Nhân dịp nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự cho ra mắt hai cuốn sách Lê Bá Thự - Tiểu luận & Phê bình văn học và Lê Bá Thự - Tác phẩm & dư luận – hai “đứa con tinh thần” được ông ưu ái gọi là “bộ sách song sinh”, phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật đã có dịp trò chuyện và lắng nghe ông chia sẻ về câu chuyện văn chương của mình.
PV: Thưa ông, “bộ sách song sinh” có phải là hai tác phẩm mang ý nghĩa tổng kết hành trình lao động văn chương cần mẫn của ông? Việc xuất bản hai cuốn sách này có ý nghĩa với ông như thế nào?
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Tôi xin khẳng định: Về cơ bản đúng là như vậy, tôi nói “về cơ bản” là vì, “hành trình lao động văn chương” của tôi chưa kết thúc, mà vẫn đang tiếp diễn, chừng nào sức lực và trí tuệ của tôi còn cho phép. Sự hiện diện tương đối đều đặn của tôi trên văn đàn trong thời gian vừa qua chứng tỏ điều này. Tuy nhiên, ở tuổi ngoài 80, lực bất tòng tâm là chuyện có thể ập đến bất kỳ lúc nào, tôi ý thức rất rõ điều này. Đây chính là nguyên do khiến tôi ấn hành ngay lúc này hai cuốn sách này.
Tôi ví đây là “bộ sách song sinh”, mặc dù chúng là hai cuốn sách độc lập với nhau. Tại sao như vậy? Tại vì, chúng ra chào đời cùng thời điểm, cùng ngày giờ, nhờ “bà đỡ” mát tay - Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. Lại nữa, nhìn diện mạo của chúng (bìa sách), biết ngay chúng là cặp “sinh đôi”. Bìa sách do hoạ sĩ tài năng Trần Thắng thiết kế. Theo tôi, đây là một bìa sách đẹp, hiện đại, giàu trí tuệ, nội hàm sâu sắc, đậm chất lãng mạn… Những lời thuyết minh thú vị dưới đây của hoạ sĩ về tác phẩm mĩ thuật của mình giúp chúng ta cảm nhận trọn vẹn điều này:
Bìa “Lê Bá Thự - Tác phẩm & Dư luận”: Vẽ cách điệu 2 khuôn mặt người theo phong cách lập thể, cảm giác như thấp thoáng những thân phận, những mảnh đời, số phận giao cảm, đan xen nhau. Có những mảnh vỡ của cuộc sống lam lũ nhưng hồn hậu, lạc quan và đang dần tròn đầy. Màu tươi sáng, ấm áp như nắng như trăng, rực như lửa tình, mát lành như dòng sông, xanh mướt như ruộng vườn. Như có ngọn gió trong lành đang thổi vào viên bi ký ức tuổi thơ rơi lăn. Bìa “Lê Bá Thự - Tiểu luận & Phê bình văn học”: Những mảnh ghép tìm nhau phát triển trong hình tròn trăng - biểu tượng của lãng mạn, có những giao hòa đồng cảm, đồng vọng, lan tỏa giữa tác giả - tác phẩm. Có những lát cắt sắc mạnh giữa cảm xúc và lý trí để thăng hoa”.
PV: Ông có thể tiết lộ với độc giả những nội dung trọng yếu của hai cuốn sách nói trên?
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Cuốn Lê Bá Thự - Tác phẩm & dư luận, dày 560 trang, gồm hai phần, phần I - Về sáng tác và phần II - Về dịch thuật, tập hợp những bài phê bình, tiểu luận, những bài phát biểu, nhận xét, những bài phỏng vấn của trên 80 tác giả là các nhà lý luận phê bình, văn nghệ sĩ, nhà báo và bạn bè thân quý về những tác phẩm sáng tác và dịch thuật đã ấn hành của tôi. Tôi thật sự xúc động và vô cùng biết ơn về những bài viết công phu, nhiều trí tuệ, giàu tâm huyết dành cho trên bốn mươi ấn phẩm, những đứa con tinh thần văn chương của tôi.
Cuốn Lê Bá Thự - Tiểu luận & Phê bình văn học, dày 436 trang, gồm hai phần, phần I - Về dịch thuật và phần II - Về sáng tác. Thực ra, đây là cuốn sách chủ yếu gồm những bài tiểu luận và phê bình về văn học dịch và dịch văn học mà tôi đã viết trong mấy chục năm qua. Trong số 436 trang của cuốn sách này thì có tới 300 trang viết về văn học dịch và dịch văn học.
Trong cuốn sách này tôi đã tập trung phân tích, xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học dịch đối với đời sống xã hội và văn học nước nhà, khẳng định những thành tựu đã đạt được trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của văn học Việt Nam. Cùng với việc nhận diện những sai sót hiện hữu trong dịch văn học, tôi cũng đã mạnh dạn đề ra, theo quan điểm của tôi, hướng đi cho văn học dịch và dịch văn học trong thời gian tới.
Việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài được phân tích, mổ xẻ, bàn luận kỹ càng, thấu đáo và tôi đã đi đến kết luận: “Có ba lực lượng dịch giả có thể đảm đương nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam ở nước ngoài. Đó là: Các dịch giả Việt Nam ở trong nước, các dịch giả Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài và các dịch giả là người nước ngoài thông thạo tiếng Việt. Như vây, để đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, xứng với tầm cỡ của nước ta, cần phải có sách lược đúng đắn tận dụng một cách triệt để và hiệu quả tiềm năng và tài năng của ba lực lượng dịch giả này.
Cuốn sách cũng đã đề cập và bàn kĩ chuyện “bếp núc”, cụ thể là “những công việc chuyên môn cần làm trong dịch văn học”. Tôi cho rằng Đúng và hay là tiêu chí của dịch văn học. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc tác giả). Còn “hay” là ý muốn nói bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hoá nhuần nhuyễn… Tôn trọng nguyên tác là nguyên tắc bất di bất dịch trong dịch thuật. Chọn từ thật đúng, thật trúng, thật đắc địa cho bản dịch là điều hệ trọng trong dịch văn học. Xét cho cùng, mỗi dịch giả văn học phải là một “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật và sách dịch của chúng ta phải là “sách sạch”. Tiêu chí chọn tác phẩm văn học để chuyển ngữ của tôi là: Tác phẩm hay, tôi thích, và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích.
Hiện nay, dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt là một đề tài còn nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều. Bài tiểu luận Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt trong cuốn sách này nhằm góp phần hoá giải điều này. Theo tôi, khi dịch thơ người dịch phải biết “liệu cơm gắp mắm”, phải nắm bắt được hồn cốt, nội dung, bút pháp, phong cách, thể loại, nhịp điệu của bài thơ nguyên tác, tuỳ theo cái đích nhằm tới của mình mà lựa chọn thể thơ hiệu quả nhất, đắc địa nhất cho bản dịch tiếng Việt của mình. Xét cho cùng, bài thơ dịch nào cũng có cái được và cái mất, rất khó toàn bích, và công việc của người dịch là phải tìm cách để bài thơ dịch của mình được nhiều hơn mất.
PV: Trong tác phẩm Lê Bá Thự - Tiểu luận & Phê bình văn học, ông dành nhiều dung lượng cho những bài viết về phê bình văn học và nhiều bài phê bình lại viết về chính tác phẩm mà ông dịch. Theo ông, việc dịch một tác phẩm hỗ trợ cho việc viết phê bình tiểu luận về tác phẩm đó như thế nào?
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Đúng vậy, thưa chị. Có tới trên 30 bài phê bình và tiểu luận trong cuốn sách này tôi viết về những tác phẩm dịch của tôi. Làm như vậy tôi muốn bạn đọc của mình được thưởng thức trọn vẹn cả nội dung lẫn hình thức của tác phẩm, nắm bắt được giá trị, cái hay, cái đẹp, văn phong, bút pháp, trí tuệ và tài năng của từng tác giả thể hiện trong tác phẩm của họ. Là người chuyển ngữ tác phẩm, nắm bắt tác phẩm và tác giả đến từng chân tơ kẽ tóc, tôi có đầy đủ mọi lợi thế và tiền đề để hiện thực hoá tham vọng này của mình. Và thực tế cho thấy, tôi đã thành công.
Thưa chị, trước khi chuyển ngữ một tác phẩm văn học, việc đầu tiên tôi phải làm là chọn sách theo tiêu chí của tôi - tác phẩm hay, tôi thích và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thich. Tôi tự xác định trách nhiệm của mình là phải thực thi tốt vai trò người nội trợ thông thái trong dịch thuật. Nghĩa là phải chọn đúng và chọn trúng sách để dịch. Đương nhiên đó phải là “sách sạch”, sạch cả nội dung lẫn hình thức, để người đọc, cả trẻ em lẫn người lớn, được an toàn, không bị “ngộ độc sách”.
PV: Bên cạnh dịch thuật, được biết ông cũng xuất bản các tập thơ, hồi ký và đa phần những sáng tác ấy tập trung vào đề tài làng quê, đây hẳn là đề tài cho ông nhiều cảm xúc và cảm hứng. Ông từng có thời gian sống và làm viêc tại nước ngoài, cũng như dành nhiều thời gian để nghiên cứu văn hóa nước ngoài, nhưng vì sao tình cảm ông dành cho quê hương vẫn luôn sâu đậm như vậy?
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự:Thưa chị, ngoài dịch thuật, sáng tác là một mảng quan trọng trong sự nghiệp văn chương của tôi. Các tập thơ Hoa giẻ, Đi về ngày xưa, cuốn hồi ức tuổi thơ Tôi và làng tôi, nhiều truyện ký, hàng chục bài tiểu luận và phê bình văn học tôi viết đã đăng tải trên báo chí và trong sách là những thành quả sáng tác của tôi. Đặc biệt, tác phẩm Tôi và làng tôi đã được in tới lần thứ ba, được tặng Giải thưởng Lê Thánh Tông năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hoá và đã được trường đại học chọn làm đề tài luận văn thạc sĩ. Tập thơ Hoa giẻ cũng đã được nhận giải thưởng cuộc thi thơ năm 1999 - 2000 của báo Người Hà Nội.
Đúng như chị nói, các tập thơ, hồi ký, truyện ký của tôi đa phần viết về quê Thanh, về làng quê, mà cụ thể là làng Nguyệt Lãng của tôi. Viết về làng là tâm tư, là nguyện vọng, là khát khao cháy bỏng và hơn thế nữa là bổn phận của tôi. Và đây là những dòng tâm sự chân thành của tôi: “Cuốn hồi ức Tôi và làng tôi, trình làng quý II năm 2018, in lần thứ hai quý I năm 2019 (NXB Hội Nhà văn), và in lần thứ ba năm 2020 (NXB Thanh Hóa) là cuốn sách đã được tôi ấp ủ từ hàng chục năm nay.
Tôi xin khẳng định, dù ở bất kì nơi nào trên trái đất này, tôi vẫn là đứa con “sinh ra từ làng”. Lắm lúc ngồi suy ngẫm tôi thấy nhớ cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa. Và tôi thấy mình càng yêu làng, càng đa tạ làng, đã cho tuổi thơ tôi đong đầy những kỉ niệm làng. Làng là nguồn cảm hứng, là động lực, là chất xúc tác cho sáng tác văn học của tôi.
Là nhà ngoại giao, tôi làm việc và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, nhưng tôi vẫn là tôi, là đứa con của làng, không thể khác được. Các tác phẩm đã ấn hành của tôi là minh chứng cho điều này và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học cũng đã nhận ra điều này qua lời bình của họ về các tác phẩm của tôi. Chẳng hạn nhà lí luận phê bình Bùi Việt Thắng viết: “ .... Ai đó nghĩ, ông này ăn cơm Tây nhiều chắc viết văn sẽ như văn dịch (!?). Thật sự thì, đã có hơn một người mắc phải căn bệnh này. Sống ở nước ngoài nhiều, nhưng nhà văn Lê Bá Thự, tôi thấy, không bị ám thị bởi các ism (chủ nghĩa này nọ, như hậu hiện đại). Mới hay, căn tính Việt của ông rất bền chắc. Không bị đồng hóa bởi văn minh, văn hóa Tây phương theo chiều hướng “cũ người mới ta”. (Trích tham luận về Tôi và làng tôi - “Làng tôi xanh bóng tre...”).
Còn PGS.TS, nhà văn Phạm Thành Hưng lí giải sự việc theo cái nhìn qua lăng kính của anh: “Người đọc có thể thắc mắc, vì sao tác giả - một nhà ngoai giao từng trải, một dịch giả hàng đầu của văn hóa và văn học châu Âu lại có thể trở về nguồn cội qua Tôi và làng tôi dễ dàng, sâu sắc đến thế? Chỉ có thể giải thích rằng: ngoài vấn đề tài năng, trí tuệ, còn có một quy luật khác nữa chi phối: người già dễ nhớ tuổi thơ, và càng đi xa thì nhìn Tổ quốc càng gần. Sự độc đáo, khác biệt của cuốn sách này nằm ở bút pháp hiện thực trào tiếu. Tác giả không viết theo cảm xúc hoài cổ, không thi vị hóa quá khứ, càng không cố đánh bóng cái Tôi cá nhân. Tất cả đều hiện lên chân thực như nó vốn có trong lịch sử. Nhưng cái hiện thực lịch sử ấy lại được kể lại bằng một giọng điệu hài hước, tự trào. Và tất nhiên tiếng cười thấp thoáng trong mỗi trang văn đó đã khẳng định sự tự tin và bản lĩnh nghệ thuật của người cầm bút, đồng thời tạo cho cuốn sách một thứ duyên riêng”.
PV: Nhìn lại chặng đường mình đã cống hiến cho văn chương, đặc biệt là văn học dịch, điều gì khiến ông vẫn còn trăn trở?
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Điều gì khiến tôi vẫn còn trăn trở ư? Thưa chị, Ba Lan được xem là một “cường quốc văn học”, có tới năm nhà văn và nhà thơ được Giải Nobel Văn chương, hàng ngàn tác phẩm văn học kinh điển và đương đại nổi tiếng được bạn đọc trong và ngoài Ba Lan mến mộ. Vài chục tác phẩm văn học Ba Lan tôi đã dịch chẳng thấm thoát vào đâu, như hạt muối bỏ biển mà thôi. Tôi muốn chuyển ngữ thật nhiều tác phẩm văn học Ba Lan sang tiếng Việt, để phục vụ bạn đọc nước nhà. Tiếc rằng, tôi chưa và sẽ chẳng thể biến thành hiện thực một cách trọn vẹn tham vọng tuy dễ thương nhưng quá sức này.
Còn bây giờ thì tôi thật sự lực bất tòng tâm mất rồi. Năm nay tôi đã ngoài 80, đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào thế hệ trẻ mà thôi. Và tôi tin họ sẽ làm được điều tôi tham vọng. Vì tuổi trẻ bây giờ rất thông minh và nhiều tài năng. Điều quan trọng là phải kích hoạt có hiệu quả các nhân tố này. Còn tôi, tôi xin khẳng định lại một lần nữa, tôi vẫn chưa dừng tay bút, chừng nào trí tuệ và sức khoẻ của tôi còn cho phép.
Nhân dịp này, thông qua Thời báo Văn học Nghệ thuật, tôi xin gửi tới các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, nghệ sĩ, các nhà báo, bạn đọc và bạn bè của tôi trên toàn quốc lời cảm ơn chân thành về những tình cảm và sự mến mộ mà họ đã dành cho tôi, cho các tác phẩm văn học dịch và sáng tác của tôi.
PV: Xin cảm ơn nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự về cuộc trò chuyện bổ ích và thú vị này.