Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!
Mạn bàn về kiệt tác truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, với bài viết này tôi xin bàn về một chữ “chừa” trong việc đánh đàn ở hai trường đoạn buồn đau nhất và hoan hỉ nhất của cuộc đời Thúy Kiều, một nhân vật mỹ nữ có tài năng đặc biệt. Chừa cái TÀI nghệ đánh đàn, và chừa cái TÌNH trinh bạch tiết hạnh của tấm thân nhi nữ. Qua đây thêm thấy tài nghệ sử dụng chữ nghĩa tuyệt diệu mà người thi sỹ có thể đạt tới được khi miêu tả, chia sẻ với niềm bi thương thân phận một con người phải chịu đựng trong cõi thế này.
1. Chừa TÀI
Nàng Kiều là một mẫu người có đủ các phẩm hạnh quý báu mà người thế gian hiếm có được, đó là các hạnh: tài – tình, tài – sắc, và vì vậy cuộc đời nàng nhận cả lẽ chữ tài – mệnh tương đố. Kiều được miêu tả là người có tài năng đặc biệt về cầm kỳ thi họa . Tài đánh đàn “Cầm”, thì: “Cung thương làu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương”, thực tài Kiều không chỉ có tài nghệ chơi đàn, mà nàng còn có tài sáng tác: “Khúc nhà tay lựa nên chương/ Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân”, “Thưa rằng: Bạc mệnh khúc này/ Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ…”; tài làm thơ thể hiện với Kim Trọng, thì: “Kiều vâng lĩnh ý đề bài/ Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm/ Xem thơ nức nở khen thầm:/ Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường/ Ví đem vào tập Đoạn Trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”; với Hoạn Thư: “Tài này đáng giá thịnh Đường / Thì trao giải nhất chi nhường cho ai”; tài chơi cờ “kỳ” là thú chơi thường gặp của cánh mày râu nhưng với bậc kiều nữ này cờ cũng là một thú chơi, một đối thủ xứng tầm: “Khi hương sớm, khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”, và: “Khi chén rượu, lúc cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”; chữ tài - sắc, thì: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”; còn lẽ tài – mệnh, chính nó đã tạo nghiệp cảnh bi thương suốt 15 năm đời nàng. Rõ ràng chữ “tài” nàng Kiều có là đa dạng và ở trình độ cao, vì thế chăng cuộc sống nàng phải chịu nhiều tai họa đến cỡ: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”!
Điểm qua những lẽ chữ Tài của Kiều để nói riêng về cái tài đánh đàn đến mức phải “cuốn dây xin chừa”, bởi đó là thứ tiếng đàn không chỉ đem lại tai họa cho mình, mà còn gieo khổ lụy cho người yêu nó. Một trong hai chữ Chừa vì thế thi hào gieo bút.
Trong 15 năm chìm nổi bi thương, tiếp xúc với bao hạng người từ nho sinh, nhà buôn, bậc anh hùng, quan trọng thần, cùng phường buôn phấn bán hương với khách làng chơi và ở đâu, với ai thường cái tài nghệ gẩy đàn đều được đem ra làm một ngón nghề riêng chiều đãi khách. Cũng chính từ cái Tài đó mà cái Tình ái ố hỉ nộ trong các cung bậc cảm xúc, qua các trường đoạn biến đổi số phận con người nàng nhiều phen được thi triển. Kể ra thấy 4 lần nàng gẩy đàn, thì hai lần gẩy cho chàng Kim nghe. Với tình sử Kiều thì cuộc tình với Từ Hải phải là mối lương duyên ân nghĩa lớn, dù vậy trong suốt câu chuyện trải 5 năm, với ngót 400 câu thơ tịnh chưa thấy nàng đàn cho Từ nghe lần nào. Cho hay tình Kim – Kiều mới thực là mối tình đôi lứa xứng đôi được nàng nâng niu tha thiết nhất! Lần đầu Kiều đàn cho Kim nghe khúc đàn vừa tha thiết lại vừa thống thiết. Nó như một tiên cảm về số phận cuộc tình: “So dần dây vũ dây văn/ Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương/ Khúc đâu Hán Sở chiến trường/ Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau…”, khiến cho người nghe đàn cảm động: “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/ Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu/ Khi tựa gối khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc khi chau đôi mày…”, để ngày gặp lại, khi đàn khúc đoàn viên mới tỏ thấu nỗi niềm kẻ đệ nhất hồ cầm đã phổ trong từng khúc nhạc trước sau đó.
Lần đàn thứ hai cho tình nhân Thúc Sinh nghe, do ý của Hoạn Thư sai khiến: “Nàng đà tán hoán tê mê/ Vâng lời ra trước bình the vặn đàn/ Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/ Cùng chung một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”. Thật là trớ trêu, ai oán!
Lần đàn thứ ba, sau cái chết chồng mà Kiều vẫn buộc phải đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe: “Bắt nàng thị yến dưới màn/ Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu/ Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay/ Ve ngâm vượn hót nào tày…” Khúc nhạc đau đớn đến nỗi chính viên quan “mặt sắt” cũng phải rơi châu: “Lọt tai/ Hồ cũng nhăn mày rơi châu/ Hỏi rằng: Này khúc ở đâu?/ Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay…”.
Và lần cuối cùng trong buổi tái hồi, chàng Kim tỏ rõ mối lòng không nguôi quên được tiếng đàn nàng: “Tình xưa lai láng khôn hàn/ Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa”, và: “Nàng rằng: Vì mấy đường tơ/ Lầm người cho đến bây giờ mới thôi/ Ăn năn thì sự đã rồi/ Nể lòng người cũ vâng lời một phen”. Khúc đoàn viên, vẫn tay đàn ấy mà xưa/nay đã thành ra khác xa nhau: “Phím đàn dìu dặt tay tiên/ Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa/ Khúc đâu đầm ấm dương hòa/…”
Chữ Tài, “Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương” qua bốn trường đoạn ái, ố, nộ và hỉ đã được diễn cảm cho hay tài năng sáng tác và biểu diễn của nàng Kiều là rất chinh phục, có sức gây thương nhớ khôn nguôi cho người từng được nghe đàn. Còn chữ Tình, chính tự đây dẫn đến chữ Chừa không chỉ chừa Tài mà còn phải chừa cả Tình, thì sao ?
***
Con người sinh ra và tạo lập cuộc sống nên cao quý trong cõi hồng trần này, thì lẽ sinh hóa của nó không gì ngoài hai chữ TÌNH và TÀI. Tình thuộc về phẩm hạnh, bản chất, Tài thuộc về phẩm tính, hành động sáng tạo riêng biệt chỉ loài người mới có. Trong truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã thể hiện chữ TÌNH con người – nhân vật Thúy Kiều ra sao trong suốt 15 năm bi thương cuộc đời nàng?
2. Chừa TÌNH
Những cuộc tình cao đẹp thủy trung, và tình “túc trái tiền oan” đầy đau đớn khổ nhục mà Thúy Kiều từng trải, trước hết phải kể Tình đồng cảm sâu sắc Kiều thể hiện khi gặp nấm “mồ vô chủ”: “Lòng đâu sẵn mối thương tâm/ Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa/ Đau đớn thay phận đàn bà!/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung…” trong ngày tiết Thanh minh cùng chị em đi “Lễ là tảo mộ, hội là đạp Thanh”. Đây là tình đồng loại nên nó xa rộng, khiến cho lòng cứ gặp cảnh người xấu số, trái ngang là đồng cảm. Và như trong mộng triệu tiền duyên lần gặp gỡ này đến mang tin dự báo cho 15 năm lưu lạc đời nàng về sau.
Chữ Tình kế đó với người “Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh” để nên duyên tình đôi lứa sắt son, tha thiết và sầu thương bậc nhất mà một phận tình phải trải qua, đạt tới làm một biên niên tình sử loài người. Và bởi thế, về góc độ xây dựng nhân vật, vấn đề trở thành một biểu tượng lớn của tình yêu đôi lứa, nhà tiểu thuyết Nguyễn Du đã thành công xuất sắc qua việc tạo nên những câu thơ vấn đáp tuyệt diễm cho câu chuyện tình yêu, như: “Từ phen đá biết tuổi vàng/ Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ”, và cách mượn hình ảnh: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song/ Tóc tơ căn vặn tấc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, cùng với cách giới thiệu về đạo lý, đạo học của nhân vật: “Đã cho vào bậc bố kinh/ Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu…” Nghĩa là cuộc tình của một đôi lứa tuy tuổi còn rất trẻ “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, nàng Kiều lúc này mới ở độ tuổi mười bốn mười năm, chàng nho sinh Kim Trọng tuổi chắc nhiều hơn Kiều không là bao, nhưng họ đều thuộc hạng “Người quốc sắc, kẻ thiên tài” có học thức, đạo lý sâu xa, nên có niềm tin “Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung”, chứ đâu phải cái tình “Ra tuồng trên Bộc trong dâu” tầm thường. Cho dù vàng đá keo sơn là vậy, song khi gặp cơn biến động ba đào với chữ Tình mang đạo lý lớn lao xảy đến và nó đã xô dạt Tình lứa đôi, buộc lẽ tình này phải chịu hi sinh: “Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn/ Đệ lời thể hải minh sơn/ Làm con trước phải đền ơn sinh thành”, Kiều đã chấp nhận “bán mình chuộc cha”. Có núi cao, biển lớn chứng giám không chữ tình nào sâu nặng bằng Tình nghĩa đức sinh thành . Song, cho dù Kiều đã chấp nhận hi sinh tình đôi lứa để gánh lẽ tình lớn lao cao trọng của đạo làm con, một biểu hiện cao quý nhất cho phẩm hạnh, phẩm tính con người, dù vậy không thể nói sự “trâm gẫy bình tan” tình yêu đôi lứa không gây xót thương da diết lâu dài trong lòng nàng, cũng bởi thế thêm thấm thía nỗi kinh sợ nhất sau đó đã xảy đến với con người khi đứng trước kẻ buôn phấn bán hương mà thốt lên chữ Chừa:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!
Làm người đã không thể giữ nổi lòng trinh trắng, thủy trung, phải xin Chừa bỏ nó đi, thì hỡi ôi, còn đâu chỗ cho phần tốt đẹp con người cư ngụ?! Chưa xong, định mệnh còn bồi thêm đòn sâu tối hơn nữa, Kiều đã phải chấp chịu “Thanh lâu hai bận, thanh y hai lần!”. Và chính bởi thế chăng, do cuộc đời phải chịu đau đớn tận cùng “Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!”, sự thực kiếp phong trần dằng dặc đau thương đời Kiều đã phải nếm trải nhiều lần sỉ nhục, tủi hận, dẫn cái tâm tính nàng đến lúc “Chạm xương chép dạ xiết chi/ Dễ đem gan óc đền nghì trời mây” nàng đã cậy vào uy linh Từ Hải mà làm cuộc báo ân báo oán kinh thiên động địa. Báo ân, thì “nghĩa trọng nghìn non”: “Mà lòng Phiếu Mẫu mấy vàng cho cân”; báo oán, thì tang thương, tàn bạo: “Máu rơi thịt nát tan tành/ Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời”.
Nhắc đến chữ Tình chung với người anh hùng Từ Hải, rồi dựa thế chồng báo ân báo oán, cũng từ đây một chữ tình lớn lao khác đã đến trong hành trình số phận Kiều, và chỉ có vậy cái chữ tình trong con người nàng mang mới hội tụ đầy đủ và được xuất xử xứng tầm vóc kẻ Quốc sắc thiên hương, đó là Tình yêu nước thương nòi: “Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu hai là đắc trung” và: “Ngẫm từ khởi việc binh đao/ Đống xương vô định đã cao bằng đầu…”. Như đã chứng giám, điều nàng xui nên khiến cho người “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” đã phải chịu “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, chết đứng giữa trận tiền, là một tội lỗi lớn, song nhờ có đạo lý “Hại một người cứu muôn người”, vì cảnh tình dân nước thanh bình mà nàng được chiêu tuyết!
*
Nàng rằng: Ví chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa.
Trong 3254 câu thơ, chữ Chừa thi hào chỉ hạ bút có hai lần nhưng sức nặng nghìn non nó gieo thật rất mực bi mẫn và sâu sắc vô cùng . Lần trước Kiều phải xin với Tú Bà – kẻ bán buôn trên thân xác người mà Chừa cái tình trinh trắng, phẩm hạnh cao quý con người nhi nữ. Lần sau cuối này nàng “xin chừa” cái Tài “Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương”. Trải bao giông tố bi thương cuộc đời mình nàng nhận ra nửa phần vì cái sắc, nửa phần vì cái tài Hồ cầm đã để lầm người, hại người.
Thiết tưởng, “Trăm năm trong cõi người ta” có hai chữ, hai thứ giá trị lớn nhất, quý nhất là TÌNH và TÀI: bằng nọ cấp kia, ngôi cao chức trọng, sân ngọc bội, phường kim môn…đều từ cái TÀI mà ra; Điều thiêng lẽ quý, thiện lương hay ác quỷ…đều do cái TÌNH mà có. Thương sao! Kiều, bậc quốc sắc, đấng tài hoa đành phải cắn răng từ bỏ đi cả hai thứ cao quý bậc nhất của con người mình!
Nguyễn Du khi hạ chữ Chừa, chừa Tài và chừa Tình chắc hẳn không chỉ riêng cho số phận nhân vật Thúy Kiều, mà đây phải là sự suy nghiệm đúc kết về lẽ thế gian của muôn đời mà người thiên tài thấu tỏ. Ở đó đây khắp Đông Tây, trong mọi thời con người ta không ít người cũng từng phải Chừa quên đi cái tài, cái tình riêng của mình. Người Chừa để ẩn thân chờ thời, mẫu người Hàn Tín, thời Hán, Trung Quốc; kẻ Chừa để cầu vinh thân phì gia; người Chừa cốt được an thân, lại có người cầu an vẫn không được, như phận nàng Kiều. Xét thấu đáo, rộng khắp vậy mới thấy năng lực soi chiếu và thể hiện khi xây dựng nhân vật qua từng câu từng chữ của bút lực thiên tài. Chữ Chừa trong cảnh phận nhân vật Thúy Kiều buông gieo làm một vết thương nhân tính sâu sắc, sâu thẳm mà con người mọi thời ở thế gian này phải cùng chung chịu! Thật nhiều chia sẻ và thương cảm, đau đớn xiết bao!
*
Tôi viết bài này, xuất phát từ câu chuyện với bác sỹ Hoàng Năng Trọng kể, hồi nhà thơ Trần Lê Văn còn sống, có lần cụ đã tâm sự với bác sỹ về chữ Chừa trong truyện Kiều và nhà thơ tỏ ý muốn viết một bài về chữ này. Có lẽ nhà thơ chưa kịp thực hiện ý định, tìm trong Google cũng không có bài nào, xét thấy ý nghĩa của chữ Chừa trong Kiều được thi hào gieo là rất đắc địa nên tôi xin tiếp ý cố nhà thơ mà viết bài luận này. Xin cảm ơn bác sỹ Hoàng Năng Trọng, và kính cẩn tri ân hương linh nhà thơ Trần Lê Văn!
TP Thái Bình, ngày cuối tháng Một/năm Qúy Mão
ĐTK