Một buổi sáng đẹp trời, tôi đến xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình để thăm nhà văn Trần Văn Thước. Tôi cứ tưởng một nhà văn nổi tiếng chuyên viết về nông dân, nông thôn như ông sẽ sống trong ngôi nhà thoáng mát, có vườn cây, ao cá. Nhưng không, nhà văn Trần Văn Thước sống trong ngôi nhà nằm ngay sát đường làng, phía sau chỉ có một khoảng sân nho nhỏ.
Gian ngoài của ngôi nhà kê vỏn vẹn một chiếc giường, một cái tủ dài, bên trong xếp đầy hàng, bên trên cũng treo lủng lẳng thuốc lào, nấm, mộc nhĩ, thuốc lá, kẹo lạc... Thì ra ông vừa viết văn, vừa kiêm bán tạp hóa để nuôi ba đứa con ăn học. Tôi đặc biệt chú ý đến cái bàn viết có một không hai trên thế gian này của ông, đó là chiếc hòm gỗ nhỏ đặt trên chiếc tủ đựng hàng, và mỗi khi vắng khách, ông lại lấy tập giấy học sinh cùng cây bút ra để viết.
Hai chân ông bị thương tật, không tự đi lại, mỗi khi di chuyển, ông phải chống nạng, lê bước đến bàn viết. Các nhà văn hay viết ngồi, còn ông thì phải viết đứng, mà đứng cũng không vững, phải một tay chống nạng hoặc bám vào bàn, còn tay kia cầm bút, cho nên mỗi con chữ của ông chất chứa cả sự đau đớn về thể xác. Nhưng, đấy chính là thế giới tự do để ông thả hồn vào những trang viết.
Ông bảo cuộc đời ông có ba điểm tựa. Điểm tựa thứ nhất chính là bố mẹ đã sinh thành và nuôi ông khôn lớn; Điểm tựa thứ hai là vợ ông, cô thôn nữ ở xa tít xã An Khang, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang đã hy sinh tất cả cho cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông.
Năm 1979, ông đang làm việc ở nhà máy toa xe đường sắt Bắc Thái thì bị tai nạn, một thanh sắt nặng rơi ngang lưng khiến ông bị liệt. Năm 1985, sau 6 năm chữa trị hết Bệnh viện Đường sắt, Bệnh viện Việt Đức đến Trung tâm phục hồi chức năng Ba Vì không khỏi, ông và vợ con lếch thếch kéo nhau về quê. Không có ruộng, không có lương, bao khó khăn đổ lên đôi vai gầy của vợ. Bà tắm rửa, vệ sinh cho chồng hằng ngày; rồi làm thuê, buôn bán nuôi cả nhà.
Nếu nhà thơ Tú Xương, xưa từng viết về vợ: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng", thì nay nhà văn Trần Văn Thước cũng có thể viết về vợ ông: "Quanh năm bán tạp hóa ở chợ làng để nuôi đủ ba con với một chồng". Mãi sau này, vợ chồng ông mới được cấp 7 sào ruộng và trợ cấp thương tật nhưng vẫn phải giật gấu vá vai mới đủ sống, nuôi con ăn học.
Và, điểm tựa thứ ba của cuộc đời ông chính là văn chương. Từ chàng trai khỏe mạnh, tuổi 25 yêu đời phơi phới, nay đây mai đó bỗng trở thành người tàn tật, chỉ quanh quẩn trong vài mét vuông, ông như đang ở thiên đường rơi xuống địa ngục nhưng ông không gục ngã. Thể xác ông tựa vào bố mẹ, vào vợ để tồn tại, tinh thần ông tựa vào văn chương để sống và ông đã gượng dậy, cầm bút, đau đớn từng con chữ, nhọc nhằn từ trang viết.
Bước vào trang văn của ông, người ta có thể nhắm mắt lại cũng tưởng tượng ra cảnh người nông dân vác cuốc ra đồng, người chồng và con trâu đang cày ruộng, người vợ lom khom cấy lúa trên cánh đồng căm căm gió mùa Đông Bắc thổi hoặc dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hè khiến cua cũng phải ngoi lên bờ nhưng bàn chân của người nông dân vẫn phải cắm sâu xuống bùn. Hay, những người nông dân trong tháng ba ngày tám đói kém, họ đói ăn, phải vay lãi, phải phiêu bạt xứ người để kiếm sống nhưng đói cho sạch, rách cho thơm, vẫn san sẻ tình yêu thương, nghĩa tình làng xóm tắt lửa tối đèn có nhau trong truyện ngắn "Tháng ba thương mến" của ông.
Không chỉ viết những người nông dân chân lấm tay bùn mà nhà văn Trần Văn Thước còn viết về sự chuyển động của nông thôn từ thời bao cấp sang kinh tế thị trường, với những cái tốt, mặt xấu đan xen như phe phái, dòng họ trong bầu bán; sự quan liêu, tham nhũng của đám quan chức làng, xã mà điển hình có thể kể đến như truyện ngắn "Trạm xá làng".
Đây là một truyện ngắn hay, từng được giải thưởng của Báo Văn nghệ. Than ôi, cái mảnh đất trong trạm xá dùng để trồng thuốc Nam chữa bệnh cho dân cũng biến thành khu đất chuyên trồng rau thơm cho các quan chức xã đánh chén; vì đi xin rau thơm của dân nhiều quá thì dân biết cán bộ hay tụ tập ăn nhậu nên tốt nhất là trồng rau thơm ngay tại trạm xá, muốn ra vặt lúc nào cũng kín đáo.
Rồi khi xã thực hiện chủ trương của trên về kế hoạch hóa gia đình, đặt vòng tránh thai thì mấy chị nông dân yếm thế bị dân quân lùa từ ngoài đồng về, chân tay còn lấm lem bùn đất cũng đưa lên bàn đặt vòng cho đạt chỉ tiêu, đúng tiến độ. Còn vợ quan chức hay bọn có tiền, dù đã leo lên bàn rồi thì có "công văn" mồm hỏa tốc dừng lại ngay với lý do sức khỏe yếu, không thể đặt vòng, nhà toàn con gái, cần có thằng cu chống gậy; hoặc, có đặt vòng nhưng đặt chệch đi để vẫn mang thai được.
Trong văn chương, nhà văn Trần Văn Thước sắc sảo, mạnh mẽ, bản lĩnh nhưng trong cuộc sống đời thường ông lại là một người nông dân hiền lành, chất phác. Người ở làng hay bạn bè nhờ ông việc gì, ông rất nhiệt tình nhưng ông lại rất tránh gây phiền toái cho mọi người. Thấy ông nghèo quá, tôi đề nghị ông gom các truyện lại để tôi tìm nơi in, ông có sách và có nhuận bút trang trải phần nào cho cuộc sống, nhưng ông ngại làm phiền tôi. Tôi phải giục nhiều lần, bảo rằng in không mất tiền, ông mới chịu đưa bản thảo.
Tôi lại bảo ông có sách rồi làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam đi, nhưng ông có vẻ tự ti, mình chỉ là người viết văn ở làng, sao dám sánh với các bậc đàn anh trong cả nước. Giục mãi rồi ông cũng viết đơn, nhà văn Đức Hậu là người giới thiệu thứ nhất, còn người thứ hai, tôi mang đơn lên Hà Nội nhờ nhà văn Cao Tiến Lê giới thiệu. Đơn nộp được mấy tháng thì ông được kết nạp bởi Hội đồng Văn xuôi và Ban Chấp hành đều đã đọc, đã biết đến ông.
Văn chương ở làng đã mang đến cho nhà văn Trần Văn Thước niềm cảm hứng để sống, để viết nhưng cũng có lúc nó mang đến cho ông cả sóng gió. Bút ký "Xin hãy lắng nghe" của ông được Giải Nhì cuộc thi bút ký Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989 đã gây ầm ĩ ở làng, ông tố cáo một số quan chức ở địa phương sống tha hóa, vơ vét, hống hách với dân. Thế là, họ xúm lại tổ chức cả một cuộc họp ở hội trường có loa phát cho cả làng để lên án ông vu cáo, nói xấu cán bộ, nói xấu làng quê. Rất may, một số đảng viên lão thành và quần chúng tốt đã đứng lên bảo vệ ông, bảo vệ sự thật. Thế là cuộc họp lên án nhà văn tan rã.
Cái vụ bút ký này chìm đi thì lại nổi lên truyện ngắn "Họ Chu Đức làng Trình" xem ra còn căng hơn. Một đoàn người gồm các bô lão mang tờ báo in truyện của Trần Văn Thước và gia phả họ Chu sang tận nhà ông bảo rằng, dòng họ chúng tôi danh giá, trâm anh thế phiệt, sinh ra cả công chúa; con cháu toàn người đỗ đạt làm quan, làm cán bộ to, thế ra ông viết vậy là nói họ chúng tôi loạn luân à? Mặc dù nhà văn Trần Văn Thước nói rằng đây là truyện ngắn hư cấu nhưng họ vẫn tuyên bố sẽ kêu gọi con cháu trong cả nước về đây để nói chuyện với ông!
Thấy sự việc rất căng thẳng, nhà văn Đức Hậu - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình đã phải xuống tận nơi gặp gỡ, thuyết phục các bô lão và xác nhận bằng văn bản đây là truyện ngắn hư cấu, không có giá trị pháp lý. Còn sự trùng hợp tên họ Chu, tên làng Trình là ngẫu nhiên và Trần Văn Thước xin lỗi các cụ về sự trùng hợp này. Qua nhiều lần gặp gỡ, hòa giải, rồi chuyện cũng qua đi.
Cho đến nay, sau gần 50 năm cầm bút, ông đã cho ra đời 14 tác phẩm, gồm 2 tiểu thuyết và 12 tập truyện ngắn, cùng hàng chục bút ký. Ông được nhiều giải thưởng truyện ngắn, bút ký của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng văn học Lê Quý Đôn nhưng giải thưởng lớn nhất mà ông có được chính là những truyện ngắn in đậm hình ảnh người nông dân của ông không những được dân làng ông say mê đón đọc mà còn được độc giả cả nước yêu mến.