Những ngày vừa qua, dư luận cả nước xôn xao vì những tấm bằng tiến sĩ, có người bị tố đạo văn, lại có người bị thu hồi… vì chưa có được bằng cấp ba. Đến thời điểm này, điều làm tất cả chúng ta - những nhà văn chân chính thở phào, bởi lẽ trong vô số những bất hạnh, tủi hổ khi làm một nhà văn, ít ra nghề nghiệp này cũng có một may mắn nho nhỏ. May mắn đó là người ta không tốt nghiệp bất cứ một trường học nào để trở thành nhà văn, cũng không có một thứ bằng cấp nào được trao để công nhận đó là một nhà văn.
Chúng ta nhớ lại, Lê Đạt có một câu châm ngôn nổi tiếng: “Chữ bầu lên nhà thơ”, nay ta mạnh dạn điều chỉnh thêm một tí, “tác phẩm bầu lên nhà văn”, không có gì khác hơn được cả. Tôi không hiểu sao, rất nhiều người có bằng cấp, trình độ không liên quan gì đến văn chương, lại làm văn chương rất hay, rất chuyên nghiệp hơn rất nhiều người được đào tạo cử nhân văn chương hay tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du trước đây.
Ở Huế, trước đây lừng danh một Phương Xích Lô vốn là một người phu xe đúng nghĩa song lại làm thơ rất hay. Bác sĩ Phạm Nguyên Tường, nay đã là Phó giáo sư, tiến sĩ, trưởng trung tâm ung bướu của Bệnh viện trung ương Huế nhưng từng làm chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Thơ anh rất hay, tản văn cũng thế, làm lãnh đạo Hội Nhà văn không mấy ai bì kịp, song mổ cắt u hay xạ trị và hóa trị đều rất “bàn tay vàng”. Tôi thực sự khó tìm thấy được sự liên đới, hỗ trợ gì giữa nghề làm thơ với nghề bác sĩ chuyên chữa ung thư cả. Thế nhưng, cả Phương xích lô lẫn Phạm Nguyên Tường đều là nhà văn chân chính, đúng nghĩa.
Cũng may mắn là, trong nghề nghiệp văn chương của chúng ta không có phân ra thứ hạng, trình độ, bằng cấp, hạn ngạch. Không có nhà văn thường, nhà văn ưu tú hay nhà văn nhân dân gì hết, chỉ có nhà văn mà thôi. Hai chữ nhà văn đã hàm chứa đủ danh dự, sự tự tôn nghề nghiệp và cả đôi khi là sự hãnh tiến trong đó. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã mạnh dạn chối từ các danh hiệu ưu tú, nhân dân. Nếu không, hằng năm lại có nhiều nhà văn quay cuồng trong các vòng đua nâng hạn, chuyển ngạch và kiếm tìm danh hiệu nhân dân hay ưu tú.
Không có nhà văn nào ưu tú và nhà văn tầm thường, chỉ có nhà văn tài năng và kém tài mà thôi. Mà tài năng thì lại do tác phẩm tạo ra, tác phẩm muốn sống và tồn tại lại phải cậy nhờ bạn đọc. Mặt khác, mọi nhà văn chân chính và đúng nghĩa luôn là nhà văn nhân dân rồi. Loại văn chương cung đình, văn chương cúng cụ, văn chương phải đạo ve vuốt cấp trên một thời nhan nhản nay đã gần như không còn đất sống.
Nhân chuyện thu hồi, kiện cáo những bằng tiến sĩ, tôi thấy mình đi theo nghề nghiệp nhà văn là một may mắn. Cho dù bản thân cũng có vài bằng cấp, trong đó có bằng tiến sĩ văn chương, cũng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam khi còn khá trẻ, song thú thực tôi chỉ xem nó như những giấy thông hành để đi vào thế giới chữ nghĩa. Cái tồn tại trong lòng bạn đọc chỉ là tác phẩm và công trình của anh. Nghĩ và hiểu vậy về nghề này, nên tôi luôn cố đọc và viết. Mỗi ngày đều không quên hai việc ấy cho dù làm gì, cương vị nào.
Tôi cũng biết, trong nghề của chúng ta, bằng cấp hay chức danh không nói lên điều gì. Những người thầy, người dẫn đường văn chương của tôi có các giáo sư, phó giáo sư như Lê Huy Bắc, Đỗ Lai Thúy, Phan Trọng Thưởng, Trương Đăng Dung… song cũng có những cử nhân khét tiếng như Phạm Phú Phong, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xớn…
Nhà văn cho dù không có bằng cấp ba, thậm chí có người chưa sõi tiếng Việt, hay thậm chí mù chữ cũng trở thành nhà văn được, nếu anh có thể sáng tác ra tác phẩm hay, có thể là sáng tác miệng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng kể về bạn mình, nhà thơ Đồng Đức Bốn vốn từ vựng tiếng Việt quanh quẩn chỉ trong ba trăm chữ, song vẫn có thể làm thơ hay. Nhưng tiến sĩ thì buộc phải có bằng cấp ba, cử nhân và thạc sĩ, đó là yêu cầu bắt buộc.
Chúng ta cũng không nên đánh đồng giữa nhà văn và tiến sĩ. Danh hiệu thì gắn với nghề nghiệp, mà nghề nghiệp miễn lành nghề là được, không cần đào tạo hay chứng nhận đào tạo thật. Song học hàm là trình độ, là học vấn, là nhà khoa học, nó cần minh bạch, chính xác, có quá trình đào tạo bài bản, tuần tự và được đảm bảo bởi cơ quan có thẩm quyền. Đi tu cũng như học tiến sĩ, cần tuần tự, qua các bước khác nhau, được thử thách và chứng nhận bởi những tổ chức tôn giáo hợp pháp, được pháp luật công nhận. Có một nghịch lí thú vị thế này: học giả thì luôn luôn cần bằng thật. Chả ai mới đi tu mà được công nhận ngay là linh mục, thượng tọa hay hòa thượng cả. Các giấy chứng nhận quy y, pháp danh, trụ trì… cũng đều được cấp có thẩm quyền cấp, hoặc đơn vị tôn giáo chứng nhận, có giá trị pháp lý trước pháp luật.
Tôi không hiểu tại sao một số sư thầy lại mê bằng tiến sĩ. Vì nghề nghiệp của họ vốn như nhà văn, không cần bằng cấp để hành nghề và tiến thân hoặc phụng sự. Có phải thói háo danh đã ăn sâu vào máu họ, khi đáng ra họ phải là bậc giác ngộ về sự vô vi, vô thường ở đời, cần lột bỏ danh để đi tìm thực. Họ làm tôi cứ nhớ mãi, liên hệ mãi về Tây du ký của Ngô Thừa Ân, ở kiếp nạn mà Đường Tăng xém chút nữa đã bị quay chín bởi lòng tham của các sư sãi. Chỉ vì một cái áo cà sa quý báu, sư trụ trì cả đời tu hành sắp thành chánh quả đã nhẫn tâm đốt lửa định thiêu sống thầy trò Đường Tăng - những đồng nghiệp tu hành của trụ trì.
Tại sao chỉ vì cái áo thầy tu mà nhẫn tâm đốt lửa giết người, chấp nhận thiêu luôn chùa chiền mình cả đời gây dựng. Băn khoăn ấu thời ấy của tôi nay biến thành trăn trở tại sao vì cái danh tiến sĩ mà đánh mất mọi danh dự, đức cao vọng trọng của một thượng tọa vốn đã nổi danh.
Lạ nữa là gần đây, một thầy tu đã có bằng tiến sĩ rồi (ngành Luật) lại làm tiếp tiến sĩ Tôn giáo học làm gì. Nếu học thật, giỏi thật thì đã là một nhẽ. Song đây lại là học giả, bằng cấp ba giả, thì đã được một cái bằng tiến sĩ cúng dường là may mắn rồi, còn mơ gì hai bằng tiến sĩ. Giới văn chương chúng ta từng phì cười với vài người có danh lưỡng quốc tiến sĩ, nay giới tu hành lại có người muốn có lưỡng bằng tiến sĩ làm gì. Lẽ ra, nếu theo đúng đường tu của mình vị thầy tu hoàn toàn có thể trở thành một nhà tu hành thành công, đắc đạo, làm được nhiều điều cho đạo và đời, cuối đời biết đâu, có thể tu thành chánh quả để được công nhận là một bồ tát nào đó của Phật giáo Việt Nam. Có thể lắm chứ, tại sao không, đúng không nào? Bây giờ thì dã tràng xe cát biển Đông chỉ vì thói háo danh, mê bằng tiến sĩ.
Tôi xin nhấn mạnh tôi vô cùng tôn trọng, nể phục các bậc tu hành là tiến sĩ thật. Người lương học để có tiến sĩ đã khó, bậc tu hành lại càng đáng nể trọng hơn. Nhiều học trò tu sĩ của tôi nay đã là tiến sĩ thần học hay tiến sĩ Phật học, văn học; tôi tự hào về họ. Song bậc tu hành mà mê đắm danh hiệu để bất chấp danh dự lấy bằng tiến sĩ bằng các cách phi pháp thì thật đáng buồn, khó hiểu.
Ngẫm người lại nghĩ đến ta, các nhà văn cũng cần luôn tự răn mình tránh xa danh lợi để cố sức viết, bởi chỉ có tác phẩm mới làm nên danh xưng và giá trị cho nhà văn. Tôi cũng nghĩ, câu chuyện thu hồi bằng tiến sĩ, thậm chí mọi bằng cấp từ cử nhân đến tiến sĩ là đương nhiên, khi đương sự không có bằng tú tài. Song vẫn cần thẩm định lại kỹ càng quy trình đào tạo, chất lượng luận văn, luận án, vấn đề đạo văn… trong các công trình khoa học mà vị thầy tu đó đã viết. Thẩm định kỹ, để hiểu, biết và truy trách nhiệm cho đến cùng các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thật đang giảng dạy trong những trường đại học đã cấp bằng cho sư. Để xem, sự ngợi ca, tôn vinh, tri ân, thậm chí quỳ gối trước tiến sĩ giấy bắt nguồn từ sự mù quáng, hay xuất phát từ động cơ tiền bạc đê hèn. Có như vậy, mới có thể chấn hưng nguyên khí quốc gia, biến sự học thật trở thành quốc học.