Nghiêm Đa Văn có biệt tài “dân chủ hóa” bạn bè, người mới quen rất nhanh. Chỉ cần một cái vỗ vai, một nụ cười là hạ bệ “mày, tao” được ngay với người ngang tuổi; “ông, tôi” ngay với những Hoàng Trung Thông, Tô Hoài, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Thành Long…
1...
Đầu những năm 1960, sinh viên Hà Nội vẫn thích vào sống tại ký túc xá. Để tự rèn trong tập thể mà! Riêng chàng sinh viên Nghiêm Đa Văn “ngoan cố” bám lấy nhà mình số 330 phố Khâm Thiên. Đẹp trai, dáng to con, nghênh ngang đi, về trên chiếc xe đạp Trung Quốc kềnh càng mà đám tiếp phẩm hay thồ rau thịt. Nóng, lạnh đều khoác chiếc áo rơ-đanh-goát lâu ngày không giặt. Sách học đựng trong chiếc làn cói đàn bà treo trên tay ngai xe.
Lại nói tới cuốn vở ghi chép khi lên lớp của Nghiêm Đa Văn. Mua liền 8 hay 10 xếp giấy, đóng chỉ xuyên gáy, bìa bao bằng da thuộc. Sau trang bìa, ngay trang nhất vẽ hoa văn 330, 330, 330..., (tên số nhà ở phố Khâm Thiên). Trên nền hoa văn ấy kẻ nắn nót dòng chữ: “Đại Bách khoa Toàn thư”, phía dưới trong ngoặc ghi: “Tức Nồi nước gạo”.
Đã là sinh viên nhưng Nghiêm Đa Văn thích ghi bài theo kiểu học sinh cấp 1. Nghĩa là: Ngày tháng năm, Văn học Việt Nam, Bối cảnh xã hội của Truyện Kiều. Gạch hết. Kẻ ngang. Tiếp tới: Văn học Trung Quốc: Xã hội Trung Hoa trong Hồng lâu mộng. Gạch hết. Kẻ ngang. Tiếp là môn nữa. Ngày hôm sau, nếu vẫn là giờ Văn học Việt Nam, vẫn là Truyện Kiều thì ghi trong ngoặc thêm chữ “Tiếp theo”.
Rất nhiều chính kiến, nhiều ý tưởng, dự định. Tếu táo và nghiêm chỉnh đan xen. Khuếch khoác, ba hoa nhưng vô hại. Dễ làm bùng nổ những trận cười, nhưng cũng dễ tự dưng rớm rớm nước mắt. Vương Trí Nhàn đặt cho gã biệt danh “cường điệu vô nguyên tắc”. Thật hay!
2.
Cuối năm 1975, Nghiêm Đa Văn vào Sài Gòn rinh ra một lúc 3 chiếc máy “Optima”. Cả 3 lúc nào cũng nạp đủ giấy than, giấy pơluya. Một chiếc để trên giường, ngồi xệp trên ghế đun bếp và mổ rào rào, rào rào. Tắc tị, bóp trán, gạt máy thứ nhất sang bên, lấy chiếc thứ hai từ dưới gầm giường lên. Tiếp tục rào rào, rào rào. Ba chiếc máy ba bản thảo văn xuôi, thơ hoặc phác thảo kịch bản cho phim, cho sân khấu. Gã nói: “Đừng thiêng liêng, thần thánh hóa văn chương, chữ nghĩa quá, chúng mày ơi! Cũng là một phương tiện kiếm sống thôi. Vì thế sáng tác phải NHANH, NHIỀU, TỐT, RẺ như tớ mới chống chọi được với đời sống”.
Rào rào, rào rào như thế ra được cuốn "Tuổi trẻ Nguyễn Đức Cảnh." Vừa khoe sách mới đầu tuần, cuối tuần mò tới nhà bạn xin tá túc vài ngày. Hỏi vì sao? Đáp: Vì Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng khen sách viết hay, nhưng muốn biết một vài chi tiết về bậc tiền bối mình lấy từ nguồn nào? Mình muốn gắt lên, văn chương phải có dấm ớt, nhưng sợ các bố đành phải trốn!
Cũng cuối năm 1975 hay đầu 1976 gì đó ở gã bỗng bộc lộ năng lực “móc ngoặc”, ngay vào cái thời mà chưa một ai biết đến hai chữ “Tiếp thị” như bây giờ. Tuyển một đội ca hát gồm những tên tuổi “thượng thặng” như Trung Kiên, Bích Liên, Tâm Trừng, Mỹ Bình… lên biểu diễn cho anh chị em công nhân các nông trường trên Hòa Bình, Mộc Châu xem. Thù lao không nhận tiền. Tiền làm gì khi mọi thứ vẫn phải mua theo tem phiếu? Đổi lại, nhận cả một xe dứa, xe cam, vài chục ký thịt bò tươi mà chia chác cho nhau. Chuyến một tạo đà, chuyến hai, chuyến ba người xem nồng nhiệt đón tiếp đã đành, cánh nghệ sĩ cũng tấp nập tranh nhau xin đi “phục vụ công nông binh”...
Ngày Xuân năm 1977, đến 330 Khâm Thiên, thấy Nghiêm Đa Văn cởi trần, vận quần cộc đang ngồi trên giường, xung quanh là những sợi dây gì đen đen hệt như những tấm mành treo tua tủa. Cầm trong tay chiếc kính lúp, gã ghé sát vào từng sợi dây đen kia như nhà nho xem chữ cổ trên bia đá. Hỏi đang làm gì? Đáp, đang mông-ta-giơ phim. Thì ra đã lọ mọ tìm tới trường đào tạo cán bộ Lào mãi trên Vĩnh Yên mồi chài thế nào để họ đồng ý cho làm một bộ phim truyền thống của nhà trường. Phim 8 ly. Thuê in tráng xong, đợi khô, cứ thế treo lên, soi lúp để ngắt bỏ khúc này, lấy khúc kia mà dính vào nhau gọi là dựng.
3.
Những năm gần đây, đi qua phố Khâm Thiên, cố tìm ngôi nhà số 330 mà không thấy. Nơi ấy là chốn tụ hội của anh em chúng tôi một thời. Nghiêm Đa Văn quảng giao, quen biết rộng đủ các lĩnh vực văn, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh… Những Đặng Nhật Minh, Thanh An, Đào Trọng Khánh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Phục, Trần Hoài Dương… đều tụ họp ở chốn này.
Nghiêm Đa Văn có biệt tài “dân chủ hóa” bạn bè, người mới quen rất nhanh. Chỉ cần một cái vỗ vai, một nụ cười là hạ bệ “mày, tao” được ngay với người ngang tuổi; “ông, tôi” ngay với những Hoàng Trung Thông, Tô Hoài, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Thành Long… Mà ai ai cũng yêu quý gã, cũng muốn tụ bạ bên chén rượu trắng, đĩa đậu phụ rán hoặc đĩa lòng lợn tại căn nhà 330.
Nghiêm Đa Văn thẳng thắn, bộc trực, báng bổ thậm chí nói huỵch toẹt ra nhiều điều, sau này ngẫm ngợi thấy gã toàn nói đúng. Ví như: “Bi kịch của thế hệ anh em ta là tôn vinh một anh chàng vừa mù vừa què làm người dẫn đường”. Ví như: “Đừng khinh các chị phe ngồi trước Bách hóa chợ Hôm. Rồi có ngày các chị ấy sẽ dạy khôn chúng ta đấy!”. Hay: “Ông Chế Lan Viên đã tiên đoán hậu vận cánh ta rồi khi viết: Chúng ta sinh ra trong những năm không dễ hé môi cười”
Một lần Nghiêm Đa Văn dắt đến nhà tôi một anh chàng lạ hoắc và ra lệnh: “Mày viết cho thằng này một bài phê bình phim. Mà phải ghi tác giả là nó. Để tao nộp quyển xin cho nó làm phóng viên tạp chí Điện ảnh. Nó đếch biết gì điện ảnh cả, nhưng nó đang thất nghiệp. Mà phim chẳng ra hồn phim, hỏi phê với phò cái gì? Nó là dân Ngõ chợ Khâm Thiên, là lính khu 5 vừa giải ngũ. Phim nào, đạo diễn, diễn xuất ra sao… rồi nó viết được tuốt!”.
Quả là anh lính quê ngõ chợ Khâm Thiên sau này trở thành một cây bút phê bình phim sắc sảo...
4.
Mãi cuối những năm 1980, tôi mới vào sinh cơ lập nghiệp tại Sài Gòn. Khác với những năm ở Hà Nội, bây giờ Nghiêm Đa Văn ít tụ bạ với bạn bè, anh em cũng ít cơ hội gặp. Nghe nói gã đã ngán văn chương chữ nghĩa để chuyển sang lĩnh vực kinh tế. Tôi mừng thầm, gặp thời buổi chuyển đổi này một người như Nghiêm Đa Văn hẳn như cá trở về với nước…
Gặp lại, vẫn nhận ra ông Pie-Bezukhov thuở nào, nhưng sao nom uể oải, mệt mỏi mà hình như lúc nào cũng đang âm mưu điều gì. Biết gã đã bỏ vợ, đã tan vỡ nhiều mối tình gá tạm; nói vừa mua nhà ở phố này, vừa bán nhà ở đường kia. Chạm tới chuyện kinh bang, gã kể tông ti các đại gia vanh vách.
Rồi vắng bặt ở Sài Gòn một thời gian dài. Nghe nói đã ra ngoài Bắc, làm cố vấn cho mấy dự án đầu tư lớn.
Bất ngờ nghe nói Nghiêm Đa Văn ốm thập tử nhất sinh, chở về bệnh viện Bạch Mai vỡ ra thận đã suy độ mấy. Mỗi lần chạy thận nhân tạo cực kỳ tốn kém. Bạn hữu ới nhau quyên góp tiền và bỗng phát hiện cả ở Sài Gòn và Hà Nội tài sản riêng tư của gã không bói ra thứ gì có thể bán được. Nói như thiên hạ bây giờ, một con người giàu tiên liệu và tiềm năng dành cho cơ chế thị trường như Nghiêm Đa Văn, sao bỗng tan tành, suy sụp nhanh đến vậy?
Ra Hà Nội, vào một buổi tối tháng Sáu oi nồng, tôi tìm đến bệnh viện Bạch Mai thăm gã. Hỏi thăm nhà văn, nhà báo Nghiêm Đa Văn, không ai hay. May có một ông cụ bảo tôi hãy tìm ở dưới tầng hầm, nơi những con bệnh không chịu được cái nóng xuống đấy để hưởng hơi mát của đất…
Trong ánh điện đỏ quạch gian hầm trần thấp nồng nặc hơi người trộn lộn mùi ẩm mốc, Nghiêm Đa Văn nằm đó lọt thỏm giữa cái giường xếp, râu ria tua tủa, trõm mắt trũng sâu, hơi thở nặng nhọc. Vừa nhìn thấy tôi, Nghiêm Đa Văn òa khóc, giọng thều thào đứt nối:
- Chúng mày… Chúng mày khôn hết. Chỉ có mình tao là ngu dại thôi…
Mới nghe tới đó, không kìm nổi, tôi quát to:
- Không phải mày vừa nói đấy chứ Văn? Mày đã sống ngang tàng, cứng cỏi mấy chục năm nay rồi, chả lẽ bây giờ lại thốt lên tiếng kêu đớn hèn như thế sao?
Tiếng thút thít đột ngột tắt lặng, Văn quờ quạng nắm lấy bàn tay tôi:
- Tao cám ơn mày
P/S: Nhớ hôm khâm liệm Nghiêm Đa Văn ở nhà quàn Nghĩa trang Văn điển. Đang giữa tháng 6 âm, tiết trời oi nóng như hun lửa. Nhìn lên bàn thờ vẫn là gương mặt phương phi, đĩnh ngộ, rất "phong trần mài một lưỡi gươm", hệt như Võ Tòng, như Trương Phi.. Nhưng trong quan tài, phía sau mặt kính, sao gương mặt Nghiêm Đa Văn bỗng tóp lại, nhăn nhúm chỉ bằng trái cam. Kỳ lạ hơn trên vầng trán đã hóp lại hai bên thái dương, lấm tấm đậu rất nhiều giọt mồ hôi to nhỏ như những hạt đỗ.
Bạn bè xì xầm xót xa: Đến tận lúc nhắm mắt vẫn vật vã nghĩ ngợi sao đây?
Tò mò hỏi mấy anh ở nhà quàn mới hay: Nghiêm Đa Văn nằm trong tủ lạnh lâu quá đọng nước. Bây giờ gặp hơi nóng hầm hập bên ngoài, nước mới thoát ra...
TÔ HOÀNG