và ngoài nước, được bạn đọc đón nhận và dư luận quan tâm. Vì thế, tầm ảnh hưởng của họ không chỉ giới hạn trong phạm vi vùng, miền mà còn lan toả khắp đất nước và thậm chí cả ở nước ngoài.
2. Khi nghiên cứu một nền văn học hay một vùng văn học không thể không nói đến đội ngũ nhà văn, những người đã và đang làm nên diện mạo đời sống của vùng văn học đó. Thế nên, nhìn vào đời sống văn học Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua, ta thấy trong tiến trình phát triển  có vai trò rất lớn của nhiều thế hệ nhà văn, trong đó có các nhà văn trẻ. Và mỗi thời kỳ đều có những tác giả gây ấn tượng với người đọc cả nước. Đây chính là tiền đề, là bệ phóng để các nhà văn trẻ Thành phố bay cao, bay xa trong chân trời lao động sáng tạo. Thế hệ nhà văn trẻ hôm nay không thể không có sự “tiếp lửa” từ các thế hệ nhà văn lớp trước. Sự “tiếp lửa” ấy là một giá trị góp phần tạo nên tiềm năng và triển vọng trong hành trình sáng tạo của lực lượng viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh mà thực tiễn sáng tác của họ trong những năm qua đã khẳng định điều đó.
Quả thật, nhìn vào đời sống văn học của đất nước trong những năm gần đây, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước sức sáng tạo dồi dào, đa dạng và phong phú của những người viết trẻ trong nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Họ tung tẩy và tạo những điểm nhấn ở nhiều thể loại văn học, nhiều sự kiện văn học với những tìm tòi, những thử nghiệm, những sáng tạo, những cách tân, có cả thành công lẫn thất bại… Chính điều này đã làm cho diện mạo văn học dân tộc thêm khởi sắc và trong một chừng mực nào đó đã tạo nên sức sống cho nền văn học, tuy chưa thật mạnh mẽ như mong muốn của người đọc nhưng không phải là không có những thành tựu đáng trân trọng.
Trong lĩnh vực thơ ca, có thể thấy sự tiếp nối sáng tạo của nhiều thế hệ nhà thơ trẻ như Phan Hoàng với Tượng tình, Hộp đen báo bão và gần đây gây chú ý khi công bố từng phần Bước gió truyền kỳ; Ly Hoàng Ly với Cỏ trắng, Lô lô, Quà; Nguyễn Hữu Hồng Minh với Giọng nói mơ hồ, Chất trụ và những bài thơ khác, Vỉa từ; Lê Thiếu Nhơn với Bài ca phía mặt trời, Dốc gió, Phố tình riêng, Trong bóng người xưa, Bản tường trình giấc mơ đi vắng; Phan Trung Thành với Vọng sông quê, Mang, Đồng hồ một kim, Những ngày vắng em; Ngô Liêm Khoan với Trở mình trong máng xối; Trần Lê Sơn Ý với Cơn ngạt thở tình cờ; Trương Gia Hoà với Sóng sánh mẹ và anh; Ngô Thị Hạnh với Vang vọng, Hòn bi vỡ, Rơi ngược, Nắng từ những ngón chân; Song Phạm với Tôi uống bầu trời trong ly nước nhỏ; Đinh Thu Hiền với tập thơ đầu tay Hiền là Hiền; Đồng Chuông Tử với Thèm ăn, Mùi thơm của im lặng… Và nhiều nhà thơ trẻ khác như: Bùi Thanh Tuấn, Thục Linh, Trần Đình Thọ, Lê Văn Tiến, Nguyễn Phong Việt, Lê Thuỳ Vân, Trần Hoàng Nhân, Ngọc Anh, Đỗ Thanh Vân, Tuệ Nguyên, Song May, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Chiêu Anh Nguyễn, Hoa Nip, Lê Văn Lâm, Trần Mai Hường, Phùng Hiệu, Trần Huy Minh Phương, Hoàng Thanh Tâm… Riêng nhóm Ngựa Trời gồm các nhà thơ nữ 8x Sài Gòn: Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Khương Hà, Phương Lan, Lynh Bacardi với tập thơ in chung Dự báo phi thời tiết khi vừa ra đời đã khuấy động dư luận. Họ cũng lần lượt tìm cách khẳng định mình bằng những tập thơ riêng: Nguyệt Phạm với Mắt giấy, Khương Hà với Kim tuyến đỏ…
Những thế hệ nhà thơ trẻ này thực sự là lực lượng nòng cốt của thơ ca Thành phố và của cả nước trong những năm gần đây. Nhiều người trong số họ đã đoạt được những giải thưởng về thơ như: Phan Hoàng với giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho Bước gió truyền kỳ; Nguyễn Hữu Hồng Minh với giải thơ Bút mới Báo Tuổi trẻ những năm đầu tiên, giải thưởng thơ Tạp chí Sông Hương, hay tập thơ Giọng nói mơ hồ của anh đã vào chung khảo giải thưởng thơ năm 2000 của Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam; Trần Lê Sơn Ý với tập thơ Cơn ngạt thở tình cờ đã nhận được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 và cũng là một trong hai tập thơ của tác giả nữ đầu tiên được giải thưởng Lá Trầu; Lê Thiếu Nhơn với hai lần được Tặng thưởng về thơ của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh với tập thơ Trong bóng người xưa năm 2007 và Bản tường trình giấc mơ đi vắng năm 2010; Đồng Chuông Tử với tập thơ Mùi thơm của im lặng được vào chung khảo giải thơ Bách Việt… Chính điều này đã cho thấy tiềm năng và triển vọng của lực lượng các nhà thơ trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh trên con đường dấn thân vào một thể loại văn học khá huyền diệu nhưng cũng vô cùng đỏng đảnh - đó là thể loại thơ. Bởi nói như Charles Henri Ford “Thơ cũng huyền diệu như trời”.
Cùng với thơ, ở thể loại văn xuôi cũng cho thấy tiềm năng và triển vọng khá đa dạng của lực lượng viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Văn xuôi của những người viết trẻ Thành phố trong những năm qua cũng góp phần rất lớn trong đời sống văn học Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều cây bút trẻ trước đây đã từng có những tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong sự tiếp nhận của bạn đọc cả nước như: Lại Văn Long, Phan Triều Hải, Phan Hoàng, Phan Thị Vàng Anh, Khánh Chi, Trầm Hương… Tuy đến nay không còn trẻ nhưng họ là cầu nối quan trọng cho thế hệ 5x, 6x với 7x, 8x, 9x sau này của văn học Thành phố. Cũng thuộc thế hệ 6x gắn liền với văn học trẻ phải kể đến Nguyễn Thu Trân, từ khi rời Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những tác phẩm viết cho thiếu nhi, chị còn khẳng định mình với tập truyện Bốn người nhẹ như chiếc lá và tiểu thuyết Hồ thiêng. Tiếp đến là các nhà văn thế hệ 7x, 8x, 9x, đội ngũ rất hùng hậu như: Tiến Đạt với các tập truyện ngắn Có con chim lạ trong thành phố, Tội lỗi tự nhiên, tiểu thuyết Thể xác lưu lạc; Trần Nhã Thuỵ với các tập truyện ngắn, tạp văn: Lặng lẽ rừng mai, Những bước chậm của thời gian, Chàng trẻ măng ở thành phố treo đầu, Gối đầu trên mây, Cuộc đời vui quá không buồn được, truyện dài Thị trấn có tháp đồng hồ, và tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước; Nguyễn Thị Châu Giang với các tập truyện ngắn: Đám cưới sao, Biển trên núi, Đèn lồng trên cao, Chợ tình, Cuộc chơi, Trở về tình yêu, truyện dài: Không ngủ, Mùa hè thơ ấu, Tóc ngắn, Đêm dịu dàng...; Nguyễn Thu Phương với nhiều tập truyện ngắn như Cây lẻ bạn, Ngồi tựa mạn thuyền, Luân sinh, Phiêu linh trắng…; Nguyễn Ngọc Thuần với các tập truyện Vừa nhắm vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Giăng giăng tơ nhện, Nhện ảo, Trên đồi cao chăn bầy Thiên sứ, Cha và con và…tàu bay; Nguyễn Danh Lam với các tiểu thuyết Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc, tập truyện ngắn Mưa tháng mười một…; Phan Hồn Nhiên với các truyện dài Công ty, Mắt bão, Chiếc vòng đồng đen, các tập truyện ngắn: Dốc mưa, Đôi giày vuông, Cánh trái…; Vũ Đình Giang với tiểu thuyết Song song và các tập truyện ngắn: Trên đất lạ, Mười sáu mét vuông, Vũ trụ câm, Bờ xám, Kẻ lạ nhìn tôi từ phía sau; Dương Thụy với các tiểu thuyết Oxford thương yêu, Cáo già- gái già và tiểu thuyết diễm tình, Nhắm mắt thấy Paris cùng nhiều tập truyện ngắn, bút ký; Trương Anh Quốc với tiểu thuyết Biển và hai tập truyện ngắn: Sóng biển rì rào, Lũ đầu mùa. Và hàng loạt cây bút trẻ khác lần lượt xuất hiện và tìm cách khẳng định mình trên văn đàn như: Hải Miên, Trần Văn Thưởng, Đoàn Tú Anh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phương Trinh, Đoàn Phương Huyền, Nguyễn Thiên Ngân, Huỳnh Mẫn Chi, La Thị Ánh Hường, Võ Thu Hương, Bích Khoa, Thiên Di, Hà Thanh Phúc, Hoàng My, Nguyễn Thị Hải… trong đó có nhiều cây bút hiện đang là sinh viên như: Yến Linh, Trần Minh Hợp, Lưu Quang Minh, Ngô Thuý Nga, Nguyễn Thị Vân, Lê Miên Ca, Nguyễn Đặng Tường Vi…
Có thể nói, ở lĩnh vực văn xuôi các nhà văn trẻ đã xông pha và khám phá ở nhiều thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn, truyện dài, truyện cho thiếu nhi… Và ở thể loại nào họ cũng có những tìm tòi, thể nghiệm, những khát khao đổi mới bút pháp mà đặc biệt là sự vượt lên chính mình trong quá trình sáng tạo để làm mới mình, phủ định mình, từ đó hình thành cho mình một phong cách riêng. Điều mà các thế hệ nhà văn trước kia chưa mấy chú trọng, bởi hạn chế từ điểm nhìn của một thời kỳ văn học mang tâm lý đám đông và ý thức đồng phục. Chính vì vậy, trong số họ đã có những nhà văn khá thành danh và nhận được những giải thưởng có uy tín trong đời sống văn học như: Nguyễn Thu Trân với giải nhì Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp Hội nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng tổ chức. Tiến Đạt với Thể xác lưu lạc là tác phẩm đầu tiên về tiểu thuyết được hội đồng thẩm định giải thưởng Bách Việt chọn vào chung khảo. Đây là một trong những tác phẩm tạo dư luận tốt trong bạn đọc về cách nhìn mới, cách nghĩ mới và sự đổi mới bút pháp của chính tác giả. Trần Nhã Thụy với tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước tái bản đến lần thứ 3, (một hiện tượng khá hot trong thời buổi văn hóa đọc đang có chiều hướng xuống cấp), đã lọt vào vòng chung khảo giải thưởng văn chương thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam và đây cũng là tác phẩm tạo dư luận tốt trong đời sống văn học, được trao Tặng thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008. Nguyễn Ngọc Thuần là người rất có duyên với các giải thưởng văn chương. Kể từ khi tác phẩm Giăng giăng tơ nhện của anh đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 2, anh liên tục nhận được các giải thưởng như: giải Nhất cuộc thi Văn học thiếu nhi lần thứ 3 với tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (NXB Trẻ 2000), giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2003 với tác phẩm Nhện ảo (NXB Kim Đồng 2003), giải B (không có giải A) sáng tác văn học dành cho tuổi trẻ do NXB Thanh niên và Báo Văn nghệ chủ trương với tác phẩm Trên đồi cao chăn bầy Thiên sứ. Nguyễn Danh Lam với giải thưởng Báo Văn nghệ cho truyện ngắn Đất. Phan Hồn Nhiên với Tặng thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2001 với tác phẩm Cánh trái; Trương Anh Quốc với tiểu thuyết Biển đã đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 4 năm 2010 do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức. Trước đó, trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 3 năm 2005, Anh cũng đoạt giải nhì với tập truyện ngắn Sóng biển rì rào… Và nhiều tác giả trẻ đoạt giải thưởng văn xuôi đáng chú ý khác như: Phương Trinh, Trần Thị Hồng Hạnh, Hải Miên, Bích Khoa, Võ Thu Hương, Nguyễn Thiên Ngân… Bên cạnh đó còn có những nhà văn đang còn là sinh viên ở các trường đại học nhưng đã kịp cho ra đời những tác phẩm đầu tay và cũng tạo được ấn tượng nơi người đọc. Điều đó đã minh chứng cho thấy tiềm năng và triển vọng của đội ngũ nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh là một thực thể đã được khẳng định từ trong thực tiễn lao động và niềm đam mê sáng tạo văn chương của họ.
Vâng, văn chương không chỉ là niềm đam mê mà là nghiệp chướng mà khi đã dấn thân vào thì rất khó vượt thoát. Thế nên việc các nhà văn trẻ Thành phố đã không ngừng sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm văn học trong thời gian qua cũng như sẽ tiếp tục xuất bản những tác phẩm mới trong thời gian đến không chỉ cho thấy tiềm năng và triển vọng của họ mà đó còn là hành trình giải nghiệp của kiếp văn chương. Bởi sự chọn lựa văn chương là sự chọn lựa của định mệnh. Song không phải vì văn chương là một định mệnh rồi ngồi đó trông chờ định mệnh sẽ mang đến cho ta tác phẩm mà định mệnh của văn chương là thứ định mệnh của sáng tạo, của lao động. Đó là định mệnh của sự dấn thân, tận hiến, tự đốt cháy mình để làm nên tác phẩm. Vì vậy, nói đến tiềm năng và triển vọng của đội ngũ những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nói đến tiềm năng lao động sáng tạo của mỗi nhà văn trong quá trình sáng tác. Bởi nếu nhà văn không tự khổ luyện mình trong lao động của nghề văn mà sớm thoả mãn khi có được những thành công bước đầu thì không thể tạo nên tiềm năng và không có tiềm năng thì cũng chẳng bao giờ có triển vọng.
3. Việc các nhà văn trẻ khẳng định chỗ đứng của mình trong làng văn những năm qua cũng đã cho thấy rõ tiềm năng và triển vọng của lực lượng viết văn trẻ thành phố là một chân trời đầy ánh sáng. Và chính họ chứ không ai khác phải là người chiếm lĩnh tương lai của văn đàn. Sự tồn sinh của văn học dân tộc chỉ có thể trở thành hiện thực bằng chính sự lao động sáng tạo của các nhà văn trẻ. Và đây là điều đã được minh chứng trong tiến trình lịch sử văn học. Nhìn vào văn học dân tộc những năm 1930 - 1945 của thế kỷ XX, ta thấy đã có biết bao nhà văn thành danh khi họ còn rất trẻ. Và chính họ đã làm thay đổi diện mạo của văn học nước nhà trong thời kỳ hiện đại mà ảnh hưởng của nó không phải đã phai mờ trong nền văn học dân tộc. Đó là Chế Lan Viên với tập thơ Điêu tàn ra đời khi ông 17 tuổi đã làm nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam ngỡ ngàng cho đó là một niềm “kinh dị”. Còn Bích Khê sáng tác Tinh huyết năm ông 23 tuổi, được Hàn Mặc Tử đánh giá là một đóa hoa “thần dị” và cũng chính Hàn thi sĩ tôn vinh Bích Khê là “thi sĩ của thần linh”. Riêng Tế Hanh, năm 18 tuổi (1939) đã nhận được giải thưởng Tự lực Văn đoàn với tập thơ Nghẹn ngào và được Nhất Linh khẳng định là “có rất nhiều hứa hẹn để trở thành một thi sĩ có tài”. Xuân Diệu viết Thơ thơ từ năm 21 tuổi mà theo Hoài Thanh: “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạc chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.”. Rồi Vũ Hoàng Chương xuất bản thơ Say năm 24 tuổi, Huy Cận viết Lửa Thiêng năm 21 tuổi… Rõ ràng, chính các nhà thơ này bằng lao động sáng tạo của mình đã viết nên một trang sử mới cho lịch sử văn học dân tộc. Và từ những cột mốc ban đầu này đã tạo tiền đề để họ tiếp tục sáng tạo nhằm khẳng định tiềm năng, triển vọng và vai trò của thế hệ của mình trong lịch sử văn học dân tộc. Còn các bạn! Tuy đang có một đội ngũ nhà văn hùng hậu, một điều kiện sáng tạo vô cùng thuận lợi của thời đại mới nhưng các bạn cũng gặp phải sự cạnh tranh khắc nghiệt của cơ chế thị trường. Các bạn phải làm gì để khẳng định tiềm năng và triển vọng của mình như những gì các bạn đã khẳng định trong thời gian vừa qua trên văn đàn!? Câu trả lời xin nhường lại cho chính các bạn những nhà văn trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố của năng động và sáng tạo và cũng là Thành phố của tiềm năng và triển vọng.
Riêng phần mình, tôi vẫn luôn kỳ vọng vào tiềm năng sáng tạo của đội ngũ những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và những người viết văn trẻ cả nước nói chung khi mà trong tâm thức và tâm cảm của họ vẫn luôn chất chứa những nỗi đau về phận người và những trăn trở, ưu lo trước cái ác, cái xấu, cái bất công… vẫn còn hiện hữu trong cõi nhân gian này. Và tôi xin mượn lời của nhà văn Trần Nhã Thuỵ khi trả lời phỏng vấn trên trang web Evan để khép lại bài viết có phần tản mạn của mình khi anh thành thực nhận rằng: “Nói thật, hàng ngày trong lòng tôi đều có sự đối diện thường trực với những nỗi đau về những điều chưa tốt, những điều bất công mà mình nhìn thấy, mình cảm nhận được trong cuộc sống. Và tôi thích được cọ xát thực sự với nỗi đau hơn là né tránh nó”. Và có lẽ, tiềm năng và triển vọng của đội ngũ những người viết văn trẻ chúng ta phần lớn được quyết định bởi nỗi đau sáng tạo này cũng như sự nỗ lực vượt lên chính mình trên từng trang viết của mỗi nhà văn chứ không chỉ đơn thuần là sự quan tâm của các lực lượng xã hội mà trực tiếp nhất là sự chia sẻ của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Không biết các bạn có đồng ý với tôi…!?
       Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17.05.2011

Chú thích ảnh: Hội thảo Văn học trẻ trong dòng chảy thị trường tại Cần Giờ