Nỗi lo chệch hướng?
Cập nhật lúc 16:45, Thứ Hai, 04/10/2010 (GMT+7)
- Nếu không quyết liệt đổi mới, có thể Đảng sẽ chệch hướng khỏi những nhiệm vụ cấp bách nhất, nóng bỏng nhất của đất nước trong những năm tới, ông Nguyễn Trung chia sẻ mối lo.
LTS: .Tôn trọng tính đa chiều của thông tin cũng như không khí cởi mở và xây dựng trong tranh luận, VietNamNet trân trọng giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung liên quan đến ĐH XI sắp tới. Có thể có nhiều điểm cần được tranh luận, làm rõ thêm, song với tư cách một đảng viên lâu năm gắn bó với Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Nguyễn Trung vẫn nêu ra, nhằm hưởng ứng tinh thần góp ý xây dựng, cởi mở đối thoại và tôn trọng ý kiến khác biệt mà Đảng kêu gọi.
Mời bạn đọc cùng tranh luận và tiếp tục gửi ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI.
Nỗi lo chệch hướng
- Là đảng viên có những bài viết đóng góp với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, xin cho biết ông có cảm nghĩ gì về quá trình chuẩn bị đang diễn ra?
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đâu đâu tôi cũng thấy một không khí hào hùng rất giống nhau về những quang cảnh hội nghị được trang hoàng hoành tráng, các đại biểu ăn mặc chỉnh tế với nghi thức đại lễ, nghiêm trang nghe các diễn văn… Không hiểu tại sao những đoạn trích báo chí đưa ra như thế ở các đại hội các cấp đảng bộ đều na ná giống nhau đến kỳ lạ, thậm chí đôi ba lần tôi đoán trước được những điều sắp được nói ra… Rồi đến hình ảnh các đại biểu chăm chú ghi chép, các đại biểu nghiêm trang và hớn hở đi bỏ phiếu bầu cấp ủy lãnh đạo mới…
Tôi hiểu mỗi tỉnh, mỗi ngành đều có rất nhiều vấn đề trọng đại của riêng mình, đại hội các đảng bộ như vậy là dịp mang ra tranh luận, trao đổi, mổ xẻ để tìm giải pháp, quyết định hướng đi mới… Đấy sẽ là những chuyện quyết định vận mệnh và tiền đồ của mỗi tỉnh, mỗi ngành trong 5 năm tới, trong nhiều năm tới… Hơn nữa, chuyện mổ xẻ như vậy chẳng những sẽ nâng cao tầm nhìn mọi đại biểu dự họp, bồi bổ kinh nghiệm cho những nơi khác.., và chắc chắn sẽ làm cho đại hội Đảng toàn quốc có nội dung phong phú, liên quan mật thiết đến vận mệnh đất nước…
Mong mỏi như thế, nhưng tôi chẳng tìm được gì, thầm tiếc công sức bỏ ra nghe ngóng. Đây là hệ quả của báo chí yếu kém, hay nội dung các đại hội các cấp quá chung chung?
Một nét giống nhau nữa của các đại hội cấp đảng bộ này, giống nhau đến mức làm cho tôi lo sợ, đó là hầu hết những vấn đề trọng đại và rất nóng bỏng đã được nêu trong các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho đại hội Đảng toàn quốc - ví dụ những vấn đề: hiệu quả kinh tế và chất lượng tăng trưởng thấp, tham nhũng và thoái hóa biến chất trong đội ngũ cán bộ đảng viên, chất lượng cuộc sống và lòng tin của nhân dân giảm sút, vấn đề văn hóa giáo dục, đòi hỏi cải cách thể chế chính trị và đổi mới xây dựng Đảng, công tác cán bộ và vấn đề nhân sự, những vấn đề đối ngoại vô cùng bức xúc,… - chỉ được các báo cáo chính trị của các đại hội cấp đảng bộ đề cập qua loa như điểm đầu việc hay nêu khẩu hiệu - nghĩa là không thấy bàn các giải pháp, thậm chí nhiều nơi thiếu.
Theo dõi báo chí, điều đọng lại trong tâm trí tôi chỉ là hình ảnh các đại biểu ngồi chăm chỉ nghe diễn thuyết, ghi ghi chép chép, rồi đi bỏ phiếu, chẳng thấy thảo luận hay tranh luận gì cả. Đại hội các cấp đảng bộ hời hợt như vậy, đến đại hội toàn quốc sẽ ra sao đây?
Một vấn đề nữa được Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng trong thời gian gần đây đã có lúc nhắc đến yêu cầu đất nước phải chuyển sang phát triển kinh tế theo chiều sâu. Tôi kiên tâm ngóng chờ xem vấn đề được thoáng nhắc tới như thế này sẽ được xử lý thế nào. Nhưng vấn đề sống còn này hầu như không thấy đại hội cấp đảng bộ nào bàn tới.
Hơn nữa, Đại hội cấp đảng bộ ở tất cả các tỉnh và thành phố đều nhất loạt ghi vào báo cáo chính trị của mình tốc độ tăng trưởng 2 con số cho 5 năm tới. Nếu làm đúng như thế, phải chăng kinh tế cả nước 5 năm tới nhất thiết phải tăng trưởng 2 con số! Bằng cách nào? Chất lượng? Hay là tỷ trọng phần kinh tế các tỉnh trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân quá nhỏ bé, nên các tỉnh tăng trưởng 2 con số cũng không sao? Hay là các số liệu thống kê đá nhau?.. Hay là chuyện gì nữa?.. Tôi không có cách gì lý giải các băn khoăn của chính mình.
Trong khi đó dự thảo Cương lĩnh đòi hỏi: “xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững”.
Xin lưu ý: kinh tế cả nước 2006-2010 tăng trưởng khoảng gần 7%/năm với rất nhiều vấn đề “nóng” và không bền vững, thậm chí trong 5 năm qua đã xảy ra không ít sự cố nguy hiểm, có lúc đã đẩy kinh tế đất nước tới sát bờ vực thẳm: lạm phát đã có lúc nhẩy lên 2 con số, dự trữ ngoại tệ giảm nhanh, đã xảy ra những cơn khủng hoảng nghiêm trọng của thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc, thâm hụt ngân sách nhà nước vượt mức luật cho phép, nạn phá rừng và cho thuê rừng tràn lan, ô nhiễm môi trường không kiểm soát được, bức xúc về việc làm ngày càng nóng bỏng, bất công xã hội và khoảng cách thu nhập tiếp tục gia tăng, những ách tắc về giao thông, về năng lượng, về nước… cứ theo nhau lớn mãi lên, nợ quốc gia tăng nhanh và có nguy cơ lấn lướt mức an toàn…
Chính dự thảo báo cáo chính trị chuẩn bị cho đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng phải đề cập đến một số yếu kém và khó khăn này.
Trong tình hình chung của đất nước như hiện nay, nếu các đảng bộ các địa phương và ngành thực hiện đúng nghị quyết của đại hội đảng bộ cấp mình, thi nhau tăng trưởng 2 con số, tình hình toàn cục của đất nước ta sẽ ra sao? Như thế là tái cấu trúc, là chuyển đổi cơ cấu, là bền vững?.. Hay là nghị quyết các đại hội cấp đảng bộ viết ra như thế chỉ để chứng tỏ giữa các tỉnh “không ai kém ai”?
Hay là… vô luận đất nước ta ngày nay đang đứng ở đâu trong thế giới này, vô luận đất nước ta đang có những đòi hỏi phát triển gì, phải đối phó với những thách thức nào.., cứ nhắm mắt tiếp tục tăng trưởng cao với bất kỳ giá nào trong khuôn khổ tư duy nhiệm kỳ và “nền kinh tế GDP tỉnh”? v…v…
Hay là… cứ yên tâm đi, đời cua cua máy đời cáy cáy đào, lo gì… – đại thể như cách suy nghĩ của vị cán bộ lãnh đạo Lạng Sơn hôm nào chung quanh việc cho nước ngoài thuê rừng 50 năm khiến cho cả nước bàng hoàng!
Bao nhiêu tiền của, công sức đã phải bỏ ra để quyết định như thế vận mệnh của đất nước!
Tóm lại trong một câu, theo dõi quá trình chuẩn bị cho Đại hội XI cho đến hôm nay, trong tôi choáng váng nỗi lo chệch hướng.
Nỗi lo chệch hướng nghĩa là sao, thưa ông? Phải chăng là chệch hướng xã hội chủ nghĩa?
Thưa không. Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa là gì. Một đảng viên tồi, có phải không?
Tôi đã nhiều lần cố tình tìm ra những điều tốt đẹp nhất mà các văn kiện và ngôn ngữ chính thống của Đảng lúc này lúc khác nói về đề tài này để làm sáng tỏ cho bản thân mình khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng lần nào tôi cũng chỉ tìm thấy: cái tốt đẹp mà không ít nước đều làm như thế và có những cái họ làm tốt hơn ở nước ta, ví dụ vai trò quản lý của nhà nước, vai trò và quyền hạn gắn với trách nhiệm của đảng cầm quyền, các quyền tự do dân chủ của dân… mà không cần đến định hướng XHCN.
Tại những nước này, tất cả những việc làm trong bộ máy quốc gia, của các viên chức mọi cấp và của đảng cầm quyền đều phải gắn với hiến pháp và luật pháp với tính cách là sự ràng buộc tối thượng.
Các nước này bao gồm không ít những nước đang phát triển có thu nhập theo đầu người chỉ ngang bằng nước ta, hoặc nhiều hơn nước ta một chút, hoặc thậm chí kém hơn, ví dụ như Moldova, Ấn Độ, Philippines, Indonesia... Ở những nước này không thể tùy tiện vận dụng những khái niệm chung chung như “chỉ đạo”, “lãnh đạo”, “quán triệt”, phải kiên định “giữ vững định hướng”…
Theo tôi, nên bỏ cách nói “định hướng xã hội chủ nghĩa” chung chung và quá mơ hồ như thế này đi, vì nó chỉ có tác dụng biện hộ cho lạm dụng.
Chỉ nên trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật hiện hành nói thẳng ra các việc A, B, C,.. mà Đảng và các đảng viên phải làm, nhà nước, cán bộ và công dân ta phải làm, những cái gì là cấm.
Mỗi công dân trong xã hội chúng ta, dù là ai, chỉ được phép có 3 thứ quyền giống nhau do hiến pháp quy định, ràng buộc, đó là: quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ. Hiến pháp hiện hành dù đang đứng trước yêu cầu phải sửa đổi, song cũng đã ghi rõ được 3 thứ quyền giống nhau này của mọi người, phải tìm cách thực hiện (xem: Hiến pháp sửa đổi 2001, Chương V, các điều 50, 51, 52).
Vậy ông lo chệch hướng khỏi cái gì, thưa ông?
Với quá trình chuẩn bị thế ĐH thế này, tôi lo có thể nhiệm kỳ tới này Đảng có nguy cơ chệch hướng khỏi những nhiệm vụ cấp bách nhất, nóng bỏng nhất của đất nước trong những năm tới mà ở mức độ nhất định dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập đến.
Những khái niệm bao giờ cũng đúng
Tại sao ông lại nói dè dặt như vậy về dự thảo Báo cáo chính trị?
Đơn giản là theo thiển ý của tôi, dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Chiến lược phát triển đến năm 2020 vẫn được soạn thảo chủ yếu theo đường mòn cũ của các Đại hội trước cho đến nay, có quá nhiều việc được nhắc lại hoặc chỉ có tên mà không có nội dung mới…
Với cách làm hiện nay, thì sau này nếu thay đổi một số câu từ và điền lại thời gian, thêm thắt ít câu từ mới cho hợp thời.., những văn kiện dự thảo này về cơ bản vẫn còn có thể dùng được cho Đại hội XII, XIII, hoặc lâu hơn nữa...
Xin lẩy ra vài ví dụ: Các văn kiện Đại hội X và các văn kiện dự thảo cho Đại hội XI khi đánh giá về thành tích và yếu kém đều sử dụng cách tư duy và những khái niệm như “được nâng cao”, “được cải thiện”, “khắc phục được một bước”, “còn một số hạn chế”, “chậm đổi mới”, “còn nhiều bức xúc”...
Tôi tạm đặt tên đó là cách tư duy và những khái niệm bao giờ cũng đúng, nhưng chẳng nói lên được điều gì. Vì đấy là cách nói chung chung, phổ cập cho mọi thời gian. Trong khi đó mỗi nhiệm kỳ đại hội có rất nhiều vấn đề rất riêng với những đặc thù riêng, đòi hỏi cách tiếp cận và xử lý phải rất “riêng” cho từng vấn đề đặt ra.
Đơn cử, vấn đề kinh tế tập đoàn kinh tế nhà nước trong nhiệm kỳ Đại hội X có rất nhiều vấn đề trầm trọng hơn so với các nhiệm kỳ đại hội trước và đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc mới rất gay gắt cho nhiệm kỳ Đại hội XI.
Không phải ngẫu nhiên gần đây đã có ý kiến trên báo chí cho rằng khái niệm “sở hữu toàn dân” trong vấn đề đất đai như đang được vận dụng là mầm mống cho tham nhũng của những người có chức có quyền.
Có ý kiến đề nghị bỏ hẳn những khái niệm chung chung, mù mờ, còn nhiều tranh cãi về lý luận và khoa học như “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, “kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”… như đã từng được viết ra tương tự trong các Đại hội VIII, IX, X và được tiếp tục chép lại trong các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội XI…
Có ý kiến đề nghị bỏ hẳn cách Nhà nước bao cấp quyền và vốn từ ngân sách quốc gia cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước để tạo ra những “quả đấm” và phải chuyển hẳn sang hình thái Nhà nước mua và bán sòng phẳng những dịch vụ công - kể cả trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng,…
Không thể quy chụp đấy là những ý kiến chống lại đường lối của Đảng, mà cần công khai thảo luận tới cùng cho hết nhẽ.
Không thể giải quyết bằng mệnh lệnh chay!
Khi bàn về những nhiệm vụ mới, tất cả 2 loại văn kiện này (Đại hội X và dự thảo cho Đại hội XI) hầu như đều được xây dựng theo những tư duy vĩnh hằng đã từng được viết đi viết lại trong các văn kiện của các Đại hội trước, ví dụ như “đẩy mạnh”, “tăng cường”, “phát triển”, “nâng cao”, “đổi mới”, “cải tiến”, “khắc phục một bước”, “hoàn thiện”, “phải phòng chống…”… Thế nhưng bằng những giải pháp nào, chính sách cơ chế nào?
Cuộc sống chẳng có một vấn đề nào có thể giải quyết được bằng nguyện vọng, bằng mong muốn, bằng một đòi hỏi, hay bằng một mệnh lệnh chay như vậy!
Xin đơn cử một ví dụ: Nhiều Đại hội nhận định đổi mới chính trị không theo kịp đổi mới kinh tế, Đại hội X đặt vấn đề tiếp tục kiện toàn Quốc hội, Chính phủ và đẩy mạnh cải cách hành chính; dự thảo văn kiện Đại hội XI cũng đặt vấn đề “hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính”. Song biện pháp là “đẩy mạnh cải cách lập pháp, tư pháp,… tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch vững mạnh…” (dự thảo văn kiện Đại hội XI).
Xin hỏi, cứ hô hào tập trung và đẩy mạnh… như thế thì sẽ chỉ là mong muốn, hay tệ hơn nữa sẽ chỉ còn là khẩu hiệu?
Sự thật là một số yếu kém của hệ thống chính trị hiện nay đã thành trở ngại kìm hãm sự phát triển năng động của đất nước.
Dù đã có một số cải cách hành chính cụ thể mang tính thủ tục đã được thực hiện trong thời gian nhiệm kỳ Đại hội X, song có vẻ như trong nhiệm kỳ này tình trạng mất dân chủ nặng nề hơn trước, thước đo rõ nét nhất là tham nhũng và tội phạm nhiều và trầm trọng hơn trước, xuất hiện nhiều ách tắc mới.
Cái khó nhất trong câu chuyện này đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu ra nhiều lần trong những kiến nghị bằng lời nói và bằng văn bản của mình gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về yêu cầu bức xúc phải xây dựng một Nhà nước mạnh. Theo đồng chí Võ Văn Kiệt, Đảng chưa có ý chí chính trị và biện pháp xây dựng một Nhà nước mạnh, trong khi có một Nhà nước mạnh thì mới có thể có Đảng mạnh.
Tôi hiểu ý của đồng chí Võ Văn Kiệt là: Trong tình hình hệ thống chính trị một đảng của nước ta, một nhà nước èo uột sẽ chỉ có thể là mảnh đất mầu mỡ cho tha hóa của Đảng, kết cục cả Đảng và Nhà nước đều yếu, sự phát triển của đất nước bị kìm hãm.
Luật pháp đứng ở đâu?
Dự thảo Cương lĩnh chuẩn bị cho Đại hội XI viết “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy…” Đây là biện pháp xây dựng một nhà nước mạnh chăng? Tôi không tin như vậy.
Có rất nhiều vấn đề cần được thảo luận rành rọt trong một đoạn trích ngắn ngủi vài dòng này của Cương lĩnh (dự thảo), cần huy động trí tuệ và thảo luận dân chủ để làm rõ.
Ví dụ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất” – thống nhất trên cơ sở nào? Vai trò của Hiến pháp đứng ở đâu (chưa nói đến đòi hỏi bức xúc phải xây dựng Hiến pháp mới). Trong mấy kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, khi bàn về những vấn đề quan trọng như sáp nhập thủ đô, đường sắt cao tốc… có đại biểu quốc hội đã nói thẳng ra Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng là cấp trên của Quốc hội – vậy quyền lực nhà nước thống nhất trên cơ sở nào?
“…có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp…” Sao lại phân công, sao lại phối hợp, thế thì luật pháp đứng ở đâu, phải làm theo luật như thế nào? Không phối hợp, không phân công thì không thực thi luật pháp hay sao? “Các cơ quan” được nói tới ở đây là những cơ quan gì, luật pháp nào quy định? Phối hợp và phân công trên cơ sở những luật nào?...
Trong những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ký kết kết nghĩa giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong việc thực hiện công vụ, gần như là một “mốt” làm việc mới. “Kết nghĩa” với nhau như vậy, luật pháp đứng đâu? Có cách gì kiểm tra, giám sát những “kết nghĩa” như thế này? Không có những “kết nghĩa” này thì luật pháp và những công vụ không thực hiện được hoặc chỉ được thực hiện tồi hay sao?...
“…Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy”. Trong cuộc sống thực hiện nay, cái “bộ phận của hệ thống ấy” đang là cái hiện hữu quyết định tối hậu toàn bộ hệ thống. Đó chính là hiện tượng đảng hóa trong toàn bộ hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội đang diễn ra ở đất nước ta trong suốt 35 năm nay.
Dự thảo Cương lĩnh viết như vậy vô hình chung hợp pháp hóa hiện tượng đảng hóa, và nếu muốn thì hoàn toàn có thể lạm dụng để vô hiệu hóa bất kể nỗ lực cải cách thể chế chính trị hay cải cách hành chính nào.
Đoạn này của Cương lĩnh (dự thảo) viết tiếp: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân đề xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” Các Đại hội trước và Cương lĩnh 1991 cũng nói và viết như vậy. Song thực tế đã diễn ra như thế nào?...
Cương lĩnh (dự thảo) nói Đảng “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”, cần nói rõ ra như thế là đứng dưới hay đứng trên Hiến pháp? Có thể diễn giải thẳng ra Hiến pháp là tối thượng được không? Thực tế có diễn ra như thế không?..
Cương lĩnh (dự thảo) viết Đảng “chịu sự giám sát của nhân dân”; trong thực tế cuộc sống cho đến nay việc giám sát này diễn ra như thế nào, có thực hiện được không? Hiệu quả?...
Bàn về quyền lực nhà nước, tóm lại là nếu thực hiện những điều được gọi là thống nhất, tập trung, phân công, phối hợp… như viết trong Cương lĩnh (dự thảo), thì các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn lại được bao nhiêu? Chồng chéo nhau thế nào, được thực thi ra sao?..
Ngoài ra còn có sự song trùng giữa hệ thống Đảng và hệ thống chính quyền theo tinh thần “Đảng là một bộ phận của hệ thống ấy”…
Có thể nói Cương lĩnh (dự thảo) nêu lên khá đầy đủ nội dung tập trung dân chủ và làm rõ thế nào là nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa.
Còn nhiều ví dụ khác nữa.
Đó là lí do tại sao tôi có thái độ dè dặt đối với các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội XI.
Đổi mới hệ thống chính trị là chìa khóa
Nhìn vào mọi việc chuẩn bị để sắp sửa đưa ra bàn tại Đại hội XI, theo ông vấn đề nào là hóc búa nhất?
...Nghĩ đi nghĩ lại, theo tôi, có lẽ đổi mới xây dựng Đảng là vấn đề khó nhất…
Chí ít từ Đại hội VII cho đến nay, vấn đề xây dựng Đảng là vấn đề được các Đại hội quan tâm nhiều nhất, công sức bỏ ra cho nhiệm vụ này trong suốt những khóa Đại hội này rất lớn; riêng trong nhiệm kỳ khóa Đại hội X những nỗ lực này càng lớn…
Song có lẽ trong khóa nhiệm kỳ Đại hội X này, nếu lấy những hiện tượng xuống cấp và những hiện tượng tiêu cực đã xảy ra trong đời sống mọi mặt của đất nước làm thước đo, nếu lấy những sai phạm và những hiện tượng bất cập trong thực hiện những nhiệm vụ phải giải quyết trong quá trình phát triển của đất nước làm thước đo, nếu lấy tình trạng mất dân chủ đang có chiều hướng gia tăng, nếu lấy lòng tin của nhân dân đối với chế độ và đối với Đảng làm thước đo.., nghĩa là đại thể với cách nghĩ Đảng là lực lượng chính trị duy nhất nắm quyền lãnh đạo đất nước, vì lẽ này Đảng cũng phải là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình mọi mặt của đất nước…
Với cách nghĩ như thế, đổi mới xây dựng Đảng có lẽ là nhiệm vụ khó nhất của Đại hội XI.
Trong nhiệm kỳ khóa Đại hội X Đảng…những việc phải làm trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong khóa này khó khăn phức tạp hơn… Tình trạng tha hóa trong đội ngũ cán bộ đảng viên có xu hướng gia tăng hơn trước, tiếp tục làm giảm sút, thậm chí có lúc có nơi làm tê liệt tính cảnh giác cách mạng và tính tiên phong chiến đấu của Đảng..., khiến cho tính bất khả xâm phạm của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị tác động, lòng tin của nhân dân giảm sút.
Rất tiếc tình hình nêu trên chưa được kiểm điểm nghiêm khắc trong các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội XI.
Tình hình còn thúc bách hơn nữa ở chỗ đổi mới hệ thống chính trị hiện nay trở thành chìa khóa để giải quyết thành công những nhiệm vụ và những thách thức mới của đất nước trong tình hình mới. Nhiệm vụ cải cách này không thể trì hoãn.
Đổi mới xây dựng Đảng là bước đột phá, là tiền đề cho tiến hành cuộc cải cách thể chế đã trở nên chín muồi. Sự tồn tại và vai trò lãnh đạo của Đảng cũng bắt buộc phải tiến hành cuộc cải cách thể chế này. Song các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội XI không đặt vấn đề như thế.
Đặt vấn đề đổi mới xây dựng Đảng như đã viết ra trong các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội XI, nỗi lo chệch hướng trong tôi càng day dứt.
Nêu lên nhiều ý kiến quan trọng như vậy, xin ông cho biết ông có định nêu lên những kiến nghị cụ thể gì với Đại hội XI không?
Cách đây gần một năm, trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi đã viết bài “Việt Nam trong thế giới thập kỷ thứ hai thế kỷ 21” và bài “Trách nhiệm lịch sử”, phân tích Việt Nam đang đối mặt với một thế giới như thế nào và nêu ra những vấn đề nước ta phải giải quyết trong thập kỷ 20 của thế kỷ này.
Tựu trung lại, 2 bài viết này tôi cố gắng trình bầy 3 nhiệm vụ trọng đại nhất Việt Nam cần hoàn thành trong thập kỷ tới:
1. Đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.
2. Xử lý thành công mối quan hệ đối ngoại khó nhất là đối với Trung Quốc, để bảo tồn lợi ích quốc gia, vì lợi ích của bình, hữu nghị và hợp tác.
3. Cải cách hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ trên.
Các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội XI hầu như không thấy bóng dáng những ý kiến của tôi nêu trong 2 bài viết này. Nghĩa là những suy nghĩ, kiến nghị của tôi có thể chưa được lắng nghe. Hoặc có thể những điều tôi nêu lên trong hai bài này là sai.
Kinh nghiệm này không phải là lần đầu tiên. Tôi đã từng so sánh các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội X với những văn kiện chính thức đã được Đại hội X thông qua. Cả một phong trào thảo luận sôi nổi khắp toàn quốc hồi ấy góp ý cho Đại hội X chỉ mang lại kết quả sửa đổi và bổ sung một số từ trong các văn kiện chính thức. Biết vậy, nhưng trách nhiệm và lương tâm người công dân đảng viên trong tôi vẫn bắt tôi cầm bút viết hai bài nói trên góp ý với Đại hội XI, chí ít là để trao đổi rộng rãi trong dư luận nhân dân. Trong thâm tâm, đây còn là cách riêng của tôi tôn kính công lao của tổ tiên nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Trong bài Trách nhiệm lịch sử, tôi cố làm rõ cải cách thể chế đã trở nên bức bách và là trách nhiệm hàng đầu của Đảng trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, là vấn đề quan trọng nhất Đại hội XI cần giải quyết.
Nội dung chính yếu của cải cách thể chế lần này diễn đạt nôm na là phải làm cho Đảng là Đảng, Nhà nước là Nhà nước, ai phải làm đúng việc người nấy trên cơ sở Hiến pháp là tối thượng, phát huy dân chủ làm nền tảng cho đoàn kết và hòa hợp dân tộc để thực hiện quyền lực của nhân dân, khắc phục hẳn tình trạng hai trong một và một trong hai trong cấu trúc và trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước như đang diễn ra hiện nay.
Bây giờ tôi đang quan tâm theo dõi những ý kiến tâm huyết của nhiều người, tôi rất chú ý đến những ý kiến nêu lên sự cần thiết phải xây dựng Hiến pháp mới và đẩy mạnh thực hiện dân chủ.
Đã có một số ý kiến đề xuất ĐH bầu trực tiếp Tổng bí thư và nhất thể hóa chức danh lãnh đạo. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Những ngày gần đây tôi có dịp hầu chuyện vài vị lão thành cách mạng, trao đổi ý kiến với nhiều đảng viên đã vào sâu cái tuổi “thất thập cổ lai hy. Trong những đối thoại này có một luồng ý kiến đáng chú ý: Nếu Đại hội bầu được Tổng bí thư có bản lĩnh và phẩm chất, thì các văn kiện dù hay hay dở cũng không thành vấn đề lắm, vấn đề nhân sự là bầu Tổng bí thư mới là quyết định.
Tôi thấy luồng ý kiến này không phải vô lý.
Trong bài viết “Việc của Đảng là việc của quốc gia” (Tuần Việt Nam, ngày 08-03-2010) tôi đã nêu suy nghĩ của tôi về vấn đề này. Hôm nay chỉ xin nhắc lại vắn tắt: (a)xin đừng bầu cử hình thức; (b)người được bầu cần gương mẫu về công khai minh bạch, có cam kết công khai với cả nước (chương trình hành động) những việc mình sẽ làm để thực hiện những nhiệm vụ hay một số nhiệm vụ trọng đại nhất của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm này, có tuyên thệ thực hiện cam kết; (c)Đại hội XI quyết định và tổ chức cách thức giám sát công khai trong toàn Đảng và cả nước việc thực hiện những cam kết của Tổng bí thư.
Đại hội kiến nghị và Quốc hội quyết định bầu Tổng bí thư làm Chủ tịch nước, thì đây sẽ là một đổi mới và cũng một may mắn cho đất nước.