Làng Việt là một đơn vị đặc biệt. Mỗi làng có ‘bờ cõi’ riêng, thiết chế riêng. Chỉ căn cứ vào những tiêu chí về diện tích và dân số để hết tách rồi nhập, hết nhập rồi tách, vô tình xóa bỏ những tên gọi lâu đời, chính là đang bào mòn, hủy hoại văn hóa.
Có
lẽ không ai xa lạ gì với đồ cổ, bởi mức độ nổi tiếng về sự đắt đỏ, nhất là những món có niên đại lâu đời và có tính thẩm mỹ cao.
Mà thực ra cái gọi là “thẩm mỹ” ấy cũng chỉ có thể định tính một cách tương đối, cốt yếu nhất vẫn là giá trị thời gian – càng nhiều tuổi, đồ cổ càng đắt đỏ, có thể lên tới hàng triệu đô la. Có những món đã trở thành bảo vật quốc gia, được thiết lập chế độ an ninh đặc biệt để bảo vệ.
Nói đồ cổ vì xét ở những khía cạnh nào đó, nó rất gần với địa danh, khi dù là vật thể hay phi vật thể, thì chúng đều mang trong mình các giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần... của quá khứ. Và xét rộng hơn, địa danh còn mang những thuộc tính mà cổ vật không có được, đó là tính đồng sở hữu của tập thể và sự sinh động hiện diện trong đời sống hiện tại của con người.
Để có được đồ cổ là rất khó, hoặc phải do một “kỳ duyên” nào đó, hoặc phải có rất nhiều tiền để “sưu tập”; còn địa danh thì miễn phí, nó là của chung, thuộc về ký ức và đời sống tập thể. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là địa danh là thứ từ trên trời rơi xuống: nó do lao động, do sinh hoạt, do kiến tạo văn hóa, do thành tựu nhiều mặt... của cả một cộng đồng đã phải hun đúc qua nhiều thế hệ, mà thành. Nghĩa là trong địa danh có mồ hôi, nước mắt, có sinh mạng của thế hệ nối tiếp thế hệ, đã lặng lẽ xây đắp nên.
Nếu cổ vật có giá trị đặc biệt trong khảo cổ học để tìm hiểu một thời đại nào đó đã qua, thì địa danh mang giá trị lịch sử tịnh tiến trải dài suốt thời gian tồn tại của nó; nếu cổ vật chỉ có thể trưng bày trong tủ kính thì địa danh đi vào và sống cùng đời sống hàng ngày của cư dân. Tính chất cố hữu, “bảo thủ” của địa danh là một đặc điểm khác giúp lưu giữ ký ức tổng hợp của cộng đồng, cho dù địa danh ấy vì một lý do nào đó mà đã bị đổi đi sau hàng chục năm trôi.
Nói như thế để thấy giá trị vô giá của địa danh. Nó tồn trữ trong mình một kho vô tận của ký ức. Ví dụ, đó là những địa danh xuất hiện trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, nào là Hàm Tử, Linh Sơn, Khôi Huyện, Bồ Đằng, Trà Lân, Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động, Chi Lăng, Lạng Giang, Lê Hoa, Cầu Trạm, Lãnh Câu, Đan Xá...
Đọc áng “Thiên cổ hùng văn” này, chưa cần phân tích gì cả, chỉ riêng những cái tên thôi đủ dựng dậy cả một không khí chiến tranh vừa gian khổ, vừa liệt oanh, dựng dậy những chiến công hiển hách, thổi bùng lên khí thế và vẻ đẹp oai hùng của ông cha một thuở.
Hãy cứ tưởng tượng rằng, nếu ngày nay, tất cả các tên gọi này còn tồn tại trên thực địa thì lịch sử giữ nước của tiền nhân sẽ sống động đến mức nào. Một cái tên Chi Lăng (hiện nay vẫn là Chi Lăng ở Lạng Sơn) thôi là giá trị biết nhường nào, vì nó gắn với hình ảnh kẻ xâm lược Liễu Thăng bị giết trên đất Việt. Thay một cái tên là tiêu hủy một mảng ký ức, là xóa bỏ một giai đoạn lịch sử.
Đấy là nói những địa danh lịch sử gắn với những trận đánh hay biến cố lớn của quốc gia, nhưng giá trị của địa danh không phải chỉ có thế. Mỗi người đều có quê hương, mà quê hương ở trong những cái tên. Nó có thể không phải là một địa danh nổi tiếng mà cả nước biết đến, nhưng nó gắn với hàng chục thế hệ, từ đời cha ông đến đời cháu con. Tên làng, tên xã trở thành sợi dây vô hình nối kết và bảo lưu ký ức tập thể. Nó trở nên thân thương và máu thịt mà chỉ những người đã được sinh ra và lớn lên ở đó mới có thể cảm nhận hết được.
Có thể nói không ngoa rằng, mỗi địa danh là một cuốn cổ thư đặc biệt: ngắn nhất nhưng đã được viết lâu nhất và dung chứa nhiều nhất về thông tin và văn hóa. Vì thế, xóa bỏ một địa danh lâu đời cũng gần như là hành động đốt sách vậy.
Cái tên quan trọng là thế, cho nên mới có câu chuyện đặc biệt, là “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Nguyễn Khoa Điềm). Xin chú ý chữ “gánh” và chữ “mỗi”. Trên hành trang vạn dặm, người Việt không chỉ gánh theo nồi niêu xoong chảo áo quần, mà còn mang theo tên làng. Đi đến đâu họ “trồng” lại tên làng cũ đến đó. Không có tình yêu và sự gắn bó máu thịt xương tủy với tên làng tên xã, hỏi có ai làm thế? Và chữ “mỗi”: người Việt đã phải lặn lội, băng rừng vượt suối, trải hàng trăm năm tìm chốn sinh tồn, họ đến - đi, rồi những binh biến, thiên tai ập tới, lại đẩy nhau lên đường, nhưng bỏ gì thì bỏ, không bỏ tên làng.
Làng Việt là một đơn vị đặc biệt. Mỗi làng có “bờ cõi” riêng, thiết chế riêng, từ chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, đến phong tục đặc trưng. Nó như những tiểu quốc có tính tự trị rất cao. Vì điều này mà có người đã nói, tuy có phần cường điệu nhưng không phải vô lý, là với người Việt, giữ được làng thì giữ được nước, mất làng là mất nước. Không hiểu đặc trưng và giá trị của địa danh nói chung và tên làng tên xã nói riêng, mà chỉ căn cứ vào những tiêu chí về diện tích và dân số để hết tách rồi nhập, hết nhập rồi tách, vô tình xóa bỏ những tên gọi lâu đời, chính là đang hủy hoại văn hóa, và hơn cả văn hóa: sự an nguy nhiều mặt.
Với người Việt, tên quê cha đất tổ vừa là sự thân thương, vừa là niềm tự hào và cũng là tiếng gọi thiêng liêng. Người Việt vượt hàng ngàn dặm để giữ và tìm về với một cái tên; người Việt cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ một cái tên nếu có kẻ nào dám xúc phạm. Tất cả cái tâm lý và ứng xử này không phải là tự phát hay vô cớ, mà như đã nói: ngoài mồ hôi, máu, và nước mắt, ở đó còn có ân tình, có hương hỏa, có dạt dào xúc cảm nhớ thương. Tất cả được cô lại, kết đọng, nó “mã hóa” một lượng thông tin khổng lồ hơn bất cứ một dạng từ ngữ nào khác; và theo thời gian mà trở nên lóng lánh như những viên ngọc quý trong tâm thức một cộng đồng.
Bài toán về phát triển kinh tế xã hội trong thời đại mới đòi hỏi rất nhiều toan tính và chính sách cần thiết; tuy nhiên, không phải vì thế mà mặc tình coi khinh những giá trị tinh thần, lịch sử, văn hóa. Cần một cái nhìn tổng thể, bao quát hết mọi khía cạnh để vừa phát triển được kinh tế, vừa giữ gìn được các giá trị văn hóa, đó là điều không những nên làm mà hơn thế: phải làm.
Giá trị của địa danh, như chỉ mới điểm qua một cách hết sức sơ sài trên đây, có lẽ cũng đủ để mỗi người, nhất là những người làm chính sách, giật mình mà cảnh giác trước những sự khinh suất và vô tình. Nhân danh lịch sử, sẵn sàng bỏ ra cả triệu đô để mua về một món cổ vật có tuổi đời chỉ khoảng một trăm năm, nhưng lại nhân danh kinh tế để có thể thản nhiên phá hủy vô số “cổ vật” có niên đại nhiều trăm thậm chí cả nghìn năm, là những địa danh. Hành xử đó rất cần được nhìn lại, thận trọng, và điều chỉnh.