Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN CHƯƠNG MÙA COVID 2021

Bùi Công Thuấn
Thứ sáu ngày 31 tháng 12 năm 2021 2:28 PM


(Điểm tin)

Bùi Công Thuấn

NHỮNG DẤU HIỆU CỦA ĐỔI MỚI

Hội nghị toàn thể lần thứ hai của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X ngày 04 và 05/01/2021 [1] đã đề ra chương trình hoạt động của cả nhiệm kỳ 2020-2025 như sau:

Bám sát nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác; kết nạp hội viên, nghiên cứu, lý luận phê bình, đẩy mạnh quảng bá tác phẩm; xây dựng Hội vững mạnh toàn diện theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới phương thức hoạt động các Chi hội Nhà văn Việt Nam và các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác của Hội. Tiến hành cải cách toàn diện báo Văn Nghệ; tổ chức thêm giải thưởng văn học trẻ và văn học thiếu nhi, tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vào Quý III năm 2021

Hội Nhà văn Việt Nam có 4 Hội đồng chuyên môn và 2 Ban công tác. Mỗi Hội đồng chuyên môn có 9 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm.

Hầu hết các thành viên Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác là những nhà văn trẻ (tuổi trung niên), một số người đã thành danh, song về tài năng, có người chưa phải là khuôn mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại, tôi nghĩ sẽ khó thuyết phục công chúng khi họ tham gia vào việc đánh giá văn học. Dù vậy, chúng ta tin tưởng vào người trẻ. Hy vọng họ sẽ đem đến sự năng động và những giá trị mới cho các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, và nhất là tránh được những vết xe tai tiếng của những người đi trước (đặc biệt trong việc xét kết nạp hội viên mới, và xét giải thưởng của Hội Nhà văn).

Ban Chấp hành Hội chủ trương “tinh gọn và chuyên nghiệp”, nhưng xem ra các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác vẫn là một bộ máy hành chính cồng kềnh (lên đến 54 người).

Cho đến cuối năm 2021, do tình hình dịch Covid còn nhiều nguy cơ, Hội đã hoãn việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, hoãn Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Các Hội đồng chuyên môn cũng phải họp trực tuyến. Cuối tháng 12/2021, tôi chưa thấy BCH Hội công bố kết quả kết nạp hội viên 2021 và công bố Giải thưởng của HNV 2021.

Tại lễ ra mắt trang thông tin điện tử vanvn.vn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 18-3-21 ở Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết ông dự định tổ chức nhiều giải thưởng văn học bằng nguồn xã hội hóa, trong đó đặc biệt săn sóc tới cuộc thi dành cho các cây viết trẻ và cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Ông cũng mong muốn người trẻ ý thức hơn về sáng tạo của mình, đào sâu về nghệ thuật, đào sâu sứ mệnh của mình với xã hội, phản biện xã hội, lên tiếng cho sự thật, lẽ công bằng, để văn nghệ trở lên sống động hơn, tạo ra nhịp điệu khác trong sinh hoạt của các nhà văn, nhà thơ. Nhà thơ Phan Hoàng – người được giao phụ trách trang thông tin này – cho biết, trang thông tin này sẽ tổ chức cuộc thi văn học Nam Bộ, và sau đó là cuộc thi văn học Tây Nguyên bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.[2]

Những ý tưởng, những sáng kiến của lãnh đạo Hội chứa đựng nhiều điều mới mẻ và tâm huyết, song “mong muốn người trẻ lên tiếng cho sự thật, lẽ công bằng để văn nghệ trở nên sống động, tạo ra nhịp điệu khác…” tôi e rằng chỉ là mơ ước. Ngày xưa, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp đã phải trầy trật thế nào khi muốn “lên tiếng cho sự thật và lẽ công bằng” (tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của Nguyên Xuân Khánh phải 35 năm mới xuất bản được).

Tất cả những kế hoạch của Hội mới chỉ là dự định của năm 2021. Mong những kế hoạch ấy thành hiện thực trong những năm sắp tới. Riêng việc đổi mới tờ Văn nghệ và tạp chí Nhà văn & Đời sống cũng mới chỉ là những bước khởi đầu, nhưng xem ra, tính chất phong trào vẫn lấn át tính chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, muốn nâng chất lượng, tờ Văn nghệ và trang web vanvn.vn cuả Hội Nhà văn Việt Nam chỉ nên đăng những bài có phẩm chất văn chương học thuật. Những bài văn chương phong trào (viết cho phong trào, thiếu phẩm cha612t văn chương học thuật) nên để cho tác giả đăng ở chỗ khác, tạp chí của Hội VHNT địa phương chẳng hạn (tôi không có ý nói tạp chí VHNT địa phương không có bài giá trị).

Một trong những “đổi mới” của vanvn.vn mà tôi nhận thấy là sự giới thiệu nhiều tác giả trẻ khắp miền đất nước, đồng thời nhắc đến những tác giả miền Nam trước 1975 như Du Tử Lê Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Phạm Công Thiện…và những tác giả từng gây tranh cãi trong một thời gian dài như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí. Đó cũng là phải lẽ, bởi đã hòa bình thống nhất gần 50 năm rồi, chúng ta đã có đủ thời gian để suy nghĩ về văn chương dân tộc. Những gì thuộc về dân tộc và nhân loại thì sẽ còn mãi. Văn học miền Nam trước 1975 cũng là một bộ phận của văn học dân tộc, cần phải được khám phá, tôn trọng và giữ gìn để làm giàu có tài sản chung. Trong tầm nhìn dân tộc, nào ai phân biệt văn học Đàng Ngoài hay văn học Đàng Trong thời Trịnh-Nguyễn bao giờ. Vì thế, trả lại giá trị đích thực cho Phạm Quỳnh hay khẳng định những đóng góp của văn học miền Nam trước 1975 là một việc cần phải được nghiên cứu sâu rộng hơn. Điều này PGS-TS Trần Hoài Anh và một số nhà nghiên cứu đã làm.

Các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác đã kiện toàn, song tình hình văn học năm 2021 vẫn im ắng. Không có tác phẩm văn học nào tạo nên một hiện tượng mới thu hút sự quan tâm của xã hội, liệu BCH Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội đồng chuyên môn, các Ban công tác làm gì để “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác”?

Sáng tác văn học nghệ thuật không phải là sản xuất hàng hóa vật chất, hễ cứ đông người, cứ có kế hoạch là có tác phẩm chất lượng! Tài năng là thiên phú. Và thiên tài tự tìm lấy lối đi dưới chân mình, không ai dạy dỗ họ được. Làm văn học theo kế hoạch, phục vụ nhiệm vụ chính trị trực tiếp thì chỉ có “văn học phong trào” mà thôi. Điều này đã được minh chứng qua nhiều thập kỷ rồi. Đã có bao nhiêu trại sáng tác từ trung ương đến địa phương, đã có bao nhiêu chủ đề sáng tác định hướng cho nhà văn, có cả những tọa đàm “dạy dỗ” nhà văn, và đã có rất nhiều tác phẩm từ các trại sáng tác này, nhưng cho đến nay văn chương Việt Nam chưa thấy bóng dáng của những tác phẩm lớn. Văn chương phong trào chỉ phục vụ phong trào.

Riêng về việc phát hành tờ Văn nghệ và tạp chí Nhà văn & Đời sống cho đến cuối năm 2021 vẫn trục trặc. Ngày 24/12/21, trên FB, nhà văn Khôi Vũ đã phải có THƯ NGỎ GỬI BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM về việc này. Bản thân tôi đến nay cũng chỉ nhận được số 1 tạp chí Nhà văn & Đời sống, các số khác chưa nhận được. Báo Văn nghệ cũng lác đác vài số. Không biết bộ phận phát hành báo có cải thiện được việc phát hành trong năm 2022 hay không?

Ngày 22/12/2021 Chủ tịch HNV thông báo đến hội viên rằng: Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa 10 đã quyết định sử dụng một phần kinh phí (trước kia dùng để mua Tạp chí Thơ và Tạp chí Hồn Việt, nay hai tạp chí này đã đình bản) để mua ấn phẩm Viết & Đọc cho hội viên, bắt đầu từ số chuyên đề mùa đông 2021. Hình như có sự “lấn cấn” nào đó trong việc này. Bởi Tạp chí Thơ và Hồn Việt là tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam, còn tạp chí Viết & Đọc không phải là tạp chí của HNV. Liệu tất cả hội viên HNV có thích đọc Viết & Đọc không? Tôi nghĩ rằng ai thích đọc thì mua. Ban Chấp hành Hội nên để tiền mua Viết & Đọc đầu tư cho việc khác có lẽ tốt hơn (nhẩm tính, 1 số là 180.000đ x 4 số/năm x 1000 hội viên = 720 triệu đồng /một năm).

Ở CÁC HỘI NHÀ VĂN ĐỊA PHƯƠNG

Xin ghi nhận (một cách phiến diện) những sinh hoạt tôi quan sát được ở Hội VHNT địa phương.

Hội nhà văn Tp Hồ Chí Minh có các hoạt động khá sôi nổi. Sau ba lần tạm hoãn, ngày14/1/221 Đại hội Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ VIII (2020-2025) đã bầu ra được Ban chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 11 thành viên trong Ban chấp hành. Chủ tịch là nhà văn Bích Ngân. 3 Hội đồng chuyên môn gồm: Thơ, Văn xuôi và Lý luận Phê Bình, mỗi hội đồng có 5 nhà văn.

Ngoài ra còn có 7 ban công tác gồm: Ban kiểm tra (5 người) Ban Tổ chức hội viên (7 người), Ban Sáng tác văn học (6 người), Ban Văn học thiếu nhi (7 người), Ban Nhà văn trẻ (8 người), Ban Nhà văn nữ (6 người) Ban Công tác CLB Văn học (7 người) và Ban Truyền thông (3 người).

Như vậy kể cả Ban Chấp hành, các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác, Hội Nhà văn Tp HCM có 75 người để làm việc phục vụ cho 466 hội viên (Trong khi nhân sự Ban Chấp hành HNV Việt Nam có 65 người phục vụ cho hơn 1000 hội viên).

Tôi cho rằng bộ máy càng cồng kềnh thì hiệu quả vận hành càng kém. Bằng chứng là ngày 05.05.2021 Hội Nhà văn Tp HCM đã quyết định ngưng hoạt động của các Chi hội vì sau 3 năm triển khai không hiệu quả.

Đáng ghi nhận là, trong Mùa Côvid 2021, Hội Nhà văn Tp HCM đã tổ chức cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương nam”. Sau 45 ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.500 bài thơ của gần 700 tác giả dự thi. 60 bài thơ vào vòng chung kết và 20 bài thơ hay đã được in thành một tập thơ phát hành vào dịp Tổng kết và trao giải cuộc thi thơ. Quả là lực lượng văn chương phong trào ở Tp HCM rất mạnh.

Hội Nhà văn TP HCM cũng xét kết nạp 16 hội viên mới và công bố giải thưởng năm 2021. Giải cống hiến là nhà văn Lê Văn Nghĩa và nhà thơ Đoàn Vị Thượng. Các giải khác gồm: tiểu thuyết Nghiệp chướng của Lưu Vĩ Lân, tập thơ Ở đậu trong nhau của Khét (Trần Đức Tín). Tặng thưởng cho: Sóng đồng và cây núi (tập tiểu luận và phê bình của Lê Quang Trang); Chiều bình yên (tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Mộc); Sự đành hanh của số phận (tập truyện ngắn của Hoàng Phương Nhâm); Hai phía một đời sông (tập thơ của Nguyễn Vĩnh Bảo). Sau kết nạp hội viên mới và trao giải văn học năm 2021, mọi việc đã qua đi lặng lẽ.

Hội Nhà văn Hà Nội có 731 hội viên. Nhiệm kỳ mới hướng tới mục tiêu trở thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp, tập hợp, đoàn kết tài năng. Hội sẽ đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng giải thưởng, tổ chức các cuộc thi văn học về đề tài Hà Nội, lập Quỹ sáng tác Hà Nội, thành lập Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Hà Nội...

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2021 trao cho tập thơ Lục bát mỗi ngày của nhà thơ Đặng Vương Hưng (Nhà xuất bản Văn học, 2021) và tập sách lý luận phê bình Đa mang một cõi lòng không yên định của tác giả Chu Văn Sơn. Tặng thưởng “Thành tựu văn học trọn đời” tôn vinh nhà văn Vũ Bão.

Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh là hai thành phố tập trung nhiều nhân tài văn nghệ. Ban Chấp hành của hai Hội đã được bầu lại và trẻ trung hóa. Cả hai đều có chương trình hành động đầy tham vọng, song nhìn vào giải thưởng và danh sách kết nạp hội viên mới, người ta vẫn chưa thấy những tài năng nổi trội. Những tác phẩm đoạt giải cũng không gây được tiếng vang. Chúng ta đã có những nỗ lực, và vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

VỀ CÁC GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

Cuộc thi Thơ báo Văn nghệ (2019-2020) có hơn 10.000 bài thơ của 3.500 tác giả tham dự, 12 tác giả được trao giải vào sáng 9/4/2021, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Chùm 3 bài thơ: Làm rể, Mẹ tôi chửi kẻ trộm, Nhà dưới nhà trên của Tác giả Tòng Văn Hân được trao giải. Riêng bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm đã gây ra những luồng dư luận trái chiều về việc trao giải. Nếu nhìn vào chất lượng bài thơ, so sánh với 10.000 bài thơ thì người ta phải thất vọng về thơ Việt Nam hiện nay. Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm không thể sánh được với Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đạt giải thơ báo Văn nghệ năm 1969. Trao giải như thế này, Hội Nhà văn tự đánh mất giá trị của mình và làm mất lòng tin của công chúng về các giải thưởng [3].

Cũng có các giải thưởng âm thầm hơn nhưng có thể góp vào đời sống văn học hiện nay đôi điều suy nghĩ. Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ 2 (trao ngày 05/2/2021), dành cho hai nhà thơ Đỗ Nam Cao và Hoàng Vũ Thuật với “Thành tựu trọn đời”. Giải thưởng không có hiện kim chỉ có bằng và tượng đúc đồng do nhà điêu khắc hàng đầu Tạ Quang Bạo sáng tác.

Giải trannhuong.com năm nay (12/2021) trao cho nhà văn Vũ Ngọc Tiến với tiểu thuyết Quỷ Vương và nhà văn Nguyễn Hiếu với tiểu thuyết Con Ngố. Giải này vinh danh các tác giả được người đọc yêu mến! Giá trị của giải thưởng chỉ là tượng trưng (1.000 VND). Nhà nghiên cứu Lai Nguyên Ân nhận xét: “Tôi nghĩ cái giải thưởng, đặt tên trannhuong.com, do một nhà văn, là nhà văn Trần Nhương chủ trì, nó gây một cảm giác thú vị, và một cái gì ngạc nhiên…Những năm gần đây, việc xét các giải [chính thống] đó, nó đang bộc lộ những điều có thể nói là gây dư luận hết sức là không tốt. Người ta thấy là, những người đáng trao giải lại không được đưa vào xét trao giải. Thế rồi, trong việc trao giải, tưởng như là những dịp để vinh danh một cách xứng đáng các văn nghệ sĩ có những đóng góp cho nền văn học, thì nổi lên trong quá trình trao giải lại là cái quyền của bộ máy quan liêu, thao túng cái đời sống văn hóa, văn nghệ. Những cái giải đó, ngay trong khi đang xét, cho thấy là cái bộ máy quan liêu đó lên mặt cửa quyền hơn hẳn, thậm chí át hẳn vai trò của các văn nghệ sĩ xứng đáng được nhận các giải đó…Thành ra, đặt trong không khí ấy, thì những giải thưởng, như kiểu giải thưởng Trần Nhương, có một sức kích thích, để cho dư luận thấy là : Nên nhìn như thế nào về vấn đề giải thưởng đối với các hoạt động nghệ thuật. »[4]

Cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do Báo Nông thôn Ngày nay kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Có 1.256 tác phẩm dự thi (trong đó, có 800 tác phẩm hợp lệ và 456 tác phẩm không hợp lệ). Hội đồng giám khảo gồm các nhà thơ nhà văn: Trần Đăng Khoa, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Tiến Thụy, Lê Minh Khuê, Y Ban.

16 tác phẩm được trao giải (ngày 11/11/2021).

Giải nhất: tác phẩm “Con chú con bác” của Trần Chiến

Giải nhì: tác phẩm “Xóm cồn” của Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh An Thư) và “Cô Sáu Cam” của Lê Ngọc Hạnh

Giải Ba: tác phẩm “Vân tay mắt Phật” (Trần Nhã Thụy); “Trò săn vịt” (Phát Dương) và “Hoa mía” (Ngô Hòa Bình).

Giải Tư: 10 tác phẩm: “Dân cạp đất” (Nguyễn Quốc Trung); “Tắm Tết” (Nguyễn Hiệp); “Cánh diều đã bay lên” (Trần Văn Thước); “Về nhà” (Hoàng Cúc) “Nhỏ mà lớn” (Nguyễn Trí); “Hương bưởi ổi” (Nguyễn Thái Hải)...

Giá trị của giải thưởng khá lớn. 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 20 triệu đồng/giải; 3 giải ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 10 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.

Lướt qua một vài giải thưởng văn học năm 2021 (chưa có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam), người đọc thấy những khuynh hướng và màu sắc khác nhau của giải. Ngoại trừ giải của báo Văn nghệ là giải thưởng Nhà nước, còn lại là 3 giải “tư nhân”, khuynh hướng “xã hội hóa” đã rõ nét. Sức hút của giải có cả hai yếu tố: giá trị tiền thưởng và danh giá. Nhưng chưa giải nào thực sự thu hút được những tài năng vượt trội, chưa giải nào tìm được những tác phẩm có tư tưởng và nghệ thuật mở ra một con đường mới giải phóng sự trì trệ hiện nay. Dù vậy các giải thưởng văn học cũng cho thấy lực lượng những người viết văn phong trào rất đông đảo. Đó là một tiềm năng.

Để giải thưởng văn học có sức thu hút, tôi nghĩ, ngoài điều kiện vất chất, Ban tổ chức cần chọn được một ban giám khảo gồm những nhà văn tài năng, công tâm, có năng lực đọc tác phẩm dưới ánh sáng những tư tưởng tiến bộ và phương pháp khoa học. Cuộc thi phải hướng đến mục đích tìm tài năng, tìm những sáng tạo mới về tư tưởng và nghệ thuật. Tất nhiên cũng nên có những giải phong trào. Có một ban giám khảo uy tín thì những nhà văn tài năng mới yên tâm tham gia cuộc thi. Nhà văn tài năng sẽ không tham gia cuộc thi khi nhìn thấy ban giám khảo là những người “thấp” hơn mình.

NHỮNG GỢN SÓNG

Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 2021 có tạo được chút gợn sóng (người ta tụng ca ông lên mây). Những tranh cãi về ông không còn như ngày xưa khi ông mới xuất hiện. Lúc ấy ông có cách viết lạ, đặc biệt là ở thái độ phủ định phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ra đời, tạo điều kiện cho nhà văn mạnh dạn tìm tòi sáng tạo, không còn bắt buộc nhà văn phải viết theo phương pháp Hiện thục Xã hội chủ nghĩa nữa, các nhà văn trẻ chạy theo Hậu Hiện đại thì Nguyễn Huy Thiệp trở thành quá khứ. Hơn nữa ông chỉ thành công ở truyện ngắn, và ông gây sốc bằng cách chửi thiên hạ, cho nên nếu phải chọn giữa ông Thiện (Nam Cao) và ông Ác (Nguyễn Huy Thiệp) thì người ta có thiện cảm với ông Thiện hơn.

Đã có lúc, một vài người tung hứng “thể thơ 1-2-3”, chỉ vì nó được “khởi xướng” từ nhà thơ Phan Hoàng, người đang có sự “thăng tiến” ngoạn mục, từ Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn và phụ trách trang web vanvn.vn. Thực ra thơ 1-2-3 (6 câu) hay thơ Namkau (thơ 5 câu của nhà thơ Trần Quang Quý); thơ Tứ tuyệt Đường luật (4 câu), hay thơ Haiku (3 câu của Nhật), và cả Lục bát 2 câu, chỉ là hình thức. Tứ tuyệt, Haiku là thơ tư tưởng với những thi luật nghiêm nhặt. Nếu muốn thơ 1-2-3 và thơ Namkau tồn tại được, nó cũng phải có tư tưởng và thi pháp riêng, hơn hẳn Haiku và Tứ tuyệt. Nó còn cần những nhà thơ tài năng khai phá, và được công chúng chấp nhận thì may ra mới có cơ phát triển. Ngay cả thơ Tân Hình thức đã xuất hiện một thời gian dài với những quy tắc thi pháp nghiêm nhặt, đã được nhiều người thử nghiệm, song Tân Hình thức vẫn còn là thể thơ được ít tác giả trong nước sử dụng, và công chúng phổ thông không tiếp cận được. Dù sao những thể nghiệm thơ 1-2-3, thơ Namkau là đáng trân trọng, và công chúng có quyền hy vọng.

Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được thông qua. Tiêu chí của UNESCO là danh nhân được đề cử phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là gương sáng về lòng yêu nước, về tư tưởng nhân nghĩa và về lối sống phục vụ nhân dân (dù bị mù, ông vẫn dạy học, làm nghề thuốc, sáng tác thơ văn chuyên chở đạo lý). Nguyễn Đình Chiểu có uy tín sâu rộng trong nhân dân và với quốc tế.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương tiêu biểu cho tư tưởng bình đẳng giới, cho sự đấu tranh giải phóng phụ nữ, cho những khát vọng nhân văn, cho sự khẳng định những giá trị tự thân. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn học, tư tưởng độc đáo ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rất ít nhà thơ như Hồ Xuân Hương. Vinh danh hai nhà thơ này, Unesco đã là vinh danh những nhà thơ có đời sống, tư tưởng và tác phẩm làm nên những giá trị văn hóa Việt Nam.

Không biết đến bao giờ một nhà văn Việt Nam đương đại lại được Unesco vinh danh!

HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC 2021

Ngày 24/11/2021 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

Nhớ lại, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (Ngày 24/11/1946) chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Nhớ lại, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (Ngày 16 /7/1948), Trường Chinh đọc bản báo cáo Chủ nghĩa Mác – Lên nin và văn hóa Việt Nam, khẳng định: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa làm gốc".

Từ đó, Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác độc tôn của văn học (60 năm) suốt từ 1948 đến 2008 khi có Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư nhắc lại các nghị quyết của Đảng về văn hóa và nhấn mạnh “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội…”. Đồng chí cũng nhắc đến những yếu kém về văn hóa, Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực…”

Với tầm nhìn từ nay cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Tổng bí thư nói đến một cuộc chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”…[5]

Quả thực, đối mặt với những vấn đề văn hóa, văn nghệ hiện nay, chúng ta cần một cuộc “chấn hưng văn hóa”. Hy vọng Ban Chấp hành hội Nhà văn Việt Nam có những chương trình hành động hiệu quả đưa văn học tham gia vào “cuộc chấn hưng” này. Sự nghiệp còn lâu dài.

Cũng cần nhắc tới một cuộc hội thảo. Sáng 15-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay". Có sự tham gia 180 đại biểu với 97 tham luận. Hội thảo đánh giá thực trạng về vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ với 5 vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay:

1. Phòng, chống đại dịch Covid-19;

2. Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc;

3. Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

4. Giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài;

5. Tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.[6]

Ngoài vấn đề phòng chống Covid, những vấn đề còn lại đã được nói đến nhiều lần trong nhiều cuộc hội thảo trước của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định “văn học nghệ thuật luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa-tư tưởng”.

PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ông nhận xét: "35 năm sau đổi mới, văn học nghệ thuật đã đưa ra xã hội quá nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng./ Quá nhiều tác phẩm tầm thường cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật với những biểu hiện chủ yếu xa lánh những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, buông bỏ chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật./ Đã có không ít những tác phẩm truyền bá lối sống vô văn hóa, phản văn hóa, một số tác phẩm truyền bá những tư tưởng độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước".

Nhà phê bình Ngô Thảo đặt điều kiện: “Chúng ta cứ nói văn hóa nghệ thuật quan trọng nhưng thực ra cũng chẳng quan trọng lắm đâu. Vì như cuốn Mối chúa bán lay lắt 1.000 - 2.000 bản.

Muốn phát triển văn hóa văn nghệ thì phải làm sao tất cả học sinh Việt Nam biết cầm đến tờ báo Văn Nghệ, một cuốn sách văn học mà đọc. 11 triệu cán bộ của mình cũng phải đọc sách. 500 đại biểu Quốc hội cũng phải có tủ sách trong nhà, để họ trở thành những người gieo mầm văn hóa. Phải tạo ra nhu cầu lớn về văn hóa thì tiếng nói của văn nghệ mới đi vào cuộc sống và phát triển mạnh mẽ"

Tôi không rõ Ban Chấp hành Hội Nhà văn nghĩ gì về những ý kiến trên. Riêng tôi cũng đã được nghe những ý kiến ấy nhiều lần ở nhiều hội nghị, và có lẽ những ý kiến ấy sẽ còn được nhắc lại nhiều lần nữa, bởi thực tại văn học, thực tại văn hóa vẫn thế, và có cơ xấu đi mà chưa có “thuốc” chữa đúng bệnh. Dù sao gióng lên một lời cảnh báo, nhắc nhở cũng là một điều cần thiết.

***

GIÃ TỪ NĂM CŨ

Dù Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam Và Ban Chấp hành của các Hội VHNT địa phương đã có nhiều nỗ lực và nhiều hoạt động văn học, song đại dịch Covid đang làm cho văn chương 2021 trì trệ, càng trì trệ thêm.

Mọi kế hoạch hành động đang chờ ở phía trước.

Và chúng ta lại tiếp tục hy vọng.

29/12/2021

________________

[1] http://vanvn.net/tin-tuc/thong-bao-hoi-nghi-ban-chap-hanh-hoi-nha-van-viet-nam-lan-thu-hainhiem-ky-2021-2025/43103

[2]https://vanvn.vn/chu-tich-hoi-nha-van-viet-nam-xin-tien-la-viec-nhe-nhang-hon-cac-nhiem-vu-khac/

[3] http://trannhuong.top/tin-tuc-55401/xin-dung-bao-bien-nua%E2%80%A6tho-oi.vhtm

[4] http://trannhuong.net/tin-tuc-55698/dai-rfi-trannhuongcom-giai-doc-lap-dau-tien-o-vn-danh-cho-van-xuoi.vhtm

[5]https://vanvn.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc/

[6] https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/hoi-thao-khoa-hoc-toan-quoc-van-hoc-nghe-thuat-voi-nhung-van-de-quan-trong-cap-thiet-cua-dat-nuoc-hom-nay-680522

https://tuoitre.vn/tranh-luan-ve-trach-nhiem-cua-van-hoc-nghe-thuat-20211215211014934.htm