TRO TÀN QUÁ KHỨ
Lê Quang Trang
Lả tả bay trên thành phố đông người
Tro quá khứ tình yêu em đã đốt
Cái quá khứ không đem mà ăn được
Song con người lại chẳng thể nguôi quên
Dẫu bây giờ không được nắm tay em
Mắt trong mắt như cái ngày lửa cháy
Nhưng hãy lọc trong tàn tro đen ấy
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro
Đôi điều cảm nhận về bài thơ “Tro tàn quá khứ” của nhà thơ Lê Quang Trang – chủ tịch hội nhà văn Tphcm .
Tôi chép tay bài thơ “tro tàn quá khứ” của nhà thơ Lê Quang Trang từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, khi bước vào năm học lớp 8. “Có những điều đốt mãi chẳng thành tro”, năm tháng trôi đi nhưng tôi vẫn nhớ từng câu, từng chữ trong”tro tàn quá khứ” để rồi tôi nghiệm ra cuộc đời này quá đúng khi nhớ tới những vần thơ của Lê Quang Trang.
Trong cuộc đời mỗi con người có nhiều ngã rẽ khác nhau, song mỗi con đường ấy đều khắc ghi những kỷ niệm từng bước chân ta đã đi qua. Chiều Sài Gòn đông vui, nhộn nhịp, dường như ai cũng tấp nập đi cho nhanh, thế mà tôi như khụy xuống trên một con đường Ngã tư Lê Đức Thọ với Thống Nhất- Gò Vấp. Qúa khứ xa xăm lại hiện về cùng với buổi chiều mưa hôm ấy sao mà khó quên trong tiềm thức. Lòng bất chợt nhớ đến những vần thơ mà tôi cho đó là sự đồng cảm, như một người bạn tâm giao để sẻ chia khi những giọt nước mắt vắn dài rơi trên má :
“Lả tả bay trên thành phố đông người
Tro quá khứ tình yêu em đã đốt
Cái quá khứ không đem mà ăn được
Song con người lại chẳng thể nguôi quên”
Nào có phải đám tro thật bay trên thành phố đông người đâu, “tro quá khứ” xa xăm của ngày xưa ai đã nhen nhóm đốt lên ?Tro “tình yêu” đấy , nhà thơ Lê Quang Trang thật tài tình khi diễn tả nỗi lòng, tâm trạng của mình bằng tính từ “lả tả”. Vẫn biết rằng “cái quá khứ không đem mà ăn được”, cũng chẳng thể làm no bụng con người nhưng sao ta cứ nhớ “song con người lại chẳng thể nguôi quên”. Tưởng là phi lý nhưng thật ra đó là trạng thái, tình cảm của mỗi con người mà Lê Quang Trang đã nói hộ bao điều muốn nói khi chúng ta nghĩ nhưng chẳng thể thốt lên lời. Những vần thơ của nhà thơ Lê Quang Trang chẳng phải là những từ ngữ xa lạ, khó hiểu. Rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng lại mang tính triết lý sâu sắc như chính con người của tác giả, nếu ai đã gặp thì sẽ cảm nhận được ngay từ lần đầu tiên mà người ta ví những dòng cảm xúc trong thơ Lê Quang Trang như một “mạch nguồn chảy trong im lặng”. Có lẽ do con đường đến với thơ của Lê Quang Trang quá rộng và dài, đòi hỏi người thơ phải cần mẫn, tịnh tâm, không nhất thiết phải ồn ào, hoắng lên để làm gì. Dù cho, thời gian gần đây không ít người đến với thơ cứ như “mổ trâu”, “mổ bò”, nào là “trình diễn”, “hát thơ”, bàn thảo, quáng bá tùm lum cả lên, Lê Quang Trang cũng mặc, anh cứ theo con đường mà mình đã chọn. Thôi thì thiên hạ nhân, thiên hạ tính, thiên hạ tài, biết đâu được ở cái cõi thiên địa nhân gian tù mù này (như Đỗ Ngọc Yên đã nói). Đối với những người đã từng trải qua nhiều mất mát hy sinh, nhiều lúc tưởng chừng như quá sức, khi phải gồng mình lên để gánh chịu nó, ngờ đâu, tận sâu thẳm cội nguồn vẫn còn đó một sức sống diệu kỳ khác, khiến có lúc Lê Quang Trang không khỏi ngỡ ngàng: “Như thực lại như mơ/ Trước chợ hoa đầu phố/ Biết rằng nơi xa đó/ Rừng xuân, hoa nở rồi” (Mùa xuân). Bài thơ dung dị mà chất chứa bao suy tư, thực đấy mà cũng là mơ đấy, hiện tại đấy mà cũng là quá khứ đấy. Nói thế để chứng minh được rằng ngay cả bài thơ “tro tàn quá khứ” lời thơ vô cùng giản dị mà tôi cam đoan rằng bất cứ một độc giả nào khi bắt gặp được những vần thơ ấy đều phải tâm đắc, thậm chí còn chép tay vào một cuốn sách để gối đầu giường như tôi một thời.
Trong cảm xúc của con người, nhiều khi tình yêu cũng lạ kỳ lắm, dẫu muốn nói bao điều nhưng chẳng biết nói thế nào cho trọn vẹn. “Tro tàn quá khứ” như một kỷ niệm êm dịu, ngọt ngào nơi trái tim bao người đọc yêu những vần thơ giàu cảm xúc của Lê Quang Trang. Năm tháng khói lửa chiến tranh đã đi qua rồi nhưng nhà thơ của quê hương quan họ Bắc Ninh ấy vẫn không lúc nào nguôi quên tình yêu của sự đồng cam cộng khổ một thời mà tác giả đã trải qua . Giờ nhớ lại cái thời xa xưa ấy, lòng tác giả bùi ngùi, hình bóng người yêu thương lại hiện về trong ký ức :
“Dẫu bây giờ không được nắm tay em
Mắt trong mắt như cái ngày lửa cháy
Nhưng hãy lọc trong tàn tro đen ấy
Có những điều đốt mãi chẳng thành tro”
Lê Quang Trang tâm sự: “Viết phê bình là bộc lộ một thái độ, một chính kiến đối với một tác phẩm, tác giả, một hiện tượng hoặc một trào lưu văn học. Phải làm bật cái hay, cái đẹp (thế nào, mức độ nào), tất nhiên, cả chiều ngược lại, đúng như chúng có”. Lê Quang Trang trước sau là nhà thơ. Cho dù tác giả thành công trong lý luận phê bình. Thơ Lê Quang Trang chân thật, tâm tình. Điều đặc biệt trong thơ Lê Quang Trang là nhà thơ muốn trải lòng mình. Có thể nói thơ cùng với lý luận phê bình tạo nên sự hoàn chỉnh của đời văn, đời người Lê Quang Trang, Thơ Người mang nét đẹp chân quê, và giống như thơ dân gian, anh cứ để tứ thơ mình gợi mở, ai cũng có thể “sửa” theo ý mình.
…“Gió vẫn thổi không ngừng từ biển rộng
Như nhân dân nguồn cảm xúc không cùng”.
Và những dòng cảm xúc trong “tro tàn quá khứ” Lê Quang Trang để lại cho đời cũng rất chân thật, tình cảm sâu sắc mà ngay từ lứa tuổi học trò hầu như ai cũng chép tay và tấm tắc khen hết lời trước những vần thơ “cảm xúc không cùng” ấy.
“Dẫu bây giờ không nắm được tay em”,câu thơ rất nhẹ nhàng, chân chất như chính sự nhẹ nhàng, lắng nghe miệt mài trong con người nhà thơ. Ánh mắt như nói hộ tình yêu mà Lê Quang Trang nhớ lại “mắt trong mắt như cái thời lửa cháy”- ánh mắt nhìn nhau bốc lửa tình khi bên ngoài thì khói lửa chiến tranh cũng sáng rực cả một bầu trời. “Lửa cháy” ấy không thể nào làm nung nao được tình cảm của nhà thơ với người bạn gái của mình, ngược lại càng làm tăng thêm giá trị của tình cảm trong thời chiến tranh ác liệt. Dù trong bom đạn nhưng vẫn rực sáng một tình yêu mà có lẽ nhà thơ cho đó là tình cảm sâu sắc nhất, cảm động nhất và chân tình nhất “nhưng hãy lọc trong tàn tro đen ấy” để rồi ta sẽ thấy rằng “có những điều đốt mãi chẳng thành tro”. Có phải chăng “những điều đốt mãi chẳng thành tro” ấy chính là tình cảm vĩnh cửu mà như ai đó đã nói “ không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có những giây phút vĩnh cửu của tình yêu”.
Tphcm ngày 1/3/2011
Trần Huyền Nhung.