STALIN ĐÃ THUYẾT PHỤC BULGAKOV
KHÔNG RỜI KHỎI LIÊN XÔ NHƯ THẾ NÀO
Lời người dịch: Quan hệ giữa Stalin với các nhà văn Xô Viết (rộng hơn, giữa lãnh tụ/đạo chính trị và văn nghệ sĩ nói chung) là một đề tài đặc biệt thú vị và đáng được quan tâm. Nhà phê bình Nga nổi tiếng Benedikt Sarnov (sinh năm 1927) trong hai năm 2008 - 2009 đã xuất bản bộ sách gồm ba quyển Stalin và các nhà văn (Nxb Eksmo) đang được dư luận chú ý. Nhân 120 năm ngày sinh nhà văn Nga Mikhail Bulgakov (15/5/1891 – 12/3/1940), xin giới thiệu với bạn đọc một đoạn trích từ công trình này nói về mối quan hệ giữa Stalin với Bulgakov qua câu chuyên về một bức thư.
* * *
Vào tháng 7 năm 1929, M. A. Bulgakov gửi đến “Tổng Bí thư Đảng I. V. Stalin, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương M. I. Kalinin, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Văn học Nghệ thuật A. I. Sviderski, Aleksei Maksimovitr Gorki” một TUYÊN BỐ(1), trong đó viết rằng ông “không còn đủ sức tồn tại, bị truy bức, biết rằng sẽ không được in sách và dựng kịch trong lãnh thổ Liên Xô”, và “bị hành hạ đến suy nhược thần kinh”, ông gửi tới tất cả các quan chức nêu trên (về thực chất là tới Stalin) lời thỉnh nguyện “TRỤC XUẤT TÔI RA KHỎI LÃNH THỔ LIÊN XÔ CÙNG VỚI VỢ TÔI L. E. BULGAKOVA, người cũng đồng ý với đề nghị này”.
Ngày 30 tháng 7 cùng năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Văn học Nghệ thuật Cộng hòa XHCN Liên bang Nga A. I. Sviderski báo cáo Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô A. P. Smirnov về cuộc gặp và nói chuyện kéo dài với Bulgakov. Sviderski nói rằng ông có ấn tượng Bulgakov là một người đang bị truy bức, cùng đường và thậm chí không được khỏe về tâm thần. Theo ông, Bulgakov muốn, hay ít nhất cũng sẵn sàng hợp tác với chính quyền Xô viết, nhưng người ta “không cho và không giúp ông ta trong việc này”. Trong điều kiện như vậy, Sviderski cho rằng yêu cầu của nhà văn được xuất cảnh cùng với vợ ra nước ngoài là đúng và cần được đáp ứng.
Ngày 03 tháng 8 năm đó, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng A. P. Smirnov chuyển đến Molotov(2) lá đơn của Bulgakov cùng bức thư của Sviderski và đề nghị gửi chúng tới các Ủy viên chính thức và dự khuyết Bộ Chính trị. Đồng thời ông tỏ ý nên thay đổi thái độ đối với Bulgakov. Không truy bức ông, mà phải “kéo về phía chúng ta”. Còn đối với yêu cầu của nhà văn trục xuất ông ra nước ngoài thì cần phải từ chối, vì “thả ông ta ra nước ngoài với tâm trạng đó có nghĩa là làm tăng thêm kẻ thù”.
Ngày 28 tháng 3 năm 1930 Bulgakov, không đợi được lời đáp nào cho “Tuyên bố” của mình, đã viết một bức thư thống thiết gửi “Chính phủ Liên Xô” (thực tế là cho Stalin), trong đó viết: “Tôi kêu gọi lòng nhân đạo của chính quyền Xô Viết và đại lượng cho phép tôi, một nhà văn không thể có ích ở trong nước, được tự do”.
Ngày 14 tháng 4 – tức là hai tuần sau khi bức thư này được gửi đi – Maiakovski đã tự bắn vào đầu.
Ngày 18, một ngày sau lễ an tang nhà thơ vừa tự sát, Stalin gọi điện cho Bulgakov.
Không thể nghi ngờ rằng giữa hai sự kiện đó có một sự liên hệ trực tiếp.
Sau vụ tự sát làm rung chuyển cả nước Nga và thế giới của Mayakovski thì Stalin chỉ còn thiếu thêm vụ tự sát của một nhà văn nổi tiếng bị hành hạ đến tuyệt vọng!
Mục tiêu mà Stalin muốn đạt được bằng cuộc điện thoại đó là rõ ràng. Cần phải làm yên lòng nhà viết kịch đang ở trong trạng thái thần kinh không lành mạnh, bằng một cách nào đó tháo gỡ tình huống - nếu không giải quyết được dứt điểm thì ít ra cũng làm dịu đi.
Giải quyết tình trạng đó, tức là tháo gỡ cái nút bi kịch này, Stalin không thể. Bởi vì chỉ có thể giải quyết nó bằng hai cách.
“Tôi xin lưu ý rằng, không được viết đối với tôi cũng có nghĩa là bị chôn sống”, - Bulgacov đã viết trong bức thư của mình.
Cũng bằng chính những lời lẽ như vậy, một năm sau Zamiatin(3) viết cho Stalin: “... bị kết án tử hình, người viết lá thư này yêu cầu Ông thay mức án đó bằng một mức án khác. Không được viết và xuất bản đối với người nghệ sĩ đồng nghĩa với cái chết”.
Chỉ có một sự lựa chọn thay thế cho “mức án cao nhất” này: trục xuất ra khỏi biên giới.
Nhưng ra lệnh cho phép xuất bản sách và dựng kịch của Bulgakov thì Stalin không thể. (Vì sao không thể sẽ được nói đến dưới đây). Còn tại sao không thể đáp ứng yêu cầu trục xuất nhà văn khỏi Liên Xô thì chúng ta đã biết: “Thả ông ta ra nước ngoài với tâm trạng đó có nghĩa là làm tăng thêm kẻ thù”.
Stalin còn có thể làm gì trong tình huống này?
Chỉ có một: Chấp nhận phương án mà chính Bulgacov đã đưa ra trong bức thư của mình: “Tôi đề nghị bổ nhiệm tôi làm đạo diễn thử nghiệm ở Nhà hát Nghệ thuật số Một, trường học tốt nhất do các bậc thầy K. S. Stanislavski và V. I. Nemirovich-Dantrenko lãnh đạo.
Nếu không được làm đạo diễn, tôi xin làm diễn viên đóng vai phụ. Nếu làm diễn viên phụ cũng không được, tôi xin làm công nhân sân khấu.
Nếu cả điều đó cũng không thể được, tôi xin Chính phủ Xô Viết xử trí tôi như Chính phủ thấy cần thiết, nhưng hãy xử trí như thế nào đó, bởi vì đối với tôi, một nhà viết kịch đã có năm vở kịch, nổi tiếng ở Liên Xô và nước ngoài ngay trước mắt, VÀO THỜI ĐIỂM NÀY, là đói rách, bị vứt ra đường phố, và chết”.
Đó là một cơn kích động thần kinh. Hoặc, nếu bạn muốn, một ẩn dụ. Vì đâu phải ông thực sự muốn xin được bổ nhiệm làm diễn viên phụ hoặc công nhân sân khấu.
Vừa được nghe câu nói đầu tiên của Stalin: “Chúng tôi đã nhận được thư của ông ... Ông sẽ có lời đáp tốt đẹp” - Bulgacov đã tràn trề hi vọng.
Lời đáp tốt đẹp đối với ông chỉ có thể là một: bãi bỏ lệnh cấm đối với các vở kịch của ông. Tức là bãi bỏ “mức trừng phạt cao nhất”. Hoặc ít ra là thay “mức án cao nhất” này bằng một mức án khác: trục xuất khỏi đất nước.
Về phương án lựa chọn “lời đáp tốt đẹp” này đã được Stalin bóng gió để lộ trong câu nói tiếp theo của mình: “Mà có đúng là ông muốn xin ra nước ngoài? Chẳng lẽ chúng tôi đã làm ông chán ngấy lắm rồi sao?”
Đang sẵn hi vọng bởi lời bảo đảm của lãnh tụ rằng lời đáp cho bức thư của mình sẽ tốt đẹp, tức là hi vọng về việc bãi bỏ lệnh cấm đối với các vở kịch của mình, Bulgakov đáp:
- Trong thời gian gần đây tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc nhà văn Nga có thể sống ở ngoài Tổ quốc được không. Và tôi nghĩ rằng không thể.
Câu trả lời đó đã làm lãnh tụ hài lòng:
- Ông nói đúng. Tôi cũng nghĩ vậy.
Có thế chứ! Nhờ ơn Chúa! Nghĩa là bây giờ sẽ tiếp theo “lời đáp tốt đẹp” mà nhà văn đã được hứa hẹn.
Nhưng liền đó - như một xô nước lạnh dội lên đầu:
- Ông muốn làm việc ở đâu? Ở Nhà hát Nghệ thuật?
Thất vọng, Bulgakov lẩm bẩm:
- Vâng, tôi cũng muốn ... Nhưng họ ...
Mức án tử hình đã không được hủy bỏ. Còn sự thay thế “mức án cao nhất” bằng lệnh trục xuất ra nước ngoài thì chính ông vừa từ chối xong.
Vậy thì trong trường hợp này, “lời đáp tốt đẹp” ông được hứa hẹn là gì? Chỉ là người ta sẽ không để ông chết đói?
Một thất bại hoàn toàn.
Thực tế là Bulgakov đã KHÔNG NHẬN ĐƯỢC MỘT CHÚT GÌ đối với bức thư thống thiết của ông.
Có vẻ như đây chính là lúc để rơi vào tuyệt vọng hoàn toàn. Nhưng trái với mọi logic và lẽ thường tình, cuộc nói chuyện này với Stalin không những không làm suy yếu mà thậm chí còn tăng thêm hi vọng của ông vào một quyết định tốt đẹp cho số phận nhà văn của mình.
Một năm sau (vào tháng 7 năm 1931), Bulgakov viết cho Veresaev(1):
“Một công dân có những vở kịch được diễn, rồi người ta cấm chúng, vậy thì sao? Tại sao công dân đó, Sidor, Peter hay Ivan, lại gửi đủ các thứ đơn từ đến Ban Chấp hành Trung ương và Hội đồng Dân ủy, mà lại còn về chuyện nước ngoài? Và anh ta sẽ nhận được gì? Sẽ không có gì hết. Không xấu cũng không tốt. Đơn giản là sẽ không có câu trả lời. Và thế là đúng, là hợp lý. Bởi vì nếu bắt đầu trả lời tất cả các công dân Sidor này thì mọi việc sẽ trở nên hỗn loạn. Lí thuyết là thế, anh Vinkenti Vikentievitr ạ! Chỉ có điều nó chẳng để làm gì. Bởi vì vào đúng lúc tuyệt vọng nhất, thật may mắn, hơn một năm trước Tổng Bí thư đã phá vỡ lí thuyết đó, gọi điện cho tôi. Anh hãy tin vào đánh giá của tôi: ông ta đã dẫn dắt câu chuyện một cách mạnh mẽ, rõ ràng, quan cách và lịch sự. Trong trái tim của nhà văn lóe lên một tia hi vọng: Chỉ còn một bước nũa là ta sẽ được gặp ông ta và sẽ biết được số phận”. (M. Bulgakov. Tuyển tập tác phẩm, năm tập, tập 5. Moskva, 1990, trang 461 - 462).
Benedikt Sarnov
Đoàn Tử Huyến dịch