Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUẢNG CÁO ĐIÊU !

Phạm Minh Lợi
Thứ sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024 9:51 AM
- Một người mẹ trẻ đưa con trai khoảng 5 tuổi vào siêu thị mua hàng. Cô tìm hồi lâu mới thấy giá để mì tôm liền chọn 5 gói Miliket bỏ vào xe đẩy. Cậu con trai giật vạt áo mẹ chỉ vào những gói mì bao bì sặc sỡ vẽ hình đùi gà, những con tôm và rau, nấm . .Người mẹ bảo "Họ vẽ thế nhưng trong gói mì không có đâu con !" . Cậu con trai vẫn không chịu dời đi...
Tôi góp ý :"Cháu cứ mua 1 gói đem về nhà bóc ra cho nó thấy làm gì có đùi gà và tôm trong đó, lần sau bé sẽ hết đòi"
Người mẹ trẻ phân bua :
- Bây giờ họ quảng cáo ĐIÊU lắm bác ạ, nên cháu chỉ thích mua mì Miliket bao bì giản dị nhưng đủ trọng lượng, không chứa chất tạo màu chất làm cay, khi nấu gia giảm gì thêm theo ý của mình
- Quảng cáo là cuộc chiến tranh thị giác vô tận cháu ơi. Các đài Truyền hình "tiếp sóng" vô tội vạ để ăn tiền quảng cáo. Gói mì tôm có gì đáng kể mà trên truyền hình người ta diễn cảnh các thành viên gia đình giành giật nhau, nuốt thùn thụt thô lỗ tham ăn tục uống vô cùng !
- Cháu chẳng hiểu vì sao một số nghệ sĩ có chút tên tuổi lại hạ mình diễn những cảnh nhố nhăng đấm lưng đau răng ôm bụng nhăn nhó vì mấy thứ thực phẩm chức năng... Cháu nhớ ít năm trước có người còn in chương trình quảng cáo truyền hình vào băng vào đĩa bán để các bà nội bà ngoại ở nhà phát lên ti vi khi dỗ cháu ăn. Đúng là quảng cáo rất có tác dụng lừa trẻ nhỏ !
Hai mẹ con cháu về rồi, tôi suy ngẫm mãi về chữ ĐIÊU theo cách nói dân gian ngắn gọn mà rất chuẩn. Đừng tưởng "ĐIÊU" thường vui vẻ và vô hại. Các cụ cao tuổi chắc còn nhớ vài chục năm trước hễ mở ti vi là nghe ra rả quảng cáo nước hoa Thanh Hương . Dân tin truyền hình nhà nước nên đua nhau hùn vốn cho đến khi "Mười Hai" bị bắt...
Thuốc, là mặt hàng nhiều quốc gia cấm quảng cáo trên sóng truyền hình, bởi lẽ phải có chỉ định của bác sĩ mới được dùng (trong một hộp thuốc viên tuy không phải biệt dược nhưng nhà sản xuất bắt buộc phải có giấy kèm theo (đôi khi rất dài) trình bày rõ Chỉ định, chống chỉ định, tương kỵ tương tác với thực phẩm nọ, loại thuốc kia...) ; thế nhưng truyền hình xứ mình quảng cáo các loại thuốc gia truyền chữa bách bệnh ra rả giờ vàng, rồi nói cực nhanh khiến đồng bào chẳng kịp nghe : "Không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" (!)
Điều đáng nói là các loại thuốc truyền hình quảng cáo "hiệu nghiệm" ra rả hàng ngày như thế nhưng không thấy bất cứ Bệnh viện nào ghi trong phác đồ điều trị
- Thế có ĐIÊU không ?