Trang chủ » Tin văn và...

Nhà xuất bản kiện nhà xuất bản

Y Nguyên
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:10 PM
 
 
Bà Quách Thu Nguyệt -Ảnh: Y.N
Bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ cho biết NXB đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện NXB Thanh Hóa, NXB Văn hóa Thông tin và Công ty cổ phần Nhân Văn vì những đơn vị này đã có hành vi xâm hại bản quyền tác phẩm của NXB Trẻ.
Ăn cắp có bài bản
NXB Trẻ vừa gửi đến các cơ quan báo chí bản danh sách 45 tựa sách bị in lậu. Đây là những cuốn bán chạy (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tiếng người, Cánh đồng bất tận...) và những cuốn mà NXB Trẻ đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua bản quyền (Harry Potter, Hy vọng táo bạo, Lược sử thời gian, Những chuyện kể của Beedle – người hát rong, Quà tặng cuộc sống, Phép nhiệm màu của đời...) nhưng lại bị nhiều “đầu nậu” hồn nhiên chụp giật còn NXB – nơi cấp phép xuất bản cho đối tác liên kết, thì hoàn toàn “vô tâm”.
Theo bà Quách Thu Nguyệt, các “đầu nậu” thời nay có mánh khóe tinh vi để ăn cắp bản quyền. Ngoài việc trắng trợn in sách không có giấy phép, in vượt quá số lượng được cấp phép, nhiều “đầu nậu” còn ngang nhiên thay tên tựa sách, thay tên NXB, nhưng nội dung thì copy 100% sách thật. NXB Trẻ đã kinh ngạc khi thấy cuốn Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi (6 tập) vừa phát hành, có bản quyền hẳn hoi lại được NXB Thanh Hóa cấp phép xuất bản dưới tên gọi Nghệ thuật sống – Cẩm nang để được tự tin và an toàn hơn mà nội dung sách thì y chang Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.
Một chiêu thức khác, “đánh hơi” thấy một số NXB chuẩn bị tung ra tựa sách, lập tức một số công ty, doanh nghiệp sẽ xin cấp giấy phép để ra sách trước.
Bà Nguyệt kể: Cuốn 151 quick ideas to increase sales vừa được NXB Trẻ mua bản quyền, chưa kịp phát hành bản tiếng Việt thì đã bị NXB Thanh Hóa, Công ty cổ phần Nhân Văn và Ths. Nguyễn Quốc Tòng (Viện Kinh tế TP.HCM) biến thành 151 sáng kiến để gia tăng doanh số bán hàng. Điều kỳ lạ là, 151 quick ideas to increase sales là sách do tác giả nước ngoài viết nhưng bản Việt ngữ lại đứng tên Ths. Nguyễn Quốc Tòng biên soạn! Tương tự, cuốn Tân tác long hổ môn được NXB Trẻ mua bản quyền hơn nửa tỉ đồng từ Hồng Kông nhưng cũng bị Công ty cổ phần Nhân Văn “chôm” gọn.
Nhà xuất bản kiện nhau
Hiện NXB Trẻ đang phối hợp với đại diện NXB nước ngoài và thuê luật sư để làm thủ tục khởi kiện, bởi “chắc chắn những cuốn sách kể trên đã được in không có bản quyền, vì các NXB nước ngoài không bao giờ bán bản quyền đến 2 lần cho 2 đối tác trong cùng một thời điểm” - bà Nguyệt khẳng định. Và, nếu việc ra tòa trở thành hiện thực thì đó sẽ là vụ kiện bản quyền đầu tiên giữa các NXB với nhau trong lịch sử ngành xuất bản. “Thực ra, từ 3 năm nay, NXB Trẻ đã muốn khởi kiện để “đánh động”, nhưng vì thủ tục nhiêu khê và nể đồng nghiệp nên còn ngập ngừng. Còn bây giờ đã đến lúc không thể nhân nhượng được nữa, mà phải giải quyết bằng luật để ý thức bản quyền của mọi công dân tốt hơn” - bà Nguyệt nói.
 
Nhiều tựa sách của NXB Trẻ bị “luộc” -Ảnh: D.Đ.M
 
Có một thực tế, nhiều NXB đã và đang sống bằng việc bán giấy phép để thu quản lý phí rồi phó thác việc biên tập, in ấn, phát hành sách cho đối tác liên kết. Bởi thế mới có chuyện NXB này vô tư cho in những ấn phẩm mà NXB kia đã có bản quyền. Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ban hành năm 2008 (đã chính thức có hiệu lực từ 1.1.2009) quy định trước khi xuất bản, NXB phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Bộ Thông tin - Truyền thông. Thế nhưng, trong hồ sơ đăng ký kế hoạch xuất bản, Bộ Thông tin -Truyền thông không yêu cầu NXB phải chứng minh bản quyền bằng các hợp đồng, cam kết, thỏa thuận mua bản quyền.
Không ít NXB cho rằng không nên quá kỳ vọng vào cơ quan quản lý và các cơ quan thực thi pháp luật, mà trước hết, hãy “tự mình cứu lấy mình”. Một chiêu thức mà các “đầu nậu” đưa ra để hút khách là giảm giá sách in lậu từ 20-25% (thực ra, với mức chiết khấu này, các “đầu nậu” vẫn lãi ròng bởi họ chỉ phải trả tiền giấy in, tiền công in, mà không chịu thuế, không phải trả bản quyền và các loại phí). Để “chiến đấu” với vấn nạn in lậu, NXB Trẻ đã tính tới chuyện sẵn sàng giảm giá sách thật tới 30-35% bên cạnh các giải pháp nâng cao kỹ thuật in ấn, làm tem chống giả và nhờ cậy lực lượng công an văn hóa. Song, “có thể vì cho rằng sách in lậu chỉ khác về chất lượng so với sách thật, nhưng không nguy hại lắm đến an sinh xã hội nên động lực của các cơ quan quản lý không mạnh mẽ lắm” - bà Nguyệt băn khoăn.
Ông Lý Bá Toàn (Cục phó Cục Xuất bản) cho biết Cục Xuất bản đang cân nhắc, lấy ý kiến về việc NXB phải trình các hồ sơ, hợp đồng về bản quyền, vì trước đây các NXB chưa nhất trí với lý do sợ bị mất “bí mật” kinh doanh. 

Y Nguyên