1. Nền thơ độc lập- Mục tiêu của sự cách tân
Như nhiều lần tôi khẳng định. Một trong những nguyên tắc cơ bản của thơ là vần. Do ngôn ngữ nứơc ta với sáu ngữ điệu dễ tạo ra vần. Vì vậy thơ- một thể loại của mọi nền văn chương – phát triển nhanh và mạnh nhất ở nền văn chương nứơc ta. Cứ xem bốn thú chơi thanh tao, thời thượng một thời thì thơ đứng thứ ba trong hàng cầm, kì, thi, hoạ.
Sau nghìn năm Bắc thuộc dường như Việt ta chưa có văn học thành văn. Tiếp liền 9 thế kỉ sau. Văn học thành văn của ta ra đời nhưng thể hiện bằng chữ Hán. Nhưng ngay cả khi dùng văn tự nứơc ngoài thì cái hồn cốt của người Việt ta vẫn thấm đậm mỗi trang văn, mỗi câu thơ.
Riêng thơ mặc dù bị trói buộc trong khuôn mẫu văn tự, văn hoá, luật thơ xứ người nhưng thơ nứơc ta đã bắt đầu cựa quậy để vượt ra hàng rào văn tự từ phương Bắc tới.
Tiện đây cũng xin trình bầy suy nghĩ cá nhân của tôi về các thể thơ thất ngôn bát cú và cả biến thể của nó là thất ngôn tứ tuyệt là đặc sản cổ Trung Quốc đến thời Đường- giai đoạn thịnh trị của phong kiến Trung Quốc thì được thể chể hoá về niêm luật, chính là hình bóng, sự điển hình hoá, thi pháp trật tự hệ thống một xã hội được bảo vệ bằng các giới thuyết tiêu biểu của chế độ phong kiến đề cao trật tự, cơ cấu xã hội với tam cương ngũ thường, trung quân. Cũng như thơ Hai cư 17 âm tiết của Nhật Bản là đặc sản của thế kỉ 17 thời Edo- Mạc phủ trong đó là sự thắng thế thực chất về quyền lực xã hội thuộc về tầng lớp võ sĩ đạo còn Thiên hoàng chỉ là bù nhìn. Vì thế thơ Hai cư mới đầu nặng về trào phúng dần dần chuyển sang âm hưởng lắng tịnh của thiền tông. Cũng như thể lục bát của ta là bóng hình của kinh tế văn minh lúa nước là vậy. Mỗi một thể thơ ra đời đều bắt nguồn từ thể chế, hoàn cảnh xã hội mà nhà thơ chỉ sao chép, thực hiện và nâng cao lên chứ không thể tuỳ tiện bịa đặt, sáng chế.
Song giữa điệp trùng các bài thơ theo niêm luật tứ tuyệt, thất ngôn bát cú vẫn chồi ra những tác phẩm thuần Việt trong vỏ áo chữ Hán của Trương Hán Siêu, Nguyễn Huy Lượng, hịch văn đầy hùng khí của Trần Quốc Tuấn…là những kiệt tác văn chương không chỉ ghi đậm chiến tích lịch sử của cha ông, mà xét về góc độ kĩ thuật thi ca thì cần ghi nhận, đây là những cách tân ban đầu có sức ảnh hưởng sâu đậm lâu dài trong tiến trình phát triển của thi ca Việt.
Khi chữ nôm xuất hiện thì bên cạnh những ánh hùng văn trong khuôn khổ chữ Hán như Bình Ngô đại cáo thì thơ nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và sau này của Hồ Xuân Hương và nhất là Nguyễn Du với danh tác Kiều ..,Lại tạo thêm một dấu mốc trong quá trình tìm đến sự độc lập cho nền thi ca thuần Việt, thêm một lần khẳng định sự phát triển mạnh mẽ có tính cách tân lớn của nền thơ Việt nam.
Tuy vẫn bị giam mình trong thể thơ thất ngôn bát cú xứ người nhưng khi viết bằng chữ Nôm. Mặc dù Thi hào Nguyễn Trãi vẫn tuân theo niêm luật, thậm chí cả cảm hứng kinh điển thường thấy trong thơ chữ Hán về rượu, về thông, về đạo quân tử về tứ thời bát tiết, tức cảnh sinh tình… nhưng ngôn từ thuần nôm ở các sáng tác này cùng những vụt loé ra những câu thơ sáu chữ đột ngột về hình thức không khác mấy cách cắt câu đầy vẻ hậu hiện đại, siêu thực hiện nay đã minh chứng một mục đích cách tân lớn để tìm về sự độc lập của thơ Việt ở Nguyễn Trãi. Xin lấy bài “thuật hứng 16 “ làm ví dụ:
Già chơi dẫu có của nọ dùng
Chén rượu câu thơ ấy hứng nồng
Ngỏ tênh hênh nằm cửa trúc
Say lểu đểu đứng đường thông .
Nếu tính khi Nguyễn Trãi mất ( 1380- 1442) so với giai đoạn Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra và sáng tác ( 1491-1585) thì hơn nửa thế kỉ sau thơ nôm của Bạch Vân Cư Sĩ lại càng được Việt hoá và sự phá luật thơ Đường lại càng tung hoành hơn.
Giàu làm chị khó làm em
Giàu chớ kiêu căng khó chớ hiềm
Dưới biết kính trên, trên dán dưới
Ấy nhà còn thịnh phúc còn thêm ( bài số 98)
Còn trong Kiều thì chữ nôm càng có điều kiện thể hiện sức mạnh của tiếng Việt ở gần ba nghìn câu lục bát của thi hào họ Nguyễn vì đã mang được, hút được tinh tuý của thi ca truyền miệng dân gian thông qua ca dao, tục ngữ….
…Vì ai rụng cải rơi kim
Để con bèo nổi, mây chìm vì ai
Lời con dặn lại một, hai
Dẫu mòn bia đá dám sai tấc lòng…( Kiều)
Sự đổi mới, cải tiến thơ Việt nam thoát khỏi chữ Hán để trở thành một nền thi ca độc lập kéo dài hàng chục thế kỉ còn có ý nghĩa về mặt tư tưởng, lịch sử trên đường tìm đến độc lập, chủ quyền dân tộc. Nó chứa đựng những sự thay đổi cơ bản mà ngay nền thi ca hiện đại tính từ đầu thế kỉ 20 cho đến nay chưa có được. Mặc dù do bản chất của sự tiệm tiến, sự vận động của một nền thơ, do dấu ấn tài năng của không ít các thi nhân, thơ nứơc ta vẫn đang trong sự tìm đường để tồn tại, đi tới.
Đổi mới, cách tân liên tục
Nền thi ca dân tộc phải trải qua hàng chục thế kỉ mới có được thơ nôm hay nói chuẩn hơn là thơ thuần Việt của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, … Còn để có nền thơ quốc ngữ với trùng trùng các nhà thơ như hôm nay thì chúng ta chỉ mất trên dưới một thế kỉ.
Nếu tính từ khi tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời vào năm 1865 ở Sài Gòn thì chỉ 47 năm sau khi Tản Đà vác lều chõng đi thi chữ Hán cũng là lúc trong ông đã xuất hiện thi hứng mang mầm mống của thi ca hiện đại khi ông cho in thi phẩm Vịnh cánh hoa đào, xem cô chài đánh cá, nhớ chị hàng cau…và nhất là thề non nứoc. Vào năm 1916 ông đã cho in thi phẩm Khối tình con 2 với hàng lọat bài thơ theo thể tự do như Tống biệt, tâm sự nàng Mỵ Ê.. Năm 1920 ông cho in Cảm thu , Tiễn thu …Từ đó có thể khẳng định chính Tản Đà mới là nhà thơ đầu tiên trong giai đoạn hiện đại có công đổi mới thi ca Việt nam. Hoàn toàn thoát khỏi các loại thể thơ phương Bắc, tiệm cận với thi ca thế giới, tạo ra nền tảng cho dòng thơ mới sau này với các đại diện kiệt xuất như Phan Khôi, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên….
Đọc kĩ các thi phẩm của các đại diện cho nền thơ mới này như Điêu tàn, thơ thơ, mấy vần thơ …sẽ thấy tuy xuất hiện chưa bao lâu, người đọc thế hệ sau vẫn nhận ra lối mòn của cách đặt câu, của các cảm xúc.. của các nhà thơ thế hệ đó đã xuất hiện, đó là không kể đến sự ảnh hưởng, tây hoá trong cảm xúc ( bài “tiếng thu” của Lưu Trọng Lư thoát thai từ sự ảnh hưởng dòng thơ lãng mạn Pháp mà đại diện kiệt xúât là La mác tin). Cách đặt câu kiểu như “hơn một loài hoa đã lìa cành…”, của các nhà thơ đa phần thạo tiếng Pháp đã tạo ra những phản ứng dù ít hay nhiều.
Phản ứng trước sự tây hoá trong thi pháp đã làm xuất hiện một cách thầm lặng trong dòng thơ quay về với cảm xúc, cách biểu hiện của thơ thuần Việt. Tiêu biểu cho dòng thơ này là thi phẩm của Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ và nhất là lục bát của Nguyễn Bính…Một sắc thái gọi là phản ứng cũng được hay là sự cải tiến hoặc cao hơn là sự cách tân của nhóm Xuân thu nhã tập mà có thời bị không ít búa rìu của các nhà phê bình nông cạn, a dua gọi là dòng thơ tắc tị. Câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Xuân Xanh thường được dẫn ra để minh hoạ cho sự phê phán theo lối bầy đàn là “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Theo tôi đây là một câu thơ hay. Nó hay vì sự lạ, vì sự vô thức và đa nghĩa trong ngôn từ được kết cấu nên một câu thơ. Người đọc có thể tuỳ trạng thái tâm lý, hoàn cảnh của mình để hiểu nghĩa câu thơ. Điều tôi vừa nói trên chính là phẩm chất của bài thơ hay. Cú pháp của câu thơ này gần giống cách đặt câu đảo chữ, đảo cú pháp, đảo tác dụng các loại từ trong ca từ mà có thể xem là những câu thơ hay của nhạc sĩ vĩ đại Trịnh Công Sơn sau này….
Sự cải tiến lần một của thi ca Việt nam hiện đại đang chuyển động thì cuộc chiến tranh vệ quốc lần thứ nhất, rồi chỉ gần một chục năm hoà bình thì cuộc chiến vệ quốc lần thứ hai lại xẩy ra. Mục tiêu nghệ thuật lúc đó là tập trung vào phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc chống xâm lăng. Trình độ nhân dân ta kể cả những người lính ra trận lúc đó có thể nói là chưa cao.
Không phải bỗng nhiên trong hai cuộc chiến tranh những bài thơ mang chất tự sự- kể lại một câu chuyện bằng thứ ngôn ngữ bình dân- lại được ưa chuộng. Mặc dù có bài bị phê phán kịch liệt nhưng nó vẫn âm thầm đi vào lòng quần chúng. Đó là ”màu tím hoa xim”( Hữu Loan). “Núi đôi”( Vũ Cao), “quê hương” (Giang Nam).”Hương thầm”( Phan Thị Thanh Nhàn)….Xét về nghệ thuật những bài này là kế tục cách kể của truyện nôm khuyết danh và ít nhiều cũng nằm trong dòng của một cuốn tiểu thuyết bằng thơ khá ăn khách của người đọc bình dân Hà Nội hồi đó là “đồi thông hai mộ”.
Trong bốn bài thơ này thì chỉ có hai bài của Hữu Loan và Phan Thị Thanh Nhàn được phổ nhạc và thật sự trở thành những ca khúc tâm tình của những người lính- thanh niên bình dân ra trận lúc đó. Xét về mặt nghệ thuật, bốn bài thơ mang hai yếu tự sự ( chuyện kể)- trữ tình này không đặc sắc nhưng trong chừng mực nhất định nó thoả mãn nhu cầu của một tầng lớp bạn đọc lúc đó. Phần khác nó được đôi cánh âm nhạc nâng lên đã khiến các thi phẩm này nổi tiếng vì đi được vào lòng người một thủa. Nhưng cũng phải nói, loại thơ tự sự- trữ tình mà bốn bài tiêu biểu tôi vừa kể trên cùng cách viết thơ trữ tình một thời là đơn nghĩa và đơn điệu tiêu biểu là thơ Tố Hữu đã làm chùng lại những nỗ lực bức thiết trong sự đổi mới của thi ca Việt Nam.