Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT HƯ HỎNG VỀ THIẾT CHẾ KHOA HỌC

Gs Nguyễn Văn Tuấn
Chủ nhật ngày 2 tháng 1 năm 2022 5:10 PM


Xin trân trọng trích đăng bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Bài viết được ông đăng trên trang Blog cá nhân vào 8h sáng hôm nay, 22/12/2021.

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ông hiện là Giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, Giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney, và Adjunct professor (Giáo sư kiêm nhiệm) dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame.

Ông cũng là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia.

Dưới đây là phần trích của bài báo đó. (Toàn văn bài viết tôi dẫn link ở phần comment dưới stt). Xin cảm ơn Gs Nguyễn Văn Tuấn !

MỘT HƯ HỎNG VỀ THIẾT CHẾ KHOA HỌC

Báo chí của Nhà nước đang và sẽ còn bận rộn khai thác những tình tiết chung quanh “Câu chuyện Việt Á”, nhưng đó chỉ là một trong hàng ngàn hay hàng vạn trường hợp đã và đang xảy ra. Nếu chỉ xoáy vào Việt Á thì e rằng chỉ thấy cây mà không thấy cả khu rừng đã bị hư lâu rồi. Hư về tính minh bạch, về y đức, và thiết chế khoa học. Phải trồng lại rừng thôi.

Câu chuyện Việt Á làm chúng ta sốc là phải. Sốc vì con số quá lớn (hơn 4000 tỉ đồng). Sốc vì con số “lại quả” (mà phải mất một thời gian tôi mới hiểu nghĩa thật của chữ này) tại một tỉnh nghèo. Sốc vì sự yếu ớt về khoa học tính đằng sau một sản phẩm. Sốc vì sự dễ dãi của thiết chế khoa học cấp quốc gia. Sốc vì hậu quả của nó có thể gây tác hại cho hàng triệu người.

Một dạng ‘institutional corruption’

Khi sự việc xảy ra, báo chí và công chúng thường chỉ tay về cá nhân đương sự, và điều này cũng dễ hiểu. Nhưng đương sự chỉ là ‘sản phẩm’ của một hệ thống mà thôi. Vấn đề lớn hơn là lỗi của hệ thống, của thiết chế (institution). Chỉ trích cá nhân có thể đem lại sự hả hê cho vài người, nhưng không giải quyết được vấn đề lớn hơn là lỗi của thiết chế.

Công bằng mà nói tham nhũng ở Việt Nam là một hiện tượng mang tính thiết chế, hay ‘institutional corruption‘. Tham nhũng thiết chế được biểu hiện qua chiến lược gây ảnh hưởng nhằm làm suy giảm năng lực của một thiết chế, và làm xói mòn niềm tin của công chúng vào thiết chế đó. Câu chuyện Việt Á rất phù hợp với định nghĩa này, vì nó làm cho công chúng mất niềm tin vào thiết chế khoa học Việt Nam.

Làm sao một thiết chế khoa học nghiêm chỉnh có thể chấp thuận cho lưu hành một sản phẩm [1] có ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người mà chẳng có mấy nghiên cứu khoa học? Làm sao một thiết chế khoa học cấp quốc gia mà không hiểu tiếng Anh của Tổ chức Y tế Thế giới? Thiết chế đó có vấn đề.

Kém minh bạch

Một trong những vấn đề của cái thiết chế đó là tính minh bạch. Tính minh bạch là tiêu chuẩn số 1 của khoa học. Chúng ta đã thấy quá trình nghiên cứu, xét duyệt và phê chuẩn vaccine chống Covid ra sao. Họ làm nghiên cứu từ lúc nào, công bố ở đâu, và hội đồng xét duyệt gồm những ai. Có cả biên bản thảo luận trong cuộc họp xét duyệt. Sự minh bạch như thế làm cho công chúng tin vào khoa học.

Nhưng ở Việt Nam, công chúng không biết hội đồng khoa học đã thông qua bộ kit của Việt Á gồm những ai và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của họ ra sao. Người ta chỉ nói “Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia“. Người ta không cho biết qui trình xét duyệt của Hội đồng là gì, và cũng không có biên bản. Quan trọng hơn là không có một dữ liệu khoa học nào được công bố để công chúng và giới khoa học có thể thẩm định độ chính xác và độ tin cậy của phương pháp xét nghiệm! Sự thiếu minh bạch như thế làm cho công chúng mất niềm tin vào thiết chế khoa học Việt Nam.

Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam không tận dụng các chuyên gia gốc Việt ở nước ngoài? Ở Úc này, mỗi khi xét duyệt một sản phẩm y tế nào người ta đều mời các chuyên gia nước ngoài tham gia bàn luận hay xin ý kiến của các chuyên gia nước ngoài. Ý tưởng là các chuyên gia nước ngoài thường cho ý kiến độc lập so với các đồng nghiệp trong nước Úc. Việt Nam hay nói đến việc thu hút giới khoa học nước ngoài, nhưng họ chỉ nói cho có nói, chớ trong thực tế thì không làm như họ nói.

“Lại quả”

Tình trạng kém minh bạch trong khoa học mở cánh cửa cho nhiều tiêu cực, và một trong những tiêu cực đó là ‘lại quả’. Có thể nói rằng ‘lại quả’ ở Việt Nam gần như là một nét văn hoá trong khoa học và kinh doanh. Nó là một ‘luật chơi’ mà ai muốn làm cho được việc cũng phải tham gia. Theo thời gian nó trở thành hệ thống hoá. Chính sự hệ thống hoá này làm suy giảm năng lực của thiết chế và làm cho đất nước nghèo hơn.

Ai cũng biết ở Việt Nam ‘lại quả’ là một ‘luật’ trong việc mua thiết bị khoa học đến thuốc men. Có người vui miệng nói là ‘luật giang hồ’. Mua cái gì cũng phải lại quả, chỉ khác biệt là ít hay nhiều, hoặc gián tiếp hay trực tiếp mà thôi. Đây chính là một trong những lí do tại sao thiết bị y tế và thuốc men ở Việt Nam có khi mắc hơn ở nước ngoài. Sự việc này đã diễn ra mấy mươi năm nay rồi, chớ chẳng phải mới. Ấy thế mà cho đến nay cái thiết chế đó vẫn chưa thấy có gì thay đổi tích cực.

Có người nói sẽ không thay đổi được vì vấn đề xuất phát từ thể chế. Có thể như thế, nhưng tôi thấy nó tuỳ thuộc vào lãnh đạo. Câu chuyện chung quanh ‘đấu thầu’ liên quan đến các công ti công nghệ sinh học làm tôi nhớ đến Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Nhiều năm trước khi bắt đầu thiết lập labo nghiên cứu cơ và xương ở TDTU, chúng tôi phải mua máy móc, thiết bị từ các công ti. Hầu như liên lạc với công ti nào người ta đều nói đến hoa hồng với những con số cụ thể. Nhưng chúng tôi nói rằng ở đâu thì không biết, còn ở đây (TDTU này) thì không có chuyện đó. Đó là chánh sách của Đại học mà chúng tôi rất hài lòng. Nếu TDTU làm được thì tại sao những nơi khác không làm được? Có thể người ta không muốn làm?

Câu chuyện Việt Á là một minh chứng cho thấy quan điểm ‘bôi trơn’ của lí thuyết gia Samuel Huntington sai. Trong một bài luận trước đây, Giáo sư Huntington lí giải rằng ở các nước kém phát triển, việc bỏ ra một ít tiền để ‘bôi trơn’ và lách hệ thống hành chánh cồng kềnh để đạt mục tiêu có thể giúp cho guồng máy kinh tế vận hành và phát triển. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta thấy quan điểm này của ông Huntington là sai.

[1] Tháng 3/2020, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đã thông qua kết quả nghiên cứu chế tạo và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kít Real – time RT – PCR one step (test Covid).