Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẢN MẠN RỒNG

Ngọc Dương
Thứ sáu ngày 9 tháng 2 năm 2024 7:18 PM
“Trong 12 con giáp thì có 11 con là những động vật có thật trong thiên nhiên như chuột, trâu, hổ, mèo... Duy chỉ có con rồng là sản phẩm của tư duy con người. Nó xuất hiện như một linh vật trong các Thần thoại cả ở phương Đông và phương Tây. Vì thế, tùy theo mỗi nền văn hóa, con rồng được mô phỏng khác nhau.
Nếu ở phương Tây, rồng được khắc họa như một loài khủng long cổ đại, biểu trưng cho cái ác, thì ở phương Đông hình ảnh con rồng là một linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng phương Đông là biểu tượng quyền lực tối thượng của mỗi quốc gia, mỗi triều đại, là biểu tượng của vua chúa, ngai vàng. Không gian vua chúa tiếp kiến quần thần gọi là “sân rồng”; ghế ngồi của vua là “bệ rồng”; trang phục của vua là “long bào”; xe giá của vua là “long xa”; giường nằm của vua là “long sàng”; thậm chí đến khuôn mặt vua cũng gọi là “long nhan”…
Bởi rồng là biểu tượng cao siêu như thế nên nó chỉ thoắt ẩn, thoắt hiện ở trên mây, nơi cao xanh mà người phàm không bao giờ nhìn thấy. Người ta thường biết đến con rồng là những hình tượng được đắp, vẽ trên các công trình thờ tự theo kiến trúc cổ phương Đông.
Từ xưa, những gì được coi là cao siêu, thiêng liêng thì đều mờ ảo, xa vời. Càng cao lại càng xa, nơi phàm tục đời thường khó mà với tới! Ở chế độ phong kiến, xã hội phân chia đẳng cấp rất chặt chẽ, giữa “thượng đẳng” và “hạ đẳng” bao giờ cũng cần có khoảng cách. Những Hoàng đế Trung Hoa khi thiết triều đội mũ bình thiên, có cái rèm rủ xuống che mặt, quần thần không mấy ai được nhìn rõ long nhan… Càng quyền lực thì càng phải che giấu bộ mặt thật.
Ở Trung Quốc và Việt Nam, con rồng được xếp hàng đầu trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng (rồng, kỳ lân, rùa và phượng hoàng). “Tứ linh” mang hàm ý bốn phương, tức mô phỏng một cộng đồng xã hội. Ở đây là xã hội phong kiến, phân chia đẳng cấp, đúng ra xếp thứ tự thì phải là Long, Ly, Phụng, Quy.
Nếu như Rồng đứng đầu, thuộc đẳng cấp tối thượng, là biểu tượng của hoàng đế, vua chúa thì Kỳ lân, Phượng Hoàng là biểu tượng của tầng lớp trung gian – quan lại. Cả ba con vật “cao sang” ấy đều là huyền thoại, không có thật. Đó là bộ máy cai trị - “vua quan nhất thời”.
Nhưng con Rùa lại có thật. Nó là biểu tượng của tầng lớp “dân vạn đại”. Rùa lầm lũi, chậm chạp, thấp hèn, động một cái là vội rụt cổ vào, rúc trong cái mai vững chắc. Ca dao Việt có câu: “Thương thay thân phận con rùa / lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia”. Nhưng riêng con rùa Việt được tôn vinh là “thần kim quy” (rùa vàng) – gắn với hai sự tích lịch sử: NỎ THẦN thời Hùng Vương và THANH GƯƠM Hồ Hoàn Kiếm. Đó là những câu chuyện khẳng định vai trò của Nhân dân trong các cuộc chiến tranh vệ quốc?”