Vận nước gắn liền với ba khái niệm: "suy", "đồi" và "vong". "Vong" là hệ quả tất yếu của "suy" và "đồi".
- Vận nước khi thịnh, lúc suy là quy luât. Trong mỗi triều đại thường chỉ thịnh ở mấy đời vua đầu. Họ xả thân để để bảo vệ giang sơn, củng cố, chấn hưng đất nước bằng chiêu hiền đãi sĩ và ban hành chính sách thân dân, nhờ thế quốc gia hùng mạnh. Như hai triều Lý, Trần đã đưa Đại Việt đến chói lọi vinh quang. Nhưng đến các đời vua sau ngày càng hèn kém, nhất là những người không được rèn luyện thử thách, chưa từng đổ xương máu bởi đao kiếm hay bom đạn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cống hiến cho Đất nước chẳng có gì nhưng tham vọng của họ lại quá lớn nên rất dễ thoái hóa biến chất, suy đồi về đạo đức, sống sa hoa hưởng lạc khiến triều đình thối nát, phe cánh đấu đá nhau giành quyền lực làm cho kỷ cương phép nước rệu rã, mất niềm tin của thần dân.
- Thịnh, suy do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên nguyên nhân chủ quan đặc biệt quan trọng. Có xác lập và duy trì được việc quản lý, điều hành đất nước bằng sự nghiêm minh của pháp luật hay không là yếu tố quyết định "suy" hay "thịnh". Pháp luật nghiêm và đặc biệt những người thực thi pháp luật nghiêm thì nước "thịnh" và ngược lại thì nước "suy".
Đối nội đối ngoại đều lúng túng bế tắc, kinh tế (đặc biệt kinh tế vĩ mô) không ổn định bền vững, nợ công quá lớn, nguồn dự trữ quốc gia cạn kiệt, năng lực cạnh tranh yếu, lợi ích phe nhóm chi phối, sản xuất ngưng trệ, thất nghiệp tăng, đời sống khó khăn, khoảng cách giầu nghèo lớn, lòng tin của dân với bộ máy công quyền giảm, bất công ngày càng trầm trọng, mâu thuẫn xã hội gay gắt, xung đột luôn có xu hướng bùng phát, giặc ngoại bang lợi dụng tình thế lăm le đe dọa…
Đó chính là biểu hiện của "suy".
- Cùng với "suy" là "đồi". Khi những người nắm rường cột xã tắc từ thượng đỉnh trở xuống thoái hóa biến chất, đánh mất lý tưởng cao đẹp, tự cao tự đại, độc đoán chuyên quyền, chà đạp dân chủ, bất chấp pháp luật, đặt lợi ích cá nhân, băng nhóm trên lợi ích quốc gia, củng cố quyền lực bằng tập hợp phe cánh, đe dọa đàn áp tàn sát lương dân, coi bộ máy công quyền là của mình, coi cấp dưới là thần quan riêng, vơ vét tiền của nhà nước làm giàu bất chính, sống phè phỡn trong biệt phủ, dùng mọi thủ đoạn nham hiểm hãm hại trung thần, hệ thống tư pháp rệu rã, xuống cấp, chồng chất án oan sai khiến bộ máy công quyền suy giảm cả hiệu lực hiệu quả, lòng dân oán hận. Đạo đức xuống cấp, trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, sĩ phu quay mặt đi trước vận mệnh quốc gia, nạn dối trá, lừa đảo, trộm cướp hoành hành, người ngay sợ kẻ gian…
Đó chính là biểu hiện của "đồi".
Phải nhìn nhận và giải quyết cách nào với "suy" và "đồi" để không dẫn đến "vong"? Đó là đại sự đặt ra cho mọi quốc gia, mọi thời đại.
Lịch sử nước ta đã có không ít bài học:
- Cuối triều tiền Tiền Lê "suy" và "đồi". Lê Long Đĩnh, con trai út Lê Hoàn tàn ác bất nhân giết anh (Lê Long Việt) cướp ngôi, tham lam, trác táng vô độ nên mắc bệnh nan y phải nằm liệt (người dân gọi là Lê Ngọa Triều), mới 24 tuổi đã chết. Triều chính thối nát, lương dân lầm than cực khổ, oán hận ngút trời.
- Trước vận nước như thế các quan đại triều trong Hoàng tộc đã đặt sự tồn vong của xã tắc trên hết sẵn sàng bỏ qua quy định cha truyền con nối của thể chế phong kiến, đồng tâm nhất trí tiến cử và tôn Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn, một người giàu đức tài đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước lên ngôi vua.
- Bằng sự sáng suốt và trách nhiệm cao với quốc gia, Hoàng tộc nhà Tiền Lê đã tự nguyện hy sinh đặc quyền đặc lợi cứu xã tắc thóat "vong". Để rồi dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Lý Công Uẩn nước ta trở nên hùng mạnh.
- Nhưng cũng chỉ được bốn vị vua đầu. Càng cuối triều, vua quan sống sa đọa, cung đình mục nát. Đến đời Lý Huệ Tông bị trọng bệnh phải nhường ngôi cho con gái là Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) mới 8 tuổi. Thiên tai mất mùa, dịch bệnh liên tiếp, nạn tham quan ô lại hoành hành, dân tình cực khổ, cướp loạn khắp nơi. Đại quân Mông - Nguyên áp sát biên giới. Đất nước trên đà suy sụp. Nguy cơ giặc Tàu xâm lược rất khó tránh khỏi.
- Trong bối cảnh ấy Trần Thủ Độ cùng các đại quan họ Trần như Trần Tự Khánh, Trần Thừa... thấy rằng nếu để nhà Lý nắm triều chính thì nhất định Đại Việt sẽ đắm chìm trong lầm than nô lệ. Bằng đẳng cấp chính trị siêu phàm ông vận động Lý Chiêu Hoàng từ bỏ ngôi báu. Đặt sự tồn vong của quốc gia trên hết. Lý Chiêu hoàng không tham quyền cố vị sẵn sàng hạ chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, thực hiện cuộc bàn giao lịch sử hợp quy luật, không đổ máu để nhà Trần thay nhà Lý. Nhờ thế đất nước thoát "vong" mau chóng trở nên siêu cường, ba lần đánh tan giặc Mông - Nguyên xâm lược.
- Thế kỷ 14 nhà Trần "suy", "đồi" thối nát. Vua Trần Thiếu Đế mới ba tuổi không đủ tài đức quản lý điều hành quốc gia. Đất nước đứng trước bờ vự thẳm. Hồ Quý Ly thực tâm cũng muốn chấn hưng đất nước, mong xã tắc thoát "vong". Tuy nhiên do hạn chế bởi đẳng cấp chính trị, ấu trĩ về mưu lược, không cần thiết nhưng Hồ Quý Ly vẫn lạm dụng bạo lực để thay đổi thể chế. Ông ta lộng quyền át vua, độc tài, độc đoán, tập hợp phe cánh tiến hành cuộc đảo chính lật đổ nhà Trần, thẳng tay tàn sát 370 tướng lĩnh và tôn thất nhà Trần cùng những người bất đồng chính kiến. Hành động bất nhân vô đạo của Hồ Qúy Ly khiến cả đất trời và lòng dân oán hận. Ông ta không biết rằng bản chất của người Việt, truyền thống đạo đức của người Việt là lòng nhân ái căm ghét sự tàn ác. Vì thế chỉ cầm quyền chưa được bẩy năm giặc Minh (Trung Quốc) cất quân sang xâm lược với khẩu hiệu "Phù Trần diệt Hồ". Không được nhân dân ủng hộ, nhà Hồ bất lực, đất nước lâm vòng nô lệ.
- Bài học rút ra từ nhà Hồ là do thiếu sáng suốt cố tình giải quyết "suy" và "đồi" bằng bạo lực nên "vong". Bạo lực giống con dao hai lưỡi, sinh đấy và tử cũng đấy. Bởi thế cần tránh lạm dụng bạo lực khi không cần thiết. "Đem dao mổ trâu cắt tiết gà" sẽ lợi bất cập hại. Trong xã hội bất hòa là chuyện bình thường. Không nên đẩy bất hòa thành bất đồng. Không đẩy bất đồng thành mâu thuẫn. Không đẩy mâu thuẫn thành xung đột. Càng không nên lạm dụng bạo lực để giải quyết xung đột.
- Chỉ sử dụng bạo lực nhằm phục vụ mục đích chính nghĩa vi nước vì dân, đúng luật, hợp đạo, đúng lúc, đúng cách, đúng xu thế phát triển của lịch sử mới thành công.
Điều đó được chứng minh qua cuộc Cách mạng Tháng tám năm 1945...
- Cuối triều Nguyễn Gia Long, đời Bảo Đại (1945) triều đình thối nát, tham quan ô lại tác quái, ngân khố cạn kiệt, thiên tai mất mùa, hơn hai triệu người chết đói, khắp nơi loạn lạc, giặc Pháp, giặc Nhật, giặc Tầu giày xéo. Đất nước tận cùng của sự suy sụp.
- Trước bối cảnh triều Nguyễn "suy", "đồi" cùng cực, đặc biệt không chỉ có yếu tố trong nước mà đang bị ít nhất ba kẻ thù ngoại bang xâm lược, bởi thế rất cần phải sử dụng bạo lực để giải quyết xung đột. Đảng Lao Động Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bằng đường lối chính trị đúng đắn với mục tiêu: "Tổ quốc trên hết", bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xây dựng nước Việt Nam - Dân chủ - Cộng hòa - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc rất hợp quy luật, hợp lòng dân. Nhờ thế đã quy tụ được mọi tầng lớp xã hội tạo sức mạnh vô địch đánh đuổi bọn xâm lược ra khỏi giang sơn và xác lập chính quyền nhân dân, thực hiện thể chế chính trị mới, cứu đất nước thoát "vong".
* Rõ ràng "suy", "đồi" là điều hiển nhiên ở mỗi quốc gia. Quan trọng là nhìn nhận và giải quyết thế nào để thoát "suy", khỏi "đồi", tránh "vong" thì mới mong đạt thịnh.
- Bất kỳ thời nào dù bọn gian hùng, phi nghĩa bất chính, thoái hóa biến chất có hoành hành đến đâu, dù nhất thời chúng có tìm mọi cách ngụy tạo để dễ dàng làm mưa làm gió thì cuối cùng cũng thất bại. Chính nghĩa dù có phải đương đầu với biết bao thử thách hiểm nguy nhưng nhất định chiến thắng.
Bởi chính thắng tà luôn là quy luật.
Với tinh thần ấy, chúng ta hãy dũng cảm "nhìn thẳng vào sự thật", tuyệt đối không tự huyền thoại mình, phải chân thành khiêm tốn cầu thị như tinh thần chỉ đạo của Đảng thể hiện trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 (1986) - Một Đại hội có ý nghĩa xoay chuyển lịch sử theo xu hướng tích cực bằng cuộc đổi mới cả tư duy và hành động.
- Thực tế cũng chứng minh dù bất kỳ hoàn cảnh nào thì các yếu tố, nhân tố và sức mạnh tích cực vẫn luôn tiềm ẩn, nếu biết thức thời không kiên định lập trường bảo thủ, quyết loại bỏ những gì đã lỗi thời lạc hậu, tìm cách phát động, tập hợp, tổ chức thực hiện đổi mới toàn diện, triệt để thì dù có "suy" và "đồi" cũng nhất định thoát "vong" để đạt thịnh. Hãy thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý". (Hồ Chí Minh toàn tập).
- Theo gương tiền nhân và kinh nghiệm các triều đại trước trong lịch sử dân tộc Đảng và Nhà nước nên rà soát lại các chủ trương, chính sách, các văn bản đã ban hành nếu vi phạm quyền dân chủ chính đáng, trước hết dân chủ trong Đảng đồng thời dân chủ trong nhân dân. Đặc biệt các chủ trương, chính sách, các văn bản mang tính đặc quyền đặc lợi, ưu tiên ưu đãi quá mức thậm chí bất công cả vật chất và quyền lực thì phải kiên quyết sửa đổi, hoặc bãi bỏ ngay theo phương châm: "Cán bộ đảng viên khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Việc này chắc chắn sẽ vấp không ít phản ứng, thậm chí phản ứng quyết liệt của tầng lớp được hưởng đặc quền đặc lợi nhưng nhất định phải làm. Bởi cán bộ đảng viên là tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh anh dũng, cống hiến to lớn, sẵn sàng sả thân vì Tổ quốc; phải là tấm gương về đạo đức trong sáng không tỳ vết; nhân cách cao trọng không hoen ố; lối sống bình dị chuẩn mực đúng đạo, hợp đời và bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác.
- Ở ta quản lý điều hành đất nước theo chế độ độc Đảng. Đảng lãnh đạo "tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện" bởi thế đòi hỏi Đảng cũng phải trong sạch "tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện". Muốn vậy công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng càng phải thực hiện "tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện". Mà phải làm thường xuyên và quyết liệt không có vùng cấm, vùng tránh. Không chịu ảnh nhưởng hoặc chi phối bởi bất cứ thế lực nào cả trong và ngoài nước. Phải loại bỏ ngay những ung nhọt, những bộ phận đã hoại tử trong cơ thể Đảng. Nếu không Đảng sẽ suy. Đảng suy kéo theo vận nước suy. Bác Hồ luôn nhắc nhủ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. (Di Chúc - 1969). Bác cũng dạy: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. (Sửa đổi lối làm việc - Hồ Chí Minh toàn tập).
Vận nước đang đứng trước biết bao thủ thách khắc nghiệt. Phải đối phó và phải chiến thắng cả thù trong, giặc ngoài.
Nhân dân luôn trông chờ, hy vọng, đặt niềm tin vào kết quả công cuộc chỉnh đốn xây dựng Đảng và chủ trương đổi mới toàn diện Đất nước.
- Tuy nhiên, như Bác Hồ đã dạy: "Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng". Bởi thế nhiệm vụ chỉnh đốn xây dựng Đảng cũng như việc thực hiện mọi chủ trương đường lối của Đảng không chỉ là công việc của Đảng, chỉ Đảng lo. Nếu ai đó nói rằng việc quốc gia đại sự đã có Đảng và Nhà nước lo là trái với tư tưởng của Bác Hồ, là chống Đảng phải nghiêm trị.
Mọi việc Đảng phải dựa vào dân để dân cùng lo, cùng tham gia tổ chức thực hiện. "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Được vậy thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để đưa quốc gia đến cường thịnh..