Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỬA LO GIÁ CHỢ, NỬA NGÂY VÌ TRỜI

Nguyễn Trường
Thứ hai ngày 29 tháng 1 năm 2024 2:52 PM


(Đọc Nguyễn Thị Hồng thơ tuyển, Nhà Xuất bản Phụ nữ 2022)

Chỉ một câu thơ “Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời” nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã khái quát được tâm trạng của văn nghệ sỹ thời bao cấp, khi nước ta bị cấm vận, lạm phát phi mã. Người ăn lương, với đồng tiền eo hẹp, phải chạy ăn từng bữa, hiểu điều này nhất là những người mẹ, người chị hàng ngày đi chợ, khi mà giá hàng hóa cứ lên vùn vụt. Trong cái khốn khó đó Nguyễn Thị Hồng vẫn thấy trời hôm nay đẹp quá: "Nắng hơi hơi nắng mây bồng bềnh mây" (Thu cảm). Làm thơ về mùa thu thì nhiều thi nhân đã làm rồi vì mùa thu xứ Bắc đẹp đến nao lòng. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ có thể thả hết tâm hồn vào thiên nhiên tuyệt đẹp của mùa thu để thấy: “Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe” (Thu ẩm - Nguyễn Khuyến). Nhưng cụ còn phong lưu chán “Độ dăm ba chén đã say nhè”. Còn nữ thi sỹ của thời đại chúng ta, cũng thấy mùa thu đẹp, nhưng còn canh cánh bên lòng vì “Nửa lo giá chợ”- Một khái quát về tình cảnh nhà thơ thời hiện đại làm cho người đọc: “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” (Nguyễn Khuyến). Nghe thương lắm mà thấy thi sỹ Nguyễn Thị Hồng lãng mạn, yêu thiên nhiên lắm!

Ta bắt gặp rất nhiều mùa thu trong thơ Nguyễn Thị Hồng. Trong tập, có bài “Gọi thu”, “Thu cảm”, “Thu”, “Thu vàng” và rải rác trong các bài khác có hình ảnh mùa thu. "Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng", điệp khúc này được Nguyễn Thị Hồng nhắc đi nhắc lại đến bốn lần trong bài “Gọi thu”, cũng bởi cái đẹp đã đi qua, làm người ta nhớ mãi. Nhà thơ tiếc nuối "bầu trời thì xanh", tiếc "lúa vàng dệt lụa giăng trên đồng làng", tác giả nhắn nhủ rất hình ảnh: "Anh về bến cũ vớt mùa thu lên".

Bài thơ “Thu” lại không tả cảnh mùa thu mà thiên về tâm trạng của thi nhân trước mùa thu, vẫn là mùa thu trong quá khứ đầy kỷ niệm: "Dẫn em về tuổi sim chín đồi xưa/ Tuổi đinh ninh sim tàn tình tím mãi/ Tuổi bất ngờ tình qua sim ở lại/ Mà suốt đời tiếc mãi một mùa sim". Tác giả giật mình trở về hiện tại: "Hà Nội giờ đã cuối mùa sen/ Cuối mùa cốm, chỉ còn hồng vẫn đỏ/ Mình em ngồi dưới gốc đa xưa cũ/ Cây vẫn chờ người, người trở lại chăng?" Tôi rất thích câu: "Cuối mùa cốm chỉ còn hồng vẫn đỏ", bởi tác giả tên Hồng, mà cũng là mùa quả hồng vẫn chín đỏ như là tình yêu cháy lên như ngày xưa ấy, còn chàng trai năm xưa có nhớ chăng, có trở lại với tình em chăng khi mà cây vẫn chờ, thật dễ thương và cũng thật tội nghiệp. Ta dễ hiểu khi Nguyễn Thị Hồng làm đến 3 bài thơ Với Exenhin của nước Nga xa xôi. Chị đồng cảm với nhà thơ Nga, bởi Exenhin yêu thiên nhiên, hay làm thơ về quê hương, tự nhận là nhà thơ của đồng quê: "Anh đã hát/ về tôi/ Tuổi thanh xuân/ đẹp tươi/ và mất mát". Nhà thơ ao ước: "Xin anh cho ánh trăng xuân/ Choàng anh xưa hãy một lần choàng tôi". Giờ cô gái rất hạnh phúc vì có người yêu "Bây giờ những cánh hoa tươi/ người yêu tôi rắc tóc tôi dịu dàng". Nhà thơ như cảm thấy: "Tri âm thấu nỗi tri âm/ Lời cầu linh nghiệm thế nhân đáp lời". Cũng bởi vì Exenhin từ giã cõi đời sớm quá, mới ba mươi tuổi đời, nhưng: "Thơ anh thấm đến tận cùng/ Sống không gì mới nhẹ lòng ra đi". Cũng còn vì nhà thơ Nga tâm hồn đẫm với thiên nhiên, với mối tình đầu thơ anh "Rung cảm dịu dàng cùng ai", chính xác là nhà thơ Việt Nam rung cảm cùng nhà thơ Nga của ngày xưa. Nguyễn Thị Hồng cũng có bài thơ “Nghe thơ Puskin” cùng có tâm trạng như thế, cũng gợi cho thi nhân nhớ về làng quê mình xưa, những kỷ niệm chợt hiện về dịu ngọt.

Đọc “Nguyễn Thị Hồng thơ tuyển”, dày đến hơn 300 trang mà không bỏ sách xuống được, bởi lòng dạt dào cảm xúc. Thơ chị không đao to búa lớn, không lên gân ca hát véo von, không ồn ào triết lý. Cứ nhỏ nhẹ đưa ta vào thế giới tươi non. Đó là tâm sự thầm thì của người thiếu nữ chớm yêu, nhìn thế giới này mới quá, đẹp quá. Thiên nhiên cũng đẹp mà lòng người cũng đẹp. Ta bắt gặp tâm hồn cô gái mười sáu tuổi, như vầng trăng chưa tròn: “Thời gian trôi thời gian như trở lại/ Đưa em về cánh đồng thời thơ dại/ Hương cỏ gà thơm ngái/ Tóc em bay xanh biếc trời quê/ Mắt ai nhìn vụng dại si mê”. Mắt ai nhìn vụng dại si mê, chắc là của một chàng trai quê mới lớn như tuổi cô gái: “Em mười sáu má hồng mắt biếc/ Để anh chết lặng một đời tim”. Nhưng thời con gái mới chớm yêu ấy đã qua rồi, người phụ nữ đang nhớ lại với nỗi nhớ thật êm đềm tươi đẹp: “Về đi em ao làng còn trong lắm/ Và đêm đêm vẫn trăng tắm mây bơi/ Và tình anh vẫn dịu dàng đằm thắm/ Gột cho em sạch hết bụi đời” (Làng).

Bài thơ “Lá cỏ” hơi thiên về trí tuệ, nhưng cũng rất trữ tình: “Em đã chứng kiến cuộc hẹn hò của ta/ Và đã theo ta về nhà/ Nhưng có lẽ/ Không biết đó là cuộc chia ly vĩnh biệt/ Nên em vẫn xanh non thắm thiết”. Mặc cho cuộc đời này trôi với bao buồn vui, sướng khổ của con người, thiên nhiên vẫn thế, vẫn vô tư xanh non thắm thiết. Nhưng ngày hôm sau thì lá cỏ đã úa tàn rồi, người không giữ làm gì lá cỏ ấy, nhưng lá cỏ đã từng chúng kiến cuộc chia ly trong mối tình của chị nên hình như nó cũng có tình, cũng có linh hồn làm nhà thơ day dứt. Bởi vì chính mối tình của chị đã úa tàn rồi, chỉ có lá cỏ trong tình yêu và nỗi nhớ vẫn mãi mãi tươi non thôi. Ôi, tận cùng tinh tế!

Bài thơ “Kỷ niệm” cũng tinh tế như thế. Ta thường nhớ những kỷ niệm lớn lao, thường là kỷ niệm ngất ngây hạnh phúc, có khi là nỗi đau mất mát quá lớn. Nguyễn Thị Hồng chắc cũng có những kỷ niệm ấn tượng, nhưng nhà thơ còn có những kỷ niệm thật lạ kỳ: "Không gian dịu mát/ Như một vành trăng non/ Và tiếng côn trùng tiếng côn trùng xao động/ sau mưa". Tiếng côn trùng sau mưa ấy trong quá khứ mới thành kỷ niệm, nhưng nó đâu có lớn lao gì, để ta phải: "Một ngày kia/ Khi chỉ còn là mô đất giữa đồng hoang/ Tôi cũng nguyện trên nấm mộ của mình/ ào ạt trận mưa rào đầu hạ/ Và sau đó là không gian yên ả/ Với tiếng côn trùng xao động dịu dàng/ Như thời tôi còn thiếu nữ trên trần gian". Thì ra thi sỹ nhớ về thời thiếu nữ. Dù cuộc sống có khó khăn, nó vẫn là thời đẹp nhất của người phụ nữ. Cái thời đó thật lãng mạn, nhưng tiếc thay nó đã vụt qua rồi: "Đã xa rồi tiếng côn trùng của tôi/ Cũng sau mưa một thời thiếu nữ/ Xao xuyến quá đến giờ tôi vẫn nhớ".

Bài “Đêm trăng Bác Cổ” dạt dào cảm xúc của cô gái đi với người yêu bên bờ sông tràn ngập ánh trăng, thiên nhiên đẹp và lòng cô gái xao xuyến hạnh phúc vô bờ, cô muốn ôm bầu trời, ánh trăng, dòng sông, và cả Hà Nội vào vòng tay con gái chắc và tròn của mình: "Rạo rực lòng em muốn được/ Ôm cả vào lòng/ Anh!". Bất ngờ khi tác giả kết thúc khổ thơ bằng một chữ: Anh! Vẻ như cả đất trời Hà Nội và anh, người cô yêu trong vòng tay mình. Ôi, tình yêu của cô gái dịu dàng mà mãnh liệt xiết bao!

Đáng nhớ nhất trong tập thơ tuyển là tình người, trước hết là với người tình thuở ban đầu: "Mai sau anh có gặp/ Một người nào yêu anh/ Trước khi cầm lấy tay nàng/ Ôm vào lòng hãy nhớ rằng anh ơi". Sau này cô gái ấy sẽ có người mới, chắc rằng cô gái sẽ không thể quên phút giây "Ôm vào lòng hãy nhớ rằng...". Câu thơ này ám ảnh tôi cả mấy chục năm rồi, mỗi khi tôi cầm tay một cô gái, câu thơ này lại vang ngân. Nó nhắc nhở chúng ta không thể vô tâm với người xưa một thời ta đã yêu đã lỡ "Để nàng lại một trời cô đơn...". Trong tập thơ còn có bài thơ viết về mẹ, về cha, về người chị, về quê hương... Mỗi bài là một kỷ niệm khó quên, tình người sâu đậm.

Bài thơ “Lời tượng nhà mồ” có sức ám ảnh kỳ lạ. Ở Tây Nguyên người dân tộc thường tạc tượng để bên nhà mồ. Nguyễn Thị Hồng trong một lần đi thực tế ở Gia Lai đã linh cảm được những bức tượng bên nhà mồ ấy nói gì, huyền ảo đến nổi da gà khi nhà thơ đã nhập hồn vào tượng nói lên những câu chữ rất tâm linh: "Ơ cái hồn! /Mình biết nhau mấy đời rồi/ Để kiếp này dù thoáng như giấc mộng/ Mình đã bỏ đi mà ta còn sống/ Nên ta hóa tượng bên mồ/ Trong bóng chiều trầm tư..." Có lẽ linh hồn người dưới mộ và người trên mộ có duyên mới gặp nhau, cái duyên đó là sự cô đơn. Nhà thơ thường cô đơn. Có người nói, thơ là nghệ thuật của sự cô đơn. Phạm Ngọc Luật, Nguyên Tổng biên tập Nhà Xuất bản Văn hóa- bạn của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã viết: “Bạn tôi luôn đứng vào số Top ten những người làm thơ hôm nay mà phẩm chất cô đơn (cô đơn xịn), là một nội lực quý giá và chính phẩm chất này làm nên dấu ấn khác biệt của thơ Hồng”. Vậy nên nhà thơ Nguyễn Thị Hồng mới có cơ hội nhập hồn vào bức tượng mà trò chuyện với linh hồn người dưới mồ. Đúng là “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” như nàng Kiều gặp Đạm Tiên: "Dưới ba tấc đất hồn mình đơn côi/ Trên ba tấc đất hồn ta đơn côi". Và nhà thơ đã dựng được Bức- tượng- thơ “Lời tượng nhà mồ”- Một trong những bài thơ hiếm hoi hay nhất về Tây Nguyên.

Có lẽ kiếp trước là người sống trên vùng cao nên Nguyễn Thị Hồng viết nhiều bài thơ có sức ám ảnh mang hồn người dân tộc. Ngay cả khi chị viết về một phụ nữ người dân tộc có chiến công chống giặc ngoại xâm, bài thơ cũng không đi vào ca ngợi, chỉ thấy cô gái bình dị: "Em nguyên sơ như đất/ Em nguyên sơ như cây/ Em nguyên sơ như nắng/ Như gió cao nguyên này". Chị viết về chiến công của cô gái cùng người dân Tây Nguyên rất hình ảnh: "Giặc đến đất rung chuyển/ Thành miệng núi lửa phun/ ... Giặc đến nắng và gió/ Là lũy thành lòng em". Để rồi kết thúc bài thơ: "Em tự quên chính mình/ Những phút thành dũng sĩ/ Như núi rừng tự quên/ Những phút thành chiến lũy".

Trong Thơ tuyển, còn có trường ca “Hồn khèn”, đã đoạt giải thưởng Liên hiệp VHNT Trung ương, cũng là trường ca viết về người dân tộc, thấm đẫm không gian văn hóa Hmông. Trường ca kể về mối tình của chàng trai cô gái người Hmông, chàng trai dùng khèn tỏ tình với cô gái, cô gái cũng thổ lộ tâm tình của mình trong tiếng khèn của chàng trai, họ đến với nhau bằng tình yêu vững như núi cao của quê hương họ. Nhưng cha mẹ cô gái ham vàng bạc đã gả cô cho người đàn ông khác. Tình duyên của họ bị đổ vỡ, cô gái về làm dâu nhà người rồi chết vì mỏi mòn kiệt sức. Trường ca hay vì khai thác được yếu tố dân gian của dân tộc Hmông, trong đó có rất nhiều câu thơ bám vào dân ca của người Hmông. Tác giả tỏ ra am hiểu nhạc cụ và âm điệu của cây khèn để có dư địa thể hiện những cung bậc của tâm trạng nhân vật rất đặc sắc, đầy hình ảnh: "Bờ xanh em không được nối bờ anh/ đã tan thành dòng sông nước mắt.../Ngày lại tiếp đêm/ vù qua như chim sẻ/ một mùa đã đầy trước cửa/ một mùa đã đầy trước thềm...Nỗi đau dày như cây/ lấp lối/ Anh biết đi ngả nào...Đã đành kiếp sống phù du/ Vẫn mơ có kiếp đền bù cho nhau..."

Nguyễn Thị Hồng làm thơ không nhiều, rất ít bài về thế sự, thơ chị bình dị như đất, như gió cao nguyên bởi tâm hồn rất nhạy cảm, nhất là trước thiên nhiên, trước tình người. Chính sự thủ thỉ, hướng vào lòng mình làm thơ chị lại dễ đi vào lòng người.

Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.