Tham gia Trại Sáng tác của Hội Nhà Văn VN tại Đà Lạt tháng 3-2011, tôi khá ấn tượng về 2 nhà thơ từ Hà Nội vào Lâm Đồng: Vương Tùng Cương và Dư Thị Hoàn.
Chuyện thứ nhất: Vương Tùng Cương đồng hương với tôi vùng Kinh Bắc xưa, anh từng công tác ở cơ quan Hội Nhà Văn VN tại Hà Nội. Khoảng bốn năm nay, anh cùng một nàng thơ vào sống ở Đà Lạt số 27 Thi Sách “một ngôi biệt thự hai trái tim vàng”. Nàng là Mai Liêng, họa sĩ. Biệt thự 3 tầng thoáng rộng, chỉ có 2 người, các tiện nghi đều rất hiện đại. Các tầng xếp đầy tranh và hoa. Thi thoảng ngôi biệt thự lại được khóa chặt, thi nhân chở họa sĩ bằng xe honda vi vu xuống các làng bản dựng giá vẽ ít ngày, có khi mải vui với màu sắc, họ sống nhiều tuần với bà con dân tộc. Nàng vẽ, chàng ngâm thơ, sáng tác, hỏi có hạnh phúc nào hơn thế?
Hôm ấy tiệc rượu xong, ngồi uống trà, Mai Liêng đọc tôi nghe bài tản văn mới viết nói về hoa tầm xuân ở quê chị, đồng bằng Bắc Bộ. Loài hoa giản dị mọc ở bờ rào mà chị viết tới hơn 3 trang A4 vi tính, ý tứ phong phú, nhiều kỷ niệm chân thành, liên tưởng xa gần, không trùng lặp. Một tâm hồn đa cảm, sâu sắc, tôi thấy rất hay và xúc động.
Sau đó Vương Tùng Cương nói là anh phát hiện ở Lâm Đồng có một thứ đá quý rất đẹp (anh nói rõ tên loại đá ấy, nhưng tôi quên mất). Từ đó, anh nảy ra một ý định rất hay và táo bạo: anh sẽ dùng loại đá đặc biệt ấy khắc những câu thơ hay nhất của một số nhà thơ Việt Nam mà anh lựa chọn. Anh sẽ chon một khuôn viên thật nên thơ ở Đà Lạt để lưu giữ những tảng đá khắc thơ đó, gọi là công viên “THI THẠCH. Cả nước ta chỉ có Đà Lạt mới thích hợp với việc dựng Công viên THI THẠCH mà thôi: thời tiết mát mẻ, du khách đến chiêm ngưỡng hoa đẹp, thưởng thức thơ hay, đàm đạo, ghi chép rồi dịch ra các ngôn ngữ thế giới... Những câu thơ khắc trên đá quý lại có các loại hoa trăm hồng ngàn tía làm nền, rực rỡ quanh năm, thi ca Việt Nam phải được tôn vinh như thế mới xứng đáng.
Ồ, một bảo tàng thơ hay, tôi thầm nghĩ, thật may cho nền thi ca nước nhà có được một người có tâm như Vương Tùng Cương. Đá quý bây giờ đắt tiền lắm, lại phải dùng cần cẩu, cơ giới cỡ lớn mới đưa về được, rồi còn thuê thợ xẻ, mài, khắc… Kiến trúc sư thiết kế, kỹ thuật hoa viên… Công phu lắm! Chắc công viên THI THẠCH phải tốn hàng chục tỷ đồng, tôi thầm thán phục anh.
Anh lại nói: mỗi người chỉ được chọn một hoặc 2 dòng thơ thôi đấy nhé, nhưng được trình bày cực kỳ đẹp, thơ ấy sẽ đi vào bất tử hay trường tồn, vĩnh cửu gì đó. Rồi anh nói nhà thơ nọ, nhà thơ kia (rất nổi tiếng) nhưng xem ra chả được câu nào. Tôi nghe mà phát hoảng. Anh bảo đọc thơ, tôi không dám, mặc dù ở chỗ khác tôi rất hăng hái. Nhưng rồi khó cho tôi, chủ nhân đã đãi cơm rượu, không đọc sao được! Ý của chủ nhân là chỉ đọc những câu hoặc bài ngăn ngắn để xem có thể chọn khắc vào “THI THẠCH” hay không.
Nghe tôi đọc xong mỗi câu, anh vẫn cầm tẩu thuốc nhả khói lạnh lùng phán hai tiếng ngắn gọn: “CHƯA ĐƯỢC!”, “SẮP ĐƯỢC!”, “SUÝT ĐƯỢC!”
Tôi đánh liều “vạch áo cho người xem lưng” chép ra đây, các bạn có cười chê cũng đành chịu:
Tôi đọc 2 câu kết trong bài “Thung lũng vàng” mới viết tại trại sáng tác Đà Lạt:
Nhiều lá phiếu giọt mưa ào ào thả xuống
Bầu cho nỗi buồn vừa ứng cử vào tôi.
VTC: - Chưa được!
Tôi đọc mấy bài thơ có đề, không đề: 4 câu, 3 câu, 2 câu và 1 câu:
Bài trà sớm:
Rót chén sương mờ, nhấp từng chút hừng đông
Đầu lưỡi chạm khúc thời gian nguyên chất
Sau khoảnh khắc vị ban mai ngan ngát
Đống thời giờ vô vị đợi chờ kia.
VTC: - Chưa được!
Tôi đọc bài không đề 3 câu:
Hái được bông hoa đẹp, nâng niu trong lòng tay
Chính lúc này tôi đã mất hoa
Và hoa cũng mất tôi.
VTC: - Chưa được!
Tôi đọc bài không đề 4 câu:
Các em hái chè cao nguyên giá lạnh
Trót hứa hôn với mây trắng xa nhà
Bấm ngón chân xuống đường trơn số phận
Mưa lại từ trong mắt mưa ra.
VTC: - Sắp được!
Tôi đọc bài không đề 1 câu:
Vị yêu nếm ngọt ngào, ăn thật thì cay.
VTC: - Sắp được!
Tôi đọc bài không đề 2 câu:
Gặp ánh nhìn nửa thu nửa hạ
Tôi biết rằng trời đất sắp sang xuân.
VTC: - Sắp được!
Tôi đọc bài không đề 2 câu:
Nhâm nhi ly rượu nhạt
Mình thành một khối men cay!
VTC: - Suýt được!
Tôi đọc bài không đề 1 câu:
Thôi, hãy cầu siêu cho những chân trời bị nhốt trong buồng tim.
VTC: -Suýt được!
Tôi đọc đọc bài không đề 2 câu:
Tôi kinh doanh thường xuyên có lãi
Nhưng ngẫm ra lỗ cả một đời!
VTC: - Suýt được!
Và anh động viên “Phải cố gắng nhiều hơn nữa, mới chỉ hơi hơi có triển vọng!”
***
Chuyện thứ hai. Nhà thơ Dư Thị Hoàn, tác giả bài “Tan vỡ” nổi tiếng và mới đây là tập thơ “Bài mẫu giáo sáng thế” được bạn đọc yêu mến. Chị rời căn hộ cao cấp lý tưởng ở khu đô thị Linh Đàm thơ mộng, thủ đô Hà Nội để lội bộ trên những nẻo đường đèo dốc Lâm Đồng hẻo lánh heo hút làm một người tu hành thực thụ. Hoàn vốn mảnh mai yếu ớt, thân gái dặm trường, sống thiếu thốn khổ hạnh, không biết chịu đựng xoay sở ra sao? Tôi bấm điện thoại di động, không thấy chị trả lời! Lát sau nhận tin nhắn: “Dư Thị Hoàn đã tịch rồi! Nhớ thương thì 1 chút tưởng niệm!” Tôi bủn rủn cả người, không lẽ chị gửi tin nhắn từ bên kia thế giới? Nhưng nhìn kỹ vào máy, những dòng chữ của chị vẫn trong mạng VN mobifone mà! Bèn cảm xúc viết bài thơ:
Đến Lâm Đồng hỏi Dư Thị Hoàn
Tưởng chị chỉ một lần “tan vỡ”
Vì một chuyện cỏn con:
“Sau phút giây êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em!”
Chắc lần này không phải chuyện cài lại chiếc khuy
Tình yêu?
Đức tin?
Cuộc sống?
Sao “tan vỡ” cứ luân hồi trong chị
Không chịu đầu thai sang kiếp vuông tròn?
Thân gái mảnh mai yếu ớt
Lặn lội tìm gì nơi ngút ngàn rừng núi Tây Nguyên
Những mưa nắng khổ đau u uẩn
Còn đâu đây trong hang động kiếp người?
Bài mẫu giáo sáng thế
Thay bằng Pháp Cú kinh.
423 bài kệ
Như những bậc rêu dẫn chị lên thảo am hư tĩnh
“Tan vỡ” vơi dần trong tiếng mõ vô vi?
Tiếng chuông chạm vách núi
Dội ra lời cứu sinh.
Những câu thơ từng tháo tung, trụi trần và bỏ ngỏ
Xâu chuỗi cùng vòng hạt thiện căn!
Mây thí chủ có rộng lòng khoan thứ
Mà khí thần khi tụ khi tan?
Dưới lưng đèo vầng trăng non xuống tóc
Núi triệu năm làm chú tiểu dâng trà…
Đà Lạt tháng 3-2011