Trang chủ » Tin văn và...

Một quan chức ngành văn hóa đạo văn

Nguyễn Xuân Diện
Thứ năm ngày 12 tháng 2 năm 2009 10:26 PM
TNc: Bài dưới đây tôi đã cho lên mạng ngày 5-2-2009. Đến ngày 11-2-2009 , bà Phan Thu Hiền đã nhận lỗi. Việc đó coi như xong. Tôi nghĩ thôi không lưu giữ lại nên xóa đi. Nghĩ đi nghĩ lại thấy cần lưu lại để trannhuong.com thêm tài nguyên cần thiết. Vì vậy hôm nay 12-2-2009 tôi cóp lại.

Vừa qua, tôi được một người bạn đi dự lễ kỷ niệm Nguyễn Công Trứ từ Hà Tĩnh ra tặng cho cuốn sách Nguyễn Công Trứ với Hát ca trù của tác giả Phan Thư Hiền. Là một người có nghiên cứu về ca trù, tôi rất mừng khi thấy có thêm một cuốn sách mới về ca trù. Sách in với số lượng 1000 cuốn tại Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, dày 380 trang. Theo lời giới thiệu ở bìa gấp thì tác giả Phan Thư Hiền sinh năm 1959, quê quán tại Đức Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hiện bà đang là Phó Giám đốc Sở VHTT và DL Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, Hội viên Hội Di sản Việt Nam.

Tác giả Phan Thu Hiền cũng đã xuất bản các cuốn sách: Hát phường vải Trường Lưu, Đợi anh về (tập kịch in chung), Loan nương Thánh Mẫu, Báu vật của muôn đời, Tám vị Thánh Mẫu ở Hà Tĩnh, Nói lối làng Yên Huy, Nguyễn Công Trứ với Hát Ca trù. Bà Phan Thu Hiền đã từng nhận rất nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng hội diễn ngành Nội thương toàn quốc năm 1982, Giải Nhất liên hoan thông tin lưu động toàn quốc 1995, Giải thưởng Nhà Văn hóa Trung ương năm 1997, Giải thưởng hội viên nghiên cứu văn hóa dân gian năm 1998, và đặc biệt là Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần 2 (1995) và lần 3 (2000). Các giải thưởng này chứng tỏ Bà Hiền là người có thâm niên trong việc nghiên cứu văn hóa, và biết rành rẽ việc bếp núc nghiên cứu. Thế nhưng cuốn sách Nguyễn Công Trứ với Hát ca trù vừa được xuất bản lại là một cuốn sách đạo văn khó chấp nhận.
1. Cuốn sách của Phan Thư Hiền đã lấy của tôi đến 20 trang sách mà không hề dẫn nguồn, cũng không hề xin phép. Từ trang 19 đến trang 38, tác giả đã chép nguyên xi từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản của tôi trong sách “Đặc Khảo Ca trù Việt Nam”(in chung, 2006) và “Lịch Sử và Nghệ Thuật Ca trù”(in năm 2007). Trong từng ấy trang sách, tác giả Phan Thư Hiền thỉnh thoảng thêm thắt vài dòng cho đỡ lộ. Tuy nhiên chính việc thêm thắt này lại lộ ra thao tác của một người nghiên cứu chụp giật, suy diễn, bịa đặt. Như sách của tôi viết: “Hát thờ ở của đình Đông Ngạc cho thấy cái trống chầu đã có vai trò riêng...” thì Phan Thư Hiền đã chép sửa thêm như sau: “Các hình ảnh chạm khắc về hát thờ ở cửa đình làng Đông Ngạc cũng cho chúng ta thấy cái trống chầu đã có vai trò riêng...”(trang 21), thực tế ở Đình Đông Ngạc không có những bức chạm khắc về ca trù.
2. Tại trang 19 và 20, tác giả viết: “Sau đây chúng tôi xin trích hai đoạn liên quan đến chữ Ca trù của bài thơ do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn giới thiệu trong “Thi văn Việt Nam”. Nhưng bây giờ, ai có mở cuốn sách Thi Văn Việt Nam của Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, in tại Nxb Sông Nhị năm 1951 thì không thể tìm được hai đoạn thơ có chữ Ca trù trong bài thơ Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn. Vì trong sách đó, Hoàng Xuân Hãn chỉ tuyển 3 đoạn, mà không có đoạn nào có chữ Ca trù. Các sách chép lại theo Thi Văn Việt Nam cũng chép 3 bài đó. Những chữ Ca trù chỉ được Nguyễn Xuân Diện phát hiện và công bố tại Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 1998. Với việc ghi ra như vậy, tác giả Phan Thu Hiền đã biến báo thật giỏi.
3. Trong Thư Mục Tham Khảo in ở cuối sách, Phan Thư Hiền có ghi 15 tài liệu. Trong số đó, ở số 5, có ghi: “Nguyễn Xuân Diện – Vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật Ca trù – Tạp chí Văn nghệ, số 10 – 1995”. Ghi như thế là sai, vì bài viết đó chúng tôi in ở tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, chứ không phải tạp chí Văn nghệ. Tác giả Phan Thư Hiền chỉ ghi một bài viết của tôi trong tài liệu tham khảo. Trong khi đó, rất nhiều bài viết của tôi in trên các tạp chí và trên internet, và đặc biệt là cuốn Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù và cuốn Đặc Khảo Ca trù Việt Nam (viết chung) được Phan Thư Hiền nghiễm nhiên đưa vào cuốn sách của mình thì không được liệt kê trong phần tham khảo, cũng không ghi nguồn dẫn trong chính văn.
Không chỉ đạo văn của tôi, tác giả Phan Thư Hiền còn chép một khối lượng lớn các trang viết của một học giả khác cũng nghiên cứu về ca trù là TS Nguyễn Đức Mậu. Ông Mậu cho biết, bài tham luận mà ông vừa gửi vào hội thảo kỷ niệm Nguyễn Công Trứ cũng đã ngay lập tức có mặt trong sách của bà Phan Thư Hiền sau một câu văn rất đơn giản là “Xin được trích lược ra đây những nét chính” rồi mở ngoặc kép ở trang 99, nhưng đến tận trang 162 mới có cái đóng ngoặc kép. Như vậy có tới 63 trang trích dẫn. Đây là điều rất khó chấp chận bởi theo thông lệ nếu sử dụng trên 10 % số trang viết của người khác, thì phải ghi họ là đồng tác giả. Nhưng dù sao TS Nguyễn Đức Mậu cũng còn may mắn, bởi 63 trang “trích lược” ấy vẫn còn nằm trong ngoặc kép, vẫn được ghi rõ là của Nguyễn Đức Mậu.
Điều không thể tưởng tượng được là một quan chức làm việc trong ngành văn hóa lại có thể hành xử như thế. Đây là trường hợp thứ hai, những quan chức ở Hà Tĩnh bị phát hiện “đạo văn”, “đạo công trình nghiên cứu”. Lần trước là công trình của ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã “đạo” công trình nghiên cứu của TS. Trần Hữu Sơn (GĐ Sở VHTT và Du lịch Lào Cai).