Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GÓP MỘT CÁCH HIỂU VỀ BÀI VÈ "THẰNG BỜM"

Thái A
Thứ tư ngày 6 tháng 4 năm 2011 2:55 AM
 
Từ những thập niên 80, 90 thế kỷ trước, từng đã rộ lên một độ, thi nhau bàn về nội dung bài vèThằng Bờm. Xu hướng chung bấy giờ là ca ngợi và đề cao Bờm; coi Bờm là tiêu biểu cho giai cấp nông dân lao động, thông minh và có trí tuệ.v.v. Tôi còn nhớ trên đài truyền hình Trung ương, nhà thơ Võ Thanh An đọc hẳn một bài thơ dài để tán tụng về cái cười của Bờm..!
Mới đây lại xuất hiện hai bài phân tích lại ý nghĩa bài vè Thằng Bờm được công bố trên trang web của nhà thơ Trần Nhương. Hai bài của hai nhà văn Nguyễn Trọng Bình và Đỗ Trọng Khơi nói chung đều có những phát hiện mới, xong cũng đều kết luận theo xu hướng cũ là coi Thằng Bờm” là đại diện cho nông dân lao động, phú ông là đại diện cho giai cấp địa chủ bóc lột.
Thú thực, những kết luận nội dung bài vè theo xu hướng này tôi thấy không đủ thuyết phục.
Dưới đây xin mạo muội trình bày một cách hiểu khác về bài vè này. Cũng xin thưa cùng bạn đọc: Đây chỉ là góp một cách hiểu để mọi người tham khảo chứ không hề có ý tranh luận gì về các tác giả có bài viết về Bờm từ trước đến giờ.
Trước khi bàn về nội dung bài vè cũng cần nhắc tới hai dị bản của nó. Hai dị bản này cơ bản chỉ khác nhau ở hai từ cuối bài là Bờm ừ” và Bờm cười. Bờm ừ thì là Bờm đồng ý đổi rồi, còn Bờm cười mới nảy ra vấn đề: cười đồng ý hay là cười mỉa mai, khinh bỉ như những nhà nghiên cứu từng khẳng định?
Vậy ở đây cũng chỉ xin lạm bàn về dị bản  có từ Bờm cười để xác định xem cái cười của Bờm là hàm nghĩa gì? để từ đó rút ra ý nghĩa nội dung của bài vè.
Một ý nữa cũng phải đề cập đến, xem đây chỉ là một bài đồng dao đùa ghẹo trẻ con hay nội dung còn mang ý nghĩa xã hội nào khác? Từ trước đến nay có lẽ vì căn cứ vào sắc thái của từ thằng nên đã dẫn đến hai cách hiểu trái ngược nhau, từng sảy ra tranh luận chưa phân thắng bại:
1. Thằng Bờm chỉ là một đứa trẻ con, thằng là cách xưng hô thân mật của người lớn với trẻ nhỏ, vì vậy việc Bờm ừ hay Bờm cười ở hai dị bản đều là đồng ý. Trẻ con thì chưa biết tính toán thiệt hơn, chỉ cần trông thấy cụ thể, ăn được ngay thì  đổi liền. Cách hiểu này quá hợp lý với một bài đồng dao khó mà bắt bẻ được. Số người quan niệm như vậy khá phổ biến, nhất là trong nhân dân.
2. Nếu thằng để gọi một anh chàng đã trưởng thành có tên là Bờm thì sao? ý nghĩa sẽ không đơn giản là bài đồng dao mà trở thành một bài ca dao mang ý nghĩa xã hội. Đây chính là xu hướng mà đã tốn nhiều giấy mực của các tác giả từ trước đến nay.
Riêng người viết bài này cho rằng bài vè tồn tại cả 2 ý nghĩa, thậm chí 2 nghĩa này không chống nhau mà trái lại còn bổ sung cho nhau, đứng cạnh nhau như 2 anh em không thể thiếu một. Chính nhờ có hai ý nghĩa khác nhau đã khiến cho bài vè có sức hấp dẫn và có sức sống lâu bền kỳ lạ. Đúng là một bài đồng dao cho cả hai lớp người cả trẻ con lẫn người lớn! Đây cũng là sự sáng tạo tuyệt vời của tác giả dân gian vô danh! Chỉ cần một từ thằng với sắc thái đa chiều tác giả đã dẫn ta đi từ cái tâm lý ngây thơ của trẻ con sang cách tư duy của loại người tuy trưởng thành về tuổi tác nhưng chưa trưởng thành về tư duy, chưa vượt khỏi sự hiểu biết của trẻ con. Chỉ thấy cái lợi trước mắt. Loại này có hơn gì trẻ con! Bởi vậy nếu chúng ta chỉ chăm chú vào nghĩa một hoặc hai như đã từng sảy ra, tôi cho rằng sẽ là thiếu sót đáng tiếc!
Vậy ý nghĩa thứ 2 của bài vè muốn thông báo đến lớp người trưởng thành là gì? Nội dung của nó liệu có phải là phản ánhmâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ như nhà văn Vũ Ngọc Phan trước đây khi ông xếp bài này vào chuyên mục trên trong cuốnTục ngữ ca dao và dân ca Việt Nam? (NXB Khoa học xã hội Hà nội- 1971- Bản in lần thứ 7)
Có lẽ vì sự xếp loại này mà mọi bài viết đều theo quan điểm giai cấp để phân tích nội dung bài vè. Đây cũng chính là vấn đề tôi muốn đề cập lại trong nội dung bài viết này.
Vậy Phú ông có đúng là đại biểu cho Thành phần địa chủ bóc lột Không? Tôi khẳng định là không phải, vì các lẽ sau:
- Thứ nhất: Từ Phú ông (ông giầu) là một danh từ chung chỉ khái niệm giầu có nói chung cho tất cả những ai có nhiều tài sản. Chúng ta có thể căn cứ vào những thứ mang ra gạ đổi để khẳng định cái ông nhà giầu này ở nông thôn, nhưng không thể khẳng định đây là địa chủ, phú nông hay tư sản.( Thời Pháp thuộc rất nhiều nhà tư sản vừa có xí nghiệp vừa có ruộng đất...)
- Thứ hai là: Phú ôngđược hiểu với nghĩa địa chủ, bóc lột chỉ mới xuất hiện từ khi lý thuyết cách mạng vô sản truyền vào Việt Nam nghĩa là mới từ những năm 1925, 1930. Tôi còn nhớ, những năm 1953- 1954, khi có chính sáchPhát động quần chúng giảm tô giảm tức (1953) và CCRĐ (1954) của Đảng, người nông dân quê tôi còn phải đi họp, học tập hàng tháng mới lĩnh hội được các danh từ phú nông, địa chủ, bần cố, trung nông.v.v. Vậy mà bài vè Thằng Bờm chẳng biết ra đời từ thủa nào mà cả bố và ông tôi đã biết nó rồi. Như thế thì ngày nay chúng ta lấy lăng kính giai cấp luận hiện đại để soi vào từ Phú ông, quy là thành phần địa chủ bóc lột mà đấu tố với một giọng lưỡi thâm thù giai cấp cho một danh từ Hán Việt chỉ nghĩa chung tính còn hàm ý trọng thị nữa ( Vì trang trọng là đặc trưng của từ Hán-Việt) như vậy há chẳng oan lắm sao?
Vì những lẽ trên tôi nghĩ Phú ông chỉ có nghĩa là ông giầu có chẳng hàm nghĩa địa chủ bóc lột gì ở đây, tác giả dân gian chỉ nêu ra rất chung để có lý rằng giầu thì mới có nhiều tài sản như: trâu, bò, ao cá.v.v. để đem ra gạ đổi chứ. Phú ông chỉ là nhân vật phụ để dựng lên màn kịch đổi chác, phụ hoạ làm tôn lên nhân vật chính là Bờm vậy thôi.
Vậy Bờm đại diện cho loại người nào? Có phải đại diện cho nông dân lao động không?
Chắc hẳn nhiều nhà nghiên cứu kể cả Vũ Ngọc Phan nghĩ Phú ông là địa chủ thì suy diễn Bờm ắt phải là nông dân. Nếu không suy diễn thế thì lấy đâu ra các chi tiết trong bài vè để khẳng định Bờm là nông dân lao động? Trong bài vè không hề ló ra một chi tiết nhỏ nào để kết luận Bờm có dính dáng đến nông dân lao động. Các nhà nghiên cứu còn phong thêm cho bờm cả những mĩ đức như thông minh, trí tuệ nữa mới khiếp chứ(!) Nhìn ngược nhìn xuôi, nhìn quanh nhìn quất chỉ thấy Bờm có mỗi một cái quạt là tài sản duy nhất! Mà lại là cái quạt bằng mo mớiquý hiếm làm sao(!). Mà chẳng biết là mo cau hay mo nang(!) Nếu là mo cau thì còn phải dùng dao xén mới thành, còn mo nang thì chỉ cần nhặt ở bụi tre dùng ngay tút xịt! Thật chẳng nhọc công làm gì! Quanh đi quẩn lại chỉ có mỗi một từ nhân xưng thằng có thể xác định được vị thế của Bờm. Ai mà chẳng biết trong tiếng Việt từ thằng chỉ để gọi bọn trẻ con với sắc thái thân mật, còn với sắc thái coi thường khinh bỉ đối với lớp người (nam) hèn mọn, đê tiện như: thằng ở, thằng mõ, thằng kẻ cắp, kẻ cướp, giặc, .v.v. Vậy trong bài vè, Bờm được gọi là Thằng Bờm thì rõ ràng Bờm thuộc loại đáng khinh, đê tiện. Nếu là nông dân lao động người ta phải gọi là anh Bờm, chú Bờm nhiều tuổi hơn thì bác Bờm, ông Bờm, hoặc cụ Bờm ai lại gọi làthằng Bờm?
Tôi nghĩ mãi cũng không tìm được lý do những nhà nghiên cứu uyên bác, có người được phong là giáo sư, căn cứ vào đâu để quy thằng bờm vào thành phần giai cấp nông dân lao động. Để rồi sau đó tôn cái cười của Bờm lên nghĩa thâm thuý nào là cười khẩy, cười ngạo nghễ, cười khinh bỉ phú ông (?!) Nếu nhà nghiên cứu nào từng ngợi ca Bờm lên tận mây xanh mà dẫn ra được một nhân vật đáng trọng trong văn học dân gian hoặc văn học viết Việt Nam mà được gọi là thằng thì tôi xin bái phục Bờm! Tôi chỉ thấy trong văn học dân gian Việt Nam có hai nhân vật duy nhất được gọi là thằng. Một là Cuội tiêu biểu cho thói dối trá, lừa đảo hai là Bờm. Vậy thì Bờm là loại người nào mà được ngồi cùng chiếu với Cuội? Cứ trong ý tứ mà suy ( ND) như trên đã phân tích thì Bờm nếu không thuộc loại thằng ở con sen, khố rách áo ôm mạt hạng, lang thang ở đầu đường xó chợ thì cũng là loại lười nhác vô nghề nghiệp chỉ chờ sống nhờ ăn sẵn, hoặc ma lanh hơn thì là loại chuyên nghề ăn cắp vặt! Loại người như vậy lấy đâu ra lòng tự trọng để mà cười kiêu hãnh Cười ngạo mạn vào mặt phú ông kia chứ?
Nhưng nếu chỉ căn cứ vào mỗi từ nhân xưng mà gán cho Bờm đủ những thói xấu kể trên như: đầu đường xó chợ, hay ăn cắp ăn cướp thì e rằng cũng oan cho Bờm. Nếu là loại lưu manh vô gia cư như vậy chắc phú ông cũng không thèm tiếp chuyện. Có lẽ  Bờm cũng là chỗ quen thuộc trong làng trong xóm, cũng ít nhiều bỏ sức lực để kiếm ăn, nhưng vì lười nhác chỉ kiếm được miếng nào xào miếng ấy, chẳng biết nhìn xa trông rộng. Loại người như vậy ở làng quê nào cũng có. Để làm nổi bật cái thói lười nhác chỉ chờ ăn sẵn, thiển cận của Bờm tác giả dân gian đã cố ý dựng lên màn hài kịch đổi chác ngược đời.
Trong sự mua bán và đổi chác từ cổ chí kim đều theo quy luật mặc cả tăng dần từ thấp đến cao, làm gì có lối hạ dần từ cao xuống thấp. Nếu chúng ta ra chợ mua hoặc gạ đổi vật phẩm hàng hoá theo lối giật lùi như vậy thì chủ hàng không nghĩ ta là người điên và đuổi đi là may! ấy vậy mà phú ông là người duy nhất gạ đổi quạt mo của Bờm, một thứ có thể nhặt ở ngoài vườn, giá trị chẳng đáng một đồng xèng với một cách đổi chưa từng có trên đời: giật lùi từ cao xuống thấp, từ 3 bò 9 trâu hạ mãi tới 5 bậc đến nắm xôi. Phú ông có điên không? Không, phú ông không điên, nếu ông điên thì đã bị bờm mắng cho ngay, chứ đâu Bờm lại chối bằng những lời dứt khoát với thái độ rất từ tốn, nghiêm túc:Bờm rằng Bờm chẳng lấy...  tới 4 lần. Tới lần thứ 5 Bờm không từ chối nữa. Đến đây ta có thể thấy cái cười của Bờm là cái cười đồng ý đồng tình Chứ không phải cái cười phản ứng và Bờm cười đồng nghĩa với Bờm ừ ở dị bản tôi nhắc ở trên. Bờm cười vì đắc ý thấy phú ông đã dò trúng cái bụng của Bờm là chẳng phải làm gì mà được ăn ngay, cho thỏm xôi vào mồm mà chẳng phải say giã, nấu nướng gì cho nhọc cái thân lười. Những vật trên có giá trị đấy nhưng chẳng thể cho vào mồm ngay được! Bữa sau ta lại lấy mo đổi lấy xôi chẳng tuyệt vời hay sao? Gãi đúng chỗ ngứa như vậy còn gì sướng hơn mà chẳng toét miệng cười! Nếu không dựng lên màn kịch ngược đời trái lô gích cuộc sống như vậy thì nội dung bài vè có gì độc đáo để gợi cho ta hứng thú đọc, rồi hứng thú suy nghĩ ra ý nghĩa sâu sắc của bài vè! đến đây ta mới đủ lí do để gọi Bờm là thằng với thói xấu lười nhác và thiển cận! Trở thành một cặp đôi lứa xứng đôi với Cuội về thiếu nhân cách làm người tử tế.
Đúng ra Bờm cũng như Cuội chỉ là một nhân vật được tác giả dân gian mượn để chỉ trích những thói hư tật xấu phổ biến ở mỗi người chúng ta không nhiều thì ít, không lúc này thì lúc khác có thể sờ sờ ở ngay sau gáy mà chẳng biết. Người xưa nhắc:
Chê người chẳng nghĩ đến thân
Thử sờ lên gáy xem gần hay xa
Ngày nay nếu ta để ý đến những hành xử của một số người trong quan hệ, trong kinh doanh, làm kinh tế.v.v. thì chẳng thấy thiếu gì những Bờm những Cuội hiện đại, nhan nhản thấy những chuyện dối trá lừa đảo, đầy những kẻ béo tốt khoẻ mạnh chỉ ngồi mát ăn bát vàng, nhăm nhăm thấy món nào ăn liền dùng ngay là chộp ngay chẳng lo gì đến quyền lợi đất nước, quyền lợi con cháu mai sau. Trong đó chẳng thiếu những Cuội những Bờm có quyền chức, hợm hĩnh có bằng cấp địa vị đầy mình.
Thế mới thấy người xưa thật thâm thuý! Có lẽ tác giả dân gian cũng ngại nói thẳng ra nên mới mượn câu chuyện Thằng Bờm, Thằng Cuội để nói bóng gió xa xôi, nhắc khéo chúng ta như vậy! Chẳng là người mình còn một tật xấu là không ưa nói thẳng, chỉ thích khen thôi mà! Chẳng thế mà có những câu:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại!
Để kết thúc bài viết, tôi muốn một lần nữa cảm phiền nhà thơ Trần Nhương, mượn trang web của ông để gửi gắm tấm lòng biết ơn đến tác giả dân gian vô danh và nhân vật Bờm! Một mình Bờm đã chịu gánh lấy thói xấu của người đời, cam phận mang tiếng xấu có dễ đã được mấy thế kỷ, chẳng dám kêu ca để làm tấm gương cho người đời trong đó có kẻ đang chê bai Bờm là tôi đây, thỉnh thoảng lại soi nhờ và sờ lên gáy mình ... để mà nỗ lực tu dưỡng mình thành một người tử tế. Để tỏ lòng biết ơn đối với Bờm, xin phép độc giả cho tôi hoán đổi lại cách xưng hô giữa hai nhân vật trong bài vè là Bờm và Phú ông thành Cụ Bờm và Thằng giầu để thể hiện sự tôn trọng tuổi tác của Bờm và hợp với quan điểm lập trường của các nhà phê bình văn học có bài ca ngợi Bờm trước đây! Xin được sửa lại như sau:

Cụ Bờm có cái quạt mo
Thằng giầu xin đổi ba bò chín trâu
Cụ rằng cụ chẳng lấy trâu
Thằng giầu xin đổi ao sâu cá mè
Cụ rằng cụ chẳng lấy mè
Thằng giầu xin đổi một bè gỗ lim
Cụ rằng cụ chẳng lấy lim
Thằng giầu xin đổi con chim đồi mồi
Cụ rằng cụ chẳng lấy mồi
Thằng giầu xin đổi nắm xôi, Cụ Bờm cười...

Thái Nguyên 17.03. 2011