Nhà văn Trang Thế Hy được công chúng tưởng nhớ qua tuyển tập truyện ngắn do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Nhà văn Trang Thế Hy sinh ngày 29/10/1924 tại Châu Thành, Bến Tre. Ông tham gia cướp chính quyền tháng 8/1945 rồi đi theo cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhà văn Trang Thế Hy xuất hiện trong giới cầm bút khá muộn, 40 tuổi mới công bố tác phẩm đầu tay “Nắng đẹp miền quê ngoại”, nhưng ông có một cá tính sáng tạo được nhiều người quý mến.
Đồng nghiệp ít nhớ nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, vì ai cũng gọi ông thân mật là “chú Tư Sâm”. Tuyển tập truyện ngắn được ra mắt nhân dịp 100 năm ngày sinh của nhà văn Trang Thế Hy, gồm 14 truyện ngắn, trong đó có những tác phẩm được sưu tầm trên tuần báo Nhân Loại mà ông ký bút danh Văn Phụng Mỹ như “Về nhà trước cơn mưa”, “Áo lụa giồng”, “Mấy dòng thư cũ”, “Sách và chim”, “Con cá không biệt tăm”, “Vừng trăng bên kia sông”…
Nhà văn Trang Thế Hy từng được giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam năm 1965 với truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng”, tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện “Tiếng khóc và tiếng hát”, tặng thưởng loại A của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập truyện ngắn “Nợ nước mắt” năm 2001.
Từ năm 1992, nhà văn Trang Thế Hy nghỉ hưu và rời TP.HCM về ẩn cư tại quê nhà xứ dừa. Thông qua tác phẩm “Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn”, có thể thấy được thái độ tự trọng khi cầm bút của ông: “Nếu như con nổi tiếng con phải nghe lời chú Tư dặn nghe con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?”
Cả đời cầm bút khiêm nhường và lặng lẽ, nhà văn Trang Thế Hy quan niệm: “Chức năng của văn chương là thanh lọc tâm hồn người viết và cung cấp thuốc giảm đau cho người đọc. Viết văn là tu thân, là đương đầu với nhiều thứ. Với niềm vui, phải trầm tĩnh tiếp nhận nó như một động lực sáng tạo, đừng bị nó cám dỗ để trở thành người nhẹ dạ cả tin. Với nỗi buồn, phải giữ thế thượng phong, không biến được nó thành người bạn đường hữu ích, thì cũng đừng để nó nhận chìm mình trong trầm cảm. Khi cao hứng phóng bút hư cấu, phải nghiêm cẩn tự dặn dò mình đừng bao giờ tùy tiện bịa đặt”.
Ngoài viết truyện ngắn, nhà văn Trang Thế Hy còn làm thơ. Ông có bài thơ “Quán ven đường” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc rất quen thuộc. Đọc truyện ngắn Trang Thế Hy, công chúng thấy được những số phận lầm lũi luôn gắng gượng giữ gìn phẩm giá. Còn đọc thơ Trang Thế Hy, công chúng hiểu thêm những góc khuất trong cuộc sống nhiều suy tư của ông.
Nhà văn Trang Thế Hy đã kể “Về một món đồ chơi của tuổi thơ nghèo” rằng: “Bài học vỡ lòng về tình mẫu tử, tôi học trên bộ ngực mỏng trang bị khiêm nhường bằng đôi vú nhỏ như vú cau của cô giáo làng gầy nhom vì bịnh đau tim, thương đứa học trò mồ côi mẹ, ôm tôi vào lòng, dạy tôi đánh vần mờ e me nặng mẹ”, và ông hé lộ nỗi hoài vọng: “Giờ đây, trên đoạn cuối của đường đời, khi những kỉ niệm tuổi thơ đã thụt lùi rất xa về phía bên kia đường biên của cõi nhớ, ông già gần đất xa trời vẫn còn gặp hoài trong mộng mị những cái vú cau lượm trong khay đựng trầu của bà nội ngày xưa”.
Một người ưa ngẫm ngợi như nhà văn Trang Thế Hy thì tránh sao khỏi những phút chạnh lòng. Thơ Trang Thế Hy luôn biến chuyển suy tưởng trên thế mạnh logic mạch lạc vốn có ở một người viết văn xuôi. Thơ Trang Thế Hy giục người đọc phải “nghĩ” nhiều hơn phải “cảm”. Điềm đạm trong miền lương thiện, thơ Trang Thế Hy nhoi nhói sự dằn vặt thế thái nhân tình phía “Lời nói dối nhân ái”.
Đối với ông, lời nói dối nhân ái có thể là: “Gió nói với chiếc lá úa: Trong vòng luân hồi bất tận của kiếp lá, màu vàng của mi trong khoảnh khắc nầy, là nét đẹp vĩnh hằng của nhan sắc mùa thu tàn phai nhanh. Đừng buồn! Cái đẹp nào cũng phù du, vì chỉ có cái phù du mới đẹp. Lá biết gió nói dối nhưng lá vẫn vui vẻ bay vèo theo gió”
Và lời nói dối nhân ái cũng có thể là “Cô gái nói với ông già: “Bố đẹp lão quá, hồi còn trai chắc bố có số đào hoa”. Ông già – héo queo như cây kiểng còi – uống lời nói dối cực kì khó tin của cô gái, như uống giọt nước thần có dược chất hồi xuân”.
Mặc dù hình dung là vậy, kỳ vọng là vậy, nhưng ông vẫn thấy hụt hẫng “Tiếc thay, những lời nói dối ta phải nghe hằng ngày, lại là những lời nói dối không nhân ái”.
Nhà văn Trang Thế Hy để lại không nhiều tác phẩm. Ông rời xa dương gian vào ngày 8/12/2015, ở tuổi 91. Bây giờ, đọc lại ông, vẫn nghe được một thanh âm xôn xao của lương tri, bởi ông luôn viết bằng tâm trạng “nợ nước mắt” giữa “tiếng khóc và tiếng hát” mỗi con người lận đận xung quanh.
NNVN