Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUANG DŨNG

Thái Kế Toại
Thứ ba ngày 9 tháng 4 năm 2024 10:53 AM




Wikipedia viết tiểu sử Quang Dũng như sau:

Quang Dũng (tên khai sinh là Bùi Đình Diệm; sinh 11 tháng 10 năm 1921 – mất 13 tháng 10 năm 1988) là một nhà thơ Việt Nam. Ông là tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ... Ngoài ra Quang Dũng còn là một họa sĩ, nhạc sĩ. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ miền Bắc trưởng thành và nổi danh sau Cách mạng tháng Tám.

Trước cách mạng tháng Tám, Quang Dũng theo học tại Ban trung học trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu dạy học tư tại Sơn Tây.

Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.

Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Trong thời gian này, ông còn được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào - Việt.

Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.

Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các họa sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. Ông làm bài thơ Tây Tiến năm 1948 khi dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Đông).

Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ.

Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại tạp chí Văn nghệ, rồi chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Văn học. Ông phải đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm.

Bài thơ "Tây Tiến" của ông được nhiều người yêu thích, được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích ngay cả ở miền Nam thời đó. Tuy nổi tiếng nhưng ông thích sống đạm bạc, không thích khoe khoang tên tuổi với ai.

Về sau này, như những nhà thơ lớn khác, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh,... ông không sáng tác thêm được nhiều tác phẩm nổi bật và mất đi trong âm thầm.

Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 sau một thời gian dài bị bệnh tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Năm 2019, gia đình ông phối hợp với NXB Kim Đồng phát hành cuốn sách hồi ký Đoàn binh Tây Tiến. Cuốn sách được ông viết vào năm 1952 nhưng vì nhiều lý do đã không được xuất bản vào thời điểm đó. Cuốn sách đã đạt được Giải A giải thưởng sách quốc gia năm 2020. Chị Bùi Phương Thảo là con gái của ông, thay mặt gia đình lên nhận giải thưởng.

Ông là người tài hoa, vẽ tài, hát giỏi, thơ hay. Bài thơ Tây Tiến của ông mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như Tây Tiến (Phạm Duy phổ nhạc), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây), Kẻ ở (Cung Tiến phổ nhạc). Đặc biệt bài thơ Không đề được 4 nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau (Việt Dũng (với tựa đề "Có những cuộc tình không là trăm năm"), Phạm Trọng Cầu (tựa đề "Em mãi là 20 tuổi"), Khúc Dương ("Em mãi là 20 tuổi"), Quang Vĩnh).

Tác phẩm tiêu biểu là các tập thơ Bài Thơ Sông Hồng (1956), Rừng Biển Quê Hương (1957), Mây Đầu Ô (1986); truyện ngắn Mùa Hoa Gạo (1950); hồi ký Làng Đồi Đánh Giặc (1976)...

Những bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng là: Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Không đề.

Hiện nay tại trường Tiểu học Thị trấn Phùng (cấp 3 Đan Phượng cũ - quê ông) có đặt một bức tượng Quang Dũng bằng đồng trong trang phục người lính Tây Tiến.

Bổ xung thêm: Thị trấn Phùng có một đường phố ngắn mang tên Bùi Đình Diệm.

Tại Khu di tích Tây Tiến ở Mộc Châu mới được xây dựng hoành tráng cũng có tượng bán thân và thủ bút của ông.

Về năm sinh của Quang Dũng con gái ông Bùi Phương Thảo kể lại:

Cha tôi, nhà thơ Quang Dũng có duyên đặc biệt với mùa thu. Ông sinh ra vào mùa thu (11/10/1921), đưa vợ về chung nhà vào mùa thu và mất cũng vào mùa thu (13/10/1988).

Kỉ niệm tròn 100 năm sinh của cha, tôi tìm lại đúng ngày tháng năm sinh của ông. Điều này quan trọng vì các tài liệu và bài viết về ông, người ta thường chỉ nêu ông sinh năm 1921. Như Từ điển trực tuyến Wikipedia Tiếng Việt cũng ghi đầy đủ ngày, tháng, năm mất của ông, còn chỗ ngày sinh cũng chỉ ghi năm.

Cha tôi sinh năm Tân Dậu 1921, nhưng ông ghi trong bản khai lí lịch, chứng minh thư và khai sinh của các con lúc thì năm 1918, lúc thì năm 1919…

Nhà thơ Trần Lê Văn đã nói về chi tiết này ở lời giới thiệu về ông (trong tuyển tập Quang Dũng): “Quang Dũng sinh năm Dậu (Tân Dậu 1921), trên giấy tờ hành chính, anh thường khai tăng tuổi. Tăng một cách tùy hứng, khi thì sinh năm 1919, khi thì sinh năm 1918. Không phải anh có dụng ý “khai man” mà chỉ vì tính anh thích thế. Ngay trong cuộc giao tiếp thường ngày, nếu có ai (kể cả giới nữ) hỏi tuổi anh, anh cũng “khai” tăng tuổi. Tôi nói vui với anh: “Ông trái khoáy thật! Người ta khi đến cái tuổi “tà tà bóng ngả” thường thích khai rút tuổi để hòng níu lấy chút xuân. Như tôi đây, mỗi lúc có bà nào hỏi tuổi tôi, tôi chỉ ậm ừ cho qua. Thế mà ông…”. Anh tự lí giải: “Tôi khai tăng là có cái lí của tôi. Chả là tôi tự thấy mình lớn tuổi mà còn trẻ con quá. Cho nên khai tăng là để mình cảm thấy mình già… dặn chứ không phải là già… cỗi”.

Trong một cuốn sổ, cha tôi đã ghi lại một chi tiết về ngày sinh của mình, là căn cứ để gia đình tìm ra ngày, tháng sinh của ông: ngày 11 tháng 10 năm 1921 (ngày 11 tháng 9 Tân Dậu). Vậy là thời gian cha tôi chào đời và mất cùng vào tháng 10 (tháng 9 ta), tháng cuối mùa thu, chỉ chênh nhau vài ngày.

Cuối xuân năm 1947, cha tôi về quê Phùng từ giã gia đình, để gia nhập đoàn quân Tây Tiến với nhiệm vụ Đại đội trưởng Võ trang tuyên truyền Lào - Việt. Lúc đó, mợ tôi mới sinh anh cả chưa được đầy tháng và phải bốn năm sau, hai cha con mới gặp mặt nhau. Cha tôi đã lấy tên của con trai là Quang Dũng làm bút danh cũng phần vì thương nhớ con. Vì cha lấy tên nên anh tôi được đổi tên là Quang Vĩnh.

Quang Dũng có tham gia Việt Nam Quốc dân đảng không.

Trong một tư liệu của Tạp chí Văn nghệ quân đội Quang Dũng cho biết:

“Tôi nhập ngũ đúng ngày cách mạng Tháng tám thành công. Năm đó tôi hai mươi sáu tuổi. Trước cách mạng, tôi học Ban trung học trường Thăng Long. Tốt nghiệp, tôi đi dạy học tư ở Sơn Tây để kiếm sống.

Những ngày đầu vào quân đội, tôi nhận công tác ở Phòng công vụ Bắc Bộ. Phòng này do anh Nguyễn Văn Chân phụ trách. Tôi làm phái viên của phòng, có nhiệm vụ đi thu mua vũ khí ở vùng Hà Nam – Sơn Tây. Thấy tôi có chút học hành, lại yêu mến văn chương, anh Chân liền giới thiệu tôi lên chiến khu làm công tác báo chí. Ngày đó văn hóa, văn nghệ, báo chí, tuyên truyền trong quan niệm và cả trong công việc, ranh giới không rõ. Như vậy là “sự nghiệp” văn chương của tôi bắt đầu bằng nghề báo. Tôi trở thành phóng viên tiền phương của tờ báo Chiến đấu thuộc Khu II. Tờ báo do anh Văn Phác phụ trách, sau này, anh Văn Doãn lên thay.”

Quang Dũng đã khai không đầy đủ các sự kiện phức tạp trong tiểu sử của ông. Nguyên nhân là do tập quán quản lí lí lịch con người của chế độ làm ông lo ngại bị phân biệt đối xử. Những người biết chuyện cũng không nói lại vì lo ngại phiền phức cho ông.

Trước cách mạng có một thời gian Quang Dũng đi Trung Quốc tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần. Có nguồn nói ông theo quân của Nguyễn Hải Thần về nước rồi mới bỏ Quốc dân đảng đi theo cộng sản. Trong bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh Quang Dũng con gái ông Bùi Phương Thảo có tiết lộ:

“Trong chuyến đi thực tế Bắc Hà năm 1973, gợi nhớ chuyến đi Vân Nam năm 1943 của ông, cha tôi viết: “Tôi ngủ đêm cùng chăn và cùng đệm với giáo Giản (VHK). Lúc ấy Vũ Hồng Khanh độ 40 tuổi còn tôi độ 23. Một thanh niên mới đi hải ngoại để tìm hiểu cứu nước. Đi phiêu lưu cho thỏa chí giang hồ bốn phương”.

Hoàng Tuấn Minh trên Fb Nguyễn Xuân Diện cho biết:

Trước Cách mạng tháng Tám 1945 Ông từng làm thư ký cho Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một trong những chủ soái của Tự lực Văn Đoàn và là lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng. Sau đó được cử sang Trung Quốc hoạt động, trong thời gian ở Liễu Châu, ông đã theo học và tốt nghiệp trường quân sự của Trung Hoa Dân Quốc. Tại trường này ông đã gặp và quen với Hoàng Sâm, người mà ba năm sau là Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) và được phong Thiếu tướng đợt đầu tiên năm 1948.

Năm 1944 Quang Dũng về nước đi học, năm 1945 Quang Dũng tốt nghiệp Ban Trung học của trường Thăng Long, ông rời khỏi Việt Nam Quốc dân Đảng và đi dạy học tư ở Sơn Tây. Khi Hoàng Sâm chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiến về Sơn Tây để bảo vệ chính quyền mới thành lập ở khu vực Tây - Tây Bắc Hà Nội thì gặp lại Quang Dũng. Với sự vận động của Hoàng Sâm vào ngày 19 tháng 8 năm 1945, ông đã bỏ tất cả để gia nhập quân đội. Hoàng Sâm giới thiệu và tiến cử Quang Dũng với Võ Nguyên Giáp là người đồng chí, người đồng hương của mình. Vai trò đầu tiên của ông là phóng viên tiền phương của báo Chiến Đấu. Đến năm 1947, ông được gửi đi học ở trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây.

Nói thêm về giai đoạn đặc biệt này ở biên giới Việt Trung, không phải chỉ có hoạt động của những người cộng sản mà còn có tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng minh hội do Nguyễn Hải Thần lãnh đạo với sự ủng hộ của Tưởng Giới Thạch. Tổ chức này có lý tưởng yêu nước quốc gia, nhiều thanh niên trí thức Hà Nội tham gia, có cơ sở rộng khắp vùng biên Trung Việt. Chính tổ chức này đã cứu Hồ Chí Minh khi bị quân đội Tưởng bắt giam và Hồ Chí Minh đã nhận lời gia nhập tổ chức Việt Minh và lấy tên Việt Minh cho tổ chức cộng sản của mình. Khi Hồ Chí Minh xin phép về nước hoạt động ông đã mang theo một số thanh niên ưu tú trong mặt trận Việt Minh. Trong số này có Hoàng Sâm.

Giai đoạn này đã được Nhất Linh- Nguyễn Tường Tam viết thành tiểu thuyết ba tập khá sinh động có tựa đề Dòng sông Thanh Thủy, xuất bản ở miền Nam Việt Nam năm 1961.

Chuyện Tây Tiến

Bài thơ nổi tiếng Tây Tiến gắn liền với lịch sử của Binh đoàn Tây Tiến hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Vũ Văn Sỹ ghi theo lời kể của Quang Dũng:

Những tháng học ở trường, tôi nhớ mãi hình ảnh vị giáo sư quân sự người Nhật như một kiểu mẫu sĩ quan mà chúng tôi mơ ước và kính nể. Giáo sư có cái tên Việt Nam là Lâm Sơn. Đại tá Lâm Sơn. Ông là sĩ quan cao cấp trong Bộ chỉ huy, thành lập từ ngày đầu kháng chiến. Giáo sư lên lớp bằng tiếng Nhật, có người thông ngôn. Giọng ông sang sảng nghe đầy uy quyền. Kỷ luật trong trường quân sự hồi đó rất nghiêm khắc, nếu như bây giờ có thể gọi là “quân phiệt”. Giờ học đã đành, giờ nghỉ cũng rất “khuôn phép”. Có lần tôi uống cà phê về muộn, cảnh vệ bắt được, cứ lo như ngày nhỏ trốn học bị thầy bắt được. Anh biết sau đó tôi bị phạt thế nào không? Sáng thứ hai đầu tuần, sau lúc chào cờ, đại tá bắt tôi bò bốn vòng quanh cột cờ. Tôi bò một cách tự giác, bởi nghĩa rằng, đã mặc áo lính tất phải chịu nhữnh hình phạt đại loại như thế, nếu như mình vi phạm kỉ luật.

Có lần Bác Hồ đến thăm trường. Tôi nhớ Bác còn nói cho chúng tôi nghe một cuốn sách viết về chiến tranh du kích. Vốn giàu óc tưởng tượng về hành động chiến đấu của người lính, tôi rất thú hình ảnh người du kích. Bác nói: “lại vô ảnh, khứ vô hình”, nghĩa là đến và đi không ai thấy. Chỉ nội mấy cái âm chữ Hán, đọc lên nghe đã xuất quỷ nhập thần rồi, chưa nói đến việc vận dụng nó vào chiến thuật quân sự.

Hôm bế mạc lớp, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng quân đội, và đồng chí Đàm Quang Trung, có đến dự và nói chuyện.

Sau lớp học, tôi về Trung đoàn Tây Tiến, tức là Trung đoàn 54. Anh Tuấn Sơn làm Trung đoàn trưởng. Tôi ở đại đội bộ, làm đại độ trưởng. Tiểu đoàn 212 của tôi là tiểu đoàn trước đây đã từng làm náo động các sân bay Cát Bi, Bạch Mai… bây giờ chuyển sang nhận nhiệm vụ Tây Tiến.

Tây Tiến là một chiến dịch tiến quân từ Khu III, Khu IV lên Khu X tức là Tây Bắc, vùng Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Năm 1945 khi khắp nơi nổi dậy cướp chính quyền thì nhân dân vùng này nhiều nơi vẫn chưa được giác ngộ cách mạng. Nam 1946, trung đoàn Sơn La có đánh vào Tây Bắc, nhưng mới chỉ có ý nghĩa thăm dò. Đầu năm 1947 ta thành lập Trung đoàn Tây Tiến đầu tiên, gồm các chiến sĩ tình nguyện của Khu III, Khu IV và tự vệ Thành Hà Nội trước thuộc Trung đoàn Thủ đô. Đợt Tây Tiến đầu tiên, ta đánh sâu nhưng phải rút lui ngay, vì lực lượng địch tập trung và mạnh. Tôi đi đợt hai. Nhiệm vụ của chúng tôi là mở đường qua đất Tây Bắc. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là công tác dân vận gây dựng cơ sở, tranh thủ sự giác ngộ của nhân dân. Vì thế đi đôi với chức vụ đại đội trưởng, tôi còn dược cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào - Việt.

Giai đoạn này Hà Nội đang có tiếng súng ở ngoại thành. Chúng tôi xuất phát từ Sơn Tây. Lúc đầu rất đàng hoàng đi bằng ô tô, các ôtô nổi tiếng lúc bấy giờ như của hãng Con Thỏ, Trung Hà, Từ Đường, Mỹ Lâm… đều được Chính phủ công làm nhiệm vụ quân sự. Chúng tôi đi qua đường số 6 qua suổi Rút. Thị trấn Hoà Bình năm ấy còn tự do. Sau, chúng tôi chuyển sang hành quân bằng đôi chân, thực sự nếm mùi Tây Tiến: vượt rừng, ngủ rừng. Những cái dốc thăm thẳm “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, những chiều “oai linh thác gầm thét”, những đêm “Mường Hịch cọp trêu người”, rồi rải rác dọc biên cương những “nấm mồ viễn xứ” tôi mô tả trong bài thơ Tây Tiến là rất thực, có pha chút âm hưởng Nhớ rừng của Thế Lữ, mà sau này vô tình tôi mới nhận ra… trong bài thơ Tây Tiến, tôi còn viết “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc”. Hồi ấy trong đoàn chúng tôi rất nhiều người sốt rét trọc cả đầu. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn, mình lại không giữ vệ sinh, và lại có giữ cũng chả được, nên bộ đội không những bị ốm, mà còn chết vì sốt rét rất nhiều. Chúng tôi đóng quân ở nhà dân, cứ mỗi lần nghe tiếng cồng nổi lên, lại tập trung đến nhà trưởng thôn để tiễn một con người vĩnh biệt rừng núi. Tiếng cồng ở Tây Tiến thật buồn đến nẫu ruột. Kể chuyện lại, bây giờ tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng cồng. Anh Như Trang hồi ấy là tiểu đoàn phó, có viết ca khúc tiếng cồng quân y là vì vậy.

Đối với miền Tây, gay nhất là thuốc, vì đường tiếp tế rất khó. Tôi nhớ có lần được thuốc từ Khu II gửi lên. Cụ Thi Sơn trong Mặt trận Liên Việt tặng thuốc (nguyên cụ Thi Sơn là tướng của Đề Thám). Trong buổi lễ trao thuốc long trọng này, Anh Hồng Thanh, chính uỷ Trung đoàn, đã thay mặt bộ đội nhận thuốc. Anh còn làm cả thơ. Tôi còn nhớ mấy câu:

Một buổi sớm mọi người đều hoan hỉ

Từ bệnh nhân đến bác sĩ đều vui

Vì được tin kháng chiến chiến Khu II

Vừa gửi tặng 3.000 viên thuốc sốt…

Không hiểu cảm đọng vì có thuốc hay vì nghe thơ, mà anh Hồng Thanh đọc xong, ai cũng rưng rưng nước mắt...

Tôi muốn gợi thêm một ý của bài thơ Tây Tiến để nói lên cái gian khổ, thiếu thốn ở miền Tây. Ngay cả khi nằm xuống, nhiều tử sĩ cũng không có đủ manh chiếu liệm. Nói “áo bào thay chiếu” là cách nói của người lính chúng tôi, cách nói ước lệ của thơ trước đây để an ủi những đồng chí của mình đã ngã xuống giữa đường.

Bài thơ Tây Tiến tôi làm khi về dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III, làng Phù Lưu Chanh (tên một tổng của Hà Nam thời Pháp). Tôi làm thơ rất nhanh, làm xong đọc trước Đại hội, được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Nhân có Nguyễn Huy Tưởng, đại biểu nhà văn ở Việt Bắc về dự, lúc đi, tôi gửi anh luôn. Sau anh Xuân Diệu cho in ngay ở Tạp chí Văn nghệ. Hồi đó tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy. Tôi chả có chút lý luận gì về thơ cả. Dẫu sao bài thơ Tây Tiến có cái hào khí của lãng mạn một thời gắn với lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc… Từ Tây Tiến trở đi tôi làm nhiều thơ hơn. Các bài Đường mươi hai, Ngược đường số 6, Đôi mắt người Sơn Tây cũng là những bài thơ mà tôi thích.

Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, tôi về làm trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52… Rồi làm trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.

Tháng 8 năm 1951, tôi xuất ngũ. Còn cái trung đoàn Tây Tiến của tôi, hình như sau này được phân chia, bổ sung để thành lập sư đoàn 320 thì phải.

Về nguồn gốc địa danh Phù Lưu Chanh có nguồn tư liệu của Mai Khánh:

Trước đây khi nói về địa điểm ra đời của bài "Tây Tiến" một số ý kiến cho rằng: Phù Lưu Chanh thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ. Nhưng tra cứu thư tịch cũ như cuốn "Các trấn, tổng, xã danh bị lãm" biên soạn đầu thế kỷ XIX đối chiếu với "Dư địa chí xã Phù Lưu" trên cổng, thông tin điện tử huyện Ứng Hòa, không thấy có địa danh Phù Lưu Chanh, chỉ có hai thôn Phù Lưu Thượng và Phù Lưu Hạ đều thuộc xã Phù Lưu.

Vậy Phù Lưu Chanh ở đâu? Đào Ngọc Đệ (giảng viên Đại học Hải Phòng) viết: "Năm 1948, ở Phù Lưu Chanh (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), nhớ đến đồng đội cũ, ông viết bài thơ "Nhớ Tây Tiến" sau đổi là "Tây Tiến", ý kiến này cũng chưa thật cụ thể. Một số tác giả khác thì nói chung chung: Năm 1948, nhà thơ Quang Dũng sáng tác bài thơ "Tây Tiến" ở Phù Lưu Chanh.

Tìm hiểu các nguồn tư liệu và ý kiến các cụ cao tuổi ở địa phương thì được biết: Vào thời Nguyễn có xã Phù Lưu thuộc tổng Phù Lưu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Phù Lưu là một xã nhất thôn, nhất xã gồm 3 xóm: Thượng, Trung, Hạ. Về sau dân cư đông đúc lên, xã Phù Lưu chia thành ba thôn và đổi tên: xóm Thượng thành thôn Phù Lưu Chanh, xóm Trung thành thôn Cát Nguyên, xóm Hạ thành thôn Thường Khê. Cuối năm 1948, thành lập xã Nguyễn Úy đổi tên thôn Phù Lưu Chanh thành thôn Phù Lưu. Xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) hiện nay gồm 5 thôn Phù Lưu, Cát Nguyên, Thường Khê, Đức Mộ, Thuận Đức. Tên xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là thể theo nguyện vọng của nhân dân muốn lưu danh Nguyễn Úy - người cộng sản đầu tiên ở thôn Đức Mộ có nhiều cống hiến cho cách mạng thời kỳ 1930 - 1945.
Sinh thời nhà thơ đã kể về hoàn cảnh ra đời của bài thơ: "Bài thơ Tây Tiến tôi làm khi về dự Đại hội toàn quân ở Liên khu 3, làng Phù Lưu Chanh. Tạp chí Văn nghệ số 11 - 12 tháng 4-5 năm 1949 của Hội Văn nghệ Việt Nam (Thư ký Tòa soạn Nguyễn Huy Tưởng) in bài thơ ở trang 17 có tên "Nhớ Tây Tiến", cuối bài ghi: Quang Dũng (Đoàn quân nhân văn nghệ L.K.3).

Gia đình Quang Dũng

Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu, sau này vì thiếu tuổi đi học, phải mượn tên của người anh họ là Bùi Đình Diệm. Ông sinh năm Tân Dậu 1921 tại làng Phượng Trì, tổng Đại Phùng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Cụ thân sinh của ông tên là Bùi Đình Khuê trước làm Chánh tổng tổng Đại Phùng. Vì cụ thuộc lớp nho học nên dân trong vùng còn hay gọi là cụ Tú Khuê. Cụ đã mất từ năm 1942.

Mẹ ông di cư vào Nam 1954. Quang Dũng có biết, đồng ý cho bố mẹ đi. Phan Lạc Tiếp kể:

Sau này khi cụ Tổng và cả gia đình vào Nam, tôi có lại thăm mấy lần ở miệt nhà thương Cộng Hòa. Lời mà cụ Tổng nói với chúng tôi là: “Hôm anh Diệm về, có hai người đi kèm. Anh chỉ nói với mẹ một câu ngắn rằng mẹ đi đi. Thế thôi”. Thế là hết, bao nhiêu năm chờ đợi, bao nhiêu năm thương nhớ giữa mẹ con tưởng sắp đoàn tụ, bỗng lại phải chia lìa. Từ đó cụ Tổng cứ buồn bã, yếu đi rồi mất. Cho đến hôm nay, cụ mất có lẻ đã hơn mười năm.
Tôi ngồi viết lại những giòng này trong sự bùi ngùi và nhớ tiếc. Xin cho tôi được coi những hàng chữ này như những nén hương dâng lên cụ Tổng.

Về người em trai của Quang Dũng ở bên kia “chiến tuyến”.

Năm 1946, ông Bùi Đình Đạm tốt nghiệp Tú tài toàn phần chương trình Pháp tại Hà Nội. Sau đó, ông được tuyển dụng làm công chức tại Hà Đông. Năm 1948, thi hành lệnh động viên, ông phải nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp và theo học khóa 1 tại trường Võ bị Huế. Chức vụ cuối cùng trong Quân đội Liên hiệp Pháp là Tham mưu trưởng trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức với cấp bậc Thiếu tá.

Sau khi Việt Nam Cộng hòa ra đời (ngày 26/10/1955), ông chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông được thăng chức dần dần trong những năm sau đó, lên tới Đại tá, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh năm 1962 và được thăng cấp bậc thiếu tướng (2 sao) năm 1970. Vào năm 1973, ông được cử giữ chức Tổng Giám đốc Tổng nha Nhân lực Bộ Quốc phòng và giữ chức này cho đến hết tháng 4/1975.

Sau khi ngày 30/4/1975, ông cùng gia đình di tản ra khỏi Việt Nam và định cư tại San Jose, California (Hoa Kỳ) và ở đó cho đến ngày qua đời (năm 2009).

Ông Đạm rất hiếu học, mặc dù với nhiều trọng trách trong Quân đội nhưng ông vẫn tiếp tục trau dồi thêm văn hóa và kiến thức. Ông từng đi du học ngành Quản Trị tại Pháp những năm1950-1952. Ông từng tốt nghiệp cử nhân văn khoa Viện Ðại học Sài Gòn năm 1970. Năm 1983, ông tốt nghiệp Cao học Xã hội (MSW) tại Viện Đại học San Jose, California, Hoa Kỳ. Ông đã viết và xuất bản tác phẩm "Những áng văn hay" với bút danh Đan Phượng.

Ngôi nhà Quang Dũng ở Sơn Tây

Hiện nay người ta ít phân biệt sự khác biệt các địa danh Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây vì tất cả đều sáp nhập vào Hà Nội. Nhưng vào thời trai trẻ của Quang Dũng, Hà Đông và Sơn Tây là hai vùng quê, hai tỉnh có bản sắc riêng, hồn cốt riêng.

Nguyên Sa viết:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

Còn Quang Dũng:

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt,

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.

Vì thế có nhiều người mới thắc mắc rằng Quang Dũng sinh ra, lớn lên ở Đan Phượng, một huyện của Hà Đông mà thơ ông lại đầy hồn cốt đất Sơn Tây. Phan Lạc Tiếp một người bạn của Quang Dũng từng ăn ở tại nhà Quang Dũng đã tìm được căn nguyên này, hết sức thú vị. Đất Phượng Trì và ngôi nhà của bố mẹ Quang Dũng đã làm ra hồn cốt Sơn Tây trong thơ Quang Dũng.

Quang Dũng, từ trước tới nay vẫn được biết đến là một nhà thơ Sơn Tây. Anh đã mang hình ảnh của Sơn Tây vào đầy ắp những thi phẩm của mình.

“Em từ thành Sơn chạy giặc về - Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm - Cách biệt bao lần quê Bất Bạt, Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì - Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn. Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng ...”

Nhưng thực ra quê hương Quang Dũng không phải là Sơn Tây, mà là Hà Đông. Quang Dũng đã lớn lên trong căn nhà nằm ở ven con đê Hiệp, thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Đúng như thế. Nhưng tại sao trong thơ của Quang Dũng lại chỉ nói đến Sơn Tây mà ngược lại không tìm thấy hình ảnh nào của Hà Đông cả. Để hiểu nguyên nhân trên, có lẽ phải lấy Hà Nội làm khởi điểm.
Hà nội có năm cửa ô, hướng về năm ngả. Nếu Bến Nứa qua cầu Long Biên để sang Bắc Ninh, Ngã Tư sở để đi Hà Đông thì Cầu Giấy để đi Sơn Tâỵ Và đúng giữa con đường Sơn Tây - Hà Nội là Đan Phượng, quê hương của Quang Dũng. Do đó, mặc dầu về hành chánh, Đan Phượng thuộc Hà Đông, nhưng nó nằm trên con đường về Sơn Tây, nên ấn tượng về Sơn Tây đã có sẵn trong lòng mọi người khởi hành từ Hà Nội. Hơn thế nữa, Đan Phượng, mặc dầu thuộc Hà Đông, nhưng lại là nơi giáp ranh với Sơn Tâỵ Vì Hà Đông và Sơn Tây được phân cách bằng con sông Đáỵ Mà sông Đáy thì cạn, mùa nắng, sông Đáy người đi chợ có thể lội qua, các dải cát có lẽ chỉ làm đôi bàn chân các cô thiếu nữ hơi nóng lên một chút, để đi cho mau. Vậy thôi, sông Đáy không là ngăn cách nào đáng kể. Và ngay cả mùa nước lớn, sông Đáy cũng không sao. Vì nước từ Hồng Hà cuồn cuộn đổ về đã có đập cầu Phùng chặn lại. Chỉ trừ khi Đáy vỡ, đê vỡ sông Đáy mới gây nên sự cách biệt giữa Sơn Tây và Hà Đông ở đoạn khởi nguồn (vì ở hạ lưu thì khác, sông Đáy khá sâu và khá lớn).
Đó là xét về yếu tố hành chánh và địa dư. Nhưng trên thực tế, người dân Đan Phượng đã kể mình như người Sơn Tây. Vì ở đó mọi người như đã hít thở cái không khí từ Sơn Tây thổi về, đêm nằm nghe tiếng sông Hồng cuồn cuộn chảy vào những mùa nước lũ, hoặc trong những đêm thanh vắng, nghe nước êm đềm chảy giữa những bãi nứa bên ven sông Đáy, Quang Dũng sinh ra và đã lớn lên ở đó, nên anh đã cảm xúc và mang hình ảnh của Sơn Tây vào trong tác phẩm của mình.

Để hiểu rõ hơn, có lẽ phải vào thăm căn nhà của Quang Dũng một lần cho biết. Tôi xin bắt đầu thế nàỵ Cách đây hơn hai mươi năm, tôi từ Nứa mới tề, ra Phùng để đón anh tôi từ Hà Nội xuống. Qua cánh đồng làng, lên con đê Hiệp, qua một bãi dâu và nhiều ruộng mía, lội qua con sông Đáy cạn leo lắt một dải nước trong, tôi đã nhìn Phùng với một niềm xúc động lớn. Vì Phùng (hay Đan Phượng cũng thế), từ nhiều tháng qua đã là mối khiếp hãi của vùng tôi. Phùng có khẩu trọng pháo lớn rót vào các vùng phụ cận, Phùng phát xuất những cuộc hành quân càn quét bao quanh. Vậy mà bây giờ tôi đang bước đến Phùng. Nhưng ở đó sẽ có anh tôi từ Hà Nội xuống, có tin tức của thầy tôi và cả nhà bác tôi nữa. Vui mừng lẫn lo sợ tràn ngập trong lòng. Khi trèo lên con dốc cao đầy những đá tai bèo của con đê Phùng, tôi đã được hướng dẫn tới một căn nhà ngay cạnh chợ. Ở đó có cửa hàng đại lý gạo, muối. Đó là nhà cụ Tổng. Vừa bước vào nhà, tôi đã nghe thấy tiếng anh tôi hát vòng vọng từ trong ra. Bước xuống ba bực thềm, vào cái sân lát gạch Bát Tràng đỏ tía, mát lạnh cả chân, tôi đã thấy anh tôi mặc đồ tây, đứng trên bực cửa căn nhà khách. Anh em tôi đã đoàn tụ sau bao nhiêu tháng tản cư lưu lạc tại đó. Tôi đã bắt đầu cỡi bỏ bộ quần áo nâu vùng giải phóng để ra Hà Nội học lại, tại đó. Và cả sau này nữa, cái bến nghỉ chân của tôi mỗi lần từ Hà Nội về quê chơi, cũng tại đó: Nhà cụ Tổng - Phùng. Và chính là căn nhà của Quang Dũng.
Phải rồi, ở trên tôi đã nói về căn nhà ấy từ khi bước vào tới cái sân nhỏ giữa hai căn nhà. Tôi xin kể tiếp. Căn nhà khách phía bên trái gồm có hai phòng lớn. Một phòng nhỏ ở đầu nhà. Khi ấy căn nhà đó đã được lịnh tiêu thổ kháng chiến, phải phá đi từng gác, nhưng những đà lim tím đen còn để nguyên. Căn nhà ngoài cùng có cửa lớn ăn ra ngoài lộ đã đóng kín. Tôi đã nằm những ngày chủ nhật trong căn buồng nàỵ Ngửa mặt nhìn lên, chỉ thấy ngói phơi màu hồng mốc trắng và những màng mạng nhện giăng mắc khắp nơi. Tường vôi màu xanh đã nhạt. Ở một góc tường cao, nếu đứng từ trên sàn gác, thì vừa tầm tay, có một bức tranh vẽ lên tường. Cao quá, và bụi quá, tôi không nhìn rõ, vả lại bây giờ tôi cũng đã quên lấp đi nhiều, tôi không biết bức tranh ấy vẽ hình ảnh gì. Hình như cảnh một buổi chiều nào đó trong vườn cây. Cụ Tổng (mẹ của Quang Dũng) bảo, của anh Diệm anh ấy vẽ đấy. Và còn một bức nữa ở trong căn buồng ở đầu nhà, cũng đại khái như vậỵ Căn buồng này chị H. ở nên tôi không dám vào thăm. Căn buồng đó có một khuôn cửa sổ mở ra sân sau. Sát đó là một bể nước mưa lớn. Từ căn buồng này có thể nhìn ra bãi mía bên kia con ngòi sát nhà, và thấy núi Ba Vì ở mãi tận phía xa. Căn buồng ấy ngày xưa anh Diệm (tức Quang Dũng) đã ở. Có lẽ căn buồng này, khuôn cửa sổ này đã là con tim, và đôi mắt người thơ hướng về Sơn Tây, hít thở cái không khí của Sơn Tây, và sau này mang các hình ảnh của Sơn Tây vào thơ.
Ở cái sân sau đó, rộng thênh thang. Có cây lựu ở sát bể nước. Một cây đu đủ rất nhiều trái. Và ở góc vườn kia có một cái chuồng gà. Và cũng ở khoảng sân đó, buổi chiều, tôi đã ngồi với L. (em trai của Quang Dũng), nhìn nước chảy dưới chân, gió mát lâng lâng từ đâu xa lướt trên ruộng mía thổi về. Và cũng từ đó tôi cũng đã thấy Ba Vì in lên nền trời xanh thẳm có mây vươn lên đỉnh caọ Và cũng từ đó, những khi đêm xuống, tôi đã cùng cụ Tổng, chị H., chị Đ., và L. đếm từng tiếng đại bác từ đồn Phùng bắn đi, rồi cùng lắng nghe tiếng nổ âm vọng lại từ nơi nào xa thẳm trong kia. Ở đó, biết có anh Diệm không. Những đêm như thế, cụ Tổng thường thắp nhang trên bàn thờ ở ngoài sân cầu Trời Phật phù hộ độ trì cho anh Diệm. Nhất là sau này, anh rồi cũng lại phải động viên, mỗi lần tôi về quê, ở nán lại Phùng chơi với L., cụ Tổng lại thêm xót xa. Cụ thường nói ''Anh em đứa bên này, đứa bên kia, giữa trận mạc nếu gặp nhau sao mà nhận mặt''. Những lúc như thế, chị H. thường dẫn cụ Tổng vào nhà, thế nào cụ cũng mệt, thở dốc và ho.

Cũng thời gian này, thời gian cuộc chiến đang mãnh liệt và đang hồi kết thúc, lâu lâu tôi lại được tin người từ ngoài về nói với cụ Tổng mua cho anh Diệm cái đồng hồ, cái bút máy, hay các vật dụng cần thiết khác. Và cũng chính thời gian đó, tập thơ chép tay của Quang Dũng từ ngoài đó cũng được gửi về.
Tôi đã lật từng trang, đọc từng bài và xem một vài bức vẽ phụ họạ Thơ Quang Dũng đã được anh em tôi thích thú từ đó.
Trong những bài thơ của Quang Dũng, có lẽ làm cả nhà xúc động nhất là bài "Đôi mắt người Sơn tâỵ" vì trong đó có nói đến:
"Mẹ tôi em có gặp đâu không.
Những xác già nua ngập cánh đồng.
Tôi cũng có thằng con bé nhỏ.
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông".
Niềm lo âu của Quang Dũng qua những câu thơ trên, đã làm cả nhà thương cảm. Ở trong vùng tề, cụ Tổng và đứa con của Quang Dũng sống tương đối an toàn và sung túc. Riêng cháu Quang Dũng (nhà thơ đã lấy tên con làm bút hiệu), thì ít khi tôi gặp mặt. Thỉnh thoảng trong những ngày giỗ chạp, một năm đôi lần, tôi mới thấy chị Diệm đưa cháu Quang Dũng về thăm nhà. Lúc ấy cháu Quang Dũng độ bảy tám tuổi, mặt mũi rất khôi ngô. Còn chị Diệm, bây giờ tôi không còn nhớ được mặt mũi ra sao nữạ Chỉ biết là một người đàn bà mỏng manh và khá caọ. Chị thường mặc áo màu nâu, buồn. Tôi chưa lần nào tiếp chuyện với chị. Tôi có cảm tưởng thật khó nói, buồn buồn khi nhớ lại hình ảnh của chị. Chị như một cái cây, tự lắp mình đi trong giữa đám rừng. Sự lặng lẽ, cô đơn như đã bủa vây thật chặt, thật kín, làm chị không còn gần gũi được với ai. Tôi cũng không được nghe, không được biết anh Diệm đã lấy chị trong trường hợp nào. Cả trong những bài thơ của anh, tôi cũng chưa thấy có dòng nào nói đến người vợ đáng thương nàỵ…

Ngôi nhà của bố mẹ Quang Dũng giờ không còn. Trần Lê Văn người bạn thân của Quang Dũng có viết rằng sau này có lúc nhà thơ nuối tiếc đã bán rẻ mất căn nhà. Có lẽ thời gian đã hủy hoại căn nhà, nó biến mất trong bãi ngô của Viện nghiên cứu giống ngô hiện nay.

Quang Dũng ở Thanh Hóa

Năm 1951 Quang Dũng bị loại ra khỏi quân đội do chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ trí thức, tầng lớp trên ra khỏi quân đội, công an. Chính sách này là hệ quả của chủ nghĩa Mao đã chi phối cách mạng Việt Nam. Việc rời quân đội chắc ảnh hưởng đến tình cảm của ông. Vì ông đã từng tâm sự: Việc mặc áo lính, và là một cán bộ trong quân đội, đối với tôi ngày ấy có ý nghĩa thiêng liêng và tự hào lắm.

Sau đó ông tham gia văn nghệ khu 3. Rồi về sống ở Thanh Hóa. Tại sao Quang Dũng về Thanh Hóa có hai nguyên nhân:

Không khí văn nghệ Thanh Hóa vui vầy ấm cúng, nhiều bạn bè cũ Hà Nội đang ở đây.

Quang Dũng có người tình sống ở Thanh Hóa gọi là Nhật Akimi. Người này chính là cảm hứng cho bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng, bài Đôi bờ.

Phạm Duy có biết chuyện này vào thời gian vợ chồng ông từ Việt Bắc trở về Thanh Hóa 1953.

Trước khi gặp nhau trong kháng chiến, nhà thơ Quang Dũng và nhạc sĩ Phạm Duy đã là bạn từ thời mài đũng quần trên ghế nhà trường. Phạm Duy kể lại rằng, lúc còn đi học ở Trường Thăng Long vào năm 1934, ngồi sau ông hai hàng ghế là sinh viên Bùi Đình Diệm (hoặc Bùi Đình Dậu), tức thi sĩ Quang Dũng trong tương lai.

“Khi tôi học trung học ở Trường Thăng Long Hà Nội, tôi có cậu bạn học sau này là thi sĩ nổi danh với bài thơ Tây Tiến: Quang Dũng. Anh tên thật là Dậu, lúc mới 15, 16 tuổi anh đã cao lớn đô con nhưng hiền và ít nói lắm. Hồi đó tôi chưa thân với anh vì anh không nghịch phá như chúng tôi, nhưng sau này khi tản cư ra vùng kháng chiến thì chúng tôi khá thân với nhau.

Phạm Duy viết trong hồi ký:

Trong mấy tháng trời được nghỉ ngơi, cũng có lúc chúng tôi đi chơi tại những vùng lân cận. Tại Núi Vôi gần Cầu Bố, vợ chồng tôi gặp lại một người bạn cũ mà tôi đã quen biết từ ngày vừa ở chiến khu Nam Bộ trở ra Bắc và ghé lại Huế. Đó là Lê Khải Trạch, người sau này sẽ là Đổng Lý Văn Phòng của Bộ Thông Tin, làm việc dưới quyền Bộ Trưởng Trần Chánh Thành.

Lê Khải Trạch là người thuộc hạng phong lưu công tử, mặt mũi nở nang, thân hình béo tốt, lúc nào cũng gậm pipe, lúc nào cũng có sẵn một câu chuyện lý thú để kể cho bạn bè nghe. Ngày tôi gặp Lê Khải Trạch ở Huế, anh ta cùng vợ con không ở khách sạn hay ở nhà người quen mà thuê hẳn một con đò trong một hai tháng để ban ngày thì cắm sào trên bến sông Hương, ban đêm thì thả đò trôi suôi trôi ngược trên con sông ái tình này. Tôi đã cùng với anh chị Trạch sống những đêm đàn ca thâu đêm suốt sáng.

Gập lại Lê Khải Trạch trong vùng kháng chiến, tôi thấy anh ta vẫn còn cái vẻ phong lưu công tử của ngày xưa. Trong khi mọi người đi tản cư phải nếm mùi ăn uống thất thường, ngủ nghê lạnh lẽo thì tại gian nhà chật hẹp xây trên một nền đất nơi gia đình anh Trạch ở, tôi thấy có kê một cái giường Hồng Kông to tổ bố. Người ở trong ngôi nhà đó thì vẫn béo tốt, mặc bộ quần áo lụa và ngậm pipe vui vẻ tiếp chuyện bạn bè ghé tới thăm. Bà Trạch hỏi thăm cô dâu mới Thái Hằng có khoẻ không? Cô con gái tên là Liên bưng lên một ấm nước vối ngon tuyệt trần...

... Và tôi gặp lại Quang Dũng ở đây. Thi sĩ ''Tây Tiến'' từ đơn vị đạp xe về thăm anh chị Lê Khải Trạch. Thăm bố mẹ hay thăm cô con gái tên là Liên đây? Chắc chắn cu cậu đang muốn làm rể gia đình này cho nên đem đôi bàn tay tài hoa của mình ra để giúp đỡ bà Trạch trong mọi việc. Chẳng hạn việc sản xuất cùi dià. Ai cũng biết rằng sống trong vùng kháng chiến là thiếu thốn đủ mọi thứ. Để làm vui cho gia đình này, Quang Dũng đi lượm một miếng sắt chắn bùn (garde boue) của xe đạp rồi cắt ra để làm cùi dìa tặng cho bà Trạch. Muốn tạo ra chỗ lõm của cùi dìa, Quang Dũng đào một cái lỗ nhỏ hình trái soan trên nền nhà, đặt miếng sắt vào cái khuôn đất đó rồi cầm hòn đá gò cho ra hình thù của cái thìa sắt. Nên nhớ rằng nền nhà đất nện ở vùng quê cứng như đá. Nhìn anh chàng thi sĩ to con ngồi lom khom gõ miếng sắt, tôi không khỏi phì cười.

Tôi biết Quang Dũng là người -- giống tính tôi -- rất quý trọng cái độc lập của mình. Đi kháng chiến, đã ở nhờ nhà đồng bào mà còn chăng dây bao quanh chỗ mình nằmvà treo một mảnh giấy có dòng chữ: Xin mọi người đừng bước vào đây. Thế nhưng trước gái đẹp, vị kỷ đến đâu thì cũng phải lụy ông bà thân sinh của người đẹp.

Quang Dũng còn có nhiều điểm giống tôi lắm. Trước hết, hai chúng tôi đều có một mối tình vũ nữ rất là đậm đà, mãnh liệt. Cũng như tôi, khi còn rất trẻ, anh đã bỏ nhà đi theo một gánh hát với tư cách nhạc công chơi đàn cò. Anh không học Trường Mỹ Thuật như tôi nhưng cũng thích vẽ và có một thời gian sống bằng nghề hoạ sĩ, dùng cái bút lông để được lê gót giang hồ. Trong kháng chiến, Quang Dũng tham dự một cuộc Triển Lãm Hội Hoạ với bức tranh có tựa đề Gốc Bàng. Anh còn soạn cả nhạc nữa. Bài hát nhan đề Ba Vì của anh đã được dân vùng kháng chiến hát lên trong nhiều năm :

Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu ?

Sau khi tôi tới thăm Lê Khải Trạch rồi ra về thì Quang Dũng theo tôi đi Chợ Neo. Với Thái Hằng ngồi đằng sau, tôi và Quang Dũng thong dong đạp xe trên con đường đê dọc theo nông giang. Trên đường về dài 15 cây số, tôi hỏi thăm Quang Dũng về người đẹp tên là Nhật tức Akimi. Anh vừa đạp xe vừa đọc cho tôi nghe bài thơ nhan đề Đôi Bờ mà trước đây tôi chỉ biết vài ba câu :

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai
Sông kia từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi gió heo về một sớm mai.
. . . . . . . . . .
Rét mướt mưa sầu chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia ?
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh đất tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đông sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ.

Xa quá rồi em, người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau.
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào.

Cô hàng cà phê tên là Nhật Akimi đã bỏ lại người xưa, giã từ kinh đào quán lạnh dinh tê vào thành cho nên bây giờ Quang Dũng chỉ còn biết đứng bên này đất nước nhớ thương nhau. Rồi sẽ nhìn vào đáy cốc để nhớ lại người xưa, cũng giống như tôi và Hoàng Cầm một ngày trước đây đã uống cạn cốc cà phê kháng chiến rồi nhìn vào đáy cốc để thấy in hình bóng Lạng Sơn (xin đọc đoạn viết về chặng đường Cao-Bắc- Lạng và về Hoàng Cầm). Nàng Akimi sau này sẽ vẫn tiếp tục là người đẹp trong đêm tại nhà hàng khiêu vũ Tự Do ở Saigon.

Quang Dũng ở chơi tại Chợ Neo một đêm để nghe ban hợp ca gia đình chúng tôi hát chơi dăm ba bài trong đó có bài Nhạc Đường Xa là anh thích nhất. Sáng hôm sau anh đạp xe trở về đơn vị. Bên bờ con sông máng, tôi ngồi phổ nhạc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Nhưng -- cũng như với nhiều bài hát kháng chiến khác -- từ năm tháng xa xưa đó cho tới ngày hôm nay, tôi chẳng có cơ hội tốt đẹp nào để hát bài đó cả. Sống dưới hai triều đại Ngô và Nguyễn, hát bản nhạc hay ngâm bài thơ kháng chiến là dễ bị chụp mũ lắm. Cho nên tôi đã quên hẳn một số bài soạn ra trong giai đoạn chống Pháp đó. Tôi chỉ còn nhớ là trong đoạn cuối của bài thơ Tây Tiến được tôi phổ nhạc, đáng lẽ ra nét nhạc phải trở về chủ âm (Sol majeur) thì câu hát Đường về Sầm Nứa chẳng (tôi đổi là không) về xuôi... đã được tôi cho kết thúc với nốt LA ngang phè phè, giống như trên đường hành quân đoàn binh không mọc tóc của Quang Dũng chưa bao giờ -- hay không bao giờ -- có thể trở về nơi yên nghỉ.

Trong kháng chiến, tôi có may mắn được gặp hai nhà thơ hay nhất ở hai vùng kháng chiến khác nhau. Có lẽ khung cảnh ở mỗi vùng kháng chiến đều có những vẻ đẹp riêng cho nên thơ của Quang Dũng có vẻ âm u huyền bí trong khi thơ của Hoàng Cầm thì rất trong sáng. Đường lên Tây Tiến không phẳng lặng và không bình an như đường về Sông Đuống :

Dốc lên khúc khỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời...

Vốn là một đại đội trưởng chiến đấu, Quang Dũng gần súng đạn, gần cái chết hơn Hoàng Cầm, cho nên anh gầm lên trong thơ :

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành...

Tuy nhiên, cả hai thi nhân kiêm chiến sĩ này đều vẽ ra những hình ảnh điển hình của kháng chiến. — bên kia dòng sông Đuống, nếu ta thấy Hoàng Cầm đưa ra được cảnh người dân nhẫn nhục nơi vùng địch chiếm :

Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương buổi sớm.
Chợt lũ qủy mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc, tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa Đông...

... thì ở vùng tự do của Quang Dũng, ta thấy được cảnh vừa bình dị, vừa hùng tráng của một làng chiến đấu :

Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm, khói thuốc, bạch đầu quân.
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khoả vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch
Vỡ lá bàng khô bước du kích...

Chuyện Quang Dũng làm những bài thơ thở ra hào khí của kháng chiến như Tây Tiến, Những Làng Đi Qua... thì ai cũng đã biết. Nhưng thơ tình của Quang Dũng thì có vẻ ít được phổ biến. Hồi giữa thập niên 50, trên báo Đời Mới ấn hành tại Saigon tôi thấy có đăng một mẩu thơ tình của Quang Dũng, có lẽ do Lê Khải Trạch kể lại :

... Trong kháng chiến, Quang Dũng có lần tới Phát Diệm và được một người bạn hứa giới thiệu cho một nàng goá phụ người Hà Nội tản cư về đó. Một hôm, người bạn hẹn Quang Dũng tới một căn nhà nằm ở đằng sau Nhà Dòng Mến Thánh Giá để gặp người đẹp goá phụ. Quang Dũng tới đó, ngồi đợi khá lâu mà không thấy Nàng tới. Anh đã viết một bài thơ suôi với tựa đề là Angelus :

Em có yêu ta không ?
Ta có yêu người chăng ?
Ngoài ba mươi tuổi trên đường đời.
Chúng ta là hai kẻ rất bơ vơ.
Viết những bài thơ không bao giờ gửi...

Sau khi Quang Dũng đi rồi thì người đẹp goá phụ mới tới điểm hạn. Chắc Nàng cũng không bao giờ biết được rằng nhà thơ đã viết tặng Nàng bài thơ Angelus (Hồi Chuông Chiêu Mộ) này đâu.

Khi tôi đang viết những dòng chữ này thì tôi được tin Quang Dũng vừa từ giã cõi trần tại Hà Nội sau nhiều năm bị liệt một cánh tay và nói năng không rõ vì bị đứt mạch máu ở trong đầu. Người đẹp Akimi hiện đang ở trên nước Hoa Kỳ rộng lớn này. Tôi đã điện đàm với Nàng và ước mong có dịp gặp con người có vầng trán mang trời quê hương và đôi mắt dìu dịu buồn Tây Phương đã từng là nguồn cảm hứng cho những bài thơ bất hủ của Quang Dũng để tôi -- rất có thể -- nhìn thấy những giòng lệ rào rào tuôn chảy xuống. Những giòng lệ làm tôi hình dung ra được một con sông đào vùng tề hay một vùng biển lớn mang tên Thái Bình Dương, lúc nào cũng sẵn sàng để chia rẽ đôi bờ cho những người tình thuộc thế hệ tôi, thế hệ đầu tiên đã bị chiến tranh và thù hận bao vây không ngưng nghỉ.

Quang Dũng tham gia Nhân Văn Giai Phẩm thế nào.

Trước ngày hòa bình lập lại thì QD dạy học cho một trường học ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Người tìm thấy và đưa QD về Hội Văn nghệ là nhà thơ Vĩnh Mai. Cuối 1955 ông về làm Chánh văn phòng HVNVN cần tìm người cho Tạp chí Văn nghệ. Ông vào Thanh Hóa và đưa Quang Dũng cùng Hữu Loan, Thanh Châu về tạp chí.

Như vậy trong bối cảnh xã hội miền Bắc lúc đó hoàn cảnh gia đình riêng và thân phận phức tạp nhất định có ảnh hưởng đến tâm trạng QD. Cùng với thiên tư của mình QD đã đồng cảm với các bạn ông những người khởi xướng phong trào NVGP.

Cả ba người từ Thanh Hóa về tạp chí Văn nghệ đều tham gia NVGP trong khi tạp chí này như là một căn cứ chống NVGP. Tại sao? Có lẽ do hoàn cảnh cá nhân của các ông. Tình trạng bất bình đẳng trong giới văn nghệ. Cấp bậc, việc được đăng bài, giải thưởng văn nghệ, số nhà văn Nam tập kết…Hai lão làng văn nghệ là Phan Khôi và Trương Tửu đã dám lên tiếng về tình trạng này. Trong khi NVGP mở ra sự tự do sáng tác. Nhưng QD tham gia NVGP có chừng mực thôi. Khác với những người chủ xướng như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Văn Cao, Đặng Đình Hưng…đang là những công thần của nền văn nghệ mới có nhãn quan rộng hơn về chính trị.

Mức độ của QD giới hạn ở chỗ chỉ hưởng ứng và đăng bài, không đăng đàn giới thuyết về các vấn đề dân chủ và văn nghệ. Chỉ đăng thơ là chính và thơ cũng hiền lành, tình cảm.

Trình tự tham gia NVGP có 5 bài.

· Bài “Mấy ý nghĩ về thơ”, đăng 3 kỳ trên tạp chí Văn nghệ trong tháng 9/1956.

· Thơ Đường chiều thứ Bảy Giai phẩm mùa Thu tập 1 1956 NXB Minh Đức

· Thơ Những cô hàng xén Giai phẩm mùa Thu tập 2 1956 NXB Minh Đức

· Thơ Có nhớ về đất Bắc Sách Tết 1957 NXB Minh Đức

· Truyện ngắn Xiếc khỉ báo Văn số 7 tháng 9-1957

· Thơ Đường trăng báo Văn số 23 tháng 10-1957

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét:

Bài viết của nhà thơ Quang Dũng mà tôi giới thiệu lại dưới đây, được đăng liền 3 kỳ trên báo Văn nghệ hồi tháng 9/1956; lúc đó báo Văn nghệ đang triển khai một diễn đàn rộng rãi, lấy ý kiến văn nghệ sĩ và cán bộ công tác văn hoá, hướng tới Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (sẽ họp đầu năm 1957). Một trong những nội dung đang là thời sự lúc ấy là góp ý cho “sự lãnh đạo văn nghệ”, − cách diễn đạt thời ấy mà nay có thể dịch lại là “sự quản lý văn nghệ”. Nhà thơ Quang Dũng cũng lưu ý đến yêu cầu ấy của diễn đàn chung, nhưng điều được ông tâm đắc (và ta sẽ thấy rõ trong bài) lại là bộc lộ quan niệm của mình về đề tài: nhà thơ và cách mạng.

“Coi thơ như khu vực sáng tác tâm huyết nhất của mình, Quang Dũng có không ít những trăn trở về thơ tuy rất it khi ông nói ra; chỉ khi Hội Văn nghệ Việt Nam phát động việc “phê bình lãnh đạo văn nghệ” để chuẩn bị cho Đại hội văn nghệ toàn quốc 1956, người ta mới thấy ông hé ra qua bài “Mấy ý nghĩ về thơ”, đăng 3 kỳ Văn nghệ trong tháng 9/1956.

Về bài báo vừa tìm lại để giới thiệu lại dưới đây, đó là bài báo khá hiếm trong đó tác giả Quang Dũng đã bộc bạch thật lòng về những điều mà trước đó và sau đó dài dài người ta vẫn còn trăn trở. Bạn đọc trong và ngoài giới làm thơ hẳn sẽ thấy: ở một nhà thơ từng có những thi phẩm tầm cỡ như Quang Dũng, rốt cuộc chúng ta cũng tìm thấy đọc thấy những tâm sự rất tầm cỡ của ông.

Từ lúc dân tộc làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám cho đến lúc bước vào cuộc kháng chiến, người văn nghệ nào cũng chờ đợi những đường lối sáng tác mà Cách mạng sẽ mang tới cho mình, những đường lối ấy họ ước mong là sẽ tới để giải phóng cho ngòi bút họ. Bởi thế cho nên Cách mạng đòi hỏi gì, họ đều đứng dậy “có mặt” ngay. Đường lối của cách mạng, họ tuyệt đối tuân theo và triệt để ủng hộ. Những con người văn nghệ − nói riêng ở đây là những người làm thơ − vừa hôm qua đây còn mang bao nhiêu bản chất ngang tàng, khinh mạn với cuộc sống (cũ), kiêu bạc với cuộc đời (cũ), mỗi người như một hòn núi lửa, mỗi người có cái tự hào riêng với cái thế giới riêng của mình, mỗi người sống theo một nhân sinh quan đặc biệt của mình, ấy thế mà nghe tiếng hô của Cách mạng, họ tập trung được ngay, cùng một ý chí chiến đấu và cùng một lòng cố vượt, hy sinh cái đời riêng với những thói quen của mình − cái hy sinh ấy đã thật là đau xót đối với họ − để đi theo Cách mạng. Là vì họ đều hăm hở muốn được Cách mạng mở cho họ những chân trời mới về cảm xúc và có cái sung sướng của những người được đi vào một xứ sở mới lạ và phong phú về đề tài.

Nhưng những quan niệm giới hạn về văn nghệ của những người có trách nhiệm hướng dẫn họ đã làm tắt cái lửa đó. Người ta quan niệm người làm thơ là những người mơ mộng không sát được thực tế cách mạng, là những người hoàn toàn ngây thơ mà cách mạng phải dạy dỗ uốn nắn mới đi vào được những vấn đề mới. Những người chỉ đạo đường lối − là những cán bộ chính trị chứ không phải là những nhà thơ, hoặc là nhà thơ nhưng đã không còn mang tính chất thi sĩ nữa − lại cứ lo lắng và tự thấy mình như phải có cái trách nhiệm hướng dẫn thơ đi cho đúng với công tác trước mắt của cách mạng, áp dụng nó vào những công việc có tính chất thực dụng ngay, dựa theo một ý thức không rộng rãi về “phục vụ” mà đưa ra những nguyên tắc, những lệ luật máy móc để đánh giá thơ … do đó đã gò thơ đi vào công tác cách mạng một cách bị động.

Xuất phát từ những điểm ấy, người lãnh đạo đã xem người làm thơ rất nhỏ bé, rất phụ thuộc, coi như họ chỉ là những người có khả năng diễn ca mọi vấn đề của cách mạng, coi như họ là một bộ môn cần thiết cũng có cho đủ ở trong một nước và cũng có một tác dụng nào trong công tác tuyên truyền cho cách mạng mà thôi. Trên lý luận, Đảng coi trọng vấn đề văn học, nhưng trên thực tế công tác, những người lãnh đạo đã không tin tưởng ở những người làm thơ và không nhìn họ đúng với cái tầm quan trọng của vấn đề.

Thành ra chính đi theo cách mạng mà cái tri thức về cách mạng, người làm thơ không được trau dồi cho đến nơi đến chốn; người làm thơ lúc nào cũng bỡ ngỡ với những vấn đề mới do công việc cách mạng biến diễn ra; lúc nào cũng làm một người đuổi theo vấn đề. Không thấy mình được chủ động gì hết trong lĩnh vực của tư tưởng nghệ thuật. Theo ý tôi, cách mạng đâu có muốn như thế! Cách mạng đâu có cứng nhắc muốn tạo ra những người chỉ biết phục tòng mình mà không sáng tạo gì thêm được cho cách mạng.

…Do cái tình trạng ấy mà người làm thơ cũng cứ vô tình thấy mình nhỏ lại, rồi bằng lòng theo những lối đã vẽ ra, trăm người cùng đi một kiểu, cùng tới một chỗ, cùng gặp những cây cỏ và sông núi giống nhau, kể lại cho nhau nghe thì ai cũng biết cả rồi … chỉ một con đường ấy, cây cỏ ấy, núi và sông ấy… Cả một nếp suy nghĩ, vui buồn của dân tộc bỗng nhiên đều bị ảnh hưởng của sự hướng dẫn một chiều đó.

Công chúng đọc thơ cũng bị gò vào cái nếp nhận xét rất khắc nghiệt của công thức, nên chi, cái hiện tượng trước khi đọc một bài thơ, người ta đã mai phục sẵn những nguyên tắc để mổ xẻ nó, phê phán nó. Óc nhận xét máy móc đã choán mất cái óc thưởng thức hồn nhiên và bình tĩnh của người đọc. Người làm thơ giống nhau, người phê bình cũng phê bình bằng những lý luận, những nguyên tắc giống nhau. Rồi chính người làm thơ không dám đi sai cái công thức mà mình đã đưa tràn ngập trong thơ, chỉ vì lại sợ công chúng − đã được hướng dẫn theo nếp ấy − lại vận dụng chính cái tinh thần đó mà phê phán thơ mình.

Cái vòng luẩn quẩn đó đã kéo dài.

Người làm thơ tự thấy như mình phải giả tạo đi phần nào. Đã thấy hai con người trong một mình anh. Cũng như Tartarin Quichotte và Tartarin Sancho trong một truyện của Daudet. Lúc Tartarin Quichotte hét đòi phải đưa cho mình giáo, mác, đao, chuỳ, để xông pha vào chốn nguy hiểm, thì Tartarin Sancho hét cô hàng cà-phê phải đưa cho mình súc-cù-là, bánh, thịt và áo len. Mà chỉ là một Tartarin. Chỉ là một con người chứa hai con người xung đột nhau.

Có cái gì đè nặng lên đường lối văn học nghệ thuật chúng ta mà văn học nghệ thuật lại từ chối những sự phản ảnh chân thành của mọi khía cạnh tâm tình! Cái gì đè nặng lên tư tưởng mọi người để hễ nói ra là phải nói những điều đã đúng từ trước khi nói? Sao lại phải gò nhau vào một cái khuôn rồi bảo cứ tự do đi lại trong cái khuôn đó? Hễ không chịu được thì lại chụp mũ là tư tưởng còn lạc hậu! chưa ý thức được cái tự do mới! cái tự do trong những khuôn khổ!...

Thơ của chúng ta, chính trong mười năm qua, bản thân nó, dầu cho công thức đi nữa, thì cũng đã lớn, cũng đã là một bước dài so với cái đời chưa cách mạng. Nhưng giá không vướng vào những khuyết điểm trên kia, ai biết nó đã đi xa đến thế nào? Ai đoán được nó đã cao lớn như thế nào? Và sự nghiệp của thơ đối với dân tộc của chúng ta đang cách mạng đã có những đóng góp to tát và phong phú đến thế nào! Cái sống của dân tộc làm cách mạng thì to quá, mà cái tiếng nói mới của dân tộc, cái nghĩ mới của dân tộc, cái tứ hào hùng để khích lệ thêm cho dân tộc thì lại như rụt rè, tụt lại sau, bị bỏ rơi một quãng đường không phải là ngắn.

Không riêng gì trong địa hạt thơ, các ngành khác của văn học nghệ thuật cũng đều cảm thấy như vậy (như những bài đã phát biểu trên báo Văn nghệ hoặc những ý phát biểu trong cuộc học tập lý luận vừa qua) cho nên có cái hiện tượng băn khoăn chung, dấu hiệu của những sự thay đổi sắp tới, − và tất cả những hy vọng đó muốn chờ mong ở Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai này giải quyết. Sự trưởng thành ngày nay, theo ý tôi, chính là do mười năm kháng chiến và cách mạng vừa qua. Chính ở trên miếng đất đã nuôi dưỡng chúng ta ấy mà chúng ta đã lớn lên và nhận thấy mình cần thay đổi. Cũng như mỗi người nhớ lại những nét vẽ của mình ngày nhỏ: người thì là một cái gậy, đầu tròn như một cái vung, tay là một cái que có năm ngón toè ra như năm cái tăm. Ngày nhỏ ta cho thế là đúng hình dáng của một người rồi. Lớn lên, ta không cần phải biết luật viễn cận hay hiểu về khoa học tạo hình mà cũng cứ nhận ngay là sai và buồn cười về những nét đơn sơ nguệch ngoạc ấy của thời thơ ấu. Qua một chặng đường dài, ta đã nhiều kinh nghiệm. Ánh sáng của Đại hội thứ hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô, ánh sáng của những lý luận văn học của các nước bạn mới tràn vào, ùa vào như ánh sáng ùa qua cửa sổ mới mở, đến với chúng ta; ánh sáng của những buổi kiểm điểm văn học nghệ thuật theo một đường lối dân chủ thực sự do Đảng chủ trương; ánh sáng của một nền nhân văn chân chính lúc nào cũng dắt người ta trở lại đi đúng đường; tất cả đã giúp chúng ta đứng dậy, nhận định nổi cái yếu ớt, cái gò bó, cái nông cạn nó làm cản trở đà lên của chúng ta từ trước đến nay. Chính ta đã lớn lên, lớn lên vì cả những băn khoăn mà ta đã ấp ủ hàng bao nhiêu ngày nay. Bây giờ đã đến lúc cởi mở. Bây giờ đã đến lúc người làm thơ vun đắp, đề cao cái truyền thống thi sĩ của mình. Và Cách mạng thiết tha phát huy cho cái truyền thống đó.

…Người thi sĩ thấy vinh dự được đi với Cách mạng, Cách mạng cũng thấy cái vinh dự được nhiều thi sĩ về “tụ nghĩa” ở dưới bóng cờ mình. Họ vốn là những người bất mãn lớn với cái cũ rồi. Họ đi với Cách mạng là để được làm Cách mạng chứ đâu phải để bất mãn với Cách mạng. Đôi điểm không thông đã làm cho họ phật ý, nhưng nghĩ đến Cách mạng, tin ở cái chân lý cao cả của Cách mạng, họ vẫn phấn đấu, kiên trì và trung thành với Cách mạng, dầu họ là trong Đảng hay ngoài Đảng. Đã đứng ở hàng ngũ phấn đấu cho Cộng sản chủ nghĩa là cái lý tưởng tuyệt đích của nhân loại bây giờ, họ cũng có cái kiêu hãnh mang một tâm hồn Cộng sản − và họ nhất định tin như thế − chỉ có khác là kết nạp hay chưa kết nạp mà thôi.

Người ta quan niệm từ xưa tới nay rằng người làm cái “nghiệp” văn chương thường là lận đận. Cái đó không phải là không có lý. Người Văn nghệ sĩ, người làm thơ nói riêng ở đây, là người có nhiều khí khái, có nhiều tự trọng và có một cái ý thức rõ rệt về trách nhiệm của mình, tất nhiên là không thể dung hoà với những cái trạng thái hỗn loạn của xã hội cũ, nên họ thường là chống đối; họ là những hiệp sĩ mang cây bút vì con người mà xông pha mà hy sinh. Thân thế họ vì vậy mới “ba chìm bảy nổi”. Những chính thể đương thời không dung được họ và họ cũng không dung tha gì cho những chính thể đó. Họ đều là những người bất mãn xung thiên cả. Có người đã nói: “Bao giờ cũng vậy, văn chương kiệt tác vẫn là những thứ văn chương chống đối lại”. Cái đó theo tôi rất đúng đối với thời đại cũ.

Nhưng ở chế độ của chúng ta, điều đó không còn là một quy luật nữa. Cách mạng là nơi “đất thánh” mà người thi sĩ hằng mơ ước đi tới, − dầu có gặp những bệnh ấu trĩ nó làm chậm bước đi của họ phần nào − thì họ vẫn cứ thẳng bước đi tới. Chống đối lại Cách mạng ư? Không bao giờ họ lại chống đối lại chính cái lý tưởng tha thiết nhất của đời họ mà họ đã quyết hiến dâng cả tim óc và máu nóng! Họ chỉ chống đối những cái sai lầm có phương hại đến Cách mạng chính vì cái ý thức thiết tha bảo vệ Cách mạng của họ mà thôi.

Theo ý tôi, những người làm thơ là những người như vậy, thiết tha gắn bó với cái hiện tại của Cách mạng, sôi nổi muốn góp phần xương máu của mình vào cho sự nghiệp Cách mạng chóng thành công, thế mà họ chưa đạt được những điều mong ước. Vì sao? Chính bởi họ chưa được hoàn toàn tự do phát triển tài năng của họ. Chính vì họ chỉ mới làm vai trò phụ hoạ chứ không phải vai trò tiền phong của Cách mạng.

Bản thân người thi sĩ cũng vì thế mà không thoải mái vững vàng trong những bước đi mới của mình. Nói cách khác tức là kém một tinh thần “chủ nhân ông” trong vấn đề.

Giải phóng cho thơ không gì bằng trang bị cho người làm thơ đầy đủ cái hiểu biết về Cách mạng, đặt tin tưởng vào họ và để họ tự do tung hoành trên cái diện tích bao la của cuộc sống Cách mạng, chắc chắn là tiếng nói của thơ lại sẽ ngân vang sang sảng và phong phú vô cùng.

Giải phóng cho thơ, không gì bằng trả lại cho người làm thơ cái giá trị xứng đáng với cái truyền thống cao quý mà họ đã mang ở trong máu họ.

Theo ông Lại Nguyên Ân:

Năm 1957, khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập và xuất bản tuần báo Văn, Quang Dũng lại là một trong những cộng tác viên đắc lực. Các bút ký về sinh hoạt văn hóa đời thường ở Hà Nội như các trò xiếc khỉ, diễn trò kèm với bán thuốc “cao đơn hoàn tán” cạnh bờ hồ Gươm… do Quang Dũng viết, rất sống động, vui nhộn; tiếc thay, trong mắt một vài nhà phê bình quyền uy thì nó lại là sự nhấm nháp các mảnh sống cũ kỹ, khi mà người ta đòi hỏi “con người thời đại” trên mặt tờ báo văn chương phải có ngay đường nét của con người xã hội chủ nghĩa! Vậy là mấy bài bút ký của Quang Dũng bị nêu tên phê phán, bên cạnh các bài “nặng tội” hơn, của các tác giả khác.” Trong đó Xiếc khỉ bị phê phán nặng nề cho đến cả sau này.

Sau vụ NVGP Quang Dũng bị kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ sáng tác một thời gian. Đi thực tế. So với các đồng nghiệp khác trong vụ NVGP kỷ luật của QD là nhẹ so với các mức độ khai trừ hội viên (Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An, Trần Duy), khai trừ hoặc buộc rút khỏi ban chấp hành (Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng, Văn Cao), khai trừ có thời hạn 3 năm (Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử Phác), buộc về hưu, đi lao động cải tạo, ra khỏi biên chế cơ quan (Trần Thịnh, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Trần Duy, Nguyễn Tử Nghiêm, Trần Đức Thảo, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Tích Linh ), đình chỉ sáng tác có thời gian hoặc vĩnh viễn (Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Tích Linh, Nguyễn Khắc Dực, Hữu Loan, Thanh Châu, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Phan Vũ, Tử Phác, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Chu Ngọc, Huy Phương), bắt buộc cư trú ngoài Hà Nội ( Như Mai, Trần Lê Văn, Nguyễn Khắc Dực, Nguyễn Bính, Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Văn Tý )…

Quang Dũng vẫn còn được làm việc trong cơ quan văn nghệ. Từ sau 1960 vẫn được đăng in sáng tác trên báo, được xuất bản sách. Sau khi tạp chí Văn nghệ sáp nhập với báo Văn học thành báo Văn nghệ thì ông chuyển về Nhà Xuất bản Văn học cho đến lúc nghỉ hưu.

Tuy nhiên ông vẫn bị phân biệt đối xử. Các tác phẩm thơ kháng chiến chống Pháp của ông không được phổ biến chính thức. Lên Tây tiến bị phê phán có tư tưởng tiểu tư sản. Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960 do Xuân Diệu chủ trì và viết lời nói đầu không có Quang Dũng cùng nhiều tác giả đã tham gia NVGP.

Ông phải dấu kín mình. Không thấy tâm trạng đau đớn của ông trước cảnh xa cách mẹ và các em bên kia giới tuyến. Thậm chí những người bạn thân như Ngô Quân Miện, Trần Lê Văn… cũng phải giấu kín một phần lý lịch cho ông.

Ông không được trọng dụng, chậm lên lương. Lúc về hưu mới được nâng mức cán sự 6. Mức lương ấy phải nuôi một gia đình đông con, đủ biết gia đình ông nghèo túng như thế nào. Bạn bè nhớ lại bản thân Quang Dũng người to lớn luôn luôn bị những cơn đói dày vò.

Con gái nhà thơ, Bùi Phương Hạ làm cô giáo thì ra trường không được vào biên chế, phải chấp nhận rời bỏ thủ đô xung phong vào khu kinh tế mới Hà Nội tại Nam Ban (Lâm Đồng) xa xôi đến ba năm mới được vào biên chế. Thương con còn trẻ, vất vả nơi “rừng thiêng, nước độc”, ông cũng lặn lội vào để chăm sóc cho con. Còn con trai cả nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh cũng phải phiêu bạt lên công tác tại Thái Nguyên.

Cuộc đời của ông lận đận cho đến ngày qua đời trong bệnh tật tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Lúc ấy những đồng nghiệp của ông tại báo Văn Nghệ, Nhà xuất bản Văn học đồng lòng đề nghị Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi đưa ông vào bệnh viện Việt - Xô để đủ phương tiện chạy chữa nhưng “cấp trên” không đồng ý.

Với mức lương cán sự 6 lễ tang của ông phải tổ chức tại trụ sở NXB Văn học. Trước khi nhắm mắt xuôi tay để về với thế giới bên kia, nhà thơ Quang Dũng đã có bài thơ đau đớn viết cho người vợ hiền trong đó có câu: "Người ơi ta nặng nghiệp phong trần".

Ở miền Nam, thơ Quang Dũng được xuất bản, ngâm thơ, phổ nhạc, lưu truyền rộng rãi và được rất nhiều người yêu thích. Giáo sư Hoàng Như Mai kể lại: “Sau giải phóng, tôi vào Sài Gòn giảng bài, có đọc sách báo cũ. Gặp anh giữa phố Hà Nội, tôi bô bô: Này ông Quang Dũng, Sài Gòn họ ca tụng ông ghê lắm, có đến mấy đặc san về ông. Anh vội xua tay nói khẽ: “Thôi xin ông, ông đừng nói với ai nhé”.

Ngay cả bạn bè thân thiết hay bạn đọc ngưỡng mộ, yêu thơ ông muốn xin bút tích của ông làm kỷ niệm thì ông đều cười trừ và dứt khoát từ chối.

Năm cuối đời 1988, khi thấy bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" của mình (được nhạc sỹ Phạm Đình Chương phổ nhạc) lần đầu tiên phát trên Paris by night, một video ca nhạc hải ngoại, cũng khiến nhà thơ lo lắng mất ăn mất ngủ mấy ngày liền.

Bài học rút ra từ một số phận.

Cuối cùng nhà thơ Quang Dũng cũng được Giải thưởng nhà nước về VHNT.

Số phận của Quang Dũng là bi tráng. Với đoạn đầu đời những vần thơ lãng mạn bậc nhất, kiêu hùng bậc nhất trong nửa đầu văn học kháng chiến và đoạn sau sống khép kín, chừng mực, chịu thua thiệt. Ông đã trả giá cho hoàn cảnh gia đình, thiên tư lãng mạn và tính trung thực, yêu chân lý của mình.

Trong các ý kiến đánh giá thơ Quang Dũng tôi thấy nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết rất xác đáng:

“Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ “Tây Tiến”, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”.

Quang Dũng mang một tạng cảm xúc độc đáo, rộ lên trong ba bốn năm những bài thơ đủ làm nên tên tuổi một tài năng. Nhưng lúc rộ lên lại không cộng hưởng được với thời cuộc. Con lắc tâm tư giảm dần biên độ. Cảm hứng hào hoa kỳ diệu ấy sau này vẫn lóe lên, chỉ đủ thành câu, thành đoạn mà chưa đủ thành bài… Ông thanh thản chấp nhận…Chỉ có điều sự thanh thản của con người hồn hậu và khiêm nhường ấy sẽ mãi mãi làm bạn đọc nôn nao, nuối tiếc…Tây Tiến là bài thơ có phẩm chất thẩm mỹ kỳ lạ nhất trong thơ thời Kháng chiến chín năm. Nó không cũ, sẽ không bao giờ cũ. Nhưng nó cũng không mở đường, dù là cho cái hay tương tự. Lý do gì, chất xúc tác gì tạo cho chất thơ, chất hồn ấy xuất hiện? Và lý do gì khiến nó không trở lại, không tái sinh, không nhân giống?

Điều còn lại sau khi khép cuốn sách này, với tôi, chình là câu hỏi ấy!

Hà Nội tháng 10-2021/ 3-2024


* Chân dung Quang Dũng, kí hoạ của Trần Nhương